Dù được xây dựng từ những năm trước Công nguyên, trải qua hàng thế kỷ, các địa danh lịch sử này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành điểm tham quan nổi tiếng.
Stonehenge, Wiltshire, Vương quốc Anh - 2500 TCN
(Ảnh: Travelline)
Là vòng tròn đá nổi tiếng nhất thế giới, Stonehenge được xây dựng vào khoảng năm 2500 trước Công nguyên (thời kỳ đồ đá mới và thời kỳ đồ đồng). Công trình tượng đài cự thạch này bao gồm các công sự bằng đất bao quanh một vòng đá. Stonehenge và khu vực xung quanh đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 1986.
Pháo đài Van, Thổ Nhĩ Kỳ (900-700 TCN)
(Ảnh: Akimov Konstantin)
Được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, pháo đài Van nhìn ra thành phố cùng tên ngày nay. Các kiến trúc sư lành nghề của vương quốc cổ đại Urartu đã sử dụng các kỹ thuật toán học tiên tiến khác thường để xây dựng địa điểm này, với vật liệu chủ yếu là đá vụn, gạch bùn và đá cắt. Ngoài ra, bên trong công trình còn có 8 ngôi mộ bằng đá với các buồng cao 9 m.
Cầu Caravan, Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ (850 TCN)
(Ảnh: Murat AY)
Cầu Caravan ở Izmir (tên gọi cũ là Smyrna) có niên đại gần 3 thiên niên kỷ. Cầu được xây dựng lần đầu vào năm 850 trước Công nguyên để phục vụ các chuyến tàu lạc đà vào thị trấn. Là một mái vòm bằng đá chắc chắn, công trình được tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là cây cầu cổ nhất trên thế giới vẫn còn được sử dụng.
Bảo tháp Sanchi, Ấn Độ (300 TCN)
(Ảnh: Dmitry Rukhlenko)
Được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng năm 300 trước Công nguyên, bảo tháp Sanchi đã được tu sửa lại với kích thước gấp đôi trước đó vào khoảng năm 185 trước Công nguyên. Công trình được hoàn thành từ việc tái sử dụng các phiến đá cỡ lớn để tạo thành một mái vòm. Hiện bảo tháp Sanchi cao 22 m và là một trong những công trình kiến trúc bằng đá lâu đời nhất còn tồn tại ở Ấn Độ. Mặc dù đã bị bỏ hoang trong khoảng 600 năm, địa điểm này đã được phục hồi bởi những người hành hương vào thế kỷ 20.
Ponte Fabricio, Rome, Italy (62 TCN)
(Ảnh: Krisztian Juhasz)
Lối đi dành cho người đi bộ này là cây cầu cổ nhất ở Rome và nó không thay đổi nhiều kể từ khi được xây dựng vào năm 62 trước Công nguyên. Ponte Fabricio (hay Pons Fabricius hoặc Ponte dei Quattro Capi) được xây dựng để thay thế một cây cầu gỗ bị cháy. Với chiều dài 61 m, Ponte Fabricio là cầu nối giữa đất liền của Rome với đảo Tiber.
Nhà hát Marcellus, Rome, Italy (13 TCN)
(Ảnh: Shutterstock)
Nhà hát Marcellus mở cửa vào năm 13 trước Công nguyên và trở thành nhà hát lớn nhất của Đế chế La Mã thời bấy giờ. Được xây dựng bằng gạch, bê tông, tuff (một loại đá nhẹ, xốp từ tro núi lửa) và đá vôi, công trình có sức chứa tới 40.000 khán giả và là nơi diễn ra các buổi biểu diễn kịch, âm nhạc và khiêu vũ. Kể từ thời hoàng kim xa xưa đến nay, nhà hát đã thay đổi rất nhiều, chẳng hạn các tầng trên đã được chuyển đổi thành những căn hộ cao cấp. Mặc dù vậy, Marcellus vẫn được sử dụng làm nơi tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển ngoài trời trong những buổi tối mùa hè.
An Ngọc
(Zing.vn /Theo loveExploring)
- Thủ đô Văn hóa châu Âu 2023: Khám phá "bản sắc kép" ở Veszprem
- 10 thành phố đẹp nhất thế giới
- 9 hòn đảo nhiệt đới nên đến năm nay
- La Plata - thủ phủ của tỉnh Buenos Aires, Argentina
- Mawlynnong - Ngôi làng ở Ấn Độ sạch nhất châu Á
- Ascona, vùng đất yên bình ở miền Nam Thụy Sĩ
- Sân bay Quốc tế Hamad ở Doha, Qatar
- Tòa lâu đài gần 1.000 năm tuổi Blackwater ở Co Cork, Ireland
- 12 khu nghỉ dưỡng cao cấp giá tốt ở Bali
- Det Lille Apotek: Nơi thời gian dừng lại