Những người dân sống trong các khu ổ chuột của thành phố đông dân nhất Ấn Độ - Mumbai - đang chịu đựng sự tù túng, cơ cực khi lệnh phong tỏa toàn quốc buộc họ phải ở trong nhà.
Bên trong những ngôi nhà chật chội, tồi tàn, ngột ngạt ở khu ổ chuột Dharavi của Mumbai, người dân sống dật dờ dưới lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt. Thực phẩm của họ ngày một cạn kiệt, Reuters cho biết.
Ở Dharavi, nơi ước tính có 1 triệu người, người dân đang cố cầm cự qua ngày nhờ vào sự quyên góp. Cuộc sống của họ trở nên cơ cực hơn từ khi Ấn Độ phong tỏa toàn quốc vào ngày 25/3 để chống lại sự lây lan của dịch bệnh.
“Tôi có thể mua thức ăn cho con khi tôi ra ngoài đi làm nhưng giờ đây chẳng có việc nào”, Najma Mohammad, người làm việc tại cửa hàng quần áo nay đã đóng cửa, phàn nàn. Con trai và hai cô con gái của cô đang sống nhờ nguồn thực phẩm hàng xóm cho.
Dharavi được cho là khu ổ chuột lớn nhất châu Á, cũng là nơi khó nằm hoàn toàn dưới lệnh phong tỏa. Đây là một trong những nơi có nguy cơ lây nhiễm virus corona trong cộng đồng cao nhất vì mật độ dân số dày đặc và tình trạng vệ sinh kém.
Ở đây, người ta có thể bắt gặp hàng trăm người chen chúc trong một phòng tắm. Nguồn nước sinh hoạt không được đảm bảo. Xà phòng là thứ xa xỉ. “Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Có 9 người trong căn phòng này, tất cả chúng tôi có thể gặp nguy hiểm”, người lao động nhập cư đến từ bang Jharkhand phía đông bắc, Namchand Mandal, nói.
Dharavi đến nay đã ghi nhận 71 ca nhiễm virus corona nhưng các chuyên gia lo ngại con số sẽ nhanh chóng tăng lên. “Tôi thực sự lo lắng đó chỉ là vấn đề thời gian”, nhà virus học Shahid Jameel nhận định về các khu ổ chuột của Mumbai, nơi ở của khoảng 13 triệu người, chiếm khoảng 65% dân số của thành phố đông dân nhất Ấn Độ.
Các cư dân bắt đầu cảm thấy lo lắng. Họ buộc khăn tay lên mặt thay cho khẩu trang. Trên các con phố đông đúc người, hầu hết người dân đã đeo khẩu trang hoặc tìm cách che mặt.
Một số nơi đã dựng lên các rào chắn sơ sài bằng xe đẩy, xe đạp, thậm chí bằng gậy. Có nơi viết thêm tấm bìa “khu vực cách ly” để ngăn người bên ngoài đi vào.
Nhiều người nói rằng họ không thể ở trong căn phòng chật chội. Có những căn phòng bị chia năm xẻ bảy bởi những người lao động làm khác ca.
Sâu bên trong các khu ổ chuột, đám đông người vẫn chen chân mua bán ở các khu chợ tạm. Vài người lớn giết thời gian bằng cách chơi cờ hoặc xem video trên điện thoại. Trẻ con chơi bóng chày hoặc bài.
Một người thợ may vẫn lén lút mở cửa tiệm vào sáng sớm. Anh giải thích rằng anh muốn kiếm một ít trước khi cảnh sát đến thực thi lệnh giới nghiêm.
Cảnh sát đã trừng phạt những người vi phạm lệnh phong tỏa bằng cách bắt họ ngồi dưới trời nắng, nhảy ếch hoặc quất bằng roi, theo Reuters. “Điều đó rất khó khăn. Không ai nghe lời chúng tôi”, một sĩ quan cảnh sát ở Dharavi nói.
Khu có người nhiễm Covid-19 được cách ly bằng xe đạp, gậy gộc.
Nhân viên y tế kiểm tra, thăm hỏi những người dân sống cùng khu với người nhiễm Covid-19 và bất cứ ai cảm thấy không khỏe.
Nhân viên y tế đánh dấu thời hạn người đàn ông này phải tuân thủ cách ly ở nhà sau khi có người trong khu vực nhà anh ta dương tính với Covid-19. Những người cùng khu phải tự cách ly 14 ngày, đi lại giới hạn trong khu vực được dựng rào chắn.
Bác sĩ mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân kiểm tra nhiệt độ các cư dân bằng máy đo thân nhiệt.
Bác sĩ xét nghiệm bằng gạc để xem người này có nhiễm Covid-19 hay không.
Các nhân viên y tế đi vào sâu bên trong khu ổ chuột ở Mumbai để tìm người nhiễm Covid-19 hôm 11/4.
Những người dân ở trong nhà giơ tay để nhân viên y tế đóng dấu thời hạn tự cách ly 14 ngày sau khi có một người trong khu họ ở dương tính với Covid-19.
Hạnh Vũ
(Zing.vn / ảnh: Reuters)
- Covid-19: Nới lỏng phong tỏa, dân thế giới đổ ra đường vui chơi, tắm biển
- Hai dinh thự bãi biển nhà giàu Mỹ được bán với giá gần 60 triệu USD
- Chủ đầu tư Trung Quốc đẩy mạnh công nghệ bán bất động sản
- Nhà thờ gỗ Hiển dung 300 năm tuổi không dùng đinh
- Covid-19 khiến Trái Đất thay đổi thế nào?
- Penthouse 20 triệu USD trên đỉnh cao ốc Quay Tower ở New York
- Covid-19: Những ngôi nhà tí hon cho người vô gia cư Mỹ tự cách ly
- Malaysia: Chịu cảnh sống chen chúc, người lao động nghèo lo sợ nhiễm virus
- Câu chuyện xã hội hóa trong trùng tu di tích kiến trúc: Kinh nghiệm quốc tế
- Cuộc sống trên ban công thời Covid-19