Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Tin tức Việt Nam Những quyết sách, định hướng lớn của thủ đô trong năm 2022

Những quyết sách, định hướng lớn của thủ đô trong năm 2022

Viết email In

Đầu tư đường vành đai 4; quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; khởi động cải tạo chung cư cũ... là những quyết sách lớn Hà Nội sẽ thực hiện hoặc trình cấp có thẩm quyền trong năm 2022.

Sau 10 năm thực hiện, quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, sẽ được điều chỉnh trong năm nay.

Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch chung là cần thiết do 10 năm qua, một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Ngoài ra, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng đã có sự điều chỉnh, ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển thủ đô.


Ùn tắc tại vòng xuyến giao giữa đường Lê Quang Đạo và Châu Văn Liêm chiều tối 31/12.
(Ảnh: Phạm Chiểu)

Để điều chỉnh quy hoạch chung, thành phố sẽ tập trung rà soát tình hình lập, triển khai các quy hoạch liên quan, các dự án đầu tư và đánh hiện trạng dân số cũng như khả năng phát triển; các tác động, hiệu quả của việc thực hiện quy hoạch được duyệt trước đây.

Hà Nội cũng sẽ rà soát các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại từng khu vực và toàn thành phố; đánh giá các tồn tại, bất cập và nguyên nhân; phân tích những yếu tố mới trong quá trình triển khai quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu xây dựng phát triển thủ đô sắp tới.

Luật thủ đô được Quốc hội thông qua cuối năm 2012, với mong muốn là một đạo luật quan trọng có tính chất đột phá, mở đường về mặt thể chế cho sự phát triển của thủ đô. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế; hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thi hành không cao, khó đi vào cuộc sống.

Đạo luật này được cho còn mang tính nguyên tắc, có tính mục tiêu, định hướng chung, chưa đưa ra những quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, xử lý các vấn đề tồn tại do lịch sử để lại (như ùn tắc giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, nhà tập thể cũ, di dời các cơ sở ô nhiễm, bệnh viện, cơ sở đại học ra khỏi khu trung tâm), hoặc những vấn đề mới phát sinh trong từng lĩnh vực quản lý, phát triển thủ đô.

Luật cũng chưa có những quy định mang tính đặc thù, vượt trội đúng với vị trí, vai trò của thủ đô...

Từ kết quả tổng kết, TP Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi toàn diện Luật thủ đô nhằm giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp giúp thủ đô phát huy tiềm năng, thế mạnh; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.


Sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn quận Hoàn Kiếm.
(Ảnh: Ngọc Thành)

Hà Nội lấy trục sông Hồng làm trung tâm phát triển là một trong những nội dung định hướng của đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Theo tờ trình đồ án của Ban cán sự đảng UBND thành phố, quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm. Dân số liên quan đến quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.

Tính chất và chức năng chính của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là trục không gian cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm. Điều này nghĩa là quy hoạch định hướng phát triển các công trình công cộng, công viên cây xanh, công trình văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của thủ đô để phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.

Hà Nội sẽ thiết lập sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thủ đô, gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm, trên đó hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại...

Cùng với đó, thành phố sẽ cải tạo, chỉnh trang và tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu trong vùng quy hoạch; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử; đồng thời, khai thác quỹ đất phát triển mới để tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Xây dựng, dự kiến tháng 1/2022 thành phố sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt quy hoạch trên.

Đường vành đai 4, vùng thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chi tiết 10 năm trước, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng chưa triển khai. Năm 2021, Hà Nội đã đặt quyết tâm thực hiện tuyến đường này với nghị quyết của Thành ủy.

Thành ủy Hà Nội cho rằng, đường vành đai 4 sẽ mở rộng không gian phát triển thủ đô, thúc đẩy phát triển liên vùng. Khi tuyến đường hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội, mà còn tăng khả năng kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng thủ đô, đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Vành đai 4 đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 3 tỉnh, thành phố. Điểm đầu tại km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội). Điểm cuối là km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài khoảng 98 km, gồm qua Hà Nội 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km.

Hà Nội sẽ cân đối, bố trí đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án thành phần trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030); đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù về khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường cũng như các cơ chế khác nhằm huy động nguồn lực, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.


Mạng lưới đường vành đai, đường hướng tâm vùng thủ đô. (Nguồn: UBND TP Hà Nội)

Hà Nội đã chủ động phối hợp với bốn tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc để thống nhất báo cáo Thủ tướng chấp thuận phương án đầu tư, hình thức đầu tư cũng như một số cơ chế, chính sách liên quan đến tuyến đường vành đai 4.

Đến nay, các địa phương đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đang được Hội đồng thẩm định cấp nhà nước xem xét làm cơ sở trình Quốc hội.

Sau 20 năm loay hoay giải bài toán cải tạo chung cư cũ do khó khăn về pháp lý, sự hài hòa lợi ích các bên, quy định hạn chế chiều cao..., vào tháng 12/2021, Hà Nội đã ban hành "Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ" với kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển lớn trong vấn đề này.

Theo đó, trong năm nay thành phố sẽ tổng kiểm tra, rà soát, khảo sát, kiểm định tổng thể các chung cư cũ; lập quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng chung cư cũ, đề án quy gom tái định cư chung cư cũ và xây dựng kế hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ.

Dự kiến, việc triển khai cải tạo chung cư cũ chia thành bốn đợt. Đợt một (2021 - 2025) lựa chọn cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ gồm: 6 khu có tính khả thi (Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân) và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, khu nhà chung cư Bộ Tư pháp, phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình).

Đồng thời, thành phố rà soát bổ sung các khu, nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng (có phát sinh trong quá trình kiểm định) trên địa bàn; xem xét triển khai đề án, dự án quy gom tái định cư các chung cư cũ đơn lẻ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Đối với chung cư cũ đã hoàn thành kiểm định và lập quy hoạch chi tiết dự kiến xong trong quý IV/2022, thành phố có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, chuẩn bị đầu tư trong quý I/2023 và khởi công trong quý II/2023.

Với các chung cư cũ còn lại (đợt 2, đợt 3, đợt 4), Hà Nội triển khai song song theo kế hoạch trong những năm tiếp theo; khu, nhóm, nhà chung cư nào hoàn thành kiểm định, quy hoạch và đủ điều kiện triển khai thì ưu tiên thực hiện trước.

TP Hà Nội có gần 1.600 chung cư cũ, nhiều nhất cả nước, xây dựng những năm 1960-1999. Đến nay chỉ 19 nhà được cải tạo xây mới (đạt 1,2%). Nguyên nhân là nhà cũ khó giải tỏa, nhà xây mới bị khống chế độ cao, mật độ xây dựng, người dân ở tầng một thiếu hợp tác...

Võ Hải

(VnExpress)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo