Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Giữ gìn hơi thở văn hóa đô thị: Ngày hôm qua ở đâu?

Giữ gìn hơi thở văn hóa đô thị: Ngày hôm qua ở đâu?

Viết email In

Tiếp nối quan điểm giữ gìn hơi thở văn hóa cho đô thị về mặt quy hoạch - kiến trúc chính là thiết kế công năng tiếp diễn, cần xác lập hệ thống khung giá trị để tránh tình trạng xâm hại di tích, đập bỏ công trình với lý do “chưa đủ cơ chế, chưa thấy xếp hạng di tích”.

Thực ra ngay tại các nước phát triển có kinh nghiệm về bảo tồn cũng gặp phải tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Vấn đề nằm ở chỗ, cái “chuồng” của họ không chỉ đóng khung trong phạm vi để “nhốt con bò”, đó là tổng thể các hệ chuẩn mực về ứng xứ văn hóa và chế tài đủ mạnh để mỗi câu chuyện về ngày hôm qua đều tiếp nối trong ngày hôm nay thật rõ ràng, minh bạch và hấp dẫn.

Từ ngàn xưa, dù cây đa-sân đình-bến nước đã là một phần trái tim của người Việt Nam, dù việc mải mê chạy theo giá trị vật chất phương Tây bị lên án, thì ở thời hiện đại, chúng ta dần phải có cái nhìn rộng mở hơn về quan điểm này.

Khi đô thị hóa hầu như là một quy trình không thể đảo ngược, cho dù thế giới đang ra sức kêu gọi bảo vệ môi trường, trả lại mảng xanh… thì câu chuyện hoài nhớ không gian “cây đa-bến nước-sân đình” sẽ trở nên ngô nghê, khập khễnh trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Nói cách khác, việc quy hoạch-kiến tạo không gian công cộng hiện đại cần tìm kiếm, tạo dựng, phát triển những “cây đa-bến nước-sân đình” theo kiểu mới, hài hòa với xã hội trong thời đại mới, chứ không thể phục dựng những phiên chợ quê, đường hoa ngày tết theo hình thức thời vụ là xong.


Khu trung tâm của Luxembourg không nhất thiết phải có những công trình nổi tiếng, cổ xưa hay đặc sắc. Chính quyền bảo tồn toàn bộ “không khí” của những ngôi nhà và hoạt động sinh hoạt nơi đây vẫn bình lặng như hàng thế kỷ trước.

Tại Paris, khu Bercy cũng gặp tình trạng tương tự khi trước thời kỳ tái quy hoạch là những kho tích trữ và bán rượu với mật độ dày đặc. Tuy nhiên, cùng với quá trình tái quy hoạch và đô thị hóa ở Paris, những công trình này đã được phá bỏ và di dời, nhường chỗ cho các công trình văn hóa (sân vận động, khu rạp phim và bảo tàng cinemathèque), chính trị (bộ tài chính) và không gian xanh (công viên Bercy).

Tuy vậy, để giữ lại một phần ký ức của khu vực này, một thời là cảng rượu nức tiếng, năm 2001, chính quyền Paris đã cải tạo lại Entrepot Des Vins, chợ rượu, đồng thời là di sản có giá trị nhất về mặt kiến trúc và lịch sử lúc bấy giờ thành một ngôi làng thương mại, ẩm thực rất nổi tiếng, đặc biệt là trong lễ Giáng sinh.

Dấu ấn ký ức, mai một và xen cấy

Quay lại thuần túy dưới góc độ định nghĩa về bản chất, khoan nói tới các ý nghĩa cao xa, không gian công cộng (KGCC) đơn giản là nơi sinh hoạt chung cho tất cả (hoặc được một nhóm đa số cư dân đồng thuận) trong một khu vực dân cư. Giống như trong mỗi ngôi nhà có nơi sinh hoạt chung đi cùng phòng riêng để hình thành một chốn cư ngụ, KGCC gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của điểm dân cư đó, cho dù luôn có nhiều biến động lịch sử-kinh tế-xã hội chủ quan hay khách quan khiến KGCC đó thịnh hay suy.

Như những bộ phim miền Viễn Tây, các thị trấn thuở sơ khai của nước Mỹ thường có một trục đường, và điểm kết thúc thường là một nhà thờ, dọc theo đó là hàng quán, cửa tiệm. Nhưng cũng dễ thấy khi các cơn sốt đào vàng lắng xuống thì những thị trấn kiểu con đường trục giữa-quán rượu-nhà trọ cho dân cowboy… mau chóng bị quên lãng.

Ở Việt Nam, đa số làng quê Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc bộ hình thành cùng với lõi KGCC là đình làng. Tiến trình mở rộng không gian cư trú, kiến tạo đất mới và Nam tiến với sự thay đổi dần về cảnh sắc, khí hậu, phong tục, tập quán, nếp sống cũng khiến mái đình truyền thống miền Bắc khi “di cư” vào miền Trung và Nam bộ cũng dần biến đổi, thậm chí biến mất.

Thực ra, sinh hoạt công cộng có thể mai một nhưng không mất đi, mà biến chuyển theo thời gian, không gian cụ thể. Cho nên KGCC không dừng lại ở một cấu trúc với chiều dài-rộng-cao có thể đo đếm bằng số liệu, mà đã hòa trộn và biến đổi với sự phát triển các hoạt động văn hóa-đời sống, để từ đó định hình nên yếu tố gọi là bản sắc của một nơi chốn.


Lớp mặt cắt qua các giai đoạn 1790-1835 của phố đi bộ Nguyễn Huệ thể hiện sự biến đổi về mặt xã hội làm thay đổi diện mạo, hình thành một lối sống mới và dẫn đến sự mai một của bản sắc cũ.

Khi đã là dấu ấn văn hóa, KGCC thậm chí trở thành ký ức khó phai nhạt, mang tính “thương hiệu” cho mỗi dân tộc. Nhắc đến Pháp, không ai không biết đến Khải Hoàn Môn hay Tháp Eiffel… Còn hình ảnh gắn liền tâm thức người Việt từ Bắc chí Nam có thể là Khuê Văn Các, chùa Một Cột, rồi sau này là Ngọ Môn Huế hay chợ Bến Thành...

Ngoài những công trình cụ thể trở nên biểu tượng, KGCC trong lòng mọi người còn đọng lại ở những  cây đa, sân đình, bến nước và chợ truyền thống, những nơi chốn có thể không nổi danh xa nhưng gắn bó gần, không đẹp rạng ngời nhưng hữu ích, quen thuộc.

Chợ Bến Thành thập niên 70 từng được nằm trong dự án tính toán xây mới hoàn toàn rất hiện đại nhưng sau cùng không thể tiến hành, bởi người dân và tiểu thương trong chợ không chấp nhận xóa bỏ hình ảnh ngôi chợ cũ. Nhiều chính quyền và nhà đầu tư đã từng “không thể hiểu nổi” vì sao cư dân quyết khăng khăng ưa thích chợ cũ hơn trung tâm thương mại mới, cứ khoái khu nhà trong hẻm ngoắt ngoéo hơn là nơi đại lộ thênh thang, và câu trả lời luôn ít nhiều gắn với cụm từ “tâm thức nơi chốn”.

Xã hội càng phát triển thì KGCC càng phải “gồng gánh” thêm rất nhiều hoạt động đan xen phức tạp, đòi hỏi sự biến hoá giữa quá khứ-hiện tại-tương lai, linh hoạt và đa dạng hơn. Chẳng hạn như Trung tâm văn hóa Pompidou giữa lòng Paris, một dự án khởi động năm 1977 đến nay tuy mới trên 40 năm tuổi nhưng thế giới đều thừa nhận đã trở thành một dạng “di sản mới”, được “xen cấy” kiểu công nghiệp cơ khí, kiểu kiến trúc Hi-Tech vào ngay trung tâm thuần túy cổ điển của Paris! Vấn đề rất khó định lượng và định tính ở đây cũng là câu hỏi: xen cấy, tạo ra công trình mới như thế nào là vừa, như thế nào sẽ quá lố, phá vỡ cảnh quan và không gian đô thị?

Không gian công cộng Việt Nam nhìn từ phố đi bộ

Vì vậy, việc thiết kế KGCC sao cho hiệu quả mà không gây xung đột về xã hội và nhân văn là một bài toán khó, ngay cả với một đất nước có bề dày lịch sử văn hóa như Pháp. Quảng trường Republique ở Paris cũng có sự thay đổi diện mạo kể từ khi hình thành cũng chỉ để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng thời kỳ. Thế nhưng, bức tượng biểu tượng cho tinh thần tự do, bác ái, bình đẳng của người Pháp vẫn được giữ lại theo dòng thời gian.

Còn ở Việt Nam, phố đi bộ Nguyễn Huệ cũng là một trục KGCC có sự biến đổi liên tục thông qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, KGCC này vẫn đang loay hoay tìm kiếm cho mình một bản sắc, vì những dấu ấn lịch sử ở đây đang ngày càng phai mờ bởi quá trình đô thị hóa.


Quảng trường Republique Pháp giai đoạn 1879-2013 cho thấy cấu trúc giống khu Nguyễn Huệ quận 1, TP.HCM. Khi không còn tổ chức giao thông, hai phần KGCC liên kết thành quảng trường rộng cho nhiều hoạt động đa dạng.

Câu chuyện bản sắc nơi chốn ở phố Nguyễn Huệ chỉ là một ví dụ điển hình cho hiện trạng phát triển chung KGCC ở Việt Nam ta hiện nay. Hà Nội trong những năm tới sắp mở rộng vùng phụ cận của khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Tương tự, trong lòng Sài Gòn - TP.HCM, dự án mở rộng phố đi bộ Nguyễn Huệ lan ra các trục đường Lê Lợi, Đồng Khởi… đang manh nha khởi động. Dù mang mục tiêu tổ chức lại KCCC, nhưng cơ bản là tạo ra nhiều hơn mét vuông phố đi bộ, tăng diện tích cây xanh, nhưng có song hành với đầu tư thiết kế cảnh quan, tạo sinh hoạt văn hóa cộng đồng… đến mức nào thì còn là dấu hỏi.

Không hề có ý so sánh hay ca ngợi xứ người, nhưng xét thuần về số lượng thì khá nhiều KGCC ở châu Âu đã được thiết kế rất đa dạng, phong phú… dựa trên hệ thống triết lý về con người, xã hội của từng vùng đất cụ thể. Triết lý để thiết kế, cũng tương tự triết lý trong giáo dục, trong khoa học, trong đối xử… luôn là nền tảng để hành động.

Không thể phủ nhận thực trạng Việt Nam ta còn thiếu nghiên cứu sâu sát (về lối sống, đặc thù xã hội, cơ cấu tuổi và nền tảng văn hóa của cư dân…) để có thể ra “đầu bài” cho đúng và đủ, cũng như khơi dậy các nguồn lực hình thành nên không gian sinh hoạt văn hóa nơi KGCC một cách có khoa học và văn hóa, nên chúng ta thường loay hoay với đầu bài dẫn đến việc sao chép mô hình nơi khác một cách máy móc, thiếu bền vững và bản sắc riêng.


Trước và sau cải tạo, bình cũ rượu mới khi Entrepot de Vins  ở Bercy được cải tạo lại thành một trung tâm thương mại, văn hóa, đánh dấu cho việc bước vào thời kỳ văn hóa đương đại của khu vực này

Về mặt hoạt động, các không gian trống ở nước ta, nhất là phần vỉa hè, đều bị chiếm hữu bởi các hoạt động thương mại, nhất là hàng rong lưu động và chỗ đậu các phương tiện giao thông cá nhân. Điều này dẫn đến việc chuyển đổi không gian từ phố “đi xe” thành phố “đi bộ”, thực chất chỉ mang tính thay đổi vùng chiếm chỗ cho các phương tiện. Những hoạt động sinh hoạt công cộng mang tính kế thừa bản sắc văn hóa, lịch sử và đem lại lợi ích trong sinh hoạt thường ngày cho cư dân vẫn luôn thiếu vắng, bản chất thiếu gắn bó về văn hóa địa phương sẽ khiến các sự kiện nơi KGCC diễn ra kiểu đối phó, dẫn đến tình trạng các KGCC sẽ nhạt nhòa.

Ở thái cực khác, nếu một con phố đi bộ được thành lập chỉ loanh quanh ở các hoạt động ăn uống, là điểm tụ tập của giới trẻ, nơi “trà chanh chém gió” hay chỗ trống để “trẻ trâu thể hiện” thì sớm muộn gì KGCC đó cũng thành chỗ “tư hữu” của một nhóm người, đi ngược lại mục đích văn hóa khởi nguồn, lãng phí và phá vỡ cơ cấu tự nhiên của đô thị. Cụ thể vấn đề mỗi KGCC ở ta đều có biển cấm hàng rong, nhưng thực tế đa số khoảng trống nơi đô thị của ta hiện nay đều là những “thiên đường của hàng rong” bởi vô số lý do quản lý từ vi mô đến vĩ mô.

Như vậy, vai trò của KGCC, điểm mạnh và yếu trong quy hoạch KGCC ở nước ta lâu nay cần nhìn nhận dưới góc độ phát triển văn hóa bền vững, chứ không phải bài toán “đi tìm công năng mới cho KGCC” thuần túy. Ngay cả nếu giả sử có tồn tại bài toán cụ thể thì vẫn cần tìm nguồn sống cho KGCC theo hướng “tiếp sức” về khía cạnh văn hóa. Một hướng tiếp cận thành công tại những nơi mang tính chất tương tự Việt Nam cần được tham khảo, học hỏi, đó là câu chuyện về Chuyển đổi bảo tồn & tái thiết (Protection & Redevelopment).

KTS Lê Khánh Vân(*) - Ảnh: Vân Lê, Huân Tú, Tư liệu

(*) KTS Lê Khánh Vân, thạc sĩ 2 của trường Kiến trúc Quốc gia (ENSA) Paris - Master 2 d’École Nationale Supérieur d’Architecture (ENSA) Paris La Villette.

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống số 179)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo