Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Sự kiện Tọa đàm "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn"

Tọa đàm "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn"

Viết email In

Trong sự phát triển của Hà Nội, các khu chợ dân sinh vốn được coi là một nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống thuận tiện với giá cả phải chăng cho người dân thành phố. Đồng thời, các chợ dân sinh trở thành môi trường giao tiếp xã hội bền chặt và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng từ vài năm gần đây, chúng đang bị thay thế nhanh chóng bởi các siêu thị lớn nhỏ, khu trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng.

Trong năm 2009, Sở Thương mại Hà Nội đề xuất lên UBND TP một kế hoạch kéo dài đến năm 2020, trong đó 489 chợ, 162 trung tâm thương mại và 178 siêu thị và đại siêu thị sẽ được xây dựng. Trong thành phố, 402 chợ hiện tại sẽ được nâng cấp, có nghĩa là các chợ có quy mô lớn sẽ trở thành trung tâm thương mại kết hợp với khu dân cư; còn các chợ bé hơn dần dần sẽ được nâng cấp thành các siêu thị  nhỏ.


Hình ảnh chợ Hàng Da (Hà Nội) trước đây - Nay đã được xây dựng mới (ảnh minh họa: Ashui.com sưu tầm)

Sự hiện diện của các tập đoàn lớn trong thành phố là một điều tất yếu trong xu thế toàn cầu hóa, nhưng làm thế nào để điều hòa lợi ích của các nhóm này với lợi ích của số đông người dân có thu nhập trung bình? Chính quyền và nhân dân thành phố có nên chỉ quan tâm đến mục tiêu phát triển kinh tế mà bỏ qua các yếu tố giúp nâng cao chỉ số hạnh phúc và mức độ thư giãn tinh thần của cư dân sống trong thành phố?

Nói cách khác, liệu Hà Nội có đang vướng vào sai lầm mà nhiều nước thu nhập trung bình đang mắc phải là theo đuổi tăng trưởng, vô tình hạn chế cơ hội tiếp cận với nguồn thực phẩm tươi sống giá rẻ của người dân, phá vỡ các môi trường giao tiếp xã hội để thay thế bằng vẻ văn minh hào nhoáng? 

Quan sát hoạt động của các chợ mới ở Hà Nội hiện nay, thấy rằng chợ dân sinh đang không được bảo vệ và đánh giá một cách hợp lý […]. Nếu chính quyền muốn đảm bảo sự tồn tại của chợ dân sinh, trước hết cần phải công nhận tầm quan trọng về văn hóa – xã hội, kinh tế và dinh dưỡng của chúng. […] Có thể chính quyền sẽ không bảo vệ được tất cả các chợ, nhưng ít nhất, một chính sách mới về chợ và thực phẩm tươi sống ở những thành phố của Việt Nam có thể giữ cho các chợ dân sinh vẫn tồn tại và đảm bảo rằng ở những khu đô thị mới có những không gian dành cho nó.

(Trích nghiên cứu “Hà Nội – Chợ dân sinh, lối sống và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa” của TS.KTS. Stephanie Geertman, Tháng 3/2011) 

TS Stephanie Geertman từ Tổ chức HealthBridge Canada sẽ phân tích các lý do tại sao chợ dân sinh trở thành một yếu tố quan trọng để xây dựng một thành phố có điều kiện sống tốt; đồng thời, đưa ra một số chính sách và hành động cần thiết để đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với nguồn thực phẩm tươi sống, có lợi cho sức khỏe.

Cuộc thảo luận được mở ra đa chiều với ý kiến của PGS-TS Ngô Thị Thuận từ Đại học Nông nghiệp Hà Nội và PSG. TS-KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (VIAP).

Đặc biệt, GS-TS Michael Douglass từ Đại học Hawaii và GS-TS Liling Huang từ Đại học Quốc gia Đài Loan sẽ phân tích các bài học kinh nghiệm trên thế giới để giới học giả và công chúng Việt Nam có thêm cái nhìn đúng về xu thế toàn cầu.

Đó sẽ là những tham luận và trao đổi tại Diễn đàn "Hà Nội: Thành phố công cộng" với chủ đề: "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn" do Tổ chức HealthBridge Canada, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng Lạc Việt và Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa (Đại học Hawaii) tổ chức lúc 14 giờ, ngày 17/3/2011 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - 36 Lý Thường Kiệt - Hà Nội.  

Thông tin về các diễn giả:

  • TS-KTS Stephanie Geertman là chuyên gia tư vấn cho chương trình “Thành phố sống tốt” của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.
  • GS. Michael Douglass là giáo sư tại ĐH Hawaii. Ông đã gắn bó Hà Nội từ rất lâu, là người viết và hướng dẫn nhiều công trình nghiên cứu về đô thị Hà Nội.
  • PGS-TS Ngô Thị Thuận là giảng viên tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội.  
  • TS-KTS Lê Thị Bích Thuận là Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (VIAP).
  • TS Liling Huang là Giáo sư, đồng thời là Giám đốc trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa tại Đại học Quốc gia Đài Loan.

Thông tin về đơn vị tổ chức:

  • Trung tâm nghiên cứu Toàn Cầu Hóa được thành lập vào năm 1998, tại đại học Hawaii-Manoa tại Honolulu, Hawaii. Là thành viên của Mạng Lưới Nghiên Cứu Toàn Cầu Hóa gồm 4 trung tâm nghiên cứu trong đó có: Đại học South Florida, đại học California, Los Angeles và đại học George Washington.
  • Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng Lạc Việt được thành lập vào năm 2008 với mục đích: Xây dựng một không gian hoạt động và cơ cấu vận hành cho nghệ thuật, văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam. Tăng cường cơ hội cho các nghệ sĩ và cộng đồng cùng làm việc và đề cập đến các vấn đề nóng của xã hội và cộng đồng thông qua thể hiện nghệ thuật.
  • Văn phòng HealthBridge Canada tại Việt Nam chính thức có mặt tại VN từ năm 1995, là thành viên của Tổ chức HealthBridge Canada. HealthBridge làm việc cùng với các cơ quan chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và tổ chức phi chính phủ địa phương để thúc đẩy xây dựng thành phố có điều kiện sống tốt, khuyến khích lối sống có lợi cho sức khỏe, bình đẳng giới, giảm nghèo, và giữ gìn môi trường sạch.
 

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo