Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND TP. Hà Nội điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 4 đoạn tuyến phía Nam sông Hồng trong đường Vành đai 3, từ đi trên cao sang đi ngầm...
Cụ thể, Sở Giao thông vận tải Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố đề nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ trắc dọc tuyến đường sắt đô thị số 4 từ đi trên cao sang đi ngầm tại khu vực nút giao giữa đường Vành đai 2,5 và đường Giải phóng (Quốc lộ 1A cũ) làm cơ sở để triển khai dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải phóng.
Ga ngầm đường sắt đô thị.
Để sớm thông tuyến đường Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng ra đường Giải Phóng, Sở Giao thông vận tải cũng đề nghị UBND đề xuất HĐND Thành phố xem xét phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 và đường Giải phóng (Quốc lộ 1A cũ), làm cơ sở để chủ đầu tư lập, trình phê duyệt dự án điều chỉnh.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội bao gồm 10 tuyến, bao gồm cả các tuyến trên cao và đi ngầm.
Ngoài ra, Hà Nội còn dự kiến thực hiện thêm ba tuyến tàu điện một ray.
Lộ trình tuyến đường sắt trên cao số 4.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 là 7,55 tỷ USD. Giai đoạn từ 2021 - 2025 là 7,6 tỷ USD. Từ năm 2026 - 2030 là 3,56 tỷ USD và sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD.
Theo khái toán của Hà Nội, bình quân suất đầu tư cho mỗi km đường sắt đô thị đạt 95,8 triệu USD, tương ứng 2.182 tỷ đồng. Trong đó, đường sắt xây cao là 80 triệu USD tương đương 1.823 tỷ đồng, xây ngầm là 170 triệu USD tương đương 3.874 tỷ đồng.
Trước đó ngày 28/7/2021, Văn phòng chính phủ cũng ban hành công văn 5135/VPCP-CN năm 2021 lấy ý kiến về chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến đường sắt đô thị số 4 thành phố Hà Nội, đoạn tuyến phía Nam sông Hồng (trong Vành đai 3) từ đi cao sang đi ngầm.
Tuyến đường sắt trên cao số 4 có lộ trình đi qua Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Bắc Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh với chiều dài khoảng 54 km, dài nhất trong các tuyến đường sắt đô thị. Tuyến được thiết kế theo dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, 2, 3 và 5. |
Anh Tú
(VnEconomy)
- Những quyết sách, định hướng lớn của thủ đô trong năm 2022
- Thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm TP Thái Nguyên và phương án kiến trúc Trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên
- Quảng Ninh: Trung tâm hành chính thành phố Hạ Long mở rộng về Bắc Cửa Lục
- Quy hoạch cảng hàng không phải góp phần giảm chi phí logistics
- Bình Định quy hoạch vùng đất võ Tây Sơn thành đô thị
- UBND tỉnh Nghệ An: Thông qua dự thảo Đề án phát triển đô thị Đô Lương
- 8 dự án hạ tầng quan trọng sắp khởi công
- Cần Thơ: Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Đô
- Đà Nẵng lần thứ 2 liên tiếp nhận Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam
- Ashui Awards 2021 công bố các đề cử chính thức