Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Tin tức Việt Nam Quảng Ninh: Trung tâm hành chính thành phố Hạ Long mở rộng về Bắc Cửa Lục

Quảng Ninh: Trung tâm hành chính thành phố Hạ Long mở rộng về Bắc Cửa Lục

Viết email In

Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa họp nghe báo cáo Đồ án quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, thống nhất chủ trương chỉ đạo nội dung Đồ án quy hoạch để trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung mới, trong đó có mở rộng không gian hành chính thành phố đến vùng Bắc vịnh Cửa Lục.


Vườn hoa, công viên thành phố Hạ Long ở phường Bạch Đằng.

Ngày 7/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 702/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Nhưng có sự thay đổi, ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long; ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 384/TTg-CN chấp thuận chủ trương lập lại đồ án Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, để phù hợp với địa dư hành chính mới.

Đồ án mới Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 là một đồ án lớn, đáp ứng nhiều mục tiêu lớn, phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Nội dung quy hoạch xây dựng mới, có nhiều nét mới về khu vực xung quanh vịnh Cửa Lục; khu vực đồi rừng từ nút giao thông Minh Khai đến Bãi Cháy (liên quan đến các phường: Đại Yên, Hà Khẩu, Hùng Thắng, Bãi Cháy; về công nghiệp; khu vực khai thác than; và một số nội dung định hướng phát triển không gian.

Đối với khu vực Bắc vịnh Cửa Lục: Định hướng phát triển thành khu đô thị cao cấp, dịch vụ (trung tâm dịch vụ thương mại và công nghệ cao), du lịch (trung tâm văn hóa, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí) và dự trữ phát triển trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh, cấp thành phố (gồm các khu: Hành chính tập trung, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao...). Chuyển đổi Khu công nghiệp Cái Lân thành khu công nghiệp sạch, công nghệ cao. Khu vực phía Đông Khu công nghiệp Cái Lân (trước đây thuộc ranh giới Khu công nghiệp Cái Lân - giai đoạn 2, đến nay nằm ngoài Khu công nghiệp Cái Lân) và khu vực lân cận (khu vực kẹp giữa Khu công nghiệp Cái Lân và Khu công nghiệp Việt Hưng), sẽ định hướng phát triển thành khu đô thị dịch vụ cảng tổng hợp.


Cảng xăng dầu B12 trong vịnh Cửa Lục.

Khu vực đồi rừng từ nút giao thông Minh Khai đến Bãi Cháy sẽ quy hoạch nút giao Minh Khai theo hướng thành nút cửa ngõ trọng tâm, quan trọng của thành phố Hạ Long để tạo điểm nhấn ấn tượng, hấp dẫn, kết nối các dự án riêng lẻ tạo kiến trúc cảnh quan đồng bộ. Khu vực đồi Đại Yên, Hà Khẩu được giữ lại hệ thống rừng hiện có, nghiên cứu hình thành công viên rừng kết hợp vui chơi giải trí để phục vụ du lịch. Khu vực phía sát nút giao Minh Khai nghiên cứu phương án theo dạng giật cấp, bám theo hiện trạng địa hình (do một phần đã bị tác động) để hình thành tổ hợp kiến trúc điểm nhấn và trồng cây xanh cảnh quan khu vực xung quanh. Khu vực tiếp giáp tuyến đường 10 làn đã đầu tư, chỉ nghiên cứu phương án trên phần diện tích đã bị tác động san nền tối đa cốt san nền ≤ +30.0m so với cốt nền Quốc lộ 18A đã đầu tư (các khu vực có độ dốc lớn đề nghị không nghiên cứu).

Khu vực đồi Hùng Thắng, Bãi Cháy sẽ ưu tiên phát triển công viên cây xanh đô thị, chỉ bố trí một số công trình dịch vụ có quy mô nhỏ tại các điểm mặt bằng thuận lợi để tạo điểm nhấn kiến trúc và cung cấp các góc nhìn hấp dẫn xuống vịnh Hạ Long; Không san gạt địa hình quy mô lớn và không xây dựng công trình có kích thước lớn, công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới cảnh quan vùng đệm vịnh Hạ Long và tác động xấu tới góc nhìn từ vịnh vào thành phố Hạ Long; Chuyển đổi hoạt động trồng rừng sản xuất, cây mọc tự nhiên thành trồng các loại cây lâu năm, cây có giá trị cảnh quan và kết hợp khai thác du lịch.


Cảng nước sâu Cái Lân trong vịnh Cửa Lục.

Về công nghiệp, di chuyển Cụm công nghiệp Hà Khánh, Cụm công nghiệp Hoành Bồ về phía Đông Bắc của thành phố Hạ Long (khu vực phía Bắc đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn) trước năm 2030, sau năm 2030 chuyển đổi các khu vực này sang chức năng dịch vụ đô thị; Dừng hoạt động nhà máy xi măng Thăng Long, nhà máy xi măng Hạ Long trước năm 2030, sau năm 2030 chuyển đổi sang các khu vực này thành khu tổ hợp dịch vụ đô thị; Nhà máy nhiệt điện Thăng Long, nhiệt điện Quảng Ninh chuyển đổi thành các khu vực dịch vụ đô thị trước năm 2040; Dừng hoạt động các nhà máy vôi, khai thác đá, khai thác sét trước năm 2025, để đảm bảo chất lượng môi trường quanh vịnh Cửa Lục.

Khu vực khai thác mỏ than, giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Hạ Long lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cụ thể về khu bố trí cơ sở hạ tầng khai thác than hầm lò, hoàn nguyên khai trường than lộ thiên, và khai thác một số mặt bằng thuận lợi để phát triển công trình hạ tầng, hồ dự trữ nước, công viên đô thị, sân golf, dịch vụ du lịch.

Đồ án Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, nghiên cứu một số nội dung định hướng phát triển không gian như: Chuyển dịch các trung tâm chức năng theo yêu cầu chuyển đổi, phát triển kinh tế - xã hội (chuyển dịch các thao trường huấn luyện, trại giam, trường bắn, trường lái,...) về phía Tây Bắc thành phố; Định hướng phát triển khu đô thị (khu tái định cư và khu đô thị hình thái mới) và trường đua hỗn hợp tại khu vực xã Sơn Dương (phía Bắc đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn).


Cầu Cửa Lục I bắc qua một eo biển của vịnh Cửa Lục.

Nội dung đồ án mới Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040, để trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều nội dung mới, trong đó có dự trữ phát triển trung tâm dịch vụ công cộng cấp tỉnh, cấp thành phố đến vùng Bắc Cửa Lục. Khu vực Bắc Cửa Lục mới là vị trí trung tâm của thành phố Hạ Long khi hợp nhất với huyện Hoành Bồ (một thành phố trực thuộc tỉnh có diện tích đất tự nhiên lớn nhất toàn quốc), nơi tài nguyên đất xây dựng còn dồi dào, không gian đô thị thoáng rộng.

Vũ Phong Cầm

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo