Quy hoạch thành phố các-bon thấp đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược của Chính phủ Malaysia để đáp ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Malaysia đã cam kết giảm cường độ phát thải khoảng 40% vào năm 2020. Nhiều thành phố (TP) của Malaysia đã có tham vọng này và cùng hướng tới mục tiêu quốc gia. Hai trường hợp điển hình nhất trong hướng tới mục tiêu TP các-bon thấp mà Malaysia đang áp dụng bao gồm: Vùng Iskandar và TP Kuching.
Vùng Iskandar
Iskandar là một trong những vùng phát triển nhanh nhất tại Malaysia. 10 năm trước, quy hoạch tổng thể của Iskandar cũng chỉ là quy hoạch thông thường, không tính đến bất kỳ yếu tố nào liên quan đến phát triển các-bon thấp. Tuy nhiên, đến năm 2011, các chuyên gia của Trường Đại học Teknologi Malaysia (UTM) đã tập hợp một nhóm chuyên gia hàng đầu để giúp đỡ Cơ quan Phát triển Vùng Iskandar (IRDA) hình thành một quy hoạch sao cho Iskandar trở thành khu vực phát triển các-bon thấp đầu tiên trong cả nước. Quy hoạch hướng tới mục tiêu giảm khí nhà kính cho năm 2025 và hành động từng bước để đạt được mục tiêu này. Sáng kiến này đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ ở cả cấp địa phương và quốc gia vì nó phù hợp với cam kết của Chính phủ cắt giảm khí thải. Kể từ đó, khi đã xác định tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, TP đã sẵn sàng vươn cao sức mạnh để thực hiện các hành động hướng tới các-bon thấp từ nay đến năm 2025.
Thành phố Kuching
Kuching là một TP cỡ trung bình ở khu vực phía Đông Malaysia với dân số khoảng 600 nghìn người. Chính quyền TP Kuching rất quan tâm đến quy hoạch để biến Kuching thành một TP các-bon thấp. Thị trưởng TP từng cam kết và tuyên bố về mục tiêu hướng tới TP các-bon thấp. Đây là trường hợp có sự cam kết chính trị mạnh mẽ từ chính quyền TP và tiểu bang, tuy nhiên họ vẫn gặp khó khăn vì chưa có nhiều dự án chi tiết để thực thi giảm thiểu khí thải. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền TP quyết tâm lập kế hoạch tiến hành kiểm kê, thống kê khí thải nhà kính và cam kết sẽ phát huy mọi nỗ lực để hướng tới mục tiêu TP các-bon thấp.
Như đã nói ở trên, hầu hết các TP của Malaysia đều có tham vọng và cùng xác định mục tiêu hướng tới xây dựng TP các-bon thấp. Chính vì thế, họ đã vạch ra các bước cần phải thực hiện “bằng mọi giá” bao gồm: Tăng cường năng lực: Các cán bộ của các TP cần được đào tạo để nâng cao hiểu biết của họ về khái niệm TP các-bon thấp và làm thế nào để lập kế hoạch, thực hiện và giám sát hoạt động này. Tiêu chuẩn kiểm kê khí nhà kính: TP cần đánh giá và báo cáo lượng khí thải định kỳ dựa trên các con số thống kê thực tế để đảm bảo mức độ chính xác và khả năng tương thích quốc tế. Công cụ cho quy hoạch TP các-bon thấp: Địa phương thường thiếu năng lực trong việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính và lập quy hoạch chi tiết các-bon thấp. Vì thế, họ cần công cụ phần mềm cẩm nang cho quy hoạch TP các-bon thấp để giúp họ trong đo lường chính xác lượng khí thải nhà kính và xác định các biện pháp giảm thiểu tương thích.
Như vậy, Malaysia đã lập kế hoạch dài hạn và có tầm nhìn xa để hướng tới xây dựng TP các-bon thấp. Dù đang trong giai đoạn triển khai, còn nhiều khó khăn phía trước nhưng ít nhiều họ cũng đã xác định mục tiêu cụ thể và quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra. Đó cũng là một trong những ví dụ tốt để Việt Nam có thể tham khảo, hướng tới tầm nhìn xây dựng TP các-bon thấp trong tương lai gần./.
Khánh Phương
- Những thành phố cổ vĩ đại nhất trong lịch sử
- Kiến trúc đá cổ điển trên đồi Acropolis
- Kinh nghiệm chống ùn tắc giao thông ở Nhật Bản
- Giải pháp quy hoạch cho cộng đồng ven biển tại Louisiana
- Thế giới chúng ta sẽ như thế nào ở thế kỷ 22?
- Dionysos theater - Thánh địa âm nhạc cổ đại
- Sự phát triển bất cân đối của Brasilia
- Bài thuốc cho “Căn bệnh đô thị” ở các nước
- Phế tích Angkor
- Đô thị sống tốt của Copenhagen