Brussels là thủ đô của Vương quốc Bỉ, là trung tâm của châu Âu nơi có Trụ sở ủy ban châu Âu EU. Vùng thủ đô Brussels bao gồm 19 quận tự trị (municipality) và một trong số đó là Thành phố Brussels. Từ lịch sử là một pháo đài ở thế kỷ 16, Brussels được xây dựng thành một trung tâm lớn với tổng diện tích 161km2 và dân số 1,1 triệu người. Brussels là thành phố lớn nhất của Bỉ và cũng là nơi tập trung dân cư đông nhất.
Tổ chức chính quyền ở Bỉ tương đối phức tạp bao gồm vùng Flander phía Bắc (nói tiếng Hà Lan), vùng Wallonia phía Nam (nói tiếng Pháp) và vùng thủ đô Brussels (đa ngôn ngữ). Chính quyền các vùng độc lập, và cả các quận tự trị cũng quản lý độc lập về quyết định và trách nhiệm.
Tàu điện bánh sắt tốc độ cao tại Brussels
Vương quốc Bỉ được định hình bởi các đặc điểm của đô thị phân tán. Trong lịch sử phát triển đô thị, các thành phố được xây dựng trên các lớp hạ tầng. Lớp mới chồng lên trên nền lớp cũ với rất ít sự kết nối. Mạng lưới đường sắt được xây dựng vào thế kỷ 19, hệ thống tàu điện đô thị (tram) được xây dựng sau đó, tiếp theo là hệ thống đường bộ cao tốc, metro được xây dựng đè lên một số tuyến tàu điện đô thị… Trong các lớp hạ tầng đó, hệ thống giao thông công cộng bao gồm đường sắt - kết nối các thành phố với nhau, kết nối các thị trấn ngoại ô với thành phố - được quản lý bởi Công ty đường sắt quốc gia Bỉ - NMBS/SNCB. Ở mỗi vùng, hệ thống giao thông công cộng đảm nhiệm bởi các công ty: De Lijn - Công ty giao thông công cộng vùng Flander, TEC - Công ty giao thông công cộng vùng Wallonia, MIVB/STIB - Công ty giao thông công cộng Brussels. Tuy nhiên, giao thông công cộng ở Brussels vẫn là vấn đề trong chiến lược phát triển thành phố với tắc đường, thiếu khả năng phục vụ…
Theo giáo sư Louis Albrechts, chuyên gia quy hoạch chiến lược Flemish Diamond, một hệ thống giao thông công cộng mạnh sẽ giúp giảm việc xây dựng các con đường mới, đem lại nguồn lợi cho môi trường (giảm ô nhiễm khói xe, bớt không gian dành cho đường). Người dân được lợi với việc mở rộng phạm vi di chuyển và giảm thời gian tham gia giao thông. Kinh tế được hưởng lợi từ các không gian quanh nút giao thông quan trọng (nodal point), nơi dễ tiếp cận với nhiều tiềm năng và cơ hội cho phát triển (selective development).
CÁC MỤC TIÊU CHÍNH
Dựa trên cơ sở các dữ liệu thực tế, phân tích và đánh giá hiện trạng cũng như các dự báo hiện thực hóa các số liệu trong tương lai, chính quyền đô thị đã hoạch định các mục tiêu lớn trong phát triển, quản lý hệ thống giao thông công cộng đô thị bao gồm cả hệ thống đường sắt đô thị. Các mục tiêu cơ bản bao gồm:
Nâng cao vai trò của chuyên gia trong việc định hướng chính sách phát triển giao thông Brussels, hướng đến các vấn đề về chất lượng, khả năng tiếp cận, các tranh luận chuyên môn trở thành cơ sở để xây dựng chính sách.
Khuyến khích người dân “trở lại thành phố”/ ở trong thành phố. Người dân có xu hướng ở các điểm đông dân cư trong thành phố hoặc vùng ngoại biên nơi các điểm nút giao thông (node) - gần nhà ga hoặc ở vùng ngoại ô với việc sử dụng ô tô riêng hàng ngày.
Sơ đồ giao thông Brussels hiện tại
Bản đồ thành phố Brussels khi nâng cấp giao thông công cộng
Có định hướng giảm triệt để giao ô tô cá nhân đồng thời tăng thêm khả năng đáp ứng các loại hình giao thông thay thế. Thực tế, đây là vấn đề đau đầu nhất của thành phố và nổi cộm nhất ở Brussels so với các khu vực khác.
Cung cấp giao thông chất lượng sẵn sàng với tất cả mọi người. Có giá vé, chi phí sử dụng phương tiện phù hợp, thời gian di chuyển nhanh, khả năng tiếp cận tốt với đại bộ phận dân cư thuộc mọi tầng lớp trong đô thị.
Đảm bảo các khu vực vận chuyển hàng hóa hiệu quả và thân thiện với môi trường. Cần phải giảm vận tải đường bộ và chuyển tải trọng sang vận tải đường thủy, đường sắt. Vận chuyển hàng hóa nên được dùng các phương tiện ít hại cho môi trường.
Thực thi chính sách giao thông với sự gắn kết, phối hợp trách nhiệm của các bên liên quan, tạo ra sự đồng thuận cao của chính quyền, người dân, chuyên gia tư vấn, đơn vị quản lý vận hành, đơn vị thi công xây dựng...
ĐÈ XUẤT VÀ TÌM RA CÁC NGUỒN TÀI CHÍNH MỚI CHO VIỆC PHÁT TRIỂN CHÍNH SÁCH GIAO THÔNG CỦA BRUSSELS
Giải pháp chính sách
Chính quyền đô thị, các nhà quy hoạch đã cùng xây dựng một số các nhóm giải pháp cơ bản đề cập trong bản kế hoạch chính sách phát triển giao thông Iris 2 của thành phố Brussels, trong đó tập trung vào các chính sách “mềm” để thúc đẩy sự phát triển và lành mạnh hóa giao thông đô thị trong đó có cả các lĩnh vực đường sắt đô thị. Cụ thể, các nhóm giải pháp chính bao gồm:
Thành lập cơ quan giám sát giao thông: Một cơ quan giám sát giao thông bao gồm các chuyên gia của các trường đại học và các hội đồng khoa học liên ngành với nhiệm vụ hướng dẫn và đánh giá các nghiên cứu đặt hàng bởi vùng thủ đô và hỗ trợ thực sự cho quy hoạch chiến lược với các mục tiêu rõ ràng hướng tới giao thông bền vững cho Brussels.
Khuyến khích các khu vực ít giao thông cá nhân: Đưa ra các tính toán đo lường khuyến khích giảm giao thông cá nhân, cụ thể là đưa ra các đo lường tài chính về việc hưởng lợi cho các khu vực dân cư đông đúc nếu họ dùng phương tiện giao thông công cộng, nơi gần ga tàu, bến xe bus.
Triệt tiêu giao thông cơ giới bằng tối đa số lượng các chuyến: Đây là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch Iris 2 của thành phố với việc tăng các phương tiện giao thông “mềm”, dành ghế ngồi trong các chuyến thường xuyên có nhu cầu gia tăng, thúc đẩy đi bộ, đường xe đạp kết hợp với mô hình chia sẻ xe đạp kết hợp với giao thông công cộng. Một ý tưởng nữa là mô hình chia sẻ xe hơi cũng làm giảm số lượng ô tô cá nhân và giảm tải cơ giới cho giao thông.
Xây dựng đánh giá RER cho giao thông trong và ngoài Brussels: RER là một dự án của sân bay Brussels và thành phố từng coi nó là trở ngại do những phiền toái của các chuyến bay trong đô thị. Dự án này cần được đánh giá lại các nguồn lợi và hạn chế rủi ro.
Giảm việc phát triển đường bộ từng bước bằng việc cung cấp và cải thiện các mô hình giao thông thay thế: Xây dựng một cơ chế dự đoán việc giảm cơ sở vật chất đường bộ (giao thông đường bộ và bãi đỗ xe) đi kèm với mỗi phương án cải thiện, thêm mới của các phương tiện giao thông thay thế cho xe cơ giới cá nhân.
Đầu tư vào nhiều hình thức giao thông công cộng, tính đến mọi thông số và trên phương diện tổng thể của đô thị: Việc đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm tốc độ cao (metro) cần tính toán đến thị phần của các phương tiện khác, dân số, mật độ, khu vực bao phủ cũng như chi phí lớn cho đầu tư. Giải pháp tàu điện đô thị (tram) có thể phù hợp hơn ở từng khu vực với tính thuận tiện, an toàn, khả năng ngắm thành phố…
Sơ đồ tuyến giao thông công cộng Brussels
Xây dựng các điểm dừng như những không gian công cộng hấp dẫn: các điểm dừng hay các nút trung chuyển giao thông đa phương tiện (multi modal node) có thể xây dựng thành các không gian đô thị hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của khu vực dân cư xung quanh. Ví dụ ga Midi hoặc ga Schumann hiện nay là các điểm được xây dựng rất thành công với các mục tiêu như vậy.
Công ty giao thông công cộng STIB/MIVB cần điều chỉnh chính sách giá vé để công bằng hơn, quay về tính toàn diện của dịch vụ công mà không ảnh hưởng tới vận hành.
Duy trì các điểm vận chuyển hàng hóa đô thị và thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường.
Cơ quan điều hành giao thông vùng phối hợp với cộng đồng giao thông đô thị.
Có sự tham gia của các bên cùng hành động: Tất cả các bên quan tâm cần được mời vào bàn họp. Quy hoạch giao thông liên quan đến cả ngành nghề kinh doanh, bán lẻ, trường học, đào tạo cao cấp.
Đề xuất giải pháp chung cho nguồn tài chính
Bản kế hoạch chính sách phát triển giao thông Iris 2 của thành phố Brussels còn tiếp tục được hoàn thiện. Trong khi đó, thành phố vẫn có các kế hoạch và hành động để cải thiện giao thông đô thị. Dự án đường sắt cao tốc HST đã được giới thiệu theo xu hướng thay thế các chuyến bay nội địa bằng đường sắt cao tốc (phạm vi 500km). Thành phố sẽ kết hợp dịch vụ của De Lijn, STIB/MIVB và TEC để thêm thuận tiện cho người sử dụng. Thành phố cũng giới thiệu mô hình chia sẻ xe hơi năm 2003, chia sẻ xe đạp năm 2006 và ô tô điện năm 2012. Hy vọng với những nỗ lực và chính sách này, Brussels sẽ giải quyết được các vấn đề của thành phố vì giao thông bền vững là cơ sở vững chắc nhất cho phát triển đô thị bền vững. Những kinh nghiệm trên cũng có thể là những kinh nghiệm tham khảo tốt cho phát triển, quản lý hệ thống giao thông công cộng và đường sắt đô thị ở Hà Nội.
Một hệ thống giao thông công cộng mạnh sẽ giúp giảm việc xây dựng các con đường mới, đem lại nguồn lợi cho môi trường (giảm ô nhiễm khói xe, bớt không gian dành cho đường). Người dân được lợi với việc mở rộng phạm vi di chuyển và giảm thời gian tham gia giao thông. Kinh tế được hưởng lợi từ các không gian quanh nút giao thông quan trọng (nodal point), nơi dễ tiếp cận với nhiều tiềm năng và cơ hội cho phát triển (selective development).
ThS Nguyễn Chí Thành
(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 8/2013)
- Phế tích Angkor
- Đô thị sống tốt của Copenhagen
- Sòng bạc Singapore và bài học hay cho Việt Nam
- Cao chọc trời = phù phiếm?
- Câu chuyện nước của Singapore
- Tham gia cộng đồng và trách nhiệm của cư dân thành phố The Hague, Hà Lan
- Sáp nhập cổ điển và hiện đại
- Nền văn minh cổ xưa ở Syria
- Walkie Talkie - tòa nhà "sáng gì mà lóa thế"
- Mô hình tản quyền của đô thị Berlin