Có một con người, một cái tên đã gắn liền với sự thành công của Hội An trong việc bảo tồn và phát triển một đô thị cổ trong thời hiện đại. Ông từng được tổ chức UNESCO trao giải thưởng kiệt xuất về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa khu phố cổ Hội An (2001). Năm 2005, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, một trường hợp hiếm thấy, mà có lẽ là lần đầu tiên, một phó bí thư thị ủy, chủ tịch Ủy ban Nhân dân được phong tặng danh hiệu anh hùng khi còn đương chức. Ông là Nguyễn Sự - bí thư thành ủy Hội An - con người “dấn thân” trong mọi quyết định, mọi công việc cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển khu phố cổ…
* Còn nhớ, khoảng 10 năm trước, ông rất hay xuất hiện trên báo chí. Cách đây 3-4 năm, ông vẫn là “đề tài” khai thác của nhiều bài báo. Nhưng gần đây, người ta lại không thấy ông đâu cả...
- (Cười). Lúc đó (10 năm trước - PV), việc lên báo đâu có phải là nhu cầu của riêng tôi. Khi các phóng viên cần tìm hiểu về Hội An thì người ta cần một người nào đó cung cấp thông tin. Lúc đó, tôi - với tư cách là chủ tịch thị xã Hội An, có trách nhiệm cung cấp cho báo chí về những chủ trương, những quyết sách của lãnh đạo thị xã trong sự nghiệp phát triển Hội An. Trước năm 1999, khi Hội An chưa được vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới (DSVHTG), tôi cần nhiều người biết rằng trên đất nước Việt Nam có một phố cổ còn lưu giữ được vẻ đẹp kiến trúc Trung Hoa, Nhật Bản và đặc biệt, những cư dân sống trong khu phố cổ ấy rất thân thiện, mến khách... Phải nói rằng, những bài báo thời kỳ đó đã tác động rất lớn đến các tổ chức quốc tế, đặc biệt là tổ chức UNESCO và cũng tạo ra một ý thức, một thói quen cho người dân Hội An hiểu rằng mảnh đất mình đang sống quý giá như vậy nên phải ra sức giữ gìn.
Hành trình để được công nhận là DSVHTG đã khó khăn nhưng hành trình giữ gìn di sản còn vất vả và nhiều thử thách hơn. Cho nên sau khi khu phố cổ Hội An được công nhận là DSVHTG, tôi muốn các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng để người dân Hội An nhận thức rằng họ phải gắn niềm tự hào với trách nhiệm gìn giữ phố cổ để xứng đáng với những gì cha ông để lại và xứng đáng với sự tôn vinh của thế giới. Khi du khách đến Hội An nhiều và Hội An đã phát triển mạnh về dịch vụ, du lịch, tôi muốn tiếp tục “tranh thủ” sự quan tâm của báo chí để nói rằng: Hội An vẫn tiếp tục “giữ mình” để bảo tồn những điều tốt đẹp trong quá khứ, nhưng không phải “giữ mình” theo kiểu “cửa đóng, then cài” mà là phát triển để tạo một diện mạo mới trong điều kiện hiện nay để mỗi người dân được giàu lên nhờ di sản và bản thân mảnh đất này là nơi thu hút mọi người, ai cũng có thể yêu mến Hội An và ai cũng có thể đến Hội An được.
Gần đây tôi chuyển công tác sang bên Thành ủy, việc cung cấp thông tin về những quyết sách phát triển Hội An đã có anh em khác làm. Thêm nữa, cũng đã đến lúc phải chiêm nghiệm lại những việc mình đã nói, những việc mình đã làm, tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh đang nổi lên hiện nay.
* Những chuyện xung quanh việc đấu tranh của ông với lãnh đạo cấp trên để Hội An có được cơ chế riêng dường như ít nhiều đã trở thành giai thoại...
- Việc có nhiều ý kiến khác nhau, những nhận thức khác nhau về một vấn đề mới, nhất là những việc trước đây chưa từng có tiền lệ, là điều bình thường. Đấu tranh là để tạo nên sự thống nhất. Đây cũng là điều các đồng chí lãnh đạo của Hội An các thế hệ trước từng làm. Khi tôi làm lãnh đạo, cũng phải đấu tranh để tạo được sự đồng thuận, nhưng có lẽ cách đấu tranh của tôi khiến mọi người nhớ vì đôi khi nó... “gây sốc”. Năm 1995, Hội An đã tổ chức bán vé tham quan nhưng giá rất rẻ, tiền bán vé một năm được 52 triệu trong khi chi phí hết 57 triệu. Tôi thấy cần phải nghiên cứu lại để làm sao việc bán vé vừa giúp người dân được hưởng lợi từ chính di tích - nhà ở của họ, vừa có thể đóng góp để tu bổ sửa chữa những ngôi nhà đang xuống cấp. Tôi xây dựng một phương án tăng giá vé gấp 10 lần. Lúc đó có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí phản đối rất quyết liệt bởi có thể vì thế các doanh nghiệp du lịch sẽ phản đối và gây áp lực với chính quyền. Nhưng không thể để giá vé rẻ mãi và các doanh nghiệp khai thác, làm giàu mãi trên cái “thân già” là khu phố cổ, trong khi đã là “thân già” thì không “chăm sóc”, không “truyền đạm” sẽ suy sụp rất nhanh. Đấu tranh quyết liệt, dài ngày, đã có lúc mình nổi nóng: “Nếu các anh không tán thành, tôi sẽ về đóng cửa phố cổ lại, không cho ai vào tham quan, tham kiếc gì nữa”. Mười ngày sau, tỉnh quyết định thông qua phương án đó và ngày đầu tiên tổ chức bán vé, Hội An thu về 13 triệu/ ngày, năm đó (1995) Hội An thu về 5,7 tỷ từ việc bán vé tham quan.
* Vậy còn việc ông từng đập bàn bỏ ra về trong cuộc họp?
- Tôi không muốn nhắc lại chuyện đó. Sau này anh em kể lại có... thêm chút và khiến nó trở thành... giai thoại. Tôi thấy đó cũng là chuyện tỏ thái độ bình thường trong khi làm việc thôi.
* Sau khi “tỏ thái độ” như vậy, ông có sợ không?
- Không. Lúc ấy tôi cũng không nghĩ đến việc hậu quả sẽ ra sao nữa. Thứ nhất, tôi là người không thích giấu mình. Mình mà giấu mình đi thì sẽ không còn là mình nữa. Thứ hai, tôi tin các đồng chí lãnh đạo sẽ dần dần hiểu ra. Ngay cả khi tôi làm lãnh đạo cũng vậy, có những anh em làm mình khó chịu. Nhưng sau đó mình phải hiểu động cơ vì sao họ làm như vậy, họ tỏ thái độ vì cái gì, vì quyền lợi của ai. Sau chuyện đó cũng chẳng ai có định kiến gì, thậm chí họ còn quý mình hơn. Tôi tin cuộc đời vốn công bằng.
* Bây giờ khu phố cổ Hội An đã phát triển, đời sống người dân đã khá lên, ông có cảm thấy mình “nhàn” hơn trước?
- Trong mỗi giai đoạn phát triển của Hội An, tôi đều có những hạnh phúc riêng, những nỗi lo riêng, thậm chí là nỗi đau chứ không thể nói nhàn hơn hay không nhàn hơn. Có thời kỳ, người dân Hội An làm đơn xin được sửa nhà. Nhà người ta ở thì người ta có quyền sửa chữa chứ. Mình cũng không cấm và ghi vào đơn xin sửa nhà thế này: “Đồng ý cho sửa nhà nhưng sửa theo nguyên gốc”. Một câu tưởng như rất có trách nhiệm nhưng thật ra lại rất vô trách nhiệm. Vì nếu người ta sửa mới thì chỉ tốn một lần tiền. Nhưng sửa theo “nguyên gốc” thì tốn gấp năm lần tiền. Còn đánh đố không cho dân sửa nhà thì họ sẽ mang lên một cái đơn và bắt mình ký vào đó rằng nếu nhà sập thì mình chịu trách nhiệm. Đấy, suốt một thời gian dài mình phải loay hoay lo giải quyết việc trùng tu, bảo tồn làm sao để vừa giữ được di tích, đảm bảo sinh mạng cho người dân.
Bây giờ người dân Hội An đã giàu lên, tôi lại có những âu lo riêng cho sự phát triển. Bởi có những sự phát triển nhanh chóng mình chưa kiểm soát hết được, nó sẽ làm cho Hội An không còn là Hội An nữa. Nỗi âu lo ấy, mặc dù diễn đạt về nó rất khó, giống như một đoạn đường mình đi, mình rất vô tình nhưng đến khi mình nhìn lại thì thấy bây giờ, con người mình đứng chỗ này không còn giống như con người mình hồi xưa đứng ở chỗ kia nữa. Một nỗi lo nữa, đó là khi Hội An phát triển mạnh, con người Hội An rất nhanh nhạy nắm bắt thương trường, họ giàu lên nhưng làm thế nào để bản chất, nếp sống con người Hội An vẫn giữ được như xưa...
* Vậy theo ông, việc cần làm nhất ở Hội An bây giờ là gì?
- Tôi cho rằng cần phải giải quyết cho được hai vấn đề, đó là: lợi ích kinh tế phải mang lại nhiều cho dân và lợi ích về giá trị văn hóa cũng phải phát triển tỷ lệ thuận với lợi ích kinh tế. Nếu không giải quyết hai vấn đề này hài hòa thì người dân sẽ giàu lên rất nhanh về vật chất trong khi đời sống tinh thần, trong cái nghĩa là bản sắc văn hóa Hội An, sẽ nghèo đi. Về điều này, trên thực tế, dẫu chưa phải là nhiều nhưng đâu đó đã xuất hiện trong một bộ phận người Hội An mà nếu không chấn chỉnh kịp thời, nó sẽ trở thành nguy cơ. Cho nên điều quan trọng là phải tạo ra trong cộng đồng cư dân Hội An những thói quen tốt trong ứng xử văn hóa.
Phố cổ Hội An trong lũ (2007)
* Ông có nghĩ mình quá mơ mộng khi tin rằng người Hội An sẽ giữ được nét đẹp ứng xử văn hóa trong sự phát triển hiện nay?
- Tôi tin, nhất là khi nhìn lại quá khứ của Hội An. Cách đây 400 năm Hội An đã là một thương cảng, cùng với giao lưu kinh tế, sự giao lưu văn hóa đã diễn ra trên mảnh đất này rất dữ dội. Văn hóa Hội An là văn hóa đa quốc gia, đa vùng miền, nhưng dần dần đã được “Việt Nam hóa”, “Hội An hóa”. Đó là cơ sở để tin rằng con người Hội An sẽ giữ được nét đẹp ứng xử văn hóa bởi nó đã thấm vào máu thịt của họ.
Thời kỳ sau giải phóng, thống nhất đất nước, là thời kỳ vô cùng khó khăn. Khi đó ở Hội An, nơi nào cũng là nơi sản xuất, nhà nào cũng đặt khung dệt. Vì nhu cầu cuộc sống, người ta có thể gỡ đi các câu đối, hoành phi, câu liễn cất đi để lấy diện tích đặt khung dệt nhưng người ta không bán nhà mà giữ lại như một sự tri ân với tổ tiên, như một cái đạo của con người, chứ ngày đó họ cũng không nghĩ rằng giữ lại để sau này Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới. Tức là việc giữ gìn những ngôi nhà mà ngày nay đã trở thành di tích được bắt đầu từ chính ý thức tự thân của họ: đơn giản là họ giữ lại của cải mà ông bà, tổ tiên để lại.
Bây giờ mỗi năm có trên một triệu lượt khách đến Hội An, tức là bình quân mỗi người dân Hội An, trong một năm đón 13 người khách trên khắp thế giới. Nhưng họ vẫn là người Hội An đấy thôi, chưa có ai bị “Tây hóa” cả.
* Ông có chủ quan quá khi tin như vậy không?
- Tôi tin nhưng không chủ quan vì thực sự cũng đã có những “báo động” nhỏ trong ứng xử của người Hội An. Cho nên tôi đặt vấn đề phải xây dựng cho được ý thức tự thân của người Hội An (người Hội An theo nghĩa rộng, có thể là người sinh ra và lớn lên ở Hội An, có thể là người nơi khác về Hội An sinh sống...) để họ hiểu rằng Hội An được như ngày hôm nay là kết quả gìn giữ của nhiều thế hệ người Hội An và họ phải có trách nhiệm kế thừa sự giữ gìn đó, nếu phá vỡ những nề nếp, trở nên xô bồ, chụp giật thì du khách sẽ không tới nữa và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của chính họ.
Hiện nay Hội An đang làm một cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, từ tộc, họ, hội quán, gia đình với cách làm kiểu “mưa dầm thấm lâu” để khơi dậy niềm tự hào cho họ và khiến họ thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của việc giữ gìn nếp sống văn hóa của người Hội An xưa.
- Ảnh bên : Ông Nguyễn Sự đi kiểm tra tình hình sơ tán dân khu phố cổ Hội An trong đợt lũ 2007
Nhưng tôi đang lo nhất một điều, ngày xưa, ba, bốn thế hệ người Hội An cùng ở chung trong một ngôi nhà, mở mắt ra họ thấy bàn thờ tổ tiên, tối đi làm về người ta trông thấy bàn thờ tổ tiên. Con cháu không thắp hương thì ông bà, cha mẹ thắp hương, nhưng con cháu cảm thấy mối dây ràng buộc giữa người sống và người chết, giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Còn bây giờ, người ta cần một cuộc sống tự do hơn, tiện nghi hơn. Ý thức về thế hệ, cộng đồng giảm đi, giãn ra, những giềng mối gia đình, cộng đồng đang nhạt đi. Điều đáng buồn nhất là hiện nay, ngay cả những người cứ nói rằng yêu Hội An lắm, tự hào về Hội An lắm nhưng những vấn đề cụ thể về Hội An thì họ lại không biết. Đó là kiểu yêu và tự hào “ăn theo”. Hội An đang soạn thảo một giáo trình để đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ cấp tiểu học, để lớp trẻ lớn lên phải hiểu rằng đâu là lịch sử hình thành mảnh đất này, tại sao nó trở thành di sản, người ta đến đây không chỉ vì kiến trúc Hội An mà còn vì chính lối sống, nếp cư xử của người Hội An... để lớp người mới này vừa tự hào về mảnh đất mình đang sống và nếu làm gì đó không phải với Hội An thì họ sẽ tự cảm thấy xấu hổ với chính mình.
* Bây giờ, nếu đột ngột phải rời khỏi vị trí này, ông có cảm thấy mình còn “mắc nợ” nhân dân Hội An điều gì không?
- Còn chứ. Tôi mắc nợ mảnh đất này nhiều lắm. Có nhiều việc nghĩ ra, tính đến nhưng chưa làm được do điều kiện về kinh tế, điều kiện về cơ chế chưa cho phép. Có những việc lẽ ra đã có thể làm được nhưng mình đã bỏ mất và giờ thì không thể làm được vì thời cơ qua rồi. Trong quá trình làm việc tôi cũng có những sai lầm. Có những việc nếu mình làm cách khác, kiểu khác thì chắc chắn một bộ phận dân sẽ không bị ảnh hưởng như thế. Bây giờ thì cuộc sống của họ đã ổn rồi. Nhưng nếu lúc đó mình quyết khác đi, làm khác đi thì họ sẽ khá lên rất nhanh chứ không chỉ là sự ổn định như bây giờ.
* Ông có thể nói cụ thể một chút?
- Rất khó có thể nói cụ thể, nhưng ví dụ thế này: Có một thời kỳ tôi kêu gọi đầu tư vào Hội An. Khi nhà đầu tư vào, mình phải dời dân đi nơi khác. Có những mảnh đất không nên dành cho nhà đầu tư mà nên để cho dân ở nhưng mình đã buộc lòng phải dời dân đi nơi khác. Năm hộ, mười hộ, vài ba chục hộ phải đi ở nơi khác. Giờ thì họ đã khá hơn nhưng nếu họ ở chỗ ấy, họ sẽ giàu nhanh hơn. Tự bản thân mình hiểu điều đó nó thiệt hại như thế nào cho nhân dân.
* Nếu làm chủ tịch thị xã hay thành phố ở một nơi khác, ông có thể làm được những việc như đã làm với Hội An không?
- Tôi sẽ không làm được. Mỗi nơi có một đặc điểm khác nhau, một điểm xuất phát khác nhau, một điều kiện phát triển khác nhau. Tôi có thể làm được (chứ không nói là tốt hay thành công) ở Hội An nhưng nếu đặt ở cương vị chủ tịch của một huyện, chẳng hạn huyện Điện Bàn là huyện nằm ngay sát cạnh Hội An thì chưa chắc đã làm được chứ đừng nói đến các thị xã, vùng miền khác trong cả nước. Vì mỗi người có khả năng chỉ làm việc đó thôi, ở nơi đó thôi, đừng thấy họ làm được mà mang họ tới nơi khác thì sẽ làm hỏng họ và họ sẽ không làm được gì.
Điều thứ hai, quan trọng hơn, tôi sinh ra và lớn lên ở Hội An. Mảnh đất này và anh em ở đây cho tôi trưởng thành, khiến tôi nghĩ ra được nhiều ý tưởng để mà làm. Năm 1994, lúc mới lên làm chủ tịch thị xã Hội An, khi ấy nghe đến phố cổ, bảo tồn phố cổ tôi không hiểu gì. Anh em bên bảo tồn di tích làm văn bản xin trùng tu nhà này, nhà kia, hội quán này, hội quán khác... trong bụng tôi nghĩ cuộc sống của người dân còn đang khó khăn mà sao tụi này bày ra những việc làm lãng phí như vậy để làm gì, phố thì cũ kỹ, nhà cửa chật chội, nhiều nhà bỏ hoang để phân dơi, phân chuột đầy ra chứ có giá trị gì đâu mà bảo với chả tồn! Tất nhiên lúc đó tôi không dám nói, cũng sợ anh em bảo mình dốt. Mà khi đó mình dốt thật. Cho nên “cắn răng” duyệt kinh phí cho anh em làm cũng vì lòng tin vào anh em. Nhưng sau đó thấy nhiều bài viết về Hội An, rồi khách tới tham quan, các nhà khoa học quốc tế đến tìm hiểu, khảo sát phố cổ..., tôi dần dần tìm hiểu, đọc sách, nói chuyện với anh em chuyên môn và tới một lúc sự say mê phố cổ nó “nhập” vào mình lúc nào cũng không hay. Đi ngang một con phố, một viên ngói nhà nào đó bị xô lệch, một cánh cửa mới được sơn vẹc-ni, một giàn hoa giấy mới được cắt tỉa, một biển hiệu đã được thay đổi, một hòn đá trên đường được dời đi chỗ khác... mình đều nhận ra. Tôi đã yêu phố cổ này tới mức mỗi khi làm việc gì đâu có nghĩ tới chuyện đang thực hiện chức vụ hay quyền lực mà chỉ nghĩ rằng mình đã gắn với Hội An như một cái nghiệp. Cho nên nếu có phải “chôn” cuộc đời mình vào đấy mình cũng chấp nhận.
* Ông là người hăng hái trong công việc như vậy, nhưng rồi cũng sẽ có “ngày trở về”. Đã bao giờ ông nghĩ đến hình ảnh của mình trong “ngày trở về” ấy chưa?
- Tôi đã chuẩn bị cho “ngày về” của mình ngay từ khi mình mới lên nhận chức chủ tịch thị xã Hội An ấy chứ. Không phải chuẩn bị về vật chất mà là chuẩn bị về mặt tâm lý, tinh thần. Vì sao ư? Vì chức vụ mình đảm nhận là do mình được trao thì cũng có thể bị lấy lại chứ. Ví như nếu tôi làm sai, tôi cũng phải trả lại vị trí đó cho người khác, thậm chí, có đôi khi tôi cảm thấy mình không thể làm được nữa, tôi cũng sẵn sàng rời bỏ, và cũng có khi vì bực quá tôi cũng có thể bỏ, rồi cũng sẽ có lúc mình đến tuổi phải về hưu. Do đó tôi không nặng nề chuyện mất hay còn cái chức của mình.
Tất nhiên, khi mình làm việc, đến cơ quan có anh em, đồng chí, có công việc, tuy bận rộn nhưng mình có cái vui, cái sướng khi mình làm thành công một việc gì đó. Cho nên thời gian đầu, khi mình mới về chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hụt hẫng, trống vắng về tâm lý. Sẽ không có ai “Dạ” nữa vì có ai đâu để mà kêu. Vợ thì chưa chắc đã “Dạ” rồi (cười), con cái ở xa, mà mình thì quen cái việc được “Dạ” rồi! Thậm chí, có khi (cá biệt thôi), có những người khi mình đương chức thì họ thấy mình ở xa, họ đã chào, khi mình “về vườn” rồi thì có đứng ngay bên cạnh và hỏi thì chưa chắc họ đã trả lời v.v... Đấy, mình chuẩn bị hết tâm lý cho những chuyện ấy, dẫu cho đến bây giờ, còn 8 năm nữa mới đến “ngày về”.
Và thế này, khi về, tôi sẽ giữ cháu cho con cái đi làm, nếu chúng ở với mình. Nếu không sẽ tán gẫu với vợ và cùng vợ làm việc lặt vặt trong vườn. Vườn nhà tôi rất rộng, hơn 1.000 mét vuông, bên vợ 3.000 mét vuông nữa, tổng cộng là hơn 4.000 mét vuông. Sợ không đủ thời gian mà làm thôi. Thêm nữa, một thú vui của tôi là đọc sách cho nên không e sợ sẽ hụt hẫng. Bây giờ bận rộn, nhiều khi không có thời gian để đọc. Đêm nào mình cũng đọc đến một, hai giờ sáng...
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này!
Khiếu Thị Hoài (thực hiện)
- Dân muốn biết quy hoạch tổng thể Hà Nội sau mở rộng
- Xây dựng đô thị sinh thái: Lộ trình rất dài
- Làng Phước Tích (Thừa Thiên Huế): Ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam
- Chuyện sổ đỏ, sổ hồng: Đừng tạo cho dân cảm giác phải đi “xin”
- Kịch bản nào cho các dự án "cấp vội"?
- Phỏng vấn ông Trần Văn Chương (Tổng giám đốc Platinum1) về thị trường bất động sản hiện nay
- Phát triển đô thị, phải tạo ra chất lượng sống cho người dân
- Góp ý dự thảo luật quy hoạch đô thị: Luật lệ + nhân bản = hạnh phúc
- Bao giờ hoàn thành quy hoạch Hà Nội mở rộng? - p/v KTS Trần Ngọc Chính
- Cần một hành lang pháp lý cho việc bảo tồn di sản kiến trúc đô thị