"Việt Nam chưa có đường cao tốc đúng nghĩa, chúng ta đang đi tìm một cơ chế thích hợp cho chiến lược phát triển đường cao tốc" - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo Chiến lược đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam, diễn ra ngày 6/11 tại Hà Nội.
VN đang học cách để... làm đường cao tốc!
- Thưa Thứ trưởng, theo quy hoạch về mạng lưới đường bộ cao tốc mà Bộ GTVT trình Chính phủ, nếu được phê duyệt, đến 2020 ta sẽ có gần 6.000km đường cao tốc, ngang bằng với Hàn Quốc, liệu có khả thi?
- Cần chú ý, trong quy hoạch này, Bộ GTVT đề xuất từ năm 2020 và những năm tiếp sau, chúng ta sẽ xây dựng hơn 5.800km đường chứ không phải là đến 2020 ta có gần 6.000km đường cao tốc.
- Dường như thời gian tới là giai đoạn chúng ta sẽ triển khai "ồ ạt" xây đường cao tốc với các tuyến như Hà Nội - Hải Phòng, Sài Gòn- Trung Lương... Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như năm rồi và thực tế chúng ta vẫn loay hoay tìm cơ chế, huy động tiền để làm đường cao tốc thì tiến độ này có bị ảnh hưởng?
- Chúng ta không ồ ạt làm. Quy hoạch sẽ được Chính phủ duyệt. Trong quy hoạch đó có phân năm nào làm cái gì, đến đâu, cân đối nguồn lực thế nào.
Bây giờ nói năm sau làm bao nhiêu tuyến chúng ta cũng chưa nói được. Khi Thủ tướng đặt bút kí duyệt, công bố quy hoạch thì chúng ta sẽ rõ năm nào làm cái gì, giai đoạn nào đến đâu, làm ở đâu trước. Khi đó hẵng nói ồ ạt hay không ồ ạt.
Còn khó khăn ảnh hưởng ra sao thì có lẽ tầm Chính phủ mới trả lời được. Bộ GTVT chỉ là một bộ cùng rất nhiều bộ ngành khác đang ngồi lại để tính toán.
Về đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đúng là chậm dù đã có cơ chế rồi. Nhưng lần đầu tiên chúng ta thực hiện một công trình với quy mô tương đối lớn và tầm mức rất lớn như thế này nên riêng việc tìm cho đủ các nguồn lực tham gia cần nhiều thời gian.
Tôi được biết, đến thời điểm này, Ngân hàng đầu tư đã hoàn thành việc kí hợp đông huy động và đã có thể bắt đầu đi vào xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Hà Phòng. Hy vọng sẽ có tiến độ tốt.
- Ông nói là lần đầu, vậy Việt Nam chưa có đường cao tốc thật sự sao?
- Đúng, Việt Nam chưa có đường cao tốc đúng nghĩa. Chúng ta đang trong quá trình lắng nghe, xây dựng chính sách cho việc xây dựng đường cao tốc.
- Tại hội thảo này, các chuyên gia của WB, ADB có gợi ý Việt Nam nên có một cơ quan Nhà nước về xây dựng, quản lí đường cao tốc cũng như cần có Luật về đường cao tốc. Thứ trưởng nghĩ sao?
- Chúng ta đang đi học, chúng ta đang nghe tất cả gợi ý, khuyến nghị của WB, ADB... Lựa chọn cuối cùng vẫn ở phía trước nên chưa thể nói được gì hết. Ta đang lắng nghe để chọn ra một hướng đi thích hợp.
- Vậy còn kinh nghiệm về huy động vốn bằng cách liên kết giữa Nhà nước - tư nhân của Ấn Độ, Trung Quốc, những nước có điều kiện gần giống Việt Nam mà các chuyên gia gợi ý, quan điểm của Bộ về vấn đề này?
- Về huy động vốn bằng cách liên kết giữa Nhà nước và tư nhân (gọi là phương thức PPP), Bộ rất ủng hộ. Nhưng huy động thế nào, bao nhiêu, ở thời điểm nào thì phải tính. Một công ty trách nhiệm nhân tích luỹ được khoảng vài ngàn tỉ, mà đầu tư vào giao thông (đường cao tốc) thu phí hoàn vốn rất lâu nên chắc chắn tư nhân sẽ ái ngại.
Nói ví dụ ở Trung Quốc hay Ấn Độ, một đời dựa án đường cao tốc của họ phải mất trung bình 20 năm để thu hồi vốn. Họ có dám đầu tư vào chỗ mà hoàn vốn lâu thế không? Hay họ đi buôn bán đất đai để thu hồi vốn nhanh hơn! Chính họ là người cân nhắc, chúng ta không thể bắt họ nhưng chúng ta sẽ tạo hành lang pháp lí để khuyến cáo, để kêu gọi họ. Đây vẫn là bài toán khó cho Nhà nước chúng ta mà trực tiếp là Bộ GTVT.
Hơn nữa, "tư nhân" với những dự án lớn cỡ tỉ đô thế này cũng khác "tư nhân" trong những dự án đường giao thông thông thường khác. Câu hỏi "tư nhân ở đây là ai"? Tư nhân có phải là Tập đoàn Nhà nước không? Hay tư nhân là người dân thực sự, là các công trách nhiệm hữu hạn.
Ở ta, nếu tư nhân là 1 công ty tư nhân trách nhiệm hữu hạn thì có vốn khá lắm cũng khoảng vài ngàn tỉ đồng, trong khi đầu tư 1 dự án đường cao tốc là vài tỉ đô la Mỹ. Vì thế, cái này, cần tính kĩ...
"Đường cao tốc sẽ tách bạch với đường quốc lộ"!
- Chúng ta đã có cơ quan chuyên trách về đường cao tốc là Công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC). Đến nay, hoạt động của VEC đóng vai trò thế nào trong chiến lược phát triển đường cao tốc? VEC có thay thế chức năng này của các Ban quản lí dự án (PMU) không?
- Không có chuyện VEC thay thế PMU. VEC là hình thức mà chúng lựa chọn ban đầu theo mô hình của 1 quốc gia. Đến lúc này nó tồn tại thế nào thì JIBIC, WB, ADB đang có khuyến cáo với chúng ta. Bộ GTVT đang lắng nghe và cũng sẽ làm việc thêm với một số tổ chức tài chính quốc tế để tiếp tục lắng nghe khuyến cáo từ nhiều phía, mới đưa ra hình thức ai thay thế ai.
- Ảnh bên: Mô hình đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
- Có ý kiến cho rằng, để tiết kiệm kinh phí giải phóng mặt bằng, xây đường cao tốc sẽ trên cơ sở nâng cấp, mở rộng mạng đường bộ, nhất là các tuyến quốc lộ?
- Điểm cơ bản trong quy hoạch mà Bộ GTVT trình Chính phủ làhệ thống đường cao tốc sẽ tách rời với đường quốc lộ hiện nay. Chứ nếu "vát" đường bộ để làm đường cao tố thì dân đi vào đâu.
Nhưng đường cao tốc sẽ kết nối với đường bộ, với các cảng biển, các khu kinh tế, cửa khẩu...
Chúng ta cũng đang tính đến việc thu phí đường cao tốc. Ai có tiền nhiều thì đi đường cao tốc, ai ít tiền hơn thì đi đường bình thường. Vì Chính phủ không thể lo toàn bộ kinh phí được. Chính phủ còn bao nhiêu việc phải làm, ví dụ như 134, 135, phải khắc phục lũ bảo.
Vì thế chủ trương của Chính phủ là xã hội hoá, kêu gọi nguồn lực xã hội cho xây đường cao tốc. Nếu tập trung toàn bộ nguồn lực của Chính phủ cho đường cao tốc thì an sinh xã hội "có vấn đề"!.
- Cảm ơn Thứ trưởng!
Theo "Quy hoạch xác lập mạng đường bộ cao tốc quốc gia đến năm 2020 và những năm tiếp sau đó" của Bộ GTVT trình Chính phủ cho thấy Việt Nam sẽ có 20 tuyến với tổng chiều dài 5.873km. Gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam: có 2 tuyến với tổng chiều dài 3262km. Tuyến cao tốc Bắc- Nam phía đông, dài 1.941km và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài 1.321km. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc: Gồm 6 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô, có tổng chiều dài 969km, cụ thể: Lạng Sơn - Bắc Giang - Bắc Ninh dài 130km; Hà Nội - Hải Phòng dài 105km; Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai, dài 264km; Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái dài 294km; Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình dài 56km; Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng ninh dài 160km. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam: 6 tuyến với tổng chiều dài 834km. Cụ thể: Biên Hòa - Vũng Tàu 76km; Dầu Giây - Đà Lạt 209km; Tp.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành 69km; TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài 55km. Cùng với đó là hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên có tổng chiều dài 264km. |
Hà Lê thực hiện
- Hà Nội cần "hy sinh" một số lợi ích! - Dương Trung Quốc
- "Đô thị Việt Nam khá hỗn độn" - KTS Nguyễn Hữu Thái
- KTS Tadao Ando: "Phát triển đô thị cần nghe ý kiến của dân"
- 4 bất ổn của thị trường bất động sản - Nhận định của ông Tống Văn Nga
- Trận lụt lịch sử tại Hà Nội: Bài học đắt giá cho quy hoạch đô thị - P/v KTS Ngô Trung Hải
- Những nét mới của giải thưởng kiến trúc TP.HCM 2008 - Phỏng vấn KTS Khương Văn Mười
- Nhân Ngày Đô thị Việt Nam 8/11: phỏng vấn GS Nguyễn Thế Bá
- Tình trạng ngập lụt ở Hà Nội: Các chuyên gia nói gì?
- Bí thư Hà Nội: "Thiên tai thì không tính trước được"
- "Dự án trễ vì yếu quản lý hợp đồng sau đấu thầu"