Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại Hà Nội phải giải trình phương án bán biệt thự

Hà Nội phải giải trình phương án bán biệt thự

Viết email In
"Hà Nội và một số đô thị lớn sở hữu những khu phố và những biệt thự phong cách phương Tây rất độc đáo. Đó là những di sản làm nên vẻ đẹp cổ kính, nên thơ. Việc Hà Nội quyết định bán mấy trăm biệt thự thật là khó hiểu". - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết (ảnh) - Trưởng đoàn giám sát tình hình thực hiện Luật Di sản văn hóa.

Di sản bị xâm hại không phải tại dân mà tại chính quyền

Được biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa tổ chức giám sát tình hình thi hành Luật Di sản văn hóa. Xin ông cho biết mục đích của cuộc giám sát là gì, đoàn giám sát đã tới những địa phương nào?

- Từ cuối 2008 đến nay, Ủy ban chúng tôi đã tổ chức giám sát tình hình thi hành Luật Di sản văn hóa (DSVH) trong cả nước.

Mục đích chính là phục vụ cho việc thẩm tra dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DSVH sẽ được QH xem xét tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Qua giám sát, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị về việc hoàn hiện các quy định của pháp luật và thực thi pháp luật về DSVH.

Vì thời gian từ khi được QH giao nhiệm vụ thẩm tra dự thảo Luật (sau Kỳ họp thứ 4) đến khi Luật được trình (Kỳ họp thứ 5) rất ngắn, nên chỉ có thể khảo sát thực tế ở một số nơi sở hữu nhiều di sản tiêu biểu như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đăk Lăk, Thanh Hóa, Ninh Bình.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về giám sát, ủy ban còn đánh giá tình hình thông qua báo cáo của các địa phương, ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý trong hội nghị tổ chức đầu tháng 3 vừa rồi và qua làm việc với lãnh đạo Bộ VHTT&DL.


Ông có nhận xét như thế nào về những kết quả đã đạt được trong việc thi hành Luật Di sản?


- Qua giám sát, có thể thấy Luật DSVH ban hành năm 2001 đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản của đất nước.

Sau khi Luật ra đời, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, quy hoạch hệ thống di tích và bảo tàng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát huy di sản, ban hành chính sách thu hút các nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản...

Tính đến hết tháng 2/2009, cả nước có gần 5.000 di tích cấp tỉnh, 3.006 di tích cấp quốc gia được xếp hạng và 5 di tích, danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới.

Tính đến hết 2007 đã có 965 lượt di tích được đầu tư tu bổ, với số tiền trên 1.000 tỷ đồng từ ngân sách. Đó là chưa kể nguồn kinh phí rất lớn do nhân dân đóng góp tu bổ, khôi phục các di tích cách mạng, di tích lịch sử, di tích tín ngưỡng – tôn giáo.

Đặc biệt, Luật Di sản ra đời đã tạo điều kiện phục hồi, phát huy kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nước ta.

Những quy định của Luật về di sản văn hóa phi vật thể là rất mới mẻ, nếu chúng ta biết rằng lúc đó rất ít nước có quy định về lĩnh vực này, và các thành viên UNESCO tới năm 2003 mới ký Công ước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, trong khi Công ước về bảo tồn di sản văn hóa vật thể được ký từ năm 1949.


Vậy còn những bất cập, hạn chế?

Ngày 20/3, Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch về ứng xử với di tích và bảo tồn di sản văn hóa. 

- Trước hết là những bất cập về pháp luật. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khá đầy đủ nhưng ban hành chậm từ 1 đến 7 năm. Một số quy định trong Luật còn thiếu cụ thể, khó thực hiện, ví dụ, các quy định về di sản văn hóa phi vật thể còn chung chung; tiêu chí xác định di sản quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia chưa có...

Một số quy định còn chưa hợp lý, ví dụ quy định về bảo tồn yếu tố nguyên gốc, quy định về việc áp dụng Luật Xây dựng trong tu bổ di tích, quy định về cấp giấy phép khai quật khảo cổ, quy định quyền hạn và nhiệm vụ của bảo tàng...

Bên cạnh đó, Luật chỉ mới quy định việc bảo vệ các di tích đã được xếp hạng, còn những đối tượng có dấu hiệu là di sản văn hóa mới được phát hiện hoặc đang trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ xếp hạng thì chưa được đưa vào diện bảo vệ. Các di sản này rất dễ bị xâm phạm, nếu chờ đến khi được xếp hạng mới áp dụng biện pháp bảo vệ thì có khi không còn đáp ứng được tiêu chí di sản văn hóa nữa.


Nhưng vừa qua, dư luận rất bức xúc trước hiện tượng hàng loạt di tích văn hóa bị xâm hại. Trong đợt đi giám sát vừa qua, Ủy ban thấy hiện tượng này diễn ra như thế nào?


- Điều đáng lo ngại nhất qua giám sát là thấy tình trạng xâm hại di tích vẫn diễn ra phổ biến, thậm chí nghiêm trọng.

Ở TP Hồ Chí Minh có ngôi chùa bị lấn chiếm đến mấy trăm mét vuông, hiện vẫn chưa giải toả được. Thậm chí, nhiều người lấn chiếm đất chùa còn mở hàng thịt chó, hơi xào nấu bay cả vào chùa, rất phản cảm.

Ngay ở một di tích có giá trị rất đặc biệt là thành Cổ Loa, Hà Nội, có gia đình còn thuê cả Gò Chuông, nơi ngày xưa là đài quan sát, đốt lửa báo động, quây kín làm trang trại. Trên mặt thành có gia đình còn trồng cây cảnh, cau vua để kinh doanh; mỗi lần bán cây là bán luôn cả đất thành cổ.

Tình trạng mất mát cổ vật ở các di tích diễn ra phổ biến. Như ở Hà Tây (cũ), từ năm 2000 đến 2004 đã mất 298 cổ vật tại 40 di tích; ở Phú Thọ, chỉ trong năm 2004 đã mất 33 cổ vật tại 4 di tích; ở Bắc Giang, tính từ 2002 đến 2008 đã xảy ra 16 vụ mất cắp cổ vật. Việc truy tìm kẻ gian, thu hồi cổ vật bị trộm cắp và xử lý theo pháp luật chưa được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc.

Điều đáng ngại hơn là di sản bị xâm hại nhiều khi không phải tại dân mà tại chính quyền chỉ quan tâm phát triển kinh tế, coi nhẹ văn hóa.

Như ở Hà Tây cũ, trước khi nhập về Hà Nội, tỉnh đã bán cả bảo tàng, đưa hiện vật, trong đó có những hiện vật rất quý như chuông Thanh Mai về tập kết ở một ngôi nhà trong khuôn viên sân vận động Hà Đông.

Khắp các địa phương có bờ biển ở nước ta hiện nay, bờ biển được bán hoặc cho thuê xây dựng các khách sạn, resort, quán nhậu, vừa che khuất biển vừa tước quyền hưởng thụ biển của chính người dân địa phương. Đây là những bài toán liên quan đến vấn đề quan hệ giữa bảo tồn và phát triển mà chúng ta phải bàn bạc nghiêm túc để giải quyết.

Không có tiền, còn di tích

Như ông đã nói, thời gian qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, các doanh nghiệp, nhiều di tích đã được tu bổ, tôn tạo. Nhưng có không ít di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo lại biến dạng, trở thành những công trình hoàn toàn mới. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này.

- Tiếp xúc với cán bộ, nhân dân ở nhiều nơi ủy ban đến giám sát, tôi thấy nhiều người bảo: “Không có tiền để tu bổ thì còn di tích, có tiền tu bổ thì mất di tích.” Nói vậy nghe ngược đời nhưng đúng.

Việc sửa sang những di tích có tuổi thọ hàng trăm tuổi thành di tích 1 tuổi là một thực trạng đáng báo động hiện nay. Một số chùa hiện nay đang đập kiến trúc cổ đi, xây lên hai, ba tầng để đáp ứng nhu cầu dân lễ bái trong khi diện tích chùa nhỏ hẹp. Nhưng bê tông hóa tất cả thì sẽ không còn di tích linh thiêng nữa.

Việc khôi phục các di tích cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Một số địa phương đang lập hoặc thực hiện những dự án khá tốn kém để khôi phục những di tích chỉ còn dấu vết. Ví dụ, phục dựng những đền đài, cung điện nguy nga trên nền cung điện cũ. Theo tôi, nên cân nhắc xem phục dựng như vậy có thật sự cần thiết không. Khoản tiền lớn phục dựng di tích có thể dùng vào làm nhiều việc khác có ý nghĩa hơn, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế của ta hiện còn khó khăn.

Trong đợt khảo sát vừa qua, chúng tôi có đến xã B ở huyện H, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Xã B còn một số ngôi nhà cổ vừa qua, được Thượng nghị viện Pháp tài trợ và dân đóng góp một phần, xã đã phục dựng lại 3 ngôi nhà cổ.

Tỉnh, huyện và xã cũng đang tính toán phục dựng tiếp một số ngôi nhà cổ khác. Nhưng chúng tôi thấy hiệu quả của việc phục dựng này chưa rõ. Bởi ở thành phố Huế cách đó không xa có mật độ di tích rất dày đặc, nên xã B với khoảng chục ngôi nhà cổ cũng khó hút khách du lịch đến thăm. Ở một vài ngôi nhà cổ mới phục dựng, người dân vẫn bán tạp hóa, rửa xe máy, vì chưa khai thác được tiềm năng trong bất kỳ tour du lịch nào.

Từ thực tế này, theo tôi, cần có sự tính toán kỹ hơn để việc đầu tư cho công tác tu bổ, phục hồi di tích có hiệu quả thiết thực với người dân và với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của địa phương.

  • Ảnh bên : Biệt thự số 46 Hàng Bài, bỏ không nhiều năm nay. Mới đây, một số chủ hàng ăn cho sơn sửa lại, làm nơi gửi xe. (Ảnh: Phạm Hải.)

 

Sẽ chất vấn Chính phủ về việc Hà Nội bán biệt thự

Vừa qua, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua dự án bán 600 biệt thự. Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội có biết vấn đề này không, thưa ông?

- Thủ đô Hà Nội và một số đô thị lớn ở nước ta sở hữu những khu phố và những biệt thự mang phong cách phương Tây rất độc đáo. Đó là những di sản văn hóa quý báu, làm nên vẻ đẹp cổ kính và nên thơ của đô thị, cần được giữ gìn.

Trong dịp làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vào tháng 12/2008, đoàn giám sát đã nêu vấn đề này. Việc Hà Nội quyết định bán mấy trăm biệt thự diễn ra sau đó thật là khó hiểu. Ủy ban chúng tôi chưa được biết nội dung cụ thể của dự án như thế nào.


Ủy ban có định yêu cầu Hà Nội báo cáo cụ thể về dự án bán biệt thự này không?


- Ngày 18/3, Ủy ban chúng tôi đã gửi công văn đến hai cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực di sản văn hóa là Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc bán biệt thự.

Khi có thông tin cụ thể, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vấn đề theo chức năng của mình. Riêng tôi, với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi sẽ chất vấn Chính phủ về vấn đề này, nếu thấy dự án bán biệt thự không kèm theo những yêu cầu cụ thể về bảo tồn.

Xin cảm ơn ông.

Lê Nhung (thực hiện)

>> Hà Nội sẽ không còn một không gian biệt thự cổ 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1619 khách Trực tuyến

Quảng cáo