Lâu nay, mọi người đều thấy quy hoạch đô thị của chúng ta khá lộn xộn, manh mún, thiếu đồng bộ. Ông có cho rằng sự ra đời của Luật QHĐT giải quyết được những vấn đề này?
Chính vì những bất cập, yếu kém của công tác QHĐT trong thời gian vừa qua mà chúng ta mới cần thiết cho ra đời luật này. Hiện QHĐT đang được điều chỉnh ở rất nhiều dự án luật nhưng dự án luật này sẽ điều chỉnh tổng hợp trong một bộ luật tất cả các khâu: từ lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, tổ chức thực hiện đến quản lý quy hoạch... Khi có luật này rồi, nó sẽ khắc phục tình trạng chồng chéo giữa quy hoạch này với quy hoạch kia. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở một đô thị chuyện này: nay thì anh điện làm điện, mai anh viễn thông lại làm dây viễn thông, nên một cột điện có nhiều loại dây mắc lên - đó là do lỗi quy hoạch.
Trong dự án luật có nêu vai trò của Kiến trúc sư trưởng (KTST). Quanh chức danh này, có nhiều ý kiến khác nhau, người cho là nên có, người lại đề nghị không. Quan điểm cá nhân ông thì sao?
Trong quá trình thẩm tra dự án luật này, chúng tôi cũng lấy ý kiến của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, thậm chí có những người từng giữ vai trò kiến trúc sư trưởng trước đây, nhưng đúng là hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trên thực tế ở các đô thị lớn một số nước cũng có vai trò của KTST với nhiệm vụ rất quan trọng là định hướng quy hoạch. Trong một quy hoạch thì việc có ý tưởng và có người duy trì thực hiện những ý tưởng đó là rất cần thiết, vấn đề là chúng ta quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của KTST ra sao. Chính vì vậy, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế có đặt vấn đề Chính phủ cần phải tổng kết mô hình KTST những năm trước đây đã làm, rút ra các ưu điểm, nhược điểm, từ đó chọn ra mô hình phù hợp. Khi có mô hình rồi thì việc quy định nhiệm vụ của KTST là gì, cơ chế hoạt động của họ ra sao, mối quan hệ giữa KTST với các ban, ngành khác (như sở xây dựng, sở quy hoạch kiếm trúc, hội đồng quy hoạch kiến trúc) như thế nào... mới có thể làm rõ.
Tôi nghĩ rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội cho ý kiến về dự án luật này, kỳ họp sau mới thông qua, nên còn thời gian để dư luận tiếp tục bàn thêm.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ sở quy hoạch kiến trúc. Ông nghĩ sao?
Cái này tôi cho rằng cần phải tổng kết. Không phải vô cớ mà Chính phủ cho hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có sở quy hoạch kiến trúc. Đương nhiên, trong quá trình thực hiện, bản thân tôi cũng nghe rất nhiều ý kiến phàn nàn về mối quan hệ giữa sở xây dựng với sở quy hoạch kiến trúc, nhưng cần phải tổng kết xem cái gì là bất cập, cái gì cần điều chỉnh, sửa đổi...
Dự án luật có quy định, khi quy hoạch đã được duyệt nhưng Nhà nước chưa thu hồi thì các tập thể, cá nhân vẫn được xây dựng, sửa chữa... Liệu rằng điều này có làm nảy sinh thêm phức tạp về mặt xã hội và khó cho công tác GPMB sau này không, thưa ông?
Điều này cũng đã được bàn tới khi chúng tôi thẩm tra dự án luật. Tuy nhiên, khi quy hoạch, kể cả quy hoạch chung hay phân khu, quy hoạch cải tạo chỉnh trang đô thị... thì có một việc rất quan trọng là chúng ta phải quan tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng quy hoạch, có những điều khoản ràng buộc về việc khi quy hoạch đã được phê duyệt thì trách nhiệm tuân thủ quy hoạch của người dân ra sao, khi chưa phê duyệt thì như thế nào...
Hiện ở Hà Nội có một số công trình đã để "treo" rất lâu, cụ thể như những khu nhà ở ngoài đê sông Hồng không thể cải tạo được vì vướng luật. Liệu Luật QHĐT ra đời có giải quyết được tồn tại này không, thưa ông?
Tôi cũng chưa biết rõ về các công trình này lắm nhưng tôi cho rằng nó cũng giống với trường hợp những công trình xây dựng ở khu vực thuộc vùng phân lũ, chặn lũ của Hà Tây (cũ), Nhà nước cũng có quy định riêng. Theo tôi, với những vùng mà các công trình xây dựng chịu sự chi phối của những luật khác thì Luật quy hoạch đô thị phải giải quyết được các mối quan hệ này. Có một vấn đề được đặt ra là khi luật này ra đời thì các luật khác sẽ như thế nào. Trong báo cáo, Ủy ban Kinh tế có đề nghị: hoặc là xóa bỏ tất cả những điều luật liên quan đến QHĐT ở các bộ luật khác, hoặc thực hiện thống nhất theo Luật QHĐT.
Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh được xếp vào loại đô thị đặc biệt. Theo ông, hai thành phố lớn này có nên được hưởng một cơ chế đặc biệt và sự phân cấp mạnh hơn về khâu quy hoạch không?
Theo tôi, chúng ta có nhiều loại đô thị thì những loại đô thị đặc biệt cũng cần có những điều khoản quy định phù hợp để cho phạm vi điều chỉnh của Luật QHĐTđược rộng rãi hơn. Còn cụ thể ra sao thì cần phải xem xét.
Xin cảm ơn ông!
Vân An (ghi)
Tin mới hơn:
- Những nét mới của giải thưởng kiến trúc TP.HCM 2008 - Phỏng vấn KTS Khương Văn Mười
- Nhân Ngày Đô thị Việt Nam 8/11: phỏng vấn GS Nguyễn Thế Bá
- Tình trạng ngập lụt ở Hà Nội: Các chuyên gia nói gì?
- Bí thư Hà Nội: "Thiên tai thì không tính trước được"
- "Dự án trễ vì yếu quản lý hợp đồng sau đấu thầu"
Tin cũ hơn:
- Ứng xử thế nào với các kiến trúc lịch sử?
- Di sản còn gì? - Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng
- Nông thôn bất ổn, thành thị cũng khó phát triển
- Luật Đất đai: Đừng làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp nội
- Quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận - Phỏng vấn KTS Cao Xuân Hưởng