Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Chuyên mục Kiến trúc Tòa thị chính Sài Gòn - Lâu đài trăm năm bao giờ rộng cửa?

Tòa thị chính Sài Gòn - Lâu đài trăm năm bao giờ rộng cửa?

Viết email In

Giữa một Sài Gòn huyên náo, cao ốc đủ kiểu lô xô, vẫn còn một chốn yên bình, đầy nét châu Âu cổ điển hiếm có. Đó đúng là một lâu đài, tuy chỉ có hai tầng nhưng dáng dấp hùng vĩ, phong cách trang nhã. Tòa lâu đài còn toát ra vẻ quyến rũ từ những cành lá nguyệt quế chạm khắc tỉ mỉ trên các vòm cong, khung cửa sổ, cột trang trí. Và nhất là những bức tượng phụ nữ để ngực trần khỏe khoắn - biểu tượng khát vọng tự do của cuộc Cách mạng Pháp 1789.

Hãy đến gần hơn để thưởng ngoạn nhiều chi tiết độc đáo của tòa nhà. Trước nhất là năm bộ cửa đúc bằng gang, sơn xanh rắn rỏi ở cổng vào. Đó không phải là những bộ cửa kín bưng theo kiểu thành quách mà là cửa trổ hình hoa văn rất thanh thoát. Trung tâm mỗi cánh cửa là hình dáng hai chữ V và S được khéo léo lồng vào nhau. V viết tắt cho Ville còn S chính là Sài Gòn. Ville de Saigon, tiếng Pháp, nghĩa là thành phố Sài Gòn!

Càng bất ngờ hơn, khi nhận ra ba chữ S - H - V được khắc trang trọng nơi các phù điêu lớn gắn bên trên các vòm cửa cổng vào. Đó là từ viết tắt của Saigon - Hotel de Ville! Tòa lâu đài có một không hai này chính là Tòa thị chính Sài Gòn, xây dựng từ 100 năm trước. Người dân thời Pháp quen gọi tòa nhà này là “Dinh Xã Tây”, đến những năm 1950, chính quyền Việt quản trị thành phố, gọi đây là “Tòa đô chánh”. Sau tháng 4/1975 đến nay, tòa nhà là trụ sở của HĐND và UBND TP.HCM.


Dinh Xã Tây vào thời điểm sắp hoàn thành năm 1908. Hai cánh trái và phải của tòa nhà chính, thuở ban đầu chỉ có một tầng, những năm 1950 mới thêm một tầng.
(Ảnh: Tư liệu)

Dù chưa có tên riêng như Dinh Độc Lập hay Dinh Gia Long, tòa nhà 86 Lê Thánh Tôn có một vị trí đặc biệt trong ký ức người Sài Gòn và du khách bốn phương. Bởi đó không chỉ là một kiến trúc đẹp mà còn là biểu tượng cho lịch sử thanh xuân và năng động của thành phố này.

Khám phá lâu đài mỹ lệ

Người viết xin mạo muội làm người hướng dẫn “không chuyên” và “không phép” trong dinh thự này, bởi với chút may mắn của nghề báo, hơn ba mươi năm qua, người viết đã có một số lần đến dự hội họp và chụp ảnh trong tòa nhà. Lần đầu tiên, khoảng 1988, người viết cùng một đồng nghiệp báo Tuổi Trẻ đến đây phỏng vấn ông Chủ tịch thành phố nhân dịp năm mới. Làm việc với “Thị trưởng” xong, hai phóng viên “tranh thủ” dạo quanh đại sảnh bên dưới và bên trên.

Lúc ấy, chúng tôi - tuổi 20 tinh nghịch, thích nhất là được “đi trộm” trên thảm đỏ của chiếc cầu thang màu trắng cẩm thạch quý phái, nằm ở giữa đại sảnh bên dưới, vốn chỉ dành cho khách VIP hay ngoại giao. Thêm nữa, được chụp hình nơi chiếu nghỉ của cầu thang trước bức vách có hai bức tượng chú bé thiên thần bụ bẫm đang nâng niu ba chữ S-V-H. Và rồi, trầm trồ khám phá chiếc cầu thang hình xoắn ốc rất đẹp, màu xanh rêu cổ kính dẫn lên tháp đồng hồ.


Cầu thang từ sảnh bên dưới lên lầu.
(Ảnh tác giả chụp ngày 14/6/2019)

Lúc ấy, chúng tôi thấy trần nhà của đại sảnh trên lầu và nhiều bức tường còn lưu dấu tích của những bức tranh hoành tráng song đã phai mờ. Những năm kế tiếp, chúng tôi có nhiều dịp vào “trụ sở Ủy ban”, để dự những cuộc tiếp khách nước ngoài và các cuộc tiếp tân hay hội nghị ở nhiều phòng ốc khác nhau trong tòa nhà. Kể cả có một tối chờ đợi khá lâu trong phòng khách quốc tế để đưa tin đoàn cố vấn an ninh quốc gia Mỹ - thời Tổng thống Clinton đến gặp lãnh đạo cao nhất của thành phố.

Cảm tưởng chung của những lần viếng thăm thoáng qua xa xưa là tòa nhà rất kiều diễm nhưng bắt đầu phôi pha, xuống cấp từ tường vôi đến cửa nẻo và ánh đèn. Ngay cả mặt tiền tòa nhà, những năm đó thường xuyên “ngự trị” một hàng rào thấp và hoen rỉ, lấn chiếm cả vỉa hè của người đi bộ. Tất cả chỉ làm tăng thêm sự bí ẩn của những “công đường” kín cổng cao tường.


Trang trí vòm nhà tầng lầu.
(Ảnh tác giả chụp ngày 14/6/2019)

Tuy nhiên, tòa nhà giống như nàng Lọ Lem đã thay da đổi thịt, lộng lẫy trở lại từ những năm đầu thế kỷ XXI. Thật vậy, điều nhìn thấy ngay từ đầu là tòa nhà được sơn phết tươm tất, rạng rỡ hàng năm. Vỉa hè trước cửa được để thoáng và có thêm các chậu hoa trang trí vui mắt. Giờ đây, du khách có thể đi bộ băng qua mặt tiền tòa nhà và được dừng chân chụp hình ngay phía trước. Tối đến, tòa nhà được chiếu sáng, nhìn từ xa càng thấy vẻ yêu kiều có một không hai của một lâu đài cổ điển giữa một rừng cao ốc và công trường metro lổn nhổn.

Đặc biệt, năm 2012, người viết cùng một kiến trúc sư trẻ có được “đặc ân” đi chụp ảnh bên trong và trên nóc tòa nhà, suốt một chiều thứ Bảy. Nếu so với những tòa thị chính Paris, Vienna, Philadelphia, San Francisco - những tòa lâu đài cổ điển tuyệt đẹp mà người viết từng viếng thăm thì Tòa thị chính Sài Gòn quy mô nhỏ hơn nhưng mỹ lệ không kém!


Ban công trông ra đường Nguyễn Huệ.
(Ảnh tác giả chụp ngày 14/6/2019)

Càng thú vị hơn hẳn, theo người viết, Tòa thị chính Sài Gòn đang lưu giữ một “báu vật lịch sử”, một chứng tích về lịch sử thành phố và tầm nhìn thiết kế đô thị. Đó chính là bức tranh lớn vẽ màu toàn cảnh quy hoạch Sài Gòn năm 1900 đang trưng bày tại phòng tiếp khách quốc tế trên lầu tòa nhà. Bức tranh được đặt trong một khung gỗ màu nâu đen được chạm trổ công phu - chất liệu và kiểu dáng châu Âu cận đại.

Ngắm nhìn bức tranh, ta có thể nhận ra người xưa đã thiết kế Sài Gòn là một đô thị xinh xắn hoàn chỉnh, một đô thị vườn chan hòa cây xanh, công viên, sông nước. Những con đường thẳng tắp, những phố chợ, bến cảng, công thự, trường học, nhà phố, tượng đài... đều được sắp đặt hài hòa, cân đối. Đó chính là Sài Gòn hiện đại thuở phôi thai mà dấu tích và “gia tài” để lại là quận Một ngày nay với tất cả vẻ đẹp và thế mạnh không quận nào có được!

Kỷ niệm tuổi bách niên thiết thực

Lần mới nhất người viết bước vào “tòa nhà Ủy ban” là tháng Sáu vừa rồi. Đứng ở ban công trên tầng lầu, nhìn ra đại lộ Nguyễn Huệ và bờ sông Sài Gòn, thêm một lần nữa, trong tôi dâng trào cái cảm giác rưng rưng nể phục tầm nhìn của người xưa làm nên Sài Gòn tân tiến. Quả thực, vị trí đặt tòa “thị chính” Sài Gòn rất đắc địa. Người xưa đã mất hơn 30 năm để cân nhắc vị trí và chắt chiu tiền bạc để xây dựng nên tòa nhà này.

Trong các thập niên 1860 - 1870, chính quyền thành phố đã thuê một phần khách sạn Cosmopolitan hay còn gọi là tòa nhà Wantai (nay là nhà Hải quan) và rồi khách sạn Continental làm trụ sở tạm. Trên bản vẽ quy hoạch Sài Gòn năm 1880 còn lưu giữ tại Thư viện quốc gia Paris, ta có thể nhận ra một công viên - vườn cây được giữ không xây cất ở cuối con kênh đâm thẳng ra sông Sài Gòn. Đó chính là đất để dành xây tòa thị chính khởi công năm 1898, hoàn thành năm 1909.


Hình Dinh Xã Tây trên tranh vẽ quy hoạch Sài Gòn 1900 đang lưu giữ trong tòa nhà này

Tòa thị chính Sài Gòn nằm cuối con kênh Chợ Vải vốn tấp nập từ thời thành Gia Định, sau này trở thành đại lộ Charner, nay là Nguyễn Huệ - con đường phồn hoa bậc nhứt. Đồng thời, đó cũng là vị trí tiếp giáp nhiều giao lộ tỏa đi nhiều hướng dễ dàng. Đặt tòa thị chính tại đây là xây đắp cơ ngơi làm việc bền vững và tiện lợi cho bộ máy quản trị thành phố.

Mặt khác, tòa nhà với kiểu kiến trúc thoáng đạt, không phải tháp ngà hay gác tía, đã tạo ra hình ảnh chính quyền thân thiện, gần với đời thường, nhất là đời sống kinh tế. Phải chăng các tác giả thiết kế “Dinh Xã Tây“ mong muốn các thị trưởng và các đại biểu hội đồng thành phố hành xử việc nước tại đây, sẽ nuôi dưỡng được tầm nhìn rộng mở và ý tưởng sáng tạo, không gò bó?

Tìm hiểu qua các sách báo xưa, chúng ta có thể biết thêm Tòa thị chính Sài Gòn, ngay từ đầu không chỉ là nơi đặt “bàn giấy” của các quan. Dinh thự nguy nga tại đây còn là nơi triển lãm tranh ảnh, họa đồ, phát thưởng, gặp gỡ người giỏi. Giống như nhiều tòa thị chính châu Âu, tòa nhà là chốn lui tới của người dân khi làm các thủ tục hộ tịch, ký giấy giá thú, kể cả tham dự các kỳ thi hay giải thưởng công cộng. Báo Phụ Nữ Tân Văn vào năm 1929 đã tường thuật một cuộc thi nuôi con khỏe đẹp - diễn ra và trao giải ngay tại Dinh Xã Tây!

Năm nay, tòa nhà trụ sở HĐND và UBND TP.HCM tròn tuổi bách niên nhưng lạ lùng thay, kiến trúc kỳ tác và dinh thự quan trọng đó chưa được xếp hạng di tích nào cả. “Còn chờ ai nữa, HĐND - cơ quan dân cử có đủ thẩm quyền, cần gắn bảng kỷ niệm lịch sử cho tòa lâu đài trăm năm của mình!” - một cử tri đã khẩn thiết đề nghị như trên tại một cuộc hội thảo gần đây của HĐND TP.HCM về việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản. Trước cửa tòa nhà cần sớm có bảng ghi lịch sử xây dựng công trình, những đặc điểm mỹ thuật và sự kiện lịch sử chính yếu. Bên trong tòa nhà nên dành không gian cho một dạng bảo tàng không chỉ lịch sử tòa nhà mà còn có lịch sử chính quyền thành phố.


Chim bồ câu và du khách trước tòa nhà trụ sở HĐND và UBND TP.HCM chiều 15/7/2019

Hơn thế nữa, hãy mở cửa tòa nhà uy nghi ấy vào những ngày lễ nhất định như dịp Tết và Quốc khánh cho cử tri, cho dân và du khách vào thưởng ngoạn. Nhất là cần có cách giới thiệu thực tế và ngay cả online, hình ảnh các phòng ốc tiêu biểu và đặc biệt là bức tranh quy hoạch Sài Gòn năm 1900 tại đây.

Trong tương lai, nếu bộ máy của chính quyền thành phố cần thêm phòng ốc làm việc thì hãy di dời sang cơ sở khác chứ không được phá bỏ và xây dựng mới chính tòa nhà này hay tòa nhà “Dinh Thượng Thơ”- 59 và 61 Lý Tự Trọng phía sau (đây cũng là trụ sở tòa thị chính kiêm quản cả Sài Gòn và Nam Kỳ khi chưa có tòa thị chính Sài Gòn).

Tòa thị chính Sài Gòn không chỉ là một kỳ tác nghệ thuật của Việt Nam, một chứng tích quý hiếm về tuổi đời thành phố mà còn là công trình tâm huyết, được xây dựng bởi chính tiền thuế của dân và tim óc của nhiều thế hệ chuyên môn. Nó cần được nâng niu, bảo tồn đúng cách và trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hóa sáng tạo trong thế kỷ XXI chứ không chỉ là một dinh thự làm việc đơn thuần và lãng phí các giá trị giàu có mang bản sắc Sài Gòn hơn 100 năm.  

Phúc Tiến

(Người Đô Thị)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo