Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Tôi tìm hiểu về Luật Kiến trúc sư

Tôi tìm hiểu về Luật Kiến trúc sư

Viết email In

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Luật Kiến trúc sư (KTS) ra đời sẽ là một bước ngoặt lớn cho nền Kiến trúc Việt Nam; Là “tay vịn” vững chắc cho KTS VN tiếp tục chiến đấu với nghề; Là “mảnh đất màu mỡ” cho những bông hoa Kiến trúc có cơ hội vươn cao; Là nền tảng vững chắc cho thế hệ KTS tiếp nối luôn hướng tới sự chuyên nghiệp nhằm giảm khoảng cách với các bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Từ đó tạo tiền đề cho một nền Kiến trúc VN ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Một lần chạy xe trên đường tôi chợt nghĩ: “Nếu không có Luật giao thông thì xe cộ sẽ lưu thông như thế nào nhỉ?”.

- Chắc là sẽ mạnh ai nấy chạy, chiếc nọ giành đường chiếc kia;
- Chiếc chạy bên trái chiếc chạy bên phải;
- Đến ngã tư thì chẳng ai dừng lại nhường đường, mục tiêu là làm sao đi cho nhanh nhất;
- Người biết nhường nhịn chút xíu chắc có khi cũng bị đâm vào sau lưng hay ngang hông… 
- Rồi là cảnh lộn xộn, chửi bới nhau, ẩu đả, tai nạn liên tục xảy ra… Không thể nào tưởng tượng nổi!

Từ đó tôi mới suy luận, Luật là những gì được lập ra để giữ an toàn, đảm bảo quyền lợi chung cho tất cả mọi người khi họ đang tham gia một hoạt động nào đó, đặc biệt là khi số lượng người tham gia hoạt động đó ngày càng tăng lên và nhu cầu hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa ngày càng cao. Nó chia sẻ quyền lợi một cách đồng đều, nó điều tiết, cân bằng cho mọi hoạt động của con người khi họ làm một điều gì đó có ảnh hưởng đến nhiều người khác. Nếu hoạt động đó có khả năng gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người khác hoặc nhiều người khác, thì Luật cho hoạt động đó sẽ càng gắt gao hơn. Tuy nhiên những Luật tiến bộ là những Luật đề cao tính tự giác (đạo đức nghề - ethics) của con người hơn là những áp chế và trừng phạt.

Do đó, khi liên hệ đến nghề Y dược, nếu hình dung Bác sĩ là người lái xe, việc chữa bệnh, cấp thuốc là hành vi lái xe. Thì việc lái ẩu (chẩn đoán không chính xác) một chút là có thể gây ra tai nạn liền.

Tương tự, nếu hình dung Luật sư là người lái xe, việc hành nghề luật sư là việc lái xe, luật sư là người hiểu rõ luật và có thể làm ra luật, nếu không có luật kiểm soát họ chắc là mọi thứ sẽ loạn cả lên như trong một đám đông kẹt xe mà không có lối thoát nào. Hoặc một luật sư hành nghề không chân chính sẽ giống như một chiếc xe “điên” gây tai nạn cho rất nhiều người.

Theo đó tôi nghĩ, cái ngành nghề mà mình đang theo đuổi hiện tại đây, là nghề kiến trúc sư (KTS), thì cũng cần có Luật, vì tính chất phức tạp tương tự. So sánh thường hay khập khiểng, tuy nhiên tôi muốn mượn hình ảnh của việc lái xe để nói về việc hành nghề Kiến trúc để thấy rõ hơn một số mối liên hệ cơ bản nhưng không kém phần quan trọng:

1. Thứ nhất, việc hành nghề KTS (ví như hành vi lái xe) của một người KTS (ví như người điều khiển xe) có ảnh hưởng nhiều đến những KTS khác không?

Trả lời là không chỉ trường hợp khi anh đang lái xe một mình ngoài đường vậy. Thực tế cho thấy anh không thể chạy xe một mình ngoài đường, mà ngoài đường còn có rất nhiều người khác cùng tham gia giao thông với anh, trong đó có cả những người trong nước và ngoài nước. Và khi quyền lợi của việc chạy xe cần phải được chia sẻ và điều tiết (giống như việc hành nghề KTS cần được kiểm soát và điều tiết) thì việc lái xe (việc hành nghề KTS) càng an toàn hơn, và anh sẽ có thể lái xe (cũng như hành nghề) nhanh đến đích hơn. Nếu gặp phải sự cố trong việc hành nghề (cũng như việc chết máy xe), sẽ có một tổ chức (ví dụ Kiến trúc sư Đoàn) đứng ra bảo vệ quyền lợi cho anh (giống như có một tiệm sửa xe khi xe có sự cố dọc đường). Do đó, anh có thể an tâm mà chạy xe (hành nghề) đến đích.

Nếu anh là một KTS giỏi (xe anh tốt, anh chạy nhanh), anh có thể đi đến đích nhanh hơn. Nhưng lộ trình anh sẽ bị cản trở nếu như có một đám đông kẹt xe ở phía trước. Và sau đó anh chỉ về được đến đích khi anh và đám đông cùng nhau giải tỏa để tìm được ít nhất một hướng ra.


(ảnh minh họa)

2. Đó là nói về trường hợp những KTS cùng hành nghề với nhau, thế còn ảnh hưởng của KTS đối với người khác (khách hàng, nghề nghiệp và công chúng) thì sao?

Khi chạy xe ngoài đường không đúng luật lỡ may đụng phải một người trong nước. Hai bên sẽ cãi cọ nhau, nếu không ai nhường ai thì sẽ dẫn đến việc nhờ đến công an can thiệp. Bao nhiêu chuyện rắc rối sẽ xảy ra. Mất thời gian và lỡ công ăn chuyện làm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần, tâm lý, v.v… Còn nếu lỡ may đụng phải một người nước ngoài thì sao? Họ sẽ hỏi: “anh không biết luật à?”. Nếu anh trả lời: “tôi không biết luật, vì nước tôi không có luật”, thì họ sẽ sợ anh ngay, và họ sẽ không bao giờ dám đặt chân đến đất nước của anh lần thứ 2.

Nghề Kiến trúc không có luật cũng sẽ như thế, những bạn bè trong khối ASEAN, APEC hay WTO sẽ e dè khi anh trả lời rằng: “Nước tôi không có Luật Kiến trúc sư”. Cảm giác không an toàn sẽ theo đuổi họ khi họ nghĩ đến việc hợp tác cùng với anh. Và nếu có sự cố nào xảy ra thì họ sẽ không bao giờ quay lại với anh nữa. Điều này ai cũng có thể hình dung ra được.

3. Về kinh nghiệm bản thân. Trong quá trình hành nghề tôi cũng gặp một vài va vấp, những vấn đề nhỏ thì cũng có thể tự giải quyết qua việc thỏa thuận và đôi khi tranh luận (cũng xong nhưng mất thời gian, tạo hiềm khích không đáng có). Vấn đề lớn hơn thì có lần phải nhờ đến tòa dân sự giải quyết, nhưng cũng bỏ nửa chừng, vì mất thời gian lên xuống, lại phải lục lọi tìm tài liệu, bằng chứng, giải thích về chuyên môn cho người hòa giải hiểu và nắm được vấn đề… cuối cùng thấy mệt mỏi quá nên quyết định bỏ. (Vừa mất thời gian vừa mất tiền đi kiện! Để thời gian làm việc khác hay hơn). Lúc đó tôi nghĩ nếu có Luật KTS và KTS Đoàn thì mọi việc có thể sẽ khác.

Theo tôi được biết, trong khối ASEAN chỉ còn có VN, Campuchia, Lào và Myanma là chưa có Luật kiến trúc. Theo tôi, nếu muốn bảo lợi quyền lợi của chính chúng ta, muốn nền Kiến trúc VN có thể đi nhanh hơn, bộ mặt kiến trúc đàng hoàng hơn, thì chúng ta phải nên làm Luật ngay. Phải xúc tiến ngay từ bây giờ.

Làm Luật để áp dụng cho một cộng đồng trí thức với những quán tính cố hữu, lại xuất hiện muộn màng, là một thách thức rất lớn. Những người đề xuất việc làm Luật hiện nay đã có cái nhìn đi trước thời đại, đã anh dũng lội ngược dòng, kiên trì vượt qua những trì trệ của xã hội, cùng những giây phút chờ đợi, nắm lấy cơ hội, tưởng chừng như chậm một phút là có thể chậm tiếp 10 năm… Luật KTS ra đời, đó là những nỗ lực quá sức lớn lao với lòng nhiệt huyết của những đàn anh đi trước mà các thế hệ KTS tiếp nối sau này sẽ không bao giờ được quên.

Thời gian ra đời Luật KTS ở một số nước:

Italia-1923
Nhật Bản-1950
Thailand-1965
Malayxia-1967
Singapore-1991

Những điều thú vị trong Luật KTS các nước:

Italia:

KTS làm việc ở Italy nhận được nhiều thuận lợi trong thực hành nghề vì KTS và tác phẩm của họ được bảo vệ chặt chẽ bởi một hệ thống các điều luật khá hoàn thiện và có chiều sâu. Với nền tảng này, KTS Italy không những đảm nhận tốt nhiệm vụ của mình với khách hàng mà còn thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao với toàn thể xã hội.

Một điều cần lưu ý là tại Italy, cũng như trên phần lớn các nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu, Hội KTS là tổ chức duy nhất có thẩm quyền cấp phép hành nghề cho KTS. Hội KTS ngoài ra còn có nhiệm vụ hướng dẫn cho các KTS hành nghề theo khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Malaysia và Singapore:

Muốn trở thành KTS chuyên nghiệp thì phải qua phần kiểm tra gồm 3 vòng: nộp hồ sơ kinh nghiệm hoạt động (tối thiểu hai năm, trong đó phải có ít nhất một năm tại Malaysia), phỏng vấn, kiểm tra viết (kiến thức về luật pháp, kỹ năng hành nghề…).

Pháp lệnh hành động của KTS Singapore - năm 1991 là một chuẩn mực của đạo đức, mã số và các quy định nhằm cung cấp một khuôn mẫu để duy trì tính chuyên nghiệp trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh. Đăng ký là nghiêm ngặt và Hội đồng quản trị đòi hỏi KTS đăng ký phải tuân theo một mã số cao về đạo đức đồng thời họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình với tính toàn vẹn, đầy đủ đối với khách hàng, nghề nghiệp, và công chúng.

Luật KTS quy định nghĩa vụ của mỗi KTS đối với khách hàng, với nghề nghiệp, với xã hội và với đồng nghiệp. Đoàn KTS có trách nhiệm và quyền hạn giữ công bằng cho các bên theo Luật định. Mọi cạnh tranh bất chính, thiếu trách nhiệm, hoặc xâm phạm sở hữu trí tuệ... đều được dự trù, ngăn ngừa và xử lý hiệu quả.
Mối quan hệ trong hợp đồng dân sự (tư vấn thiết kế) được định chuẩn (bằng văn bản dưới luật) với nội dung và chi phí tối thiểu, công khai minh bạch và hợp lý, nhằm bảo vệ chất lượng làm nghề chuẩn mực của KTS và quyền lợi khách hàng. Quan trọng hơn, Luật còn xác nhận cho giá trị sáng tạo, thương hiệu và quy trình chuyên nghiệp, nhằm khuyến khích lòng yêu nghề, mang lại những giá trị kiến trúc cao nhất cho cộng đồng.
Luật KTS đảm bảo quy trình tự đào tạo liên tục cho đội ngũ KTS với các thế hệ tiếp nối. Đây là đóng góp tích cực vào môi trường phát triển kiến trúc hiệu quả và bền vững.

Nhật Bản:

Viện KTS Nhật Bản (JIA) là tổ chức chuyên nghiệp duy nhất của các KTS Nhật bản. Vai trò chủ yếu của nó là định nghĩa và thúc đẩy tình trạng xã hội và pháp lý của các kiến trúc sư chuyên nghiệp tại Nhật Bản.

Là một hiệp hội của các KTS tự do và độc lập, JIA luôn phấn đấu để tạo ra một sự hiểu biết lớn hơn trong lĩnh vực kiến trúc của xã hội Nhật Bản, và để thiết lập một nền tảng xã hội vững chắc và công bằng cho các thành viên và các đối tác nước ngoài.

Tại Nhật Bản, tác quyền của kiến trúc sư được thực hành theo "Luật KENCHIKUSHI" (Luật KTS) được ban hành vào năm 1950. Tuy nhiên, "Luật KENCHIKUSHI" được áp dụng cho cả hai ngành Kiến trúc và Kỹ thuật, là những vấn đề cơ bản duy nhất không nằm trong những quy định về kiến trúc chung thành lập bên ngoài Nhật Bản.

"Luật KENCHIKUSHI" xác định trình độ cho cả KTS và KSXD, trong đó có sự khác biệt đáng kể với những tiêu chuẩn KTS được thành lập bởi các nước khác. Do đó, JIA đã phát triển một hệ thống mới được biết như là Hệ thống Văn bằng của KTS ở Nhật Bản, được thực hiện vào tháng 12 năm 2003. Thêm vào đó, trong nội dung này, JIA đã thành lập một hệ thống "Phát triển Chuyên nghiệp Liên tục" dựa trên UIA Accord về Tiêu chuẩn Khuyến nghị Quốc tế cho Sự chuyên nghiệp trong Thực hành Kiến trúc.

Thái Lan:

Đăng ký Kiến trúc ở Thái Lan bắt đầu vào năm 1965 khi Pháp lệnh hành nghề Kiến trúc chuyên nghiệp – B.E.2508 được thành lập bởi chính phủ Thái Lan. Kể từ đó, một KTS muốn hành nghề phải có giấy phép. Lúc đầu, công việc chuyên môn là đơn giản và chỉ giới hạn trong việc thiết kế kiến trúc, giám sát và tư vấn. Sau 30 năm tăng trưởng và tiến bộ, một sự thay đổi để kiểm soát thực tế đã được yêu cầu để đối phó với các phạm vi dịch vụ ngày càng đa dạng và phức tạp hơn, cùng với quy mô những dự án lớn hơn, kiểu dáng và số lượng cũng đòi hỏi năng lực chuyên môn và sự phát triển. Vào năm 2000, với sự nỗ lực mạnh mẽ của các KTS, Pháp lệnh hành nghề Kiến trúc – B.E.2543  đã được ban hành và thay thế cho B.E.2508 trước đây để đăng ký và cấp phép chuyên nghiệp mở rộng cho các ngành nghề: thiết kế kiến trúc, trang trí nội thất, kiến trúc phong cảnh và quy hoạch đô thị.

Theo Pháp lệnh hành nghề mới này, KTS chuyên nghiệp phải được điều khiển bởi Ủy ban Kiểm soát việc hành nghề Kiến trúc (Committee Controlling Architectural Practice) – là một người đại diện và một bộ phận văn phòng được bổ nhiệm bởi Văn phòng chính phủ thuộc Bộ Nội vụ.

Pháp lệnh được thành lập bởi Hội đồng KTS (Architect Council) của Thái lan - là một cơ quan hành nghề kiến trúc bao gồm một người đại diện về kiến trúc và những người làm những công việc liên quan đến kiến trúc. Hội đồng hoạt động thông qua Ủy ban Hội đồng (Council Committee) gồm 20 thành viên được bầu chọn theo những mô tả dưới đây:

- 10 thành viên được bầu từ những thành viên hội đồng là những người không nắm giữ bất kỳ một vai trò văn phòng nào của bất kỳ một trường Đại học nào.
- 05 thành viên được bầu từ những thành viên hội đồng là những người có nắm giữ một vai trò văn phòng của một trường Đại học.
- 05 thành viên được chỉ định từ những thành viên hội đồng Nội các thông qua đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Vài góp ý về Luật KTS: 

- Do Luật KTS xuất hiện muộn màng trong bối cảnh cộng đồng với những quán tính cố hữu, xã hội có nhiều trì trệ. Theo tôi, Luật ban đầu nên hết sức đơn giản và ngắn gọn. Về sau mới cụ thể và hợp lý hóa dần, qua quá trình thực hiện thí điểm. Lấy ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Như thế Luật mới dễ đạt được tính dân chủ và sự ủng hộ của cộng đồng.

- Nên có những điều khoản loại trừ đối với những KTS hành nghề lâu năm, những KTS ở vùng nông thôn…

- Luật KTS sẽ hạn chế sự ra đời của những văn phòng KTS nhỏ, những KTS chưa đủ năng lực, tiêu chuẩn ra hành nghề trực tiếp, mà bắt buộc họ phải đi làm thuê cho các văn phòng Kiến trúc lớn. Điều này sẽ giúp ổn định nguồn nhân lực cho những văn phòng thiết kế chuẩn mực lâu năm. Tuy nhiên sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn, vậy bước chuyển tiếp sẽ như thế nào?

- Luật KTS có ảnh hưởng rất lớn đến việc đào tạo KTS. Vậy có nên soạn hai Luật này song song không?

Lời kết: 

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Luật KTS ra đời sẽ là một bước ngoặt lớn cho nền Kiến trúc VN; Là “tay vịn” vững chắc cho KTS VN tiếp tục chiến đấu với nghề; Là “mảnh đất màu mỡ” cho những bông hoa Kiến trúc có cơ hội vươn cao; Là nền tảng vững chắc cho thế hệ KTS tiếp nối luôn hướng tới sự chuyên nghiệp nhằm giảm khoảng cách với các bạn bè đồng nghiệp quốc tế. Từ đó tạo tiền đề cho một nền Kiến trúc VN ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Tôi còn nhớ một câu nói của Napoleon – “Thế giới đã phải chịu tổn thất rất lớn. Không phải vì sự tàn ác của những người xấu, mà là vì sự im lặng của những người tốt”. Vậy cộng đồng KTS chúng ta, hãy cùng nhau lên tiếng cho sự ra đời “thuận buồm xuôi gió” của Luật KTS VN!

KTS Lê Minh Hưng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Lời bình  

 
+3 # truong nam thuan 07/06/2012 11:28
Việt Nam, nằm trong xu thế chung của thế giới, văn phòng kiến trúc dù nhỏ, hay trung bình luôn chiếm đa số tại Việt Nam và trên thế giới. Có hơn 90 phần trăm các công ty nhỏ và trung bình hành nghề kiến trúc tại Mỹ, con số này xấp xỷ tại Châu âu, Trung Quốc. Vì vậy, Luật KTS nên tạo điều kiện hỗ trợ đặc biệt ưu ái cho các văn phòng nhỏ, thay vì ràng buộc quá nhiều điều kiện để tạo thuận lợi cho các công ty lớn. Vấn đề quan trọng nhất ở đây chính là kiểm tra chất lượng và năng lực hành nghề Sự ra đời các văn phòng nhỏ cho thấy cung cách quản lý và sự phân chia lợi nhuận, môi trường làm việc ở các tập đoàn lớn không còn phù hợp với họ, thực tế này diễn ra phổ biến trên thế giới. Nền kiến trúc VN so với thế giới còn khá non trẻ vì thế việc cạnh tranh theo dạng tập đoàn,c ty lớn vốn rất phức tạp về quản lý và điều hành sẽ là rất khó phù hợp, vì vậy, dạng văn phòng thiết kế nhỏ, đa dạng và tập trung vào chất lượng sáng tạo sẽ là hướng đi khả dĩ và phù hợp với VN trong tương lai.

Luật KTS cũng nên tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi của KTS với khách hàng như thế nào, thực tế hành nghề tại Việt nam cho thấy KTS luôn chịu rất nhiều rũi ro về chi phí thiết kế với khách hàng, mà chưa đủ tài chính cũng như quan hệ cần thiết để gây sức ép với khách hàng. Sự hỗ trợ này là cực kỳ cần thiết trong giai đoạn này.

Một vấn đề nữa mà theo tôi là cực kỳ quan trọng, đó là đánh giá việc cấp chứng chỉ hành nghề.Luật KTS nên bãi bỏ quy định là phải tham gia 5 công trình KT, 5 dự án quy hoạch được phê duyệt, 5 năm hành nghề.... thì mới đủ điều kiện. Tôi cho rằng quy định như vậy là không hợp lý, trong bối cảnh khoa học công nghệ và diễn biến kinh tế thay đổi quá nhanh như hiện nay. Thực tế cho thấy rất nhiều KTS có hơn 10 năm hành nghề, tham gia rất nhiều dự án nhưng vẫn không thực sự đủ năng lực hành nghề một cách chuyên nghiệp. Vấn đề thuộc về nhận thức và năng lực tư duy, chất lượng chứ không phải số lượng và thời gian. Tốt hơn hết là kiểm tra năng lực thực tế qua các bài test, qua được thì cấp chứng chỉ, không qua được thì dù có làm hàng chục năm cũng không có giá trị thực tiễn được.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo