Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Vui buồn kiến trúc

Vui buồn kiến trúc

Viết email In

Thời gian gần đây, thiết kế của một số kiến trúc sư Việt Nam đã nhận được những giải cao của các hội đồng chuyên ngành quốc tế. Đó là thông tin rất vui, vì chăng bấy lâu nay chúng ta vẫn trăn trở về gương mặt đô thị, gương mặt làng quê Việt Nam ra sao. Và, đâu là sự đặc biệt của kiến trúc Việt. Bên cạnh niềm vui một số kiến trúc sư của chúng ta thật sự xuất sắc thì cũng kèm theo đó là nỗi buồn "bức tranh tổng quát” của cả phố lẫn làng.


Công trình The Chapel / thiết kế: a21 studio (nguồn: Ashui.com)

1. Thông tin mới nhất, trong một Festival kiến trúc thế giới 2014 tổ chức tại Singapore, thiết kế công trình The Chapel (Nhà nguyện) của KTS Nguyễn Hòa Hiệp đến từ Công ty a21- Việt Nam, đã xuất sắc giành giải "Công trình của năm”. Không hề đơn giản khi nhận được sự xác tín ấy, vì ban giám khảo đã làm việc liên tục trong 3 ngày, xem xét kĩ lưỡng thiết kế của hàng trăm công ty kiến trúc danh tiếng đến từ hơn 50 nước trên thế giới. Ra nước ngoài, "đè” được người không dễ, vì không có chuyện "chạy chọt” gì ở đây cả, vì nếu có "chạy” ban tổ chức thì cũng không lọt qua được những đôi mắt tinh tường của 2.000 KTS, khách hàng và báo giới tới tham gia. Công trình này là tác phẩm của KTS Nguyễn Hòa Hiệp, có diện tích 140m2 là không gian cộng đồng ở ngoại ô TPHCM. Ban tổ chức nhận xét, điểm đặc biệt của công trình là những tấm rèm đa màu sắc, vật liệu xây dựng hoàn toàn từ tự nhiên,không tốn nhiều tiền khi xây dựng. Công trình được thiết kế mở, tại đây có thể tổ chức triển lãm, tiệc tùng, hoặc đơn giả chỉ là ngồi thưởng thức cà phê cùng bạn bè.

Đáng chú ý, công trình này không chỉ nhận giải "Công trình của năm mà còn "ẵm” luôn cả giải ở hạng mục Dân dụng và Cộng đồng.

Trước đó, một trường hợp khác được coi là rất ấn tượng, đó là việc Công ty Võ Trọng Nghĩa đã một lúc đoạt 4 giải thưởng Kiến trúc xanh 2014 - Green Good Design 2014, của Trung tâm Nghiên cứu Thiết kế kiến trúc nghệ thuật châu Âu và Viện Kiến trúc và thiết kế Chicago (Mỹ. Suốt từ năm 1950 tới nay, giải này mới tổ chức 6 lần, càng cho thấy giá trị của nó là rất lớn. Cụ thể: ngày 1/10, Công ty Võ Trọng Nghĩa đã giành giải thưởng với công trình "House for Trees” cho hạng mục Nhà ở (House). Ngày 2/10, giành tiếp giải thưởng cho công trình Nhà hàng Sơn La trong hạng mục Khách sạn, nghỉ dưỡng (Hotel&Leisure) và công trình Trường Đại học FPT trong hạng mục Giáo dục tương lai (Future Projects Education).

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta có những KTS xuất sắc. Nhân đây, cũng cần nhắc lại trường hợp một KTS đại tài người Việt trong lịch sử. Đó là Nguyễn An (1381-1453). Sử sách ghi lại, ông là Tổng công trình sư và cùng với Sái Tín (người Trung Hoa) là Kiến trúc sư trưởng của Tử Cấm thành Bắc Kinh.

Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê ở Hà Đông. Thời vua Trần Thuận Tông nhà Trần, khi 16 tuổi, Nguyễn An đã tham gia các hiệp thợ xây dựng cung điện ở kinh thành Thăng Long. Năm 1407, tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt cha con Hồ Quý Ly đem về Trung Quốc. Chàng trai Nguyễn An cũng bị bắt mang đi. Phục vụ trong cung đình Trung Hoa, ông đã bộc lộ tài năng hơn người. Năm 1416, Nguyễn An khi ấy mới ngoài 30 đã được nhà Minh giao trọng trách "tổng công trình sư” xây dựng thành Bắc Kinh mới (Cố Cung). Năm 1437, ông lại được giao làm tổng công trình sư trùng tu thành Bắc Kinh. Sau này, sách "Kinh thành ký thắng” của Dương Sĩ Kỳ dẫn lời nhà sử học Trương Tú Dân rằng: "An hết lòng vì công việc, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không có nén vàng nào trong túi, là một con người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh.Tôi nghĩ, với An không chỉ riêng giới công trình đáng ngưỡng mộ mà thị dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên”.


Công trình House for trees / thiết kế: Vo Trong Nghia Architects (nguồn: Ashui.com)

2. Đất nước có những KTS tài năng nhường ấy, nhưng sao gương mặt kiến trúc Việt Nam lại không nổi bật; trái lại, nhìn vào hiện trạng không tránh khỏi buồn phiền.

Trước hết, nói về làng quê.

Kiến trúc những ngôi làng cổ thuần Việt còn tồn tại đến nay vô cùng hiếm hoi, bởi người ta đã phá cũ xây mới. Không dựa trên nền của kiến trúc cũ mà phát triển, khi làm nhà mới thì hầu hết mọi người theo nhau làm nhà bê-tông hộp, khiến cho các ngôi làng bị biến dạng. Nông thôn châu thổ sông Hồng vốn nổi tiếng về những ngôi làng đẹp, thì nay xem ra lại trở nên bất thường nhất. Làng cổ Mông Phụ (Đường Lâm, Hà Nội) tuy đã được chính quyền "sắc phong”, không cho phép đập cũ xây mới, nhưng hôm nay đến Đường Lâm, không khỏi nao lòng. Những ngôi nhà tường đá ong, cửa gỗ, mái ngói cổ vẫn còn đó, nhưng lại đứng chung với những ngôi nhà tân kỳ. Buồn hơn nữa là nhiều người dân của làng cũng không muốn giữ làng cổ, cùng nhau ký đơn chung xin giả lại danh hiệu làng cổ.


Làng cổ Đường Lâm (nguồn: Ashui.com)

Cách trung tâm Hà Nội không quá 20 cây số, làng Cự Đà từng được gọi là "làng phong lưu” thế mà rồi cũng đã bị đập đi xây mới gần hết. Xót xa quá, có người đã phải thốt lên "làng Cự Đà bị bức tử”.

Hôm nay, về làng, nhìn vào mặt kiến trúc thì thật là "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”, làng Việt đúng nghĩa nay đã không còn. Cơn lốc đô thị hóa quá dữ dội đã áp sát đến từng ngôi làng, làm thay đổi bộ mặt làng quê.

Ở đô thị, kiến trúc cũng thật nhiều việc đáng phải bàn. Những công trình thực sự hoành tráng quá ít ỏi, mà nếu có thì hồn cốt Việt, tinh thần Việt cũng không rõ nét. Trong khi lại có quá nhiều công trình xây dựng dân dụng thể hiện rõ sự lai căng. Nhất là với khối nhà dân, cứ tự phát mà làm. Rất ít chủ nhà có ý thức mua thiết kế, mà cứ tự nghĩ ra theo ý thức rồi thuê thợ đến xây. Trong quá trình thi công, lại sửa đổi rất nhiều chi tiết, hạng mục, lại lắp ghép thêm cả những chi tiết kiến trúc khác mà mình thấy đẹp vào. Thành ra, ngôi nhà lúc dựng lên không ra đường nét gì. Giới KTS hay nói về sự hỗn tạp của kiến trúc, thì ngay trong một ngôi nhà cũng đã có sự hỗn tạp mất rồi.


(nguồn: VnExpress)

Mừng vì ta có nhiều KTS tài năng, nhưng buồn vì những thiết kế của họ ít được hiện hình trong đời sống. Công tác quản lý về mặt kiến trúc từ nông thôn cho tới thành thị không được quan tâm đúng mức đã làm cho việc xây dựng mang tính tự phát và đơn lẻ, dẫn đến sự lộn xộn và không có bản sắc.

Một công trình xây dựng dù lớn hay nhỏ thì cũng phải chú ý đến tính thẩm mỹ cộng đồng. Vì rằng, tuy ngôi nhà là của riêng anh, hay của một cơ quan, đơn vị cụ thể nào đó nhưng nó lại đứng giữa cộng đồng. Một công trình xấu, nhiều công trình chắp vá sẽ tạo ra ấn tượng xấu ngày càng nặng nề. Một ngôi nhà, một công trình có tuổi thọ vài chục năm, vài trăm năm, xây lên rồi không dễ gì đập bỏ, nên lại càng phải tính toán, cân nhắc kĩ càng.

Tiếc thay, khi kiểm tra công trình, người ta chỉ xem có giấy phép hay không, có làm sai gì trong giấy phép hay không để phạt. Không thấy ai hỏi rằng công trình có thiết kế chi tiết hay không, ai thiết kế, và nhất là có đẹp hay không.

Nam Việt (Đại Đoàn kết)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo