Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Phát triển bền vững: chuyện của mọi người, mọi nhà

Phát triển bền vững: chuyện của mọi người, mọi nhà

Viết email In

Trong email gửi Kiến trúc & Đời sống trước buổi phỏng vấn, ThS.KTS Giang Ngọc Huấn -  trưởng bộ môn “Môi trường và phát triển bền vững” thuộc khoa kiến trúc, đại học Kiến trúc TP.HCM - viết đại ý rằng vấn đề phát triển bền vững để hạn chế tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu đã trở nên rất cấp bách.

Có ý kiến cho rằng cấp bách là vấn đề của người nghiên cứu, nhà quản lý, cùng lắm là của báo chí chứ chưa phải là cấp bách với người dân bình thường, vốn hàng ngày đang đối đầu với bao nhiêu chuyện cơm áo, gạo tiền.

Không! Nếu nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm. Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo Việt Nam là một trong ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới và TP.HCM, lại là một trong mười thành phố của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nhất. Vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đã hiển hiện dần và ngày một rõ ràng hơn đối với nước ta trong mấy năm gần đây trên phạm vi của cả vùng, miền rộng lớn hoặc tại một địa phương cụ thể như TP.HCM.


Ảnh chụp tại Grand View, Phú Mỹ Hưng, một công trình được thiết kế bởi Tange International (Nhật) và được đánh giá là công trình hiện đại, tận dụng được các yếu tố cảnh quan tự nhiên, thông thoáng.

Có thể dẫn chứng qua những thực tiễn: năm 2006 là năm của những cơn bão mạnh liên tiếp tàn phá nhiều địa phương từ Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Nam Trung bộ, rồi đến Nam bộ. Năm 2010 là năm của những cơn lũ, chỉ trong hai tháng 10 và 11, lũ chồng lũ suốt từ Bắc Trung bộ đến Nam Trung bộ rồi Trung Trung bộ. Khi lũ đang nhấn chìm Hà Tĩnh – Quảng Bình thì siêu bão Megi sau khi tàn phá bán đảo Luzon của Philippines với sức gió cấp 17 đã đi vào Biển Đông (bão số 6). Cũng trong năm 2010, tại TP.HCM chúng ta đều thấy rõ lượng mưa lớn thất thường và thời gian mùa mưa kéo dài sang tới tháng 12. Tôi vẫn còn ám ảnh về cơn mưa kéo dài trong ngày 10/10/2010. Hôm đó mưa lớn kết hợp triều cường đã gây ngập nặng nhiều khu vực trong thành phố sang cả ngày hôm sau. Trong cảnh nước ngập phía dưới, mưa lớn xối xả trên đầu, tôi len lỏi qua nhiều đường lớn nhỏ hòng tìm đường thoát, nhưng rồi đành phải chấp nhận bị kẹt xe suốt bảy tiếng xung quanh khu vực Đinh Bộ Lĩnh – Hàng Xanh, Bình Thạnh. Trong đêm tối ướt sũng vì mưa và ngâm người trong dòng nước bẩn dâng cao đó, tôi đã rùng mình nghĩ về biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu nào phải chuyện xa xôi như vẫn có nhiều người lầm tưởng, đâu chỉ diễn ra trên các bàn hội nghị, đàm phán giằng co của các chính khách trên thế giới, hay trong các hội thảo của các nhà khoa học, mà đó là chuyện mà mỗi người chúng ta đã bắt đầu và sẽ phải đối mặt bất kỳ lúc nào ngay tại thành phố này hay bất kỳ nơi đâu ở Việt Nam.

Tóm lại, với mỗi người dân, chuyện biến đổi khí hậu gây hậu quả đã hiển hiện ngay trong cuộc sống, đã trở nên trực tiếp và cấp bách rồi. Nó là vấn đề của mọi người, mọi nhà chứ không chỉ là chuyện của các chính khách, nhà khoa học hoặc các nhà quản lý nữa.

Đồng ý là những chuyện như anh dẫn chứng có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Nhưng cũng có người cho rằng nước ngập, kẹt xe dù có kéo dài rồi cũng hết. Bão lũ đến rồi đi, nước ngập rồi cũng rút...

Mọi chuyện không đơn giản như vậy. Quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang diễn ra, tuy nhiên giai đoạn hiện nay các nhà khoa học nhận định là giai đoạn cuối của quá trình biến đổi nguy hiểm mà con người còn có thể tác động để ngăn chặn được. Nếu không hành động kịp thời thì đến lúc nào đó dù có muốn, con người cũng sẽ không thể tác động ngăn chặn được nữa và thảm hoạ về sinh thái môi trường sẽ diễn ra ở phạm vi và quy mô toàn cầu. Điều này đe doạ sẽ xoá bỏ các thành quả phát triển mà con người đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua. Lấy ví dụ cụ thể từ thực tiễn mà tỉnh Quảng Bình đã đối mặt, đợt lũ tháng 10/2010 tổng thiệt hại lên đến 2.800 tỉ đồng, gấp ba lần thu ngân sách của tỉnh, gấp 400 lần ngân sách tỉnh thu được từ việc cho phép khai thác rừng đầu nguồn. Nếu năm nào cũng phải đối mặt với điều này thì tỉnh sẽ đối diện với nghèo khó triền miên. Hoặc nếu như dự báo của các nhà khoa học trên thế giới là chính xác thì chỉ trong khoảng từ 10 đến 20 năm nữa, thành phố của chúng ta mỗi ngày, ở tất cả mọi nơi sẽ phải đối diện với ngập lụt chứ không phải đợi đến mùa mưa. Khi đó mọi việc sẽ như thế nào? Có lẽ ai cũng có thể hình dung ra được viễn cảnh khủng khiếp này.

Trong kiến trúc, người ta có thể ngăn chặn quá trình này như thế nào?


Có ba lĩnh vực hoạt động của con người tác động lớn vào quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu là: sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng. Vì xây dựng là một trong các lĩnh vực góp phần lớn gây ra quá trình biến đổi khí hậu ở thời điểm hiện tại và dự báo trong tương lai tác động vào quá trình biến đổi khí hậu của lĩnh vực xây dựng sẽ chiếm tỷ trọng trên 50%, do đó các xu hướng kiến trúc đương đại hướng về giải quyết các vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, v.v. Kiến trúc bền vững chính là một trong những xu hướng thiết kế tiên tiến trên.

Để đánh giá thiết kế kiến trúc bền vững, thế giới có rất nhiều hệ thống với các hàng loạt các tiêu chí, nhưng đơn giản nhất chúng ta có thể xem xét ở các yêu cầu bao quát nhất như sau:

- Mức độ góp phần vào việc giữ gìn và nâng cao giá trị của môi trường sinh thái tự nhiên trong và ngoài khu vực xây dựng.

- Sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên xuyên suốt quá trình từ giai đoạn khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, giai đoạn xây dựng công trình, giai đoạn công trình đưa vào hoạt động đến lúc tháo dỡ công trình khi hết niên hạn sử dụng. Trong đó, chú trọng sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng có khả năng tái chế và hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng hoá thạch.

- Các giá trị về đặc trưng văn hoá, tính liên kết trong cộng đồng xã hội được giữ gìn và nâng cao.

- Đảm bảo các yêu cầu về sức khoẻ, an ninh và an toàn.

- Đảm bảo hợp lý, ổn định và tăng trưởng về yếu tố kinh tế.


Phủ xanh không gian sống quanh mình, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên là một cách tiết kiệm năng lượng.

Xin ông nhận xét về kiến trúc bền vững hiện nay ở Việt Nam.

Kiến trúc là một trong những lĩnh vực hoạt động đặc biệt vì ở đó con người sáng tạo ra một môi trường thiên nhiên thứ hai (cũng có thể xem là môi trường CON) trong môi trường thiên nhiên bao trùm, đó là môi trường sinh thái tự nhiên (cũng có thể xem là môi trường MẸ). Không gian kiến trúc đó, đáp ứng phần lớn các yêu cầu hoạt động của con người từ học tập, sản xuất, giải trí, nghỉ ngơi, v.v. Do đó, con người muốn tồn tại được thì điều tất yếu trước tiên là phải giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên (môi trường MẸ). Như vậy, xu hướng kiến trúc bền vững là một trong những xu hướng xây dựng tất yếu mà con người phải thực hiện nếu còn muốn cho các thế hệ mai sau tồn tại trên hành tinh này.

Việc ứng dụng thiết kế và xây dựng kiến trúc bền vững ở Việt Nam hiện nay bước đầu đã có sự quan tâm, tuy nhiên việc hiểu đúng và vận dụng đúng trong lĩnh vực thiết kế xây dựng trong thực tiễn còn có nhiều hạn chế, trong đó có nhiều trường hợp sử dụng các cụm từ “tiết kiệm năng lượng”, “sinh thái”, “bền vững” đi kèm cho hợp mốt với thời đại, nhưng thực chất các công trình đó được thiết kế, xây dựng đang góp phần đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Đối với kiến trúc bền vững, yêu cầu giữ gìn và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên là một trong những yếu tố quan trọng, để thực hiện được điều này trong thiết kế và xây dựng công trình kiến trúc cần giữ gìn và nâng cao chất lượng của các yếu tố cơ bản như đất, nước, không khí, tính đa dạng sinh học, v.v. Do đó, cần hạn chế đến mức thấp nhất việc phủ bêtông các bề mặt của địa hình tự nhiên, nhưng trong thực tế hiện nay các công trình xây dựng ở Việt Nam từ nhà ở riêng lẻ, chung cư, trường học, bệnh viện, công sở, từ công trình thấp tầng đến cao tầng, v.v hầu như đều phủ bêtông toàn bộ khuôn viên công trình. Việc làm này sẽ làm cho quá trình thẩm thấu nước mặt xuống tầng nước ngầm không thể thực hiện được, hệ sinh thái trong phạm vi dù nhỏ cũng bị tác động xấu đi, mặt khác lớp bêtông bao phủ gây lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên không cần thiết (núi đá vôi và núi đá bị phá đi để sản xuất ra vật liệu bêtông, nhiên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất, và vận chuyển bêtông, môi trường sinh thái tại các vùng có núi bị khai thác bị phá vỡ nghiêm trọng, v.v.). Đồng thời bức xạ mặt trời sẽ nung nóng bề mặt bêtông và làm cho nhiệt độ khu vực tăng lên, gây tác động trở lại đến sinh lý và tâm lý của người sử dụng. Con người lại phải sử dụng các nguồn năng lượng khác để làm mát không gian như điện để chạy quạt máy, máy điều hoà hoặc máy bơm để phun tưới nước làm mát... Ngược lại, nếu các khoảng sân xung quanh công trình được trồng thực vật thì sẽ góp phần làm cho môi trường sống của chúng ta tốt hơn nhờ quá trình quang hợp của cây xanh, khả năng giữ bụi, ngăn tiếng ồn, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ không khí, tạo bóng mát, hình thành dòng dịch chuyển của không khí,v.v. Nhờ đó, chúng ta có môi trường sống tốt. Cây xanh cũng sẽ đảm bảo cho các loài sinh vật khác cũng có môi trường tồn tại và phát triển như các loài chim, sóc, dế, v.v. Và điều đó tác động trở lại làm cho cuộc sống của con người trở nên quân bình, thân thiện và nhân ái hơn.

Nhân nói đến ví dụ cụ thể, xin ông phân tích một vài trường hợp?

Thực tế phát triển ở thành phố ta, có quá nhiều vấn đề có thể học hỏi và phải khắc phục. Ví dụ khi quy hoạch đô thị mới Phú Mỹ Hưng, đơn vị thiết kế của nước ngoài đã mở rộng một nhánh sông cụt trở thành hồ Bán nguyệt hiện tại, cạnh đó đắp cao mặt đất tạo nên khu Cảnh đồi với các thảm cỏ, mặt nước trồng sen, súng và liền kề đó lại là con đường Kênh đào, với những loại thực vật đặc trưng của miền Nam. Điều đó không chỉ mang lại sự trong lành cho không khí, cảnh quan mà còn đem đến cảm giác bình an cho con người và cuối cùng đó chính là giá trị kinh tế ngày càng tăng cao cho đô thị này.

Nhìn lại các khu quy hoạch do các đơn vị thiết kế xây dựng trong nước thực hiện thì sao? Đã có tình trạng san lấp các kênh rạch càng nhiều càng tốt để tăng số nền đất chia lô, còn diện tích dành cho công viên thật sự eo hẹp và dần dần biến mất vì lý do nào đó. Môi trường ngày càng trở nên nhếch nhác, tệ nạn xuất hiện và giá trị kinh tế vì vậy cũng giảm theo.

Với khu điều trị của bệnh viện 115 trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài mới xây dựng cách đây không lâu, phía trước công trình là một khoảng sân bêtông rộng lớn, chỉ có một vài cái cây, nhưng trên bancông, ở các tầng trên có lẽ vì để giảm cái nắng chói chang do bề mặt bêtông bên dưới và xung quanh phản xạ, bức xạ nhiệt, người ta lại trồng một vài cây cau trong chậu. Trông thật thảm thương cho loài cây vốn thanh mảnh này đang bị con người đem ra thử thách sức chịu đựng trên các công trình kiến trúc, trên các tuyến đường giao thông vốn cần trồng các loại cây có tán lớn để tạo bóng mát che cho bề mặt sân, mặt đường khỏi bị chiếu bởi bức xạ mặt trời thiêu đốt (đường Điện Biên Phủ từ vòng xoay Hàng Xanh đến cầu Điện Biên Phủ).

Từ các ví dụ cụ thể trên có thể thấy rõ, nguyên nhân biến đổi khí hậu hiện tại là do chính chúng ta và để ngăn chặn quá trình này cũng phải từ hành động với lòng mong muốn thật sự của mỗi người trong chúng ta. Phải thật sự yêu quý môi trường thiên nhiên, giữ gìn môi trường sống xung quanh bằng những hành động dù nhỏ nhoi, nhưng thiết thực chứ đừng chỉ hô hào khẩu hiệu, làm theo phong trào như hơn mười năm qua vẫn diễn ra ở thành phố của chúng ta.


Tận dụng mọi nguồn sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng là một giải pháp của kiến trúc bền vững.

Với tư cách trưởng bộ môn Môi trường và phát triển bền vững, ông có ý kiến gì đối với nhà quản lý và người dân?

Với nhà quản lý rất cần có sự hiểu biết rộng, tầm nhìn xa, nhất là đủ can đảm, đủ bản lĩnh và đủ trách nhiệm để đặt lợi ích của cộng đồng lớn lên trên lợi ích của các nhóm cá nhân nhỏ.

Với người dân, tôi xin chia sẻ chuyện thực tế. Quê tôi ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Mỗi lần có dịp về quê hay đi nghiên cứu kiến trúc nhà ở dân gian trong vùng từ Bến Tre, Long An, qua Đồng Tháp hay về tận An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, tôi luôn thầm thán phục những người nông dân chân chất đã tạo nên những hàng rào cây xanh để ngăn chia không gian sở hữu của mỗi nhà. Cái hàng rào xanh rì, mơn mởn đọt non, chỉ mang tính ước lệ, kề đó là khung cánh cổng cũng có tính ước lệ vì ít bao giờ đóng lại. Cái hàng rào cây xanh gần gũi, thân thiện quá, nó giúp cho việc giao tiếp của người bên trong nhà với bà con lối xóm, ngay cả với những người tình cờ đi ngang qua như tôi trở nên dễ dàng thuận lợi.

Có lần trong chuyến đi Đồng Tháp, tôi gặp một hàng rào rất đẹp và dừng lại chụp hình. Từ trong nhà, một cụ già nhìn ra và hỏi: “Chú em chụp gì đó, vào đây uống trà với qua”! Sự thân thiện giao tiếp qua cái hàng rào có tính ước lệ đó giúp con người biểu lộ tình cảm, quan tâm, gắn bó và thân thiện với nhau hơn. Điều đó giờ đây gần như đã bị triệt tiêu ở khu vực nội thành của thành phố này với những cái tường rào bằng gạch xây cao 2m, bên trên lại gắn hai lớp chông sắt cong nhọn, cạnh đó lại là cánh cổng đóng kín với tấm biển vẽ hình đầu chó becgiê và dòng chữ “coi chừng chó dữ” mà mỗi ngày tôi thường trông thấy. Gạch sản xuất để xây hàng rào đã góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu, tường gạch hấp thu và toả nhiệt làm tăng nhiệt độ không khí và điều quan trọng là cái tường rào gạch kia, nó ngăn trở sự giao tiếp giữa con người với nhau. Cứ như thế, qua nhiều năm tháng, mỗi người chúng ta trở nên sống khép kín hơn, cảnh giác hơn với cộng đồng, các giá trị văn hoá tốt đẹp đã có cũng theo đó mà dần mất đi.

Kiến trúc bền vững không phải là cái gì quá cao xa, không phải là chuyện ở nước khác mà nó rất gần gũi với bản thân mỗi người. Nếu ta biết cách làm cho cuộc sống của ta cân bằng với thiên nhiên, không xâm hại thiên nhiên tức là ta đã thực hiện kiến trúc bền vững rồi.

Còn đóng góp cụ thể của bộ môn mà ông đang hoạt động ra sao và sẽ đóng góp gì cho quá trình này?

Bộ môn ra đời tháng 2/2010 nhưng từ nhiều năm trước các giảng viên trong khoa kiến trúc ở nhiều bộ môn khác nhau đã bằng nhiều hình thức giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên về các xu hướng thiết kế kiến trúc thích ứng với đặc trưng khí hậu, kiến trúc tiết kiệm và có hiệu quả năng lượng, kiến trúc xanh và kiến trúc bền vững. Sinh viên năm thứ ba bắt đầu học các học phần bắt buộc liên quan đến môi trường, khí hậu, sinh viên năm bốn và năm thứ năm sẽ học một số học phần tự chọn theo dạng chuyên đề, ví dụ như chuyên đề “Nhà ở bền vững” do bộ môn kiến trúc nhà ở giảng dạy, và các chuyên đề do bộ môn chúng tôi đang biên soạn như “Kiến trúc – năng lượng – môi trường”, “Các giải pháp kỹ thuật vận dụng trong thiết kế kiến trúc sinh thái” v.v.

Bộ môn hiện có 12 giảng viên. Tài liệu giảng dạy chúng tôi biên soạn trên tinh thần kế thừa các kết quả nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực có liên quan, cập nhật kiến thức từ các xu hướng thiết kế có liên quan đến môi trường của thế giới nhưng vận dụng cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng, và có cơ sở để tin tưởng khi các sinh viên trở thành các kiến trúc sư, kỹ sư ra hành nghề, phần nhiều trong số đó có tâm huyết, đam mê và trách nhiệm. Khi đó họ sẽ ứng dụng những điều đã học vào công việc từ thiết kế quy hoạch, thiết kế cơ sở kỹ thuật hạ tầng đô thị, thiết kế kiến trúc, xây dựng công trình, hay kể cả làm công tác quản lý. Tất cả đều có thể đóng góp cho việc ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu hiện nay một cách thiết thực và hiệu quả.

Hy Hưng - Ảnh: ThuThủy, samstudio.vn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo