Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại Góp ý dự thảo luật quy hoạch đô thị: Luật lệ + nhân bản = hạnh phúc

Góp ý dự thảo luật quy hoạch đô thị: Luật lệ + nhân bản = hạnh phúc

Viết email In

Tại buổi góp ý cho dự thảo luật Quy hoạch đô thị (QHĐT), hầu hết các ý kiến cho rằng, dự luật QHĐT mới chỉ là “văn bản quy định hành chính trong mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng, không thiết thực, không thể đi vào cuộc sống. Chưa có điều khoản nào chế tài, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức sai sót, tiêu cực trong lĩnh vực quy hoạch thì không thể là luật được”.

Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Võ Thành Lân (ảnh) về nền tảng để xây dựng luật QHĐT.

Vì sao ta làm quy hoạch từ lâu, nhưng giao thông, môi trường, cảnh quan, phúc lợi công cộng... ở đô thị ngày càng sa sút nghiêm trọng? 

Đó là lý do để kỳ vọng vào luật QHĐT đang chuẩn bị trình Quốc hội, nhưng nội dung của dự luật hầu như là một văn bản quy định về phương thức làm quy hoạch, nhằm mục đích chấn chỉnh một hoạt động chuyên ngành về mặt hành chính và tổ chức thực hiện.

Dự thảo luật QHĐT chưa thể hiện được mối quan hệ về kinh tế, an sinh xã hội, văn hoá, tài nguyên môi trường... Và, chưa dự báo kỹ về nhiều vấn đề khác, thiếu tầm nhìn xa như hy sinh quyền lợi của đa số dân chúng để ưu tiên cho những nhóm nhà đầu tư?

Tốc độ đô thị hoá đang quá nóng theo đà của tốc độ công nghiệp hoá ào ạt. Các đô thị lan rộng nhanh chóng theo một cách có phần tự nhiên mà trong quá trình đó công việc quy hoạch hiện diện như một nhân tố góp phần tạo nên những giá trị từ đất đai để tham gia thị trường. Cứ như thế, quy hoạch dần được vận dụng như một thứ công cụ để hợp thức hoá công sản thành tư lợi. Quy hoạch thay đổi xoành xoạch cả về định hướng tổng thể lẫn chi tiết, biến ý nghĩa và nhiệm vụ chính của công việc nghiêm túc và khoa học này thành trò tung hứng theo vũ điệu của thị trường, theo sự dẫn dắt của những lợi ích cục bộ và nhất thời.

Cần phải trả công việc quy hoạch trở về đúng ý nghĩa và mục đích đích thực của nó, đó là quy hoạch phải thể hiện được tầm nhìn chiến lược của một địa phương hay một vùng lãnh thổ về sự phát triển bền vững trong sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội với những yếu tố địa lý thiên nhiên. Đó cũng là lý do đáng có và sự mong đợi của đất nước về bộ luật này.

Vậy làm luật QHĐT cần được xây dựng trên nền tảng đích thực của luật pháp và mục đích của nó dựa trên sự phát triển chung của các đô thị theo hướng lâu dài, bền vững và trên hết là vì cuộc sống của toàn dân?

Nền tảng đó, cơ bản cần khẳng định ý nghĩa về mặt luật pháp. Luật pháp được đưa ra xã hội với mục đích tiên quyết và tối thượng là nhằm bảo vệ một cái gì đó thuộc về lợi ích chung của toàn xã hội. Luật QHĐT mục đích chính phải nhằm để bảo vệ quy hoạch hay bảo vệ việc thực hiện, áp dụng quy hoạch. Việc lập quy hoạch phải tuân thủ những tiêu chí, đồng thời là mục đích lâu dài của công cuộc phát triển đất nước nói chung và đô thị nói riêng. Những tiêu chí này phải hết sức cụ thể, phải là kết quả của một quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc.

Về phân loại đô thị, điều 5 trong luật QHĐT phân thành sáu loại. Và khoản 2 của điều này ghi, “Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể cho từng loại đô thị phù hợp từng giai đoạn phát triển”. Điều này có chung chung quá?

Luật cần chỉ rõ tiêu chí cho từng cấp đô thị về nhiều mặt, nhất là quy mô dân số và mật độ dân số. Bởi, nếu không sẽ có nghịch lý đó là khuyến khích các đô thị mở rộng quy mô dân số để được thăng cấp loại đô thị. Và các địa phương mong muốn thăng cấp nhằm có thêm quyền hạn trong quản lý và điều hành chứ không nhằm mục đích vì dân sinh. Bài học trong quá khứ là sự tăng dân số quá mức sẽ đẩy đô thị vào ngõ cụt của những vấn đề về hạ tầng đô thị cũng như tiêu cực xã hội. Thực tế đã chứng minh rằng, đô thị phát triển bền vững thì yếu tố con người và môi trường đặt lên hàng đầu. Ở đó, mật độ và quy mô dân số là thông số căn bản, có ý nghĩa quyết định. Ở nước ta hiện nay, mỗi thành phố lớn nhỏ là những cái chợ lớn nhỏ, sống trong thành phố cứ như là sống trong chợ và mọi người đối xử với nhau theo kiểu mua bán tranh giành không chừa một lãnh vực nào. Nhiều đô thị trên thế giới đã tồn tại vài thế kỷ nay, không cần điều chỉnh quy hoạch một lần nào mà vẫn đẹp, thơ mộng và mãi mãi vẫn là niềm tự hào của nhiều thế hệ cư dân nối tiếp nhau, bởi vì ở đó có những tiêu chí về đô thị được bảo vệ nghiêm ngặt, và người dân bảo vệ các tiêu chí đó như bảo vệ cuộc sống của chính mình. Nơi nào có sự cộng sinh giữa luật lệ và nhân bản thì nơi đó hạnh phúc tự nhiên sẽ đến.

Điều 7 của luật QHĐT ở khoản 1 đề cập đến, định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia và các quy hoạch vùng liên quan. Theo ông, điều này đã thể hiện trách nhiệm thuộc thẩm quyền cấp nào và phúc lợi công cộng ra sao?

Nội dung mục này cần xác định cụ thể định hướng quy hoạch vùng là trách nhiệm thuộc về Nhà nước trung ương. Việc định hướng phát triển vùng lãnh thổ có ảnh hưởng lớn đến phát triển chung của quốc gia về nhiều mặt cả về vấn đề có tính toàn cầu. Chúng ta thường nghe “vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu; vùng tứ giác Long Xuyên... nhưng thực tế hầu như không có một văn bản nào xác nhận có một vùng kinh tế như thế về mặt Nhà nước. Như vậy thì làm sao có được một định hướng quy hoạch chung cho cả vùng lãnh thổ này. Mỗi địa phương và vùng lãnh thổ khi cần thiết phải có những tiêu chí cụ thể riêng. Cần thêm tiêu chí bảo vệ và phát triển các loại phúc lợi công cộng, các dạng phúc lợi đặc biệt có ảnh hưởng đến vùng lãnh thổ. Cần nhấn mạnh điểm này vì thực tế những giá trị phúc lợi chung đã bị biến thành tài sản riêng.

Nguyễn Tâm ghi / Ảnh : Ashui.com

>> Kiến trúc sư trưởng thành phố - Không nên đưa vào Luật 

[ FORUM > Luật Quy hoạch đô thị


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1624 khách Trực tuyến

Quảng cáo