Ashui.com

Monday
Sep 16th

Phế tích Angkor

Viết email In

Phế tích Angkor là tên gọi chung các di sản được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XV còn tồn tại ở Siem Reap. Người Pháp đặt cho cái tên là “Les ruines d’ Angkor” gồm nhiều khối đá lớn, nhỏ, chồng chất lên nhau, ở rải rác trong một quần thể rộng 400 ki lô mét vuông; có khi ở cạnh nhau, chỉ bên này bên kia con đường; có khi ở cách xa nhau hàng chục cây số.  


Mỗi bước chân trên nền đá của các đền đài ở Angkor lại thêm một câu hỏi về chuyện người Khmer xưa đã làm thế nào tạo ra Angkor kỳ vỹ thế này?! 

Nếu du khách muốn đến thăm Angkor để được nhìn tận mắt cho biết và chỉ đến những cụm di tích chính theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" cũng phải mất ít nhất hai ngày và sau đó chỉ còn lại những tấm ảnh lưu niệm, làm chứng là ‘tôi đã đến đây’. Nhưng nếu muốn vừa nhìn, vừa cảm nhận được phần nào giá trị các kỳ tích xây dựng này và lại muốn đến nhiều nơi khác ngoài khu vực Angkor Wat và Angkor Thom thì thời gian 7 ngày liên tiếp chắc là vẫn chưa đủ. 

Mặt khác, nếu liên tục nhiều ngày thăm các đền tháp đã đổ nát, cảm giác đơn điệu vì sự trùng lặp sẽ làm bạn chán nản bởi không có đủ thời gian tìm hiểu những giá trị khác biệt của những đống gạch, đá ngổn ngang đó. Có lẽ tốt nhất, nên đến Siem Reap, Angkor nhiều lần, mỗi lần vài ba ngày thôi. Sau mỗi chuyến đi còn có thời gian ‘chuyển hóa’ cảm xúc, thông tin ghi nhận được... thành cái nhìn riêng của chính mình về vùng đất thiêng này. Tất nhiên, phải nói ngay một điều kiện là không đi theo lối mua tour của các công ty lữ hành mà tự mình tổ chức, sắp xếp chương trình và cũng cần có bạn đường đồng điệu, hợp 'gu'.

Nhóm anh em chúng tôi đi Campuchia với mục đích quan sát và 'lắng nghe tiếng nói vô thanh’ từ những khối đá lớn nhỏ đó, để mường tượng lại một thời oanh liệt của đế chế Khmer và nền văn minh đáng ngưỡng mộ của dân tộc láng giềng phía tây nam. Thế nên chúng tôi lướt đi rất nhanh các chi tiết để thả tâm hồn vào các điều mắt thấy, tai nghe (có khi đúng, có khi sai) để gọi là tóm tắt một thoáng nhìn khác với những gì đã được người khác ghi trong tài liệu hay các nguồn xuất xứ khác.

Ngày nay, Campuchia khai thác dịch vụ du lịch quần thể di tích rộng lớn này khá hiệu quả, vừa quản lý chặt chẽ, bảo vệ môi trường tốt và tạo sự thoải mái cho du khách. Tất cả một khu vực rộng lớn chỉ cần một cửa bán và kiểm soát vé với giá chia làm ba loại: 20 USD/ngày; 40 USD/3 ngày và 60 USD/tuần. Trẻ em dưới 10 tuổi miễn phí. Trên vé có in ảnh chân dung du khách để tiện kiểm soát. Từng người bước vào nơi bán vé, ảnh được chụp tại chỗ và in ra ngay trên vé. Mỗi ngày, khi du khách qua cổng nhân viên sẽ bấm một lỗ vào ngày trên vé.

Angkor Wat 


Từ vị trí cao nhất ở thấp chính của Angkor Wat nhìn về hướng nam. 

Kiến trúc các đền đài đều na ná như nhau, hoặc xây trên một bệ cao đi vào bằng các bậc cấp, hoặc lổn nhổn giữ nguyên vẻ sơ khai, phải bước qua những đống đá vỡ được thu về xếp lại mà bước vào đền. Du khách đến thăm như cũng hòa mình vào với sự nâng niu đó nên nhè nhẹ, rón rén, e sẽ làm “đau lòng đá”. Nơi thờ thần Naga thì lối đi mang biểu tượng một bờ thành dài hình đuôi rắn và kết thúc bởi hình rắn 7 đầu ở cửa vào chính quay mặt ra hướng tây.

Nói thêm một chút, nghệ thuật kiến trúc đền đài thường theo khuynh hướng kéo dài từ đông sang tây, nhưng mặt quan trọng là hướng tây, bởi thế đền Angkor Wat có tới 5 ngọn tháp, nhưng nếu nhìn ở hướng đông chỉ thấy 3 ngọn tháp cao và 2 ngọn tháp thấp không đều nhau. Phải chờ buổi chiều chuyển sang hướng tây ta mới nhận đủ vẻ rực rỡ của 5 ngọn tháp lung linh dưới bóng nước hồ mà nước bạn đã chọn làm biểu tượng trên quốc kỳ của mình.

Naga, tiếng Phạn và Pali có nghĩa là rắn khổng lồ. Theo Ấn giáo, Nagar tượng trưng cho năng lượng của vũ trụ; là vị thần cai quản các giếng, suối, sông ngòi, đem mưa đến và cả sự phì nhiêu… 

  • Ảnh bên: Mọi ngóc ngách đều được đục chạm, điêu khắc. 

Bao quanh các đền đài là các bờ tường với các phù điêu, có chỗ thể hiện triết lý phồn thực, có chỗ mang tính cách lịch sử, mang dấu tích lập thành xứ sở. Trải qua thời gian, thời tiết, nhiệt độ gió mưa bào mòn hoặc sứt mẻ các đá một vài nơi, đá rời ra rải rác đã được thu nhặt, gom lại và xếp thành từng đống nhỏ dọc dài theo lối đi hay quanh các chân tường, khiến du khách khi bước đi cũng cẩn thận, sợ làm hư hỏng cảnh quan. Tuyệt nhiên không thấy sự cẩu thả, lạm dung xi măng gắn kết làm dị dạng nét uyên nguyên.

Chúng tôi như bị hớp hồn vì những khối đá nên mãi đến quá trưa vẫn loay hoay chưa ra khỏi các hành lang, các đường vòng, các khoảnh sân, các tháp đá. Cả nhóm như bị thôi miên bởi các tượng Phật đặt kín đáo trong các khe đá, trầm trồ với những chót vót nguy nga, nhoáng nhoàng với cảnh lăng xăng của nhiều dạng du khách. Ở đâu cũng hối hả, ở đâu cũng vội vàng ngại bỏ sót, ở đâu cũng quýnh quáng xuýt xoa.

Một điều dễ nhận ra là khách du lịch sẽ gặp một phức hợp đa giáo nơi các đền đài này. Nếu có nơi tượng Phật uy nghi thiết trí hẳn bàn thờ nghi ngút khói hương để du khách chiêm bái thì cũng không thiếu những linga, yoni mà du khách sẽ bắt gặp khi len lách qua các gian đền.

Angkor Thom 


Cổng phía nam đi vào Angkor Thom. Hai bên cầu có hai hàng các Deva ngồi nâng rắn thần Naga dài. Các tượng Deva, mỗi khuôn mặt hoàn toàn khác nhau.

Nếu ở Angkor Wat còn giữ được khá đây đủ nét đặc sắc của một quần thể đền tháp, với các dãy hành lang mỹ thuật, được chống đỡ bằng các cột đá chạm trổ tỉ mỉ bởi các chi tiết hoa văn, với những gian thạch thất cao mát uy nghi và có vẻ huyền ảo, với những tháp cao đối xứng và những bức tường mang các phù điêu kể về lịch sử, đời sống của đất nước Khmer thì ở Angkor Thom hầu như đã bị thời gian phá hủy tất. Chỉ còn lưu lại một nền cao cao, trống trơn với các gờ đá còn sót, nhiều chỗ trơ ra lối đi toàn đất rắn khô, nói lên sự nghiệt ngã của thời gian, khí hậu và ngẫu biến tang thương trải dài qua năm tháng.

Tôi đã từng đến thăm di tích đàn Nam Giao ở Huế, giờ gặp cảnh bao la bát ngát hiu quạnh như vầy cũng chợt thấy chạnh lòng. Ngùi ngùi chúng tôi nhớ tới lời tự hỏi khi đứng trên đàn Nam Giao ngày nào: hỡi ơi, người xưa đâu, lễ lạc ngày nao đâu mà giờ vô cùng hoang vắng và im lặng cỡ này? Cũng như thế, tâm trạng đó đeo đẳng chúng tôi khi bước đi trên nền đền đài ở Angkor Thom. 

Ở đây, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp một vài tượng Phật đặt trên nền đền, hoặc tượng sư tử ở cạnh các gờ nền cheo leo, từ đó trông sang bên kia đường hai ngọn tháp con còn đứng vững mà thấy buồn, xót xa thân phận của đá biết chừng nào. Cũng như đền chính, ở các bờ tường bao nền đền tại đây mang nhiều dáng dấp về đời sống thường nhật của dân Khmer, trong đó mô tả nhiều về voi, một động vật gắn liền với sinh hoạt thường nhật của người Campuchia xưa.

Trước, người ta dùng những thớt voi làm phương tiện di chuyển, kéo vật liệu nặng, dùng để vua ngự dạo quanh, thì ngày nay người ta dùng voi để du khách dạo cảnh. Ở các đền, người ta đều tạo dựng những đài cao để du khách dễ bước lên ngồi liền vào lưng voi. Hẳn nhiên, theo phong trào, người ta làm những cái yên rộng đai trên lưng voi, chắc để du khách có thể ngồi nghênh ngang đi một vòng chụp ảnh hay thả hồn theo mây gió. Những thớt voi, ngoài việc được trang bị yên, anh nài còn phủ thêm vài tấm vải đỏ tha thướt, mục đích để cuộc kinh doanh không đến nỗi tẻ nhạt. 


Khu trung tâm Angkor Thom nhìn đâu cũng thấy voi. Một bức tường đá mô tả cảnh huấn luyện voi. 

Một đoạn tường dài cũng là bó nền khu đền voi ngày xưa còn một số hình đầu voi, cái sứt vòi, cái gãy ngà, cái mẻ một khoảng nơi tai, một lẻo nơi trán... song tất cả đều được giữ nguyên vẹn, không gia cố hoặc sửa sang lại bằng xi măng hay vật liệu nào khác. Dù nhuốm vẻ tang thương đến thế nào đi nữa thì đối với anh em cầm máy vẫn là cơ hội chộp lấy hầu tạo nên những góc nhìn riêng của mình. Vậy nên không lấy gì lạ khi trong số anh em, người lon von chỗ này, kẻ sa đà nơi kia, tủn mủn, chi li chĩa ống kính vào các ngách, các chỗ hổng để mong hiến đến mọi người một nét thoáng âm thầm vừa bao hàm vẻ đẹp của ảnh, vừa diễn lên tâm thức và cái nhìn hóm hỉnh của nghệ nhân. Cứ thế, anh em bị lôi cuốn, vô tình để thời gian tuồn tuột trôi đi, tới khi sực nhớ thì nắng đã ngả lúc nào. 

  • Ảnh bên: Những hòn đá được chồng lên nhau, không có xi măng kết dính! 

Những tia đỏ quạch như trái cam mõm đang chui rúc vào tầng mây e lệ, vươn những vạt cuối cùng sắp tắt. Vội vội vàng vàng anh em hối nhau thu dọn chiến trường, gọi xe tuk tuk đưa anh em quay về đền Phnom Bakheng nằm trên một ngọn đồi ở giữa Angkor Wat và Angkor Thom, nơi được coi là vị trí thuận lợi nhất để ngắm nhìn toàn cảnh Angkor trong buổi hoàng hôn. Nhưng thời điểm đẹp nhất đã trôi qua mất rồi!

Trên đường quay về Siem Reap, anh lái xe tuk tuk hỏi chúng tôi có muốn ghé vào một ngôi chùa khá lớn dọc đường về không, song chúng tôi - phần đã có dịp chụp khá nhiều chùa chiền Khmer, phần thấy sắp tối - nên cám ơn anh ta, hẹn sáng mai đến đón sớm để vào chụp khu đền Bayon nổi tiếng với những khuôn mặt cười nằm cạnh lối vào Angkor Thom.

Đêm thứ hai ở Siem Reap 

Đã quá giờ tan sở nhưng đường phố Siem Reap vẫn tấp nập, xe cộ lưu thông khá dày. Tuy vậy, ở đây không có chuyện giành đường, lấn tuyến và còi bóp inh ỏi... như ở xứ ta, nhưng cảnh sát giao thông có vẻ quá hiền lành, dễ tính nên xe máy chở ba, bốn người thoải mái và hình như chỉ cần người cầm lái đội mũ bảo hiểm là được, mấy người ngồi sau... khỏi! Chiều hôm ấy, chúng tôi bắt gặp một cảnh hơi "bị" lạ khi vào gần khu trung tâm thành phố. Một cặp Tây ba lô chơi ngông mượn đường phố làm nơi ‘biểu diễn’ trượt ván. Một người ngồi sau xe tuk tuk, trong khi một anh bạn đứng trên tấm ván có bánh xe, tay níu lấy thành xe tuk tuk để đi theo. 


Xe cộ chạy rất cẩu thả nhưng người đi đường vẫn không thấy bị áp lực, có lẽ do người ta nhường nhịn nhau. 

Chả biết anh ta muốn chơi ngông hay có ý khoe tài khoe mẽ, tài xế chiếc tuk tuk đó cũng cố ý giữ tốc độ vừa phải và ‘né’ phần đường cho anh chàng lướt ván ‘ăn theo’ sức kéo của xe tuk tuk. Anh chàng lướt ván, lúc thì đứng thẳng, lúc khom người xuống, có lúc uốn mình né xe ngược chiều, len lách điệu nghệ trên đường phố. 

Tối hôm đó, chúng tôi ăn ngoài đường, đúng nghĩa dân đi bụi, "cơm hàng cháo chợ", giải khát ở một quán bên cạnh mà cô bé bán sinh tố một hai đề nghị chúng tôi dạy cho cách đếm từ 1 đến 10 bằng tiếng Việt. Cô ấy vừa xay nước trái cây, vừa đon đả: “mọt, hai, pa, pốn...” thỉnh thoảng lại à lên "xó rỳ, ai pho ghét " để xin chỉ lại, vừa xí xa xí xồ một tràng tiếng Khmer với một anh chàng đứng cạnh, mà cô giới thiệu với chúng tôi đó là chồng cô ta. Đúng là tây 'cà cộ' lại nói tiếng 'ba rọi', thế mà cả hai phía đều hiểu nhau mới tài. 


Hàng ăn lề đường là lựa chọn phù hợp cho dân du lịch 'bụi', vừa tiết kiệm lại có cơ hội giao tiếp với dân chúng ở mỗi địa phương. 

Đêm về nhà trọ vẫn còn mang theo cái nét nhí nhảnh của cô em bán sinh tố, các màu đèn lung linh của chợ đêm cũ và mới, của con phố Pub street đầy màu sắc. Chỉ đến khi đêm đã quá khuya, giữa cái không gian u tịch, tôi bỗng mơ về Angkor Wat, Angkor Thom mà nghe như cát bụi đang lồng lộng thổi u u vào đền đài và nền đá nơi đó. 

Bỗng ngộ ra rằng trần gian này chẳng có gì là thực, chẳng không gian, thời gian, chỉ có những hình bóng loáng thoáng qua, một ngày như mọi ngày và mọi sự vô thường, không bền chặt. Vậy tại sao ai ai vẫn cố bám vào để rồi phiền não, âu lo, tranh giành, chiến tranh, chết chóc và tang thương dẫy đầy không dứt? 

Câu hỏi rơi vào khoảng không, vun vút lao đi, không một lời đáp. Đôi mi bỗng dưng nặng trĩu, tôi đưa hồn vào đêm, đêm rất dài và kín kẽ. 

Đỗ Thành - Ảnh: Mai Lĩnh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo