Cột sắt này nằm ở trung tâm của đền thờ Hồi giáo Quwwat-ul-Islam ở Delhi, Ấn Độ, có tuổi đời hơn 1.600 năm nhưng không hề bị rỉ sét.
Được mệnh danh là một kỳ quan cổ đại, cột sắt Qutub Minar cao 7,21 m, có đường kính 41 cm và nặng khoảng 6 tấn. Công trình này được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ V, dưới thời trị vì của Chandragupta II, một trong những vị hoàng đế quyền lực nhất Đế chế Gupta.
Cột sắt Qutub Minar được xây dưới thời trị vì của vua Chandragupta II. (Ảnh: Delhi Wonders)
Mặc dù được đặt hoàn toàn ở ngoài trời hàng nghìn năm, cột sắt Qutub Minar hầu như không có dấu hiệu gỉ sét. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học và thợ kim khí từ khắp nơi trên thế giới đã đưa ra nhiều giả thuyết về đặc tính của kỳ quan bất thường này. Năm 2003, những bí ẩn cuối cùng được các nhà khoa học hé mở.
Từng thời điểm nhiều người tin rằng cây cột không gỉ này được làm từ một số kim loại bí ẩn không phải đến từ Trái Đất. Một số người người khác lại suy đoán rằng những người thợ làm ra cột sắt sử dụng kỹ thuật từ tương lai nhưng đã bị thất truyền theo thời gian. Giả thuyết này dường như đúng với những gì được các nhà luyện kim tại Kanpur IIT chứng minh trong bài báo đăng trên một tạp chí khoa học.
R Balasubramanian, đồng tác giả của nghiên cứu, gọi cây cột này là “bằng chứng sống cho kỹ năng của các nhà luyện kim của Ấn Độ cổ đại”. Theo đó, cấu trúc sắt rèn nên cây cột sắt này vốn dĩ đã sử dụng một lớp bảo vệ được gọi là “misawite”, được hình thành do hàm lượng phốt pho cao trong sắt.
Hàng rào bảo vệ được dựng để tránh việc du khách sờ tay, cọ xát lên cột. (Ảnh: OC)
Trong khi sắt hiện đại có hàm lượng phosphor dưới 0,05%, sắt làm nên cây cột Qutub Minar chứa tới 1% phosphor. Theo Tiến sĩ Balasubramaniam từ Viện Công nghệ Ấn Độ, thay vì loại bỏ phosphor khỏi sắt như công nhân ngày nay để ngăn kim loại vỡ ra, những người thợ rèn cổ đại giữ nó lại và chỉ cần dùng búa đập vào cột để đẩy phốt pho từ lõi trong ra bề mặt. Điều này giữ cho thanh sắt chắc chắn và cũng dẫn đến sự hình thành của hàng rào bảo vệ misawite.
Dù không bị hư hại bởi thời tiết, kỳ quan cổ đại này lại dễ bị ảnh hưởng khi bị cọ xát vật lý. Tương truyền những ai sờ tay lên cây cột sắt Qutub Minar sẽ được nhận lại may mắn nên rất đông người dân địa phương và du khách kéo tới đây. Điều này dẫn tới việc di tích nổi tiếng bị bạc màu trông thấy bởi lớp misawite chống gỉ bên ngoài cực kỳ mỏng.
Nhận thức được điều này, cơ quan chức năng địa phương đã dựng hàng rào bảo vệ xung quanh cây cột, tránh việc nó liên tục bị khách du lịch từ khắp nơi vô tình làm tổn hại.
Mai Phương
(Zing.vn)
- Chester - Thành phố đẹp nhất xét theo "tỷ lệ vàng"
- Charleroi - Thành phố xấu nhất thế giới
- Sagamihara - Thị trấn nổi tiếng nhờ máy bán hàng tự động cổ ở Nhật Bản
- Mỹ Sơn được coi là Angkor Wat của Việt Nam
- 10 thành phố tuyệt nhất thế giới năm 2022 (Time Out)
- Castillo de San Marcos, pháo đài "nuốt đạn đại bác" ở Mỹ
- 7 nhà thờ tráng lệ nhất thế giới
- Ngắm cố đô Huế từ bầu trời
- 8 con phố hút khách du lịch hàng đầu thế giới
- 7 khách sạn trên mặt nước độc đáo nhất thế giới