Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại KTS Tadao Ando: "Phát triển đô thị cần nghe ý kiến của dân"

KTS Tadao Ando: "Phát triển đô thị cần nghe ý kiến của dân"

Viết email In

"Cuộc sống thường nhật của con người trong xã hội công nghiệp ngày nay hết sức bận rộn. Đôi khi nó làm cho chúng ta quên đi chúng ta là ai trong thế giới này. Do vậy, cần có một không gian (đặc biệt là không gian ở), phải làm sao xoá bỏ hết được mọi ranh giới của vật chất (thứ làm cho chúng ta luôn đánh mất mình)... một không gian thật đơn giản... nơi chúng ta ngồi đó... với những khoảng trống để cảm thấy mình đang được sống, tồn tại..." - Đó là triết lý về nhà ở của kiến trúc sư Nhật Bản Tadao Ando.

Vừa xuống sân bay Nội Bài tối 25.11, Tadao Ando được Ban Tổ chức, Công ty Pacific Land, đưa thẳng tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi 4.000 sinh viên ngành kiến trúc và những người hâm mộ đã ngồi chật cứng hội trường, chờ được gặp và giao lưu với ông.

Bên ngoài cổng Trung tâm, vẫn còn hàng nghìn bạn trẻ tiếc nuối vì không thể tiếp cận thần tượng của mình. Ăn mặc giản dị, đôi mắt sáng và lanh lợi của Tadao Ando đã che lấp sự mệt mỏi sau chặng bay từ Hong Kong. Ông tỏ ra khá dè dặt và lịch lãm khi nói về kiến trúc Hà Nội.

Ông đánh giá công trình này như thế nào?

- Tôi rất ngạc nhiên vì sự to lớn của nó. Một trung tâm hội nghị lớn như thế này, thế giới cũng ít có. Tôi vừa đến là vào thẳng trong này, nên không có dịp đi vòng quanh công trình. Tôi chưa thể đánh giá hết được.

Sinh năm 1941 ở Osaka, Nhật Bản, thành phố bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh thế giới thứ II, cậu bé Tadao Ando thường thích chơi quanh quẩn bên các công trình xây dựng gần nhà. Năm 15 tuổi thì chính nhà của Tadao được sửa chữa. Cậu đã lân la học làm thợ mộc.

"Tôi đã thú vị biết bao khi tự tay làm nên mọi thứ. Tôi đã quan sát họ, những người thợ mộc, với một lòng ngưỡng mộ, cảm phục. Từ cách họ đánh mốc xác định vị trí đặt căn nhà, tôi thấy họ tin tưởng rất mãnh liệt và tự hào rằng những ngôi nhà như vậy có thể tồn tại hơn 100 năm trên chân của chúng".

Những ý tưởng đầu tiên về kiến trúc đã đến với Tadao Ando năm 15 tuổi, sau khi cậu xem cuốn phác hoạ của kiến trúc sư nổi tiếng Le Corbusier. "Tôi đã tô đi tô lại các đường nét trong sách, đến nỗi tất cả các trang trở nên đen sì" - Tadao nhớ lại. Từ đó, ông bắt đầu say sưa với các công trình kiến trúc. "Tôi luôn luôn thích tự học theo cách riêng của mình. Năm 18 tôi bắt đầu đi thăm đền, thờ, các ngôi nhà trà đạo ở Kyoto. Tôi học bằng cách đi xem công trình thực tế rồi về đọc sách".



Trong quá trình tự mày mò đó, ai là người thầy mà ông học hỏi được nhiều nhất?

- Đó chính là bà tôi. Bà khuyến khích tôi bằng câu:  "Hãy tự do phát triển công việc tuỳ theo năng lực của mình". Trên thế giới có nhiều kiến trúc sư, mỗi người có đặc trưng riêng và có cách học nghề riêng. Từ năm 17 tuổi, tôi đã chơi boxing chuyên nghiệp. Điều mà tôi học được từ môn thể thao này là: Khi cần thì phải chiến đấu không ngừng để đạt kết quả mà mình mong muốn. Với tinh thần ấy tôi đã không bỏ dở giữa chừng mà cố hết mình để đạt được những gì mình kỳ vọng.

Năm 1962, Tadao Ando lên đường đi chu du khắp nơi từ Mỹ, Châu Âu, Châu Á để được tận mắt chứng kiến các nền kiến trúc khác nhau trên thế giới. "Lúc đó tôi mới 24 tuổi. Cũng giống như các bạn sinh viên ở đây, tôi không có tiền, nhưng có sức khoẻ. Tôi đi với một ước mơ cháy bỏng trong lòng là học hỏi và tìm tòi ý tưởng cho mình. Càng đi tôi càng thấy nhiều điều mình phải học thêm nữa".

Trên tàu đi từ Madagascar tới Ấn Độ, Tadao Ando đã tham gia ngồi thiền cùng với một nhóm nhà sư. "Phải ngồi 1 tiếng đồng hồ dưới cái nắng nóng 50 độ C, tôi không còn cảm giác gì nữa. Sau 2 tiếng thì tôi ngã lăn ra vì không chịu được. Và tôi rút ra bài học rằng, đời người chỉ có một lần thôi. Cần nắm bắt cơ hội trong đời" - ông kể.

Năm 1969, Tadao thành lập Công ty kiến trúc Tadao Ando và cộng sự. Những ngày đầu khởi nghiệp của Tadao không phải lúc nào cũng suôn sẻ. "Những ý tưởng kiến trúc của tôi thường xuyên bị chính quyền Osaka từ chối. Hà Nội của các bạn chắc cũng giống như Osaka. Chính quyền ít khi nghe ý kiến của dân. Ở đây có lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Tôi mong muốn quý vị hãy nghe ý kiến của nhân dân khi phát triển đô thị".

Theo ông, tầm nhìn quy hoạch là của lãnh đạo thành phố hay của kiến trúc sư. Có ý kiến cho rằng kiến trúc sư chỉ là người thực hiện ý kiến của các lãnh đạo chính quyền?

- Thông thường chính quyền địa phương quyết định phương hướng phát triển thành phố. Nhưng kiến trúc sư cần đưa ra quan điểm và đề xuất của mình. Nhưng như tôi đã nói, ở Nhật Bản, quan chức thường không nghe theo lời của nhà thiết kế. Những người lãnh đạo đô thị cần có định hướng phát triển đô thị trên cơ sở cân đối nhiều phương diện khác nhau. Dân số thế giới ngày càng tăng. Đã đến lúc nếu không có suy nghĩ cẩn thận, sẽ không còn chỗ để mà sống trên trái đất.

Ông có gợi ý gì cho kiến trúc của Hà Nội?

- Hà Nội đang có nhiều biến đổi và ngày càng hấp dẫn. Đến giờ thì Hà Nội đã hấp dẫn rồi. Nhưng từ giờ trở đi,  tất cả các đô thị trên thế giới đều phải đối  mặt với vấn đề làm thế nào để vừa tiếp tục phát triển mà vẫn giữ được những nét riêng. Việc phát triển đô thị cần có quan điểm triết học và định hướng rõ ràng. Muốn phát triển Hà Nội thành đô thị hấp dẫn cần tập hợp kiến thức và kinh phí không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài.

Theo ông thế nào là một thành phố xanh sạch đẹp?

- Đô thị đó phải đem lại cho con người một cuộc sống thoải mái và hấp dẫn.

Một trong số những công trình đầu tiên mang lại sự chú ý của quốc tế với Ando là tiểu khu phố Rokko Housing I ở Kobe hoàn thành năm 1983. Tổ hợp này nằm trên sườn dốc tới hơn 60 độ của núi Rokko. Cả dự án là một khối nhà bêtông và kính trắng tương phản hoàn toàn với vách núi đầy cây xanh phía sau. Toàn bộ 20 căn nhà có kích thước 5,4 x 4,8 m, mỗi căn đều có ban công nhìn thẳng ra cảng Kobe. Ando nói về việc sự thành công của dự án này: "Tôi cho rằng kiến trúc sẽ thú vị khi nó có hai đặc tính, rất đơn giản và đồng thời rất phức tạp".

Ấn tượng về phong cách kiến trúc của Ando trước tiên đến từ cách sử dụng vật liệu, những mảng tường lớn của ông luôn tạo nên những giới hạn rõ rệt cho ngôi nhà. Ấn tượng thứ hai trong kiến trúc của ông là tính hiện hữu của các công trình, những khối tường nặng, thô ráp của ông gây cảm giác luôn có thể chạm tới, căng mình để đón ánh sáng và gió. Ấn tượng thứ ba là sự thông thoáng, với các công trình của Ando, luôn chỉ có ánh sáng bao bọc những người sử dụng.

Ông có nhận xét gì về những ngôi nhà ống ở Hà Nội?

- Tôi nghĩ các ngôi nhà ở phố bao giờ cũng cần có sự cân đối giữa yếu tố thiên nhiên và tính cá nhân của ngôi nhà đó. Các căn nhà của tôi được đánh giá cao bởi nó tôn trọng các yếu tố thiên nhiên được đưa vào trong đó.

Là một kiến trúc sư không hề trải qua một trường lớp đào tạo chính quy nào, nhưng Tadao Ando đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá, đưa ông trở thành kiến trúc sư nổi tiếng hàng đầu thế giới, như: Carlsberg Prize (1992), Pritzker Prize (1995), Praemium Imperiale (1996), Huy chương Vàng Viện Hoàng gia Kiến trúc Anh (1997).  

Theo ông, đâu là khác biệt lớn nhất giữa KTS được đào tạo và KTS tự học?

- Dù tự học hay học trong trường lớp đều có thể trở thành kiến trúc sư. Nhưng tự học thì khó hơn. Việc tôi không đi học trong trường đại học lúc đó là do tài chính gia đình không cho phép và tôi thấy năng lực của mình cũng không cho phép.

Ở Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới, người ta đều đánh giá con người qua bằng cấp. Nhưng tôi lại phát triển mà không hề có bằng cấp gì. Vì vậy, tôi nghĩ cần phải tạo điều kiện cho các bạn trẻ phát triển năng lực theo cách riêng của họ. Ai cũng có cơ hội của mình. Quan trọng là nỗ lực không ngừng và không bỏ qua cơ hội đó.

Minh Đức (thực hiện)

>> Chân dung Tadao Ando 

[ FORUM > Chủ đề: Buổi giao lưu với Tadao Ando lần đầu tiên tại Hà Nội ]


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1955 khách Trực tuyến

Quảng cáo