Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Tăng trưởng xanh - tầm nhìn chiến lược của Hàn Quốc

Tăng trưởng xanh - tầm nhìn chiến lược của Hàn Quốc

Viết email In

Trong thế kỷ 21, xu hướng giảm dần mức lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để đạt tới một nền kinh tế xanh là một yêu cầu cơ bản đối với sự sống còn của các quốc gia.

Phát triển xanh (Green Development) hay còn gọi là tăng trưởng xanh (Green Growth) chính là công cụ cần thiết để hướng tới nền kinh tế xanh đó.

Hàn Quốc và mong muốn “Điều kỳ diệu trên bán đảo Triều Tiên”

Hàn Quốc là một đất nước không giàu tài nguyên, 97% tổng nhu cầu năng lượng lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. quốc gia này cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sạch trong thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu ngày nay.

Nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức của đất nước, năm 2008, Hàn Quốc đã công bố Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh, các-bon thấp”, chuyển dịch sang mô hình phát triển “nền kinh tế xanh”. Đây được xem như một tầm nhìn mới, chiến lược của tương lai và sẽ tạo ra “điều kỳ diệu trên bán đảo Triều Tiên” tiếp nối “điều kỳ diệu trên sông Hàn”.

Chiến lược này có các mục tiêu chính sách khuyến khích để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới thông qua đầu tư các ngành môi trường và phát triển hạ tầng sinh thái. Trong đó, Chiến lược xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng là 2,7% (năm 2009), 3,78% (năm 2013) và hơn gấp đôi lên đến 6,08% (năm 2020); đồng thời đề ra mục tiêu trung hạn giảm phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ xuống còn 30% vào trước năm 2020 (đây là mức cắt giảm phát thải cao nhất do IPCC đề xuất).

Hàn Quốc mong muốn, Chiến lược Tăng trưởng xanh sẽ là một công cụ chính tạo ra sự thay đổi lớn từ chính sách kinh tế cho đến lối sống của người dân, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và đem đến những giá trị lớn hơn, xanh hơn cho đất nước.



Kinh nghiệm từ tư duy chiến lược của Hàn Quốc

Trước những thách thức của đất nước, mạnh dạn chuyển đổi mô hình từ “tăng trưởng về số lượng” sang “chất lượng tăng trưởng”, đầu tư vào vốn tài nguyên, đổi mới và chuyển đổi sang công nghệ cao.

Chiến lược quốc gia về Phát triển Xanh đặt ra những mục tiêu quan trọng trong các lĩnh vực liên quan như biến đổi khí hậu, năng lượng, đầu tư cho công nghệ xanh với những chỉ số và kế hoạch cụ thể.

Phản ứng ngay với những cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế bằng các kế hoạch mới để đạt được sự thay đổi thông qua các kế hoạch phát triển xanh.

Thực hiện cải cách chính sách và định giá bằng thị trường các-bon mới, xem xét lại giá cả năng lượng, mở rộng ưu đãi cho các doanh nghiệp thân thiện với môi trường và hành vi người tiêu dùng.

Cần có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và sự tham gia tích cực của mọi tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và toàn xã hội trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược.



Từ kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong đó có Hàn Quốc, Chiến lược Phát triển Xanh của Việt Nam đang được gấp rút xây dựng, với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, các bên liên quan và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Dự kiến, Chiến lược sẽ được trình Chính phủ phê duyệt vào quý II/2012. Hy vọng, Chiến lược sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu những rủi ro môi trường và thiếu hụt về sinh thái.

Những điểm chính trong Chiến lược Tăng trưởng xanh của Hàn Quốc:

1) Thích ứng với biến đổi khí hậu;

2) Giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả;

3) Giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch;

4) Phát triển công nghệ xanh;

5) Xanh hoá các ngành công nghiệp hiện có;

6) Phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến;

7) Xây dựng nền tảng cho kinh tế xanh;

8) Xây dựng không gian xanh và giao thông vận tải xanh;

9) Thực hiện cuộc cách mạng xanh về lối sống;

10) Hỗ trợ quốc tế cho tăng trưởng xanh. 

Đặng Thị Thanh Thủy 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo