Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Đối thoại Khách sạn gây tranh cãi: không thể đổ lỗi cho quá khứ

Khách sạn gây tranh cãi: không thể đổ lỗi cho quá khứ

Viết email In

Việc viện dẫn những lý do như cam kết quốc tế, văn bản pháp quy hay đổ lỗi cho quá khứ để cho tiếp tục triển khai dự án của lãnh đạo Hà Nội là không đúng” - Ông Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, lên tiếng.

Không thể đổ lỗi cho quá khứ

* Sau dự định xã hội hóa công viên Thống Nhất, cải tạo thành Disneyland bất thành, một dự án khách sạn 4 sao đã được Hà Nội cho phép xây dựng tại khu vực này đang gây nên những tranh cãi gay gắt. Từng là Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, theo ông, việc này nên được nhìn nhận như thế nào?

Ông Phạm Sỹ Liêm: Sau khi thấy dư luận xôn xao, báo chí phản ánh, tôi đã đến tận nơi. Nhưng xung quanh họ rào cao quá không vào xem được, tôi đành phải nhờ qua nhà dân nhìn xuống.

Dự án xây khách sạn ở công viên Thống Nhất đã được phê chuẩn bởi Ủy ban Hợp tác đầu tư nước ngoài từ hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư còn ít. Sau khi ta chào gọi, hãng hàng không SAS của Thụy Điển đã chấp nhận vào. Mặc dù dự án đã được thông qua, đất đai cũng đã sẵn sàng, nhưng sau đó không hiểu vì lý do gì lại dừng lại.

Tuy rằng dự án này đã chính thức được phê chuẩn, nhưng đã qua ngần ấy năm, Hà Nội đã có nhiều thay đổi, liệu dự án này có nên tiếp tục không. Với dự án này, thiết nghĩ rất cần phải xem xét lại tính hợp lý, phải lắng nghe những ý kiến của công luận và từ chính những người tiền nhiệm.

Cách đây chưa lâu, khi Hà Nội có ý định cho xây dựng dự án Disneyland trong công viên Thống Nhất thì đã vấp phải sự phản đối của đông đảo người dân và phải cho dừng lại. Như vậy, trong việc này, rõ ràng UBND Thành phố đã biết quan điểm của xã hội như thế nào rồi.

* Trong một cuộc họp báo được tổ chức hồi cuối tuần trước, đại diện của Hà Nội đã dẫn ra 3 cái lý để dự án tiếp tục được triển khai. Đó là căn cứ vào: quy hoạch, vào văn bản quy phạm pháp luật và cam kết quốc tế?

Cả 3 cái lý đó đều vô lý.

Hà Nội nói làm theo quy hoạch? Vậy họ đã làm theo quy hoạch nào trong khi quy hoạch của Chính phủ thì vị trí đó vẫn là đất công viên, nhưng đến quy hoạch của quận Hai Bà Trưng thì đất đó lại là công cộng?

Về cam kết quốc tế, cụ thể là cam kết với ai? Trong suốt 18 năm đã qua, người ta không giữ cam kết, còn mình lại ra sức giữ là sao? Sao lại có chuyện kỳ lạ thế?

Về văn bản quy phạm pháp luật là chuyện của bao nhiêu năm, làm sao còn hiệu lực? Theo Luật Đất đai, sau một năm, dự án không triển khai thì phải thu hồi lại. Với những dự án khác, chúng ta đã cho thu hồi, vậy thì tại sao với dự án này, đã kéo dài tới gần 20 năm mà vẫn không bị thu hồi.

Một dự án đã 18 năm không thành thì phải xóa bỏ chứ không phải cứ để kéo dài mãi như thế được vì việc cấp đất có tính thời hạn, tính mục đính.


Mảnh đất này trước đây là nơi trưng bày hiện vật chiến tranh (ảnh do KTS Nguyễn Bắc cung cấp)

Hiện tại là hiện tại, là trách nhiệm của những người đương thời.

Còn bao nhiêu việc của quá khứ đấy, sao chưa thấy các vị đó giải quyết. Đoạn chỗ đường Thợ Nhuộm, hay chỗ Tòa án Nhân dân cũng là chuyện của quá khứ, bao nhiêu nhà dân ở lẽ ra phải được di dời, sao chưa thấy các vị ấy làm mà cứ nhăm nhăm coi dự án khách sạn này là “cái để lại” phải tiếp quản.

Những vấn đề của lịch sử phải được cân nhắc thấu đáo cho phù hợp với thời hiện tại. Xem cái gì thực sự cần giữ thì phải giữ, cái gì cần sửa thì phải sửa, thậm chí có cái cần xóa sổ.

Những lý do Hà Nội đưa ra chỉ là ngụy biện.

* Và Hà Nội cũng quả quyết dự án này không nằm trong khuôn viên công viên Thống Nhất, họ nói đó là đất công cộng?

Tôi đã trực tiếp đến quan sát rồi. Điều khiến tôi ngạc nhiên thì bật ra ngay câu hỏi: đường vào khách sạn ở đâu? Trên biển treo có chỗ đường vào rộng chừng 4 – 5m. Không bao giờ một khách sạn tầm cỡ 4 sao mà cổng chính lại khiêm tốn như thế. Chỗ này chỉ đáng làm cổng hậu thôi.

Như vậy là họ sẽ làm đường trên đất công viên. Nghiễm nhiên, đất công viên khu vực đó sẽ trở thành một bộ phận của khách sạn, chứ không phải ngược lại. Và người dân Hà Nội sáng sáng khi ra đây tập thể dục sẽ phải dạt ra xa khu vực này. Người ta không thể mặc quần đùi áo may-ô đứng cạnh cái khách sạn sang trọng đó mà tập thể dục được. Và dĩ nhiên, sẽ chỉ còn những người sang trọng mới đi lại ở khu vực này.

* Ông có biết chủ đầu tư của dự án khách sạn này là Accor - Tập đoàn đầu tư SIH Ltd (trụ sở tại Singapore), trong đó Vina Capital chiếm 75% vốn, liên doanh với Tổng công ty Du lịch Hà Nội?

Tôi không hiểu làm sao một ông ở tận Singapore lại biết Hà Nội có một dự án từ cách đây 20 năm để mà tiếp cận. Ai mách nước và tổ chức việc này?

Không thể trách đối tác nước ngoài, có trách thì phải trách chính chúng ta.

  • Ảnh bên : Người dân Hà Nội lao động công ích, xây dựng công viên Thống Nhất (Ảnh tư liệu)


Chưa am hiểu Hà Nội

* Nghe nói, đã có nhiều người muốn đầu tư để công viên thực sự trở thành nơi giải trí hiện đại?

- Hồi trước, nhà khoa học Đinh Ngọc Lân đã vận động chính phủ Pháp tặng cho thiếu nhi Việt Nam một nhà chiếu phim vũ trụ, riêng phần thiết bị khoảng 1 triệu USD. Hai chính phủ đã ký kết. Lúc bấy giờ, chúng ta định xây trong công viên. Đây là quyết định rất hay.

Nhưng khi Chính phủ Pháp chuẩn bị giải ngân, thì nguyên Chủ tịch Hà Nội lúc đó là ông Hoàng Văn Nghiên muốn đưa dự án này về chỗ công viên Yên Sở (khi đó vẫn là một nơi xử lý nước thải).

Lằng nhằng mãi, chúng ta đã để lỡ mất cơ hội, do năm tài khóa đã kết thúc. Bản thân ông Đinh Ngọc Lân rất buồn khi kể lại rằng, một cán bộ Hà Nội đã an ủi ông, đại ý: “Có một triệu USD, cũng chẳng lớn gì với Hà Nội. Lúc nào cần chúng ta sẽ làm”.

Kể lại câu chuyện này để thấy, cái đáng làm thì chúng ta không chịu làm.

* Từng giữ cương vị Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, theo ông, chúng phải làm gì để Thủ đô đẹp hơn lên?

- Dường như những người lãnh đạo sau này ở Hà Nội, kể từ sau đời cụ Trần Duy Hưng đã chưa thực sự hiểu Hà Nội.

Họ đã không hiểu rằng công viên Thống Nhất là niềm tự hào của cả một thế hệ người Thủ đô - những người đã đổ rất nhiều mồ hôi, thậm chí cả máu thịt để tham gia vác đất mở rộng đường Cổ Ngư, đào cống sông Tô Lịch.

Và để cải tạo một bãi rác lớn thành công viên Thống Nhất, có người đã chết vì tai nạn lao động. Không có gì phải bàn cãi, công viên Thống Nhất là niềm tự hào của người dân Hà Nội.

Có những người đã có những ý tưởng rất lạ như việc định chuyển trung tâm Hà Nội từ hồ Hoàn Kiếm lên Hồ Tây. Họ đã không hiểu một điều đơn giản rằng, hồ Hoàn Kiếm là tâm linh của cả dân tộc Việt Nam chứ không riêng gì Hà Nội. Và công viên Thống Nhất cũng là niềm tự hào của cả một thế hệ của người dân Hà Nội đương đại, thế hệ chúng tôi.

Tôi rất tâm đắc với những câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Lãnh đạo Hà Nội trước hết phải hiểu và yêu mến mảnh đất này.

* Ông muốn chia sẻ gì với những người đương nhiệm?

- Lãnh đạo Hà Nội khi đã biết rõ thái độ của người dân, mà tiếp tục coi như không có chuyện gì là không đúng.

Đừng nghĩ làm lãnh đạo Hà Nội khó, cái gì làm chưa đúng thì cứ hỏi nhân dân. Bằng chứng là như nhiều việc vừa qua, Hà Nội đã chịu lắng nghe ý kiến người dân, có quyết định hợp lòng dân, thì người dân phấn khởi lắm, như vụ chợ 19/12 đấy.

Có thể với các đồng chí mới được điều về Hà Nội, mới chỉ nghe ý kiến của các cấp tham mưu. Chính vì vậy, tôi mong các nhà lãnh đạo Hà Nội trong chuyện này nên thực sự lắng nghe ý kiến của những người dân.

Thu Hà – Linh Thủy thực hiện

>> 6 nghi vấn của công luận về Khách sạn Novotel on the Park 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1773 khách Trực tuyến

Quảng cáo