Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc là em ruột chuyên gia kinh tế Bùi Tiến Thành, những người con của bác sĩ Bùi Kiến Tín với thương hiệu Dầu gió bác sĩ Tín nổi tiếng từ những năm 1950. Ông cũng là em chú bác ruột của nhà thơ Bùi Giáng. Năm 1996, ông đã rời nước Pháp về Quảng Nam và trở thành người đi giữ làng, theo cách nói của một nông dân ở thôn Triêm Tây...
Trong cuốn sách nghiên cứu kiến trúc mang tên Phong cách Đông Dương (Indochina Style) do NXB Marshall Cavendish vừa in, tác giả - kiến trúc sư người Mỹ, bà Barbara Walker đã có mấy trang viết về một đồng nghiệp bất ngờ gặp được ở Hội An, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, như sau: “Ông Quốc là người Hội An nhưng sống ở miền Nam nước Pháp từ giữa những năm 1950, ban đầu ông quyết định về quê nhà với mục đích duy nhất là làm một ngôi nhà theo kiểu dân chài bên sông Thu Bồn để hàng ngày uống trà, thưởng thức không khí thanh bình tĩnh lặng của quê hương khi đã ngoài 60 tuổi...”.
Nhưng rồi, sau khi về Hà Nội tham gia tổ tư vấn của Hội nghị các quốc gia Pháp ngữ (Francofonie) năm 1996, ông trở lại Hội An và mua được một miếng đất trên phố Phan Bội Châu. Miếng đất phù hợp để xây dựng một ngôi nhà lớn theo kiến trúc Pháp cho gia đình về ở và là nơi để bạn bè họp mặt.
Đó là hai ngôi nhà nối nhau và một không gian đủ rộng ở giữa luôn rợp bóng cây. “Một gia đình nhiều người chung sống thân thiện cùng nhau nhưng lại có những công việc độc lập và sẵn sàng giúp đỡ nhau như truyền thống các gia đình Việt Nam...”, ông nói.
Từng bước một, khi du khách đến Hội An ngày càng đông, ngôi nhà đã trở thành một khách sạn nhỏ mang tên Hà An do vợ ông quán xuyến. Ông về Hội An ở hẳn. Từ cái khách sạn 12 phòng, máu nghề nghiệp lại không cho ông nghỉ ngơi.
“Tôi sang Pháp từ lúc 6 tuổi, về Sài Gòn học trường J.J.Rousseau đến năm 1961 rồi lại qua Pháp từ đó. Trở thành một kiến trúc sư, tôi tham gia thiết kế hoặc là tác giả các đề án kiến trúc như sân bay, khu đô thị khắp châu Âu, nhưng khi về nước tôi mới hiểu hết những giá trị văn hóa, môi sinh của quê hương mình là vô giá. Nó không phải là hàng hóa nên cần phải được bảo vệ, tôn trọng...”, ông Quốc tâm sự.
Từ năm 1998, ông bắt đầu thực hiện các “công trình nháp” liên quan đến làng quê, sông nước. Ông kể: “Có lẽ, vì cái tuổi Giáp Thân, mạng thủy nên những gì tôi nghĩ đến trong các công trình thiết kế đều gắn liền với sông nước. Những ngôi nhà truyền thống, những dòng sông, những chiếc thuyền nhỏ... bắt đầu lên bản nháp trên sa bàn trước khi được triển khai ra thực địa...”.
Bản nháp đầu tiên là làng du lịch văn hóa Cẩm Thanh gần Cửa Đại Hội An rộng 5 héc ta giữa bốn bề sông và dừa nước. Ở đó, những ngôi nhà rường, những túp nhà tranh tre bốn mái ẩn mình trong những tán cây, soi bóng xuống dòng Cổ Cò, một nhánh nhỏ của Thu Bồn gần Cửa Đại. Mọi dụng cụ, phương tiện sinh hoạt nơi đây đều được làm bằng tre. Con đường dẫn vào làng là lối mòn lưa thưa cỏ dại.
- Ảnh bên : Sinh viên Đại học Oslo ở làng du lịch văn hóa Cẩm Thanh. (Ảnh: Trương Điện Thắng)
Ai cũng tưởng bên cạnh những khu du lịch 5 sao với vốn đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ, làng văn hóa sơ sài của ông Quốc sẽ chết yểu. Thế nhưng, người dân và chính quyền Hội An đã ngỡ ngàng khi thấy những đoàn sinh viên Bắc Âu và châu Úc lũ lượt kéo đến qua những chương trình “học kỳ Việt Nam” trong những ngôi nhà tranh tre ấy.
Ellen Swedenmark, người hướng dẫn 30 bạn trẻ Bắc Âu là sinh viên của chương trình Culture Studies do Đại học Oslo tổ chức tại làng văn hóa du lịch Cẩm Thanh, cho biết: “Sinh viên và người tổ chức lớp học đã chọn những ngôi nhà tranh tre của ông Quốc giữa bốn bề sông nước làm lớp học, thay vì những hội trường đầy đủ tiện nghi trong phố. Chúng tôi muốn sinh viên được tiếp cận với nền văn hóa và con người địa phương, chứ không tới Việt Nam để hòa trộn trong những đoàn khách du lịch... Đó cũng là mục tiêu chính của các khóa học. Ông Quốc là người hỗ trợ chúng tôi trong việc tiếp cận với văn hóa Việt Nam!”.
Rời Cẩm Thanh, từ năm 2006 đến nay, ông lại ngược dòng Thu Bồn đến làng Trung Phước, quê cha của ông. Tại đây, ông mua lại mảnh đất trên nền nhà cũ để xây dựng những ngôi nhà. Ông tiến hành kè bờ sông, lập bến thuyền để đưa khách châu Âu đi thăm Hòn Kẽm Đá Dừng, làng cây trái Đại Bường.
Công trình chưa xong, ông lại xuôi về Triêm Tây, một ốc đảo giữa sông Thu Bồn, cách Hội An 5 cây số về phía Tây, xây dựng làng nghề. Ông mua lại hơn 10 ngôi nhà và vườn tược của dân, giữ nguyên kiến trúc dân gian, kể cả bàn thờ, giếng nước, lối đi rợp bóng tre... Ông đã kè bờ sông để chống lở, xây thêm hồ bơi, nhà ngắm sóng bằng những vật liệu sẵn có tại địa phương, đồng thời huấn luyện những nông dân trẻ làm du lịch theo kiểu homestay (khách du lịch đến ở với gia đình người bản xứ).
“Bờ sông, những chiếc thuyền, lũy tre... là những di sản văn hóa Việt Nam phải được giữ lại. Kể cả những nghề truyền thống ở đây như dệt chiếu, trồng tỉa hoa màu, đan lát… cũng là những gì du khách phương Tây muốn thưởng ngoạn, tìm hiểu. Họ đến đây để được ở trong những ngôi nhà truyền thống và sinh hoạt cùng người dân trên đồng ruộng, sông nước. Nếu Cẩm Thanh, Trung Phước là các “bản nháp” thì Triêm Tây là bản chính mà tôi sẽ chăm chút đầu tư và đón khách từ đầu năm tới”, ông Quốc cho biết.
Trưởng thôn Triêm Tây Nguyễn Văn Bòng cho biết: “Toàn thôn có 147 hộ với gần 700 dân thì hơn phân nửa làm nghề dệt chiếu, số còn lại làm nghề nông. Bờ sông Thu Bồn phía Tây của thôn ni mỗi năm lở sâu vào cả chục mét. Dự án du lịch homestay này sẽ giúp Triêm Tây sớm thay đổi hình ảnh một làng quê nghèo khó, con em sẽ được đào tạo làm du lịch... nhưng quan trọng là ông Quốc đã giúp chúng tôi giữ được đất làng...”.
Khi tôi viết những dòng này thì ông Quốc đang lặn lội ra đảo Quan Lạng ở Hạ Long cùng với Tiến sĩ Nguyễn Chí Dũng, ông chủ của tập đoàn VITC. Ông Dũng đang triển khai dự án hàng trăm triệu đô la Mỹ ở đây, nhằm biến hòn đảo với 2 ki lô mét bờ biển này thành khu nghỉ mát cao cấp mà mỗi đêm khách phải trả từ 400-500 đô la Mỹ. Nhưng Quan Lạng không có nước sinh hoạt, không có nước để trồng cây xanh.
Nghe tiếng ông Quốc thành công ở những công trình liên quan đến sông nước và môi trường, ông Dũng đã vào Hội An tìm gặp. Họ cùng lên kế hoạch xây dựng ở đây 100 héc ta rừng, kể cả rừng tre để giữ nước; xây một hồ chứa rộng 3 héc ta giữa hai ngọn đồi và làm một con sông nhân tạo dài 2 ki lô mét dọc bờ biển. Ven con sông ấy là những ngôi biệt thự mà ông Quốc sẽ tự tay thiết kế. Điện thoại cho tôi từ Hạ Long, ông Quốc nói vui: “Ông anh Giáng họ Bùi làm thơ bằng chữ, còn tôi không làm được thơ, nhưng sẽ cố giữ... làng”.
Trương Điện Thắng
- Bản sắc kiến trúc Việt, không phải muốn là có
- Hãy "Việt Nam hóa" kiến trúc sư thế giới
- Kết quả cuộc thi “Ý tưởng kiến trúc với không gian đô thị” - 2010
- Phát triển bền vững: chuyện của mọi người, mọi nhà
- Nhà cộng đồng cho thôn Suối Rè
- Tìm lại phố Tây ở Hà Nội
- Mời thi tuyển thiết kế kiến trúc công trình Đại Siêu thị Hapro Long Biên
- Số hóa di sản
- Bảo tàng Hà Nội na ná "Vương miện Phương Đông"
- Trùng tu di sản kiến trúc: Kinh nghiệm từ đình Chu Quyến