Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Kiến trúc 6 công trình trường học của KIENTRUC O: Tạo lập những bầu không khí hứng khởi

6 công trình trường học của KIENTRUC O: Tạo lập những bầu không khí hứng khởi

Viết email In

Trong suốt 5 năm vừa qua, KIENTRUC O đã thực hiện được 6 công trình giáo dục rất đa dạng, từ quy mô nhỏ đến quy mô rất lớn, từ trường mầm non cho các em nhỏ đến những khối lớp cho trung học, từ cải tạo đến xây dựng mới, từ đô thị đến vùng ven, từ đồng bằng đến đồi núi,… Thông qua 6 công trình trường học trải khắp các vùng miền này đã thể hiện được sự đa dạng của thể loại Kiến trúc Giáo dục tại Việt Nam. Song hành với kiến trúc, tính chất lịch sử và các tập tính sinh hoạt con người của những vùng đất cũng được biểu lộ, đi kèm với việc biểu hiện những nét đặc trưng văn hóa của từng vùng miền. Những điều này đã thể hiện khả năng nhạy cảm của kiến trúc giáo dục ngay từ khi thiết kế đến khi hoàn thành, và khi công trình đi vào giai đoạn sử dụng cũng có những tác động tích cực ngược lại cho bối cảnh của bản địa.

Việc thực hiện thiết kế những công trình giáo dục này cũng là cơ hội để chúng tôi có thể tìm hiểu và nhận biết sâu sắc về bản chất của không gian phục vụ giáo dục, những không gian giúp cho các em học sinh có cơ hội khám phá, có cảm hứng tương tác với nhau và tương tác với thiên nhiên trong bầu không khí của hứng khởi.

Công trình nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 1 (2015)

Giai đoạn những năm 2010s tại những thành phố lớn ở Việt Nam như Tp.HCM, nhu cầu xây dựng rất cao. Trên nền tảng đô thị đã hình thành, những thể loại công trình có quy mô nhỏ thì nhu cầu cải tạo, thay đổi chức năng để phù hợp nhu cầu mới rất lớn và rất phổ biến, vì có thể làm ngay và có thể làm nhanh được.

Khi thực hiện một công trình mang lại điều hứng thú nhưng phải đối mặt với cấu trúc rối rắm của hiện trạng là một ngôi nhà để ở thật không dễ dàng chút nào, mà điều này chúng tôi buộc phải làm cho nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 1 và nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 2.

Trong suốt quá trình tìm hiểu hiện trạng tại tầng áp mái của ngôi nhà, cùng với áp lực phải nổ lực thực hiện, tôi khám phá lại tuổi thơ của mình qua những góc hẹp khi đứng dưới mặt sàn của mái dốc ngôi nhà. Và khá bản năng, tôi biết rằng mình phải nên làm những gì để có thể bắt đầu với những ý tưởng liên quan đến việc tạo lập. Từ 1 căn phòng cho đến 2 căn phòng và cho đến cả một tổ hợp. Đó là tổ hợp của những vùng không gian nhỏ tạo nên sự an tâm rất bản năng cho trẻ, và không gian cũng phải bộc lộ sự hấp dẫn khám phá để khơi gợi tính chất hồn nhiên thuần phác của trẻ em khi tham gia và tương tác.

Và với trải nghiệm thiết kế đạt được từ công trình nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 1, sự khởi đầu của một ý tưởng thiết kế đã không đến từ kinh nghiệm thực hành. Đó là lúc tôi hiểu hơn về vai trò quan trọng của tiềm thức trong thiết kế. Chính nó có thể tạo nên những điều thú vị cho thể loại này.

Và công trình giáo dục đầu tay này đã tạo ra những cơ hội và những chiêm nghiệm về kiến trúc mà chúng tôi thu nhận được trong suốt nhiều năm về sau.

Công trình nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 2 (2017)

Công trình nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 2 cũng được tạo ra từ việc cải tạo cấu trúc một ngôi nhà để ở. Tuy nhiên vị trí xây dựng này ở một khu vực không quá đông đúc và không phải ở vị trí trung tâm thành phố như công trình nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 1.

Bối cảnh của công trình tọa lạc ở một quận ngoại vi, nơi mà những ngôi nhà được bao quanh bởi những khu vườn rộng rãi hơn.

Cách tiếp cận thiết kế được phát triển dựa trên nền tảng lập luận của cơ sở ban đầu, nên đó cũng là cơ hội để chúng tôi có thời gian tập trung nghiên cứu những khả năng tiềm ẩn mà một vùng không gian bên trong có thể được tạo ra với chủ đích đem lại những khám phá mới mẻ cho trẻ nhỏ, cũng như cho đội ngũ giáo viên và nhân viên của ngôi trường.

Thông qua không gian vùng rỗng này, đó là một tổ hợp phong phú của những vùng không gian cao thấp và rộng hẹp khác nhau, tôi nhận ra được rất rõ ràng sự tương tác giữa mọi người với nhau có thể tạo ra một năng lượng rất lớn cho không gian, tạo cho không gian một nguồn sinh khí tích cực. Chính năng lượng có được này giúp cho không gian luôn mang tính hấp dẫn và có được sự thân mật cần thiết giữa mọi người với nhau, cùng nhau tạo nên sức sống động cho công trình. [chi tiết công trình]

Công trình nhà trẻ TTC ELITE BẾN TRE (2017)

Với một khoản kinh nghiệm từ việc thiết kế nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 1 và nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 2 là như thế nhưng việc bắt đầu khi thực hiện thiết kế trường TTC Elite Bến Tre thì lại hơi khác. Bằng chứng rằng, tại thời điểm đó, tôi lại không biết phải lựa chọn cách tiếp cận nào tối ưu nhất cho việc thiết kế một công trình giáo dục trên khu đất trống trãi có bối cảnh rất lý tưởng này.

Và chúng tôi quyết định sẽ chờ đợi câu trả lời cuối cùng đến từ kết quả của quá trình nghiên cứu cùng lúc 2 giải pháp, với 2 cách đặt vấn đề hoàn toàn khác nhau. Một giải pháp thì tập trung vào sự sinh động tự thân và một phương án tập trung vào sự hòa nhập trọn vẹn cho bối cảnh. Sau quá trình hơn 4 tuần làm việc với cùng đội ngũ tham gia, chúng tôi cố gắng cùng lúc thổi hồn vào 2 giải pháp để nổ lực tìm kiếm câu trả lời chất lượng. Hình ảnh công trình như một ngọn đồi đã có sự thuyết phục cao khi tạo ra được sự hòa nhập trọn vẹn vào bối cảnh, tạo ra được sự tương tác rất thú vị giữa những cư dân sinh hoạt quanh công viên trước công trình với trẻ em đang chơi đùa trên ngọn đồi thoải. Hình ảnh ngọn đồi này cũng giúp cho trẻ có sự hứng khởi mỗi ngày trước khi đến trường, chờ đợi những điều thú vị sẽ được diễn ra.

Chính quá trình tập trung cho phương án thiết kế của công trình này, tôi đã có được một kinh nghiệm qúy giá và sự hiểu biết rõ ràng về vai trò thực chất của công trình giáo dục đối với bối cảnh. Tôi hiểu sâu sắc hơn về bối cảnh với khí hậu, những cảm xúc trong thói quen sinh hoạt, về bản chất đô thị trung tâm và đô thị vùng, về lịch sử và con người một vùng đất,… đều là những điều có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạo lập kiến trúc cho một công trình.

Kinh nghiệm thực nhận này tuy khá sơ khai nhưng chính điều này rõ ràng rất thiết thực cho quá trình phát triển phẩm chất nghề nghiệp cần có cho một kiến trúc sư. [chi tiết công trình]

Công trình nhà trẻ TTC ELITE SÀI GÒN (2018) 

Đây là công trình trường học có qui mô hơn về tầng cao so với 3 dự án giáo dục trước đây của chúng tôi. Khu đất mà chúng tôi nhận tham gia thiết kế là một khu đất đã sẵn có hệ móng hiện trạng. Đó hẳn là một công trình nhà trẻ phục vụ khu dân cư và các căn hộ trong tổng thể được qui hoạch.

Thực sự mà nói, các khu ở xung quanh khu vực công trình này có kiến trúc rất đơn điệu và thô sơ, chỉ có vai trò như những chiếc hộp mang công năng đơn thuần đã được xây dựng trong vòng hơn 10 năm trở lại, để giải quyết nhu cầu ở cấp bách cho đô thị có số dân tập trung lớn nhất đất nước. Chính vì vậy, tôi mong cầu chúng tôi có thể làm một công trình mang lại sự thú vị với sắc màu tươi mới, có thể tạo sinh khí cho cả khu dân cư này.

Nhưng ở bối cảnh này, điều khó nhất là chúng tôi không thể bao phủ những khối nhà vô cảm đó khi trẻ em sinh hoạt ở không gian bên trong nhìn ra môi trường bên ngoài. Vậy nên, chúng tôi quyết định tập trung tìm giải pháp cho các khung nhìn. Công trình này với những ô cửa sổ có khung theo chiều sâu mang nhiều màu sắc để khi ánh nắng rọi vào sẽ tạo nên một lớp ánh sáng có màu nhẹ mờ ảo và lung linh hơn. Như cách ta nhìn vào một bức ảnh đã được thông qua một bộ lọc mang màu sắc của cổ tích.

Công trình này cũng giúp tôi nhận ra rằng một kiến trúc sư có khả năng làm tốt được bao nhiêu nếu công trình bị ràng buộc bởi những qui định xây dựng và với một ngân sách quá chặt. [chi tiết công trình]

Công trình nhà trẻ BÓ MÔN (2019)

Xây dựng một công trình trường học từ thiện để giải quyết vấn đề cấp bách về chổ học tập cho trẻ em ở vùng quê xa xôi và khó khăn là cách các tổ chức và cá nhân mạnh thường quân vẫn đang làm và đã làm tại Việt Nam. Nhu cầu xây dựng này là rất nhiều và rất cần thiết. Tuy nhiên việc chỉ xây dựng ra một chiếc hộp có công năng thường là giải pháp lựa chọn trong thể loại công trình này vì nó an toàn và có vẻ hợp lý với nguồn lực kinh phí và thời gian vô cùng giới hạn của một quỹ từ thiện.

Người Việt có câu châm ngôn “của cho không bằng cách cho”, ở công trình này chúng tôi mong muốn thông qua đó để có thể tạo ra một món quà ý nghĩa cho trẻ em bản địa cả về khía cạnh vật chất và tinh thần. Và chúng tôi hi vọng những rung động cảm xúc của công trình sẽ tác động đến các em về lâu dài bằng những tiềm thức đẹp đẽ mà kiến trúc có thể mang lại.

Ở công trình này tôi đã cố gắng nghĩ thêm về cách mà một trường học có thể đem lại sự thoải mái và tươi mới cho trẻ em khi vui đùa và học tập nhưng vẫn biểu hiện được sự kết nối với dòng chảy văn hóa lâu đời của người dân tộc địa phương nơi núi rừng. Và quan trọng nhất, thiết kế mới mẻ và độc đáo nhưng vẫn đảm bảo được phương cách xây dựng đơn giản và hiệu quả.

Ngoài ra, ở công trình này tôi cũng có sử dụng hình ảnh liên tưởng đến tính chất của ngôi Đình- công trình cổ của Việt Nam, công trình cộng đồng của mọi người trong làng – với vai trò phụ như một trạm dừng chân nghỉ mát trong quá trình di chuyển, vì điều này là sự phù hợp đúng đắn cho trẻ em miền núi khi chúng cần một nơi để vui chơi an toàn thay vì lang thang suốt cả ngày sau giờ học trong khi chờ đợi cha mẹ đi làm nương rẫy.

Ở công trình này tôi có được sự tự do nhất định trong suy nghĩ về khả năng mà kiến trúc có thể linh hoạt được với nguồn kinh phí thấp và điều kiện xây dựng khó khăn. Và thông qua quá trình kết nối trong giai đoạn thi công đã giúp tôi có được niềm tin mãnh liệt về kiến trúc có thể tạo ra năng lượng để giúp cho những nổ lực của mọi người tham gia có thể thành hiện thực. [chi tiết công trình]

Công trình trường liên cấp IGC Tây Ninh (2020) 

Đây là tổ hợp công trình giáo dục nhiều cấp học được xem là lớn nhất tại thành phố Tây Ninh, một cách khách quan, công trình đã mang tính biểu tượng về thể loại giáo dục cho thành phố.

Về cơ bản, công trình đã đáp ứng những tiện nghi cần thiết của một tổ chức giáo dục từ mầm non đến bậc tiểu học và bậc phổ thông cơ sở và trung học. Cùng với vị thế của khu đất, ở giữa 2 mặt đường rộng, cụm công trình đã có cách tiếp cận rất thuận tiện cho học sinh ở các cấp học và thuận tiện cho công việc điều hành các đơn vị giáo dục độc lập.

Tuy nhiên, việc trải dài của khu đất cũng là một áp lực liên quan đến sự hài hòa cho cả quần thể và sự hài hòa với các công trình của người dân ở hai bên trục đường.

Chúng tôi bắt đầu dự án với nhiều giải pháp khác nhau như cách chúng tôi đã trải qua ở công trình trường TTC Elite Bến Tre, trải qua nhiều quá trình làm việc, chúng tôi có vận dụng không gian vùng rỗng để làm tăng sự phong phú cho việc trải nghiệm học tập như cách mà chúng tôi đã đạt được từ công trình nhà trẻ Chuồn Chuồn Kim 2. Tuy vậy, ở tổ hợp này các không gian vùng rỗng đã được vận dụng cho các vùng không gian sinh hoạt ngoài trời vì chúng sẽ tạo ra sự kết nối sinh động và trực tiếp nhận năng lượng từ thiên nhiên, điều mà cần phải được làm cho công trình ở các cấp học phổ thông.

Và chính các không gian vùng rỗng đã giúp chúng tôi tạo ra sự hài hòa, mang lại nhiều năng lượng cho tổ chức giáo dục và cho cả quần thể trong bối cảnh đô thị.

Thông qua công trình này, tôi nhận ra được rằng khoảng trống giữa các khối vật thể có tầm mức quan trọng, đó là khoảng cách giữa các tòa nhà không đơn thuần là khoảng cách vật lý, chúng là khoảng không gian của vô hình mà nếu được nhà thiết kế quan tâm và nhìn nhận rõ ràng vai trò thì chính chúng là những vùng không gian mang lại sự dung hòa bao phủ, cũng như vùng không gian tạo ra lực kết nối giữa con người, kiến trúc với thiên nhiên. [chi tiết công trình]

5 năm tuy là thời gian không quá dài, tuy nhiên từ đó cho thấy rằng môi trường cho các công trình giáo dục tư thục tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để đạt được nhu cầu bền vững và mang lại triển vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, điều này góp phần tạo nên chất lượng cho nền giáo dục của quốc gia.

Bằng chứng thực tế cho thấy rằng, trong giai đoạn 2016-2020 mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR- Compound Annual Growth Rate)(*) ngành giáo dục tư thục Việt Nam đã đạt 11% và ngay tại thời điểm đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng vẫn đạt 2-3% vào năm 2020 - là mức tăng trưởng cao so với thế giới.

Vì thế, ở vai trò người thiết kế các công trình giáo dục, việc tạo ra những không gian mang bầu không khí của hứng khởi sẽ giúp cho trẻ em, học sinh và cả đội ngũ giáo viên có được môi trường lý tưởng để cùng nhau tạo nên những cảm hứng sáng tạo và thăng hoa trong học tập và sinh hoạt hằng ngày.

KTS Lê An Ni, KTS Đàm Vũ, KIENTRUC O(**)

(*) theo tổ chức L.E.K Consulting ghi nhận
(**) Bài viết vừa được đăng bằng Tiếng Anh trên tạp chí CFSA REVIEW (Mùa thu 2021, số 6) của Hàn Quốc

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo