Ashui.com

Wednesday
Sep 18th
Home Tương tác Đối thoại Di sản còn gì? - Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng

Di sản còn gì? - Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng

Viết email In

Khi các bậc tiền bối trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật cổ, trong đó có mỹ thuật lần lượt gọi nhau về trời, để lại một khoảng trống dễ đến một thập kỷ, thì có một người, một hoạ sĩ trẻ mới tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật, bỏ ra hàng năm trời lang thang khắp các đình chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Ông lầm lũi nghiên cứu, ghi chép và sau đó là các công trình nghiên cứu uy tín như: "Điêu khắc cổ Việt Nam", "Đồ hoạ cổ Việt Nam", "Chùa Dâu - Tứ Pháp", "Chùa Bút Tháp" v.v... được công bố. Đó là vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, và người đó là Phan Cẩm Thượng, một cái tên cho đến nay đã trở thành thân thuộc trong giới mỹ thuật VN.

Tôi gặp ông cùng vài người bạn tâm đắc trong một câu chuyện chung rất thời sự về những dòng sông đang chết vì nạn ô nhiễm. Ông lặng lẽ chẳng bình luận gì như thể đang phải nghe một chuyện đã nghe rất nhiều rồi, thành thuộc. Biết vậy, tôi hướng câu chuyện sang ngả khác bằng câu hỏi về nạn ô nhiễm văn hoá hiện nay cũng trầm trọng chẳng kém. Ông hưởng ứng ngay rồi nói:

- Ở đâu thì văn hoá cũng được hình thành trên nền tảng của triết học, tôn giáo và nghệ thuật như một tam giác có liên quan chặt chẽ với nhau, chúng sẽ tạo nên một đời sống tinh thần có tính vĩ mô và từ đó chi phối văn hoá ứng xử của cộng đồng. Để xét xem một nền văn hoá có lành mạnh hay không đôi khi chỉ cần quan sát đời sống ứng xử thường ngày thay đổi đến mức nào.

Thời phong kiến xưa, văn hoá ứng xử được hình thành trong mỗi làng với luân lý nho giáo, với nghệ thuật đình chùa, quan hệ xã hội là những tập tục ràng buộc bởi hương ước theo quy chuẩn, đạo đức, gắn liền với môi sinh cảnh quan và môi trường tâm linh. Nền văn hoá đó được ổn định và độc lập với thể chế phong kiến, nó từng tồn tại hàng bao thế kỷ.

Nhưng đó là chuyện xa xưa, không thể áp dụng trước những đổi thay của lịch sử. Thời hiện đại, những rườm rà của văn hoá làng xã không còn nữa, và ở quốc gia nào cũng vậy, người dân phải thực thi hai vấn đề chính, xét ra rất đơn giản: Một là đi làm và đóng thuế, nông thôn cũng như đô thị; và hai là tuân thủ theo pháp luật sở tại.

Điều đơn giản này, với sự ổn định ban đầu, lại chính là lý do nảy sinh ra một nền văn hoá ứng xử vô cùng phức tạp, từ trốn thuế đến tham nhũng, hối lộ, phá hoại nặng nề đến thái độ lao động và thái độ sống hàng ngày. Để tiện việc cho mình thì cứ phải có phong bì, từ việc trẻ con bắt đầu đi học cho đến những việc đại sự quốc gia. Thói quen này dần dần phá hỏng hoàn toàn nền tảng đạo đức. Đó là lý do của nạn ô nhiễm văn hoá.

Nói kỹ hơn đó là văn hoá ứng xử, đành rằng đang sa sút nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn kỳ vọng trong nghệ thuật, hội hoạ chẳng hạn, yếu tố cá nhân vẫn chi phối mọi ứng xử, chắc chưa đến nỗi nào, một không khí sáng tạo trong lành hẳn chưa bị ô nhiễm?

- Tôi hiểu ý anh muốn đề cập đến tâm lý sáng tạo và tư tưởng nghệ thuật, nhưng ở ta, trước khi bàn đến việc này thì công việc quản lý nghệ thuật lại quan trọng hơn, đây tôi không muốn nói đến quản lý tư tưởng mà chỉ đơn thuần là nghề nghiệp thôi, ví dụ nếu lái xe ôtô, anh buộc phải có bằng chẳng hạn.

Trong khi đó tất cả các gallery trong nước trưng bày và bán tranh không một ai có bất kỳ một mảnh bằng nào. Các ông chủ gallery cũng chẳng khác bất kỳ một ông chủ buôn bán tạp hoá, miễn là có lợi nhuận. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức sáng tạo của hoạ sĩ, họ phải tự nhại lại mình nếu tác phẩm của họ đang được giá, bằng không sẽ có cả một đội ngũ sẵn sàng chép tranh của họ cho các gallery. Và lạ thay, ngoài đường, trên các phố phường đầy rẫy những cửa hàng chép tranh và bán công khai.

Đây chỉ là một khía cạnh nhỏ của đời sống mỹ thuật. Vấn đề lớn hơn, bao hàm hơn, là vai trò của nghệ sĩ với xã hội và ngược lại. Thời xa xưa trong cái tương quan bền chặt của triết học, tôn giáo, nghệ thuật, các hoạ sĩ sáng tác theo cảm hứng và đề tài tôn giáo rồi gửi gắm vào đó tư tưởng nhân văn của mình. Họ có một bệ đỡ rất mạnh và sang trọng là tôn giáo và triết học, thử hỏi ông Leonar de Vinci, ông Rafaell nếu không có Thiên chúa chắc chắn không thể có những tác phẩm để đời cho nhân loại, tất nhiên các ông cũng có nỗi hồ nghi của mình với nhà thờ.

Nhưng giữa Thiên chúa và nhà thờ cũng như Phật giáo với nhà chùa là hai hình thức khác nhau. Đến thời hiện đại bây giờ, cái mô hình tam giác đó không còn nữa, vai trò của nghệ sĩ trở lại với vai trò của công dân, công dân số một đối với xã hội và rõ ràng ảnh hưởng của họ có thể ngay tức khắc, có thể rất lâu dài, có thể điều chỉnh những khiếm khuyết của các lĩnh vực khác... Đa phần người Việt Nam thuộc Nguyễn Du, yêu tranh Nguyễn Phan Chánh, tranh Bùi Xuân Phái...

Vài chục, vài trăm năm, đời sống trí tuệ vẫn trong lòng người ta. Nhưng có một sự thật đáng phiền lòng là ngày hôm nay người nghệ sĩ cũng như các nhà quản lý văn hoá chưa ý thức được trọn vẹn ý nghĩa này, cả hai đều trông chừng nhau nhưng đều thả nổi nhau, kẻ sáng tác thì theo xu hướng kinh doanh nhỏ lẻ, nhà quản lý chỉ để ý đến công thức tư tưởng. Thế thì làm sao nâng cao được tầm văn hoá vốn còn thấp của quần chúng.


Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh). 


Đời sống văn hoá của dân tộc nào cũng vậy, có lúc thăng lúc trầm, nhất là một đất nước phải trải qua nhiều binh lửa như nước ta. Tôi nghĩ dù gì thì gì, những thành quả đích thực của nghệ thuật từ truyền thống đến hiện đại không thể phai nhạt trong ngày một ngày hai, nó vẫn được ẩn náu trong tâm khảm mỗi người, nhất là những nghệ sĩ sáng tác. Một lúc nào đó nó sẽ được khơi dậy, tìm lại mảnh đất lành mạnh để đơm hoa kết trái, theo ông giải pháp gì để thúc đẩy nhanh quá trình này, nếu không chúng ta thật lãng phí và sẽ có lỗi với hậu thế?

- Đúng là chúng ta quá lãng phí di sản. Sau 100 năm chiến tranh loạn lạc, nếu tính từ 1858-1958, thì 70% di sản văn hoá Việt Nam biến mất. Trong 30% còn lại, có 10% tương đối nguyên vẹn, 20% què quặt chắp vá. Di sản đó ở phương diện vật thể là đình, chùa, đền, lăng mộ, am quán, cung thất, điêu khắc, trang trí và đồ thờ tự. Trong 20 năm chống Mỹ, một phần tiếp tục bị bom đạn, không được chăm sóc.

Rồi từ 1975, giới buôn đồ cổ hoành hành tẩu tán gần hết chuông khánh, tượng Phật. Thậm chí tượng Quan Âm Nam Hải 42 tay, cao đến 2,7m ở chùa Keo và tượng Quan Âm Chuẩn Đề chùa Tây Phương 112 tay, cao 1,54m cũng bị mất cắp... Di sản văn hoá không chỉ giới hạn trong những di tích quá khứ phong kiến, mà cả những thành tựu nghệ thuật cận, hiện đại cũng bị sao nhãng.

Căn phòng của Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng hoàn toàn trống rỗng, rồi người khác đến ở. Rồi xưởng hoạ của Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái... không ai quan tâm, ngay cả những sáng tác của các hoạ sĩ thời kỳ đổi mới 1990-2000 - một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nền văn nghệ nước ta để khoe với thế giới - hầu hết đã nằm ở các sưu tập nước ngoài.

Vậy mà đến giờ người ta vẫn đang bàn có nên xây bảo tàng nghệ thuật hiện đại hay không! Còn giải pháp ư, thật ra cũng có gì là khó khăn, khi mỗi người chúng ta hiểu một cách đau đớn một câu hỏi lớn đang đặt ra trước mắt mọi người rằng: "Di sản còn gì?".

Ông ngừng câu chuyện ở đây rồi chậm rãi lục tìm trong túi tặng tôi cuốn "Nghệ thuật ngày thường" của ông vừa xuất bản. Tôi lật trang cuối và đọc được những dòng này ở lời cuốn sách của ông: ..."Điều quan trọng là đã lao vào trần thế, thõng tay giữa chợ, thuật lại chuyện sông núi và nhân tình, trước là nói với mình, sau là cho chúng bạn hay, và cũng vì thế mà lúc nào cũng lưu luyến với cuộc sống, càng khó khăn càng có nhiều chuyện để suy ngẫm và viết ra...".

Tôi nghĩ ông luôn đau đáu với trách nhiệm của một nghệ sĩ đích thực, trách nhiệm của công dân với xã hội.

Trịnh Tú thực hiện

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2242 khách Trực tuyến

Quảng cáo