Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Vài suy nghĩ về Luật Kiến trúc sư

Vài suy nghĩ về Luật Kiến trúc sư

Viết email In

Quá trình thực hiện công tác thiết kế, cho thấy rằng bản chất công tác hành nghề thiết kế luôn bị chi phối bởi thị trường, mà cụ thể hơn là các dự án bất động sản. Bản chất thị trường bất động sản Việt Nam lại được xây dựng trên ảo tưởng và thiếu thực tế, mang tính ngắn hạn, chính vì vậy, công việc thiết kế đa phần được xem như một công cụ, phương tiện để hợp thức hóa tính pháp lý của dự án, phục vụ cho nhu cầu mua bán, chuyển nhượng dự án, hoặc chỉ cho các nhu cầu kinh doanh ngắn hạn của chủ đầu tư, vốn đang phải thích nghi với thị trường đầy biến động. Không phải là bi quan, nhưng đại đa số kiến trúc sư (KTS) rất vất vả với đồng phí thiết kế, vì đại đa phần chủ đầu tư tư nhân vốn ít, manh mún, họ đâu có làm thật, đầu tư thật và nghiêm túc, mà không làm thật thì làm sao có lợi nhuận thật mà sòng phẳng được, các dự án nhà nước thì do quan hệ không lành mạnh, ăn chia tỷ lệ để làm cho có, cốt yếu sao có tiền càng nhanh càng tốt, thế nên công việc thiết kế luôn xem là đầy rủi ro bất trắc. Với môi trường làm nghề như vậy, KTS muốn làm thật tốt vai trò của mình cũng khá khó khăn và gian khổ...


Không khí buổi lễ trao giải thưởng Kiến trúc Quốc gia

Vậy nên muốn KTS làm tốt, thì chủ đầu tư, dù là tư nhân hay nhà nước đều phải nghiêm túc, làm thật, kinh doanh thật và hiệu quả thật. Thế nên Luật KTS ra đời, một mặt hỗ trợ cho việc KTS hành nghề một cách chuyên nghiệp, một mặt phải tác động mạnh mẽ đến các nội dung Luật và nghị định khác liên quan đến thì mới mong hiệu quả được.

Việc này cần nhìn nhận từ 2 khía cạnh, thứ nhất là về phía khách hàng, chủ đầu tư. Có thể không nói quá, hầu hết khách hàng, chủ đầu tư Việt Nam chưa hiểu được các giá trị thặng dư mà thiết kế tốt đem lại cho dự án của họ, vì đó là những giá trị vô hình, không thể cân đo đong đếm được. Nó là một phần giá trị gia tăng vô hình cho dự án bất động sản mà không có một quy trình quản lý, vận hành và tiếp thị dự án nào đủ tốt có thể thay thế được. Điều này, có một phần trách nhiệm của Hội KTS trong việc truyền bá, phổ biến và tăng cường hoạt động của giới KTS và thể hiện chủ động hơn nữa vai trò KTS trong xã hội. Có như vậy, mọi tầng lớp mới có thể hiểu được, sau đó mới THÔNG được và cuối cùng mới có thể CẢM được. Vì vậy, đây là một phần không thể thiếu được trong việc giúp công tác hành nghề của KTS được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Sản phẩm thiết kế vốn trừu tượng, thế nên nếu không hiểu được giá trị của nó, dù chỉ là những giá trị cơ bản nhất, thì công việc của KTS sẽ bị xem nhẹ, như một mớ giấy lộn và không có giá trị kinh tế. Luật KTS nên đề cập đến các vấn đề này, vì đó là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng những chiến lược quốc gia, chiến lược địa phương, các chương trình hành động hàng năm, hàng quý, quỹ hỗ trợ giúp KTS thể hiện và giao tiếp rộng rãi hơn với công chúng, cộng đồng và các cơ quan ban nghành. Những nội dung này, nếu không được luật hóa thì mọi hoạt động nhằm tăng cường sự giao tiếp giữa KTS với xã hội, các tổ chức khác, cơ quan ban nghành chỉ mang tính hình thức, tham khảo và khó nhận được sự hỗ trợ thích đáng, hiệu quả. Thế nên, một khía cạnh khác của Luật KTS không phải chỉ để dành cho kiến trúc sư, mà cấu trúc nó phải được phổ biến và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội và quốc tế. Vì đó là cơ sở để các KTS có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình và nhận được sự chấp thuận, hỗ trợ khuyến khích thông qua một sự đồng thuận chung, đó là luật KTS.


Trại Kiến trúc sư toàn quốc là cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hành nghề kiến trúc
 
Khía cạnh thứ hai, có một thực tế, nghề thiết kế đòi hỏi khả năng tư duy và sáng tạo, nếu không muốn nói là phải có năng khiếu và một chút thiên bẩm. Đào tạo chỉ là phương thức giúp năng khiếu ấy có thể bộc lộ và phát triển. Các kiến trúc sư trẻ, ngày càng được tiếp xúc với công nghệ mới, tư duy mới nên giúp họ tiến nhanh hơn và đồng thời chịu nhiều áp lực hơn so với các thế hệ trước, áp lực về kinh tế, áp lực về trách nhiệm với cộng đồng xã hội và xa hơn nữa là áp lực cạnh tranh với các đối tác quốc tế.

Các quy định hiện nay, đặc biệt là các nội dung quy định về cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên số năm hoạt động, số dự án và số kinh nghiệm tham gia công tác hành nghề thiết kế, vốn được coi là khá cứng nhắc và không có giá trị thực tế. Thực tế cho thấy, KTS tham gia khá nhiều vai trò khác nhau trong dự án, giám đốc dự án, quản lý dự án, thiết kế, triển khai… với nhiều kỹ năng khác nhau, và thực tế là khả năng tư duy thiết kế, sáng tạo thì không phải KTS nào cũng có được, mặc dù có thể hành nghề hàng chục năm. Trong khi, một KTS trẻ ra trường chỉ cần khoảng 2 đến 3 năm trong một môi trường phù hợp, lao động nghiêm túc thì sẽ sớm bộc lộ được năng lực. Đặc biệt là lực lượng KTS trẻ lao động tại các môi trường chuyên nghiệp của các công ty thiết kế lớn. Vấn đề cốt lõi ở đây, không phải là thời gian, số lượng mà chất lượng, chất lượng của tư duy, chất lượng của suy nghĩ và của sự trưởng thành, chúng ta cần những bài kiểm tra chất lượng như vậy để quyết định khả năng hành nghề của KTS.

Thực tế, có những KTS lao động với cường độ cao và nghiêm túc là có thể đạt được những kinh nghiệm cần thiết, số lượng dự án như quy định. Nhất là trong môi trường giao tiếp quy mô toàn cầu hiện nay, việc chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau sẽ rút ngắn nhiều thời gian tích lũy và trưởng thành của KTS.

Luật KTS nên thay đổi việc này, để tạo điều kiện nhiều hơn cho những KTS thực sự đủ năng lực để thiết kế dự án, giảm thiểu thời gian chờ đợi làm lãng phí nhiều cơ hội cho các KTS trẻ thực sự muốn khẳng định mình nhưng thiếu sự hỗ trợ pháp lý cần thiết. Có nên chăng, điều quan trọng nhất để thừa nhận một KTS có đủ năng lực hành nghề là việc vượt các bài kiểm tra kỹ năng, đạo đức và quan điểm nghề nghiệp thực tế, với thời gian rút ngắn còn 2 năm kinh nghiệm là đủ. Việc này, một mặt sẽ tăng tính chủ động và trách nhiệm hơn cho kiến trúc sư trẻ, đồng thời, cho phép họ hành nghề một cách độc lập, tự chủ và được pháp luật thừa nhận. Thay vì lãng phí một thời gian 5 năm, đánh đồng thời gian trong mọi nỗ lực của các cá thể KTS khác nhau trong việc vươn lên khẳng định mình.


KTS Tadao Ando (Nhật Bản) giao lưu với thầy và trò trường Đại học Xây dựng

Không chỉ tại Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia trên thế giới, KTS đều có xu hướng muốn thành lập văn phòng riêng, tỷ lệ này là trên 80 phần trăm tại Mỹ, tương tự tại Anh Quốc, Italia và một số quốc gia là trên 90 phần trăm. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Có thể thấy rất nhiều văn phòng thiết kế trên thị trường hiện nay, một số người cho hiện tượng này là phân tán, manh mún và thiếu chuyên nghiệp, những nhận xét này chỉ dựa trên cảm tính và thiếu cơ sở phân tích khoa học. Thực tế là việc xây dựng mô hình các văn phòng thiết kế có chất lượng, quy mô vừa hoặc trung bình, nhỏ  với việc tư vấn đa lĩnh vực, nghành nghề liên quan đến thiết kế sẽ là một xu hướng của tương lai. Nhất là đối với Việt nam, đây sẽ là một hướng đi khả thi và thích hợp, trong khi khả năng công nghệ và quản lý của các công ty thiết kế chưa thực sự đạt được chuyên nghiệp như đối tác nước ngoài, mà phải tốn một khoảng thời gian không ngắn, đầu tư không nhỏ và chưa biết có thể đạt kịp được tốc độ phát triển của họ hay không.

Xu hướng tách ra làm riêng, làm tự do của KTS hiện nay là một điều tất yếu, dù thừa nhận hay không, nó cũng cho thấy sự bế tắc và lạc hậu, thiếu công bằng trong cơ cấu tổ chức vận hành của các công ty thiết kế tại Việt Nam, mà khâu quan trọng nhất có lẽ chính là cung cách quản lý, điều hành một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chất xám, vốn lại cực kỳ khó khăn và nhạy cảm mà không phải ai cũng làm được. Trong thời gian sắp tới, có lẽ sẽ xảy ra sự thiếu hụt trầm trọng các KTS có năng lực trong các công ty thiết kế tại Việt Nam, trong khi sẽ xuất hiện rất nhiều các văn phòng nhỏ hoặc hành nghề tự do. Các công ty thiết kế hiện nay, đang gặp khủng hoảng trong công tác quản trị tri thức và quản lý nhân tài, vốn sẽ phải gặp nhiều cạnh tranh hơn trong tương lai.

Luật KTS nên nắm bắt được xu hướng này để có những điều chỉnh hoặc đề xuất phù hợp với thực tại và có định hướng rõ ràng cho việc hành nghề các KTS trong tương lai. Luật KTS nên tạo ra nhiều cánh cửa cho phép tiếp cận khác nhau cho nhiều loại hình hành nghề của KTS, nhất là các dự án vốn ngân sách hoặc các dự án tư nhân, có yêu cầu thi tuyển hoặc các dự án đòi hỏi sự cạnh tranh công bằng về năng lực và chất xám. Nên xem các tổ chức tư vấn, cá nhân hành nghề tham gia vào việc lựa chọn thầu, hay thi tuyển hay thiết kế là như nhau, vì quan trọng nhất của bản chất vấn đề vẫn là năng lực tư vấn thiết kế, chứ không phải những hồ sơ năng lực dầy cộm, những dự án hoành tráng đã từng làm.

Việc này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa tất cả mọi công ty hoặc  cá nhân với nhau. Chất lượng và tài năng được khuyến khích hơn là những hư danh của tập thể trong quá khứ. Nếu thực hiện, những cơ chế này sẽ phân cấp thị trường mạnh mẽ thành những văn phòng thiết kế chất lượng cao, sáng tạo được khuyến khích phát triển, đóng góp mạnh mẽ và sâu sắc hơn về tư duy, và các công ty quy mô trung bình, lớn chuyên triển khai và thực hiện các dự án. Đây cũng là hướng đi khả dĩ, giúp các KTS trẻ của Việt Nam tăng cường chất lượng tư duy và sáng tạo, đóng góp mạnh mẽ và sâu sắc hơn cho xã hội./.

KTS Trương Nam Thuận


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo