Ashui.com

Saturday
Dec 14th
Home Tương tác Đối thoại Cần một hành lang pháp lý cho việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị

Cần một hành lang pháp lý cho việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị

Viết email In

Những ngôi biệt thự cổ từ rất lâu đã gắn bó với đời sống tinh thần những thế hệ người Hà Nội. Nhưng trải qua thời gian, những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó quan trọng nhất là sự vô ý thức của con người, đã đem đến nhiều biến đổi ngoài ý muốn.

Bài phỏng vấn Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện (nguyên Chủ tịch Hội KTS VN / ảnh bên) sau đây cung cấp cái nhìn dưới góc độ chuyên môn kiến trúc về những giá trị văn hoá, lịch sử của khu biệt thự cổ Hà Nội, và một số giải pháp quy hoạch, phát triển kiến trúc đô thị có tính lâu dài.

Phong cách kiến trúc Đông Dương 

PV: Những ngôi biệt thự cổ ở Hà Nội mang đặc thù kiến trúc từ thời Pháp thuộc. Xin KTS cho biết lối kiến trúc này có gì khác biệt với kiến trúc Pháp thời kỳ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20? 

KTS NTL: Mỗi một công trình kiến trúc gắn theo nó hai mối quan hệ. Quan hệ thứ nhất là với tự nhiên, bao gồm khung cảnh thiên nhiên và đặc thù khí hậu, thời tiết. Quan hệ thứ hai là với con người. Khi hai mối quan hệ này được giải quyết thì sẽ có sự hòa hợp trọn vẹn. Khi người Pháp vào nước ta, họ bắt đầu khai thác, xây dựng theo nhu cầu sử dụng của chính họ. Điều đầu tiên họ quan tâm là làm sao công trình phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam. Khi đó họ chưa nghĩ nhiều đến khía cạnh văn hóa bản địa. Ngày nay vẫn còn lại một số ngôi nhà được xây dựng từ thời kỳ này, ta gọi là nhà trại lính. Đặc điểm dễ nhận thấy về chúng là có hàng hiên chạy bốn xung quanh, ở giữa là các phòng ở. Như vậy là trong giai đoạn đầu người Pháp vào Việt Nam, khoảng cuối thế kỷ 19, họ xây dựng trước tiên theo tiêu chí làm sao để phù hợp với điều kiện thiên nhiên bản địa, làm sao tránh được mưa, gió, nắng gắt.


Phố Tràng Tiền, Hà Nội (nguồn: hpgrumpe.de)

Sau đó, khi người Pháp bắt đầu bắt rễ, họ trở nên thông hiểu về dân tộc Việt, và thấy rằng không chỉ cần thích nghi với khí hậu, còn phải có sự hòa hợp về tinh thần con người. Họ mới bắt đầu tiếp nhận văn hóa Việt Nam. Điều đó thể hiện ra bằng những thủ pháp kiến trúc mang biểu hiện văn hóa của Việt Nam. Từ đó hình thành một phong cách kiến trúc gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương giải quyết được vấn đề kiến trúc một cách tổng thể hơn, hài hòa hơn, xuất hiện vào khoảng cuối những năm 30, đầu 40. Ngày nay ta còn được thấy rõ nét nhất qua công trình Bảo tàng Lịch sử, hay trụ sở Bộ Ngoại giao. Chúng khác biệt rõ với những công trình hoàn toàn chỉ mang đặc thù kiến trúc Pháp thời đó, như Nhà hát Lớn, hay Dinh Toàn quyền (nay là Phủ Chủ tịch), những công trình chỉ mới được Việt Nam hóa về mặt vật chất, chứ chưa Việt Nam hóa về mặt tinh thần. Như vậy, kiến trúc Pháp ở Việt Nam có thể chia làm hai giai đoạn. Kiến trúc Đông Dương là di sản văn hóa quý mà người Pháp đã để lại cho chúng ta.

Giữa kiến trúc Đông Dương và kiến trúc bản địa cổ (ví dụ khu 36 phố phường ngày trước) có sự ăn nhập (hoặc không ăn nhập, nếu có) ra sao?

Khi người Pháp lập kế hoạch sử dụng, khai thác, và mở rộng Hà Nội, họ đã rất ý tứ với việc khoanh lại khu vực kiến trúc truyền thống ở phía Đông thành Hà Nội, tức là khu 36 phố phường. Còn lại những vùng đất mới, gọi là nhượng địa, thì người Pháp phát triển, xây dựng theo cách thức của họ. Đường phố được quy hoạch như các ô bàn cờ, nhằm mục đích thuận tiện cho việc giao thông, liên lạc, chẳng hạn như khu vực phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, giữa hai khu vực vẫn có một vùng đệm, là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Chúng ta thấy ở đây có một sự chuyển nhẹ nhàng, từ khu buôn bán 36 phố phường có kiến trúc bản địa truyền thống, sang khu vực mang đặc thù kiến trúc Pháp ở phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Sự tinh tế đó là do tài nghệ và ý tứ của người làm kiến trúc.


Cuộc sống đời thường - Phố Hàng Cân, Hà Nội (Ảnh: Xunghi)
 

Bản sắc kiến trúc trong đô thị hiện đại 

Kiến trúc thời Pháp thuộc và kiến trúc bản địa cổ liệu có giúp thỏa mãn được nhu cầu sinh hoạt của người Việt ở đô thị trong hiện tại, với mật độ đông đúc như hiện nay? 

Kiến trúc nào cũng là sản phẩm của một giai đoạn riêng biệt. Vừa là sản phẩm vật chất, vừa là sản phẩm về mặt tinh thần. Một nền kiến trúc trong giai đoạn nào thì lệ thuộc vào bối cảnh kinh tế, xã hội trong giai đoạn ấy. Trước kia con người rất lệ thuộc vào tự nhiên, kiến trúc phải dựa vào thiên nhiên. Ngôi nhà như vậy cần có không gian cho cây cối với đất đai rộng bao quanh. Nhưng khi đô thị phát triển như hiện nay thì không thể có nhiều đất được nữa. Như vậy không còn cơ sở tồn tại ở khía cạnh vật chất cho một số đặc thù quan trọng của kiến trúc bản địa truyền thống và kiến trúc thời Pháp thuộc.

  • Ảnh bên : Phố vắng (Ảnh: Lê Thiết Cương) 

Tuy nhiên, có lẽ kiến trúc truyền thống bản địa và kiến trúc Pháp thuộc vẫn để lại vai trò nào đó trong đời sống tinh thần đô thị Việt Nam hiện tại? 

Đời sống tinh thần của con người phần nào vẫn còn sự gắn kết với quá khứ, vì tinh thần dù sao cũng không thay đổi nhanh như đời sống vật chất. Nhưng tinh thần kiến trúc cũ chỉ có thể tái sinh thông qua một sự sáng tạo. Hiện nay chúng ta nói rất nhiều đến phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Nhưng đó là nói theo khẩu hiệu. Văn hoá không cố định mà luôn phát triển, kết quả của sự biến hoá qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ. Đó là một dòng chảy liên tục cùng với sự lắng đọng và kết tinh. Cái mà chúng ta đang làm ngày hôm nay, theo thời gian sẽ lắng đọng lại. Chỉ những gì tinh tuý sẽ còn lại, và trở thành bản sắc văn hoá. Bản sắc đó có thể sẽ không nhắc lại hoàn toàn cái đã qua. Việc khai thác truyền thống không phải sao chép nguyên xi, mà người nghệ sĩ phải biến nó thành cái của mình. Mọi sự sáng tạo phải có tính kế thừa gốc rễ cũ, nhưng phù hợp với thời đại mà người nghệ sĩ đang sống.

Cơ sở nào sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền kiến trúc mang bản sắc riêng của giai đoạn hiện tại, nhưng vẫn kế thừa và hòa hợp với các tinh hoa văn hoá truyền thống? Đâu là vai trò thích hợp của Nhà nước? 

Để có một tác phẩm thực thụ, cần phải có đầy đủ đầu vào. Đó là tri thức cho người nghệ sĩ. Để rồi thông qua xúc cảm, anh tạo ra được giải pháp mới. Đó mới là cái được kết tinh lại. Qua đó chúng ta mới có được kiến trúc phù hợp với thời đại mới, một thứ kiến trúc hiện đại nhưng vẫn kế thừa bản sắc văn hoá cũ. Phải đưa được các giá trị truyền thống vào tâm thức người nghệ sĩ, để họ hiểu được, cảm nhận được, và biến chúng thành cái của mình. Bản sắc đến một cách tự nhiên nhưng qua sáng tạo, và là kết quả của một quá trình lắng đọng, những gì được cuộc sống kiểm nghiệm và chấp nhận.

Trong góp ý cho mẫu nhà Quốc hội mới, KTS từng trích dẫn lời của KTS người Nhật Kenzo Tanghe “hãy quên đi truyền thống, đập nát nó đi, biến truyền thống vào trong máu thịt mà sáng tác”. Tuy nhiên, kiến trúc cổ truyền của Nhật mang đặc điểm chú trọng tính minh giản. Đặc thù này tạo ra thuận lợi lớn cho những kiến trúc sư Nhật, vì nó cũng rất phù hợp với tư tưởng kiến trúc hiện đại. Nhưng dường như kiến trúc cổ truyền của Việt Nam không thật sự hướng tới tính minh giản. Liệu đó có là trở ngại lớn cho việc đưa yếu tố văn hoá truyền thống vào đời sống kiến trúc hiện đại?

Kiến trúc cổ truyền Nhật có những biểu hiện có thể thấy ngay được, và những biểu hiện ấy dễ dàng xâm nhập vào kiến trúc hiện đại. Nhưng kiến trúc cổ của ta cũng có những nét hiện đại, song chúng không dễ thấy, và chúng ta cũng chưa có sự đầu tư nghiêm túc để sàng lọc. Chẳng hạn như cấu trúc nhà theo gian, với cách xây cất dần, cũng là một cơ sở của cách làm hiện đại. Kiến trúc của người Việt nhẹ nhàng, không kín đặc. Trong nhà và ngoài nhà có lớp trung chuyển là hàng hiên, hòa vào thiên nhiên, giúp làm dịu đi sự khác biệt. Tâm tình ưa sự dịu dàng, thoáng đãng đó của người Việt không chỉ tồn tại trong quá khứ, mà tương lai vẫn sẽ có. Đời sống tinh thần của người Việt từ xưa tới nay vẫn là một mạch liền. Điều quan trọng là chúng ta làm sao tạo điều kiện để người kiến trúc sư có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền kiến trúc cổ truyền. Vai trò của Nhà nước chính là tạo điều kiện khơi được nguồn cảm hứng cho những người đang làm công việc sáng tạo. Các kiến trúc truyền thống của chúng ta đang mai một dần đi, trong khi chúng chính là nguồn tư liệu sống quý báu. Nhà quản lý cần có con mắt xanh, một tầm nhìn, để thấy và biết bảo tồn những công trình mang giá trị truyền thống.


Hành lang pháp lý phù hợp cho việc bảo tồn các di sản kiến trúc 

Hiện nay, khu biệt thự mà người Pháp để lại cho Hà Nội đang dần biến dạng. Đây cũng là một nguồn tư liệu sống mà chúng ta đang mất đi. Trong khi bản thân người Pháp xưa kia đã rất có ý thức bảo tồn đối với khu 36 phố phường. Xin KTS cho biết suy nghĩ của mình về vấn đề này.

Khu biệt thự mà người Pháp để lại là một vốn liếng văn hoá rất quý, không chỉ đối với Việt Nam mà với thế giới cũng không mấy nơi có được. Cho nên chúng ta phải bảo tồn. Nhưng cách thức đang là vấn đề. Trước kia người Pháp khoanh lại vùng 36 phố phường, để nó sống đúng với đời sống vốn có của nó. Họ chỉ tác động kỹ thuật vừa đủ sao cho thích hợp với đời sống thời ấy. Nhưng đối với khu biệt thự của người Pháp, tới nay chúng ta chưa có phương thức bảo tồn và đã phạm nhiều sai lầm. Theo đúng nghĩa của biệt thự thì nhà phải ở giữa khoảng vườn. Nhưng chúng ta do một thời thiếu thốn, đã xây xen xây cấy vào, cơi nới tuỳ tiện, làm mất không gian. Tới thời kỳ có đầu tư nước ngoài, chúng ta lại để cho những công trình rất to lớn xâm nhập vào. Chúng là những vết dao đâm vào thân thể khu phố cũ. Những công trình cao tầng vốn đòi hỏi không gian rộng rãi riêng. Khi đứng chen vào khu biệt thự trở nên không tương thích. Và cuối cùng là hiện nay chúng ta đang rao bán các căn biệt thự. Điều này thể hiện là chúng ta không quản lý được. Việc bán đi đó cũng đồng nghĩa với khai tử khu biệt thự, vì trong số những người mua, có bao nhiêu người sẽ có ý thức gìn giữ, bảo tồn? 

Như vậy, lẽ ra chúng ta đã phải làm gì?

Nhìn vào tấm gương những người quản lý kiến trúc Paris thì thấy họ có cách làm của họ. Những công trình cao lớn mới sẽ được đưa ra một khu riêng, còn khu nội đô Paris thì gần như được bảo tồn nguyên vẹn. Các công trình làm mới chỉ được phép xây tới một chiều cao khiêm tốn. Cái chúng ta rất thiếu ở đây là công tác dự báo và tầm nhìn quy hoạch. Ta chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, các kiến trúc sư ai lo việc người nấy, và không có ai lo tới việc phát triển chung của kiến trúc. Không ai đặt hàng kiến trúc sư nghiên cứu về những vấn đề mang tầm vóc tổng thể. Cho nên đã bị động trước thực tế. Nhiều khu đô thị được xây lên, nhưng đô thị vẫn không có được bộ mặt hiện đại. Hiện nay các khu chung cư, như khu Trung Hoà – Nhân Chính, thực ra không hơn mấy về kiến trúc so với khu tập thể Kim Liên, có khác chăng là chỉ cao tầng hơn mà thôi.

Cần có những thay đổi gì để có một nền kiến trúc phục vụ tốt cho giai đoạn phát triển sắp tới ở các đô thị?

Các đô thị trên thế giới vừa có sự đa dạng, vừa duy trì được tính hài hoà tự nhiên, đó là do trình độ văn hoá của xã hội, mà cụ thể nhất là văn hoá của người kiến trúc sư và người làm quản lý. Diện mạo đô thị của ta ngày nay phản ánh trình độ văn hoá của xã hội, vốn sẽ không thay đổi trong một sớm một chiều. Vì vậy chúng ta không thể sốt ruột.

Đối với công việc của người làm quản lý, cần lập ra được một hành lang pháp lý phù hợp. Ví dụ như đối với khu biệt thự cổ, chủ trương bán là vấn đề cực chẳng đã, nhưng cùng với đó phải có ngay chính sách và cơ chế quản lý, các chế tài ràng buộc, để không dẫn tới khai tử khu biệt thự này.

Trong việc đào tạo kiến trúc sư, cần đào tạo ra những người chủ động trong công việc làm nghề, duy trì được tính sáng tạo cá nhân để mang lại những giải pháp kiến trúc không bị hạn chế bởi các nhu cầu nhất thời của thị trường. Làm sao để họ được hoàn toàn làm chủ trong công việc sáng tạo. Tạo điều kiện tốt nhất cho họ được tiếp cận với những vốn liếng kiến trúc truyền thống. Nếu môi trường hoạt động kiến trúc được như thế thì chắc chắn sẽ đem lại những chuyển biến tích cực cho gương mặt kiến trúc đất nước.

Phạm Trần Lê thực hiện 

>> Di sản đô thị: Xung đột giữa phát triển và bảo tồn 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 8077 khách Trực tuyến

Quảng cáo