Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Đối thoại "Không để tụt hậu nhưng cũng đừng nóng vội!"

"Không để tụt hậu nhưng cũng đừng nóng vội!"

Viết email In

Khủng hoảng sâu đã kéo dài hơn một năm. Thị trường bất động sản đóng băng, dòng vốn ngưng trệ, nhà đầu tư chán nản, bộ mặt đô thị chậm cải thiện. Khó khăn chồng chất. Có ý kiến cho rằng đó là do nguyên nhân khách quan. Lại cũng có ý kiến cho rằng một phần do chúng ta đã phát triển quá nóng vội. Người dân, doanh nhân nói chung và người kiến trúc sư nói riêng cần phải làm gì để có thể đi qua cơn bão khủng hoảng này?  

Cuộc trò chuyện cuối năm Thìn đầu năm Tỵ của Kiến trúc & Đời sống với kiến trúc sư Khương Văn Mười, chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM cũng không nằm ngoài chủ đề khủng hoảng. Ông đang chuẩn bị cho chuyến đi công tác dài ngày ở châu Âu trước khi về nước để lại đi Bali đọc tham luận về kiến trúc xanh. 

Dường như ông lúc nào cũng vội vã với các chuyến đi, các cuộc họp. Hẳn là ông cũng có những lúc thoát ra khỏi công việc để an nhàn thư thái với hiện tại? 

KTS Khương Văn Mười (ảnh bên): - Tôi thích nhất khoảng thời gian trở về sau những chuyến đi xa. Khi máy bay hạ cánh là mình đã thật sự bỏ lại sau lưng khoảng thời gian luôn phải căng mình ra làm việc, bỏ lại sau lưng những ngày, những giờ phải sống cô đơn trong môi trường xa lạ với áp lực công việc. Ra khỏi sân bay, được hít thở bầu không khí an lành, nhìn thấy cảnh vật thân quen, nghe những âm thanh thân thuộc nơi phố phường là lúc tôi thấy mình như khỏe lại. Tinh thần lắng xuống, dịu lại với sự thư thái. 

Nghe ông nói, có vẻ như TP.HCM, đô thị vốn được mệnh danh là náo nhiệt, đông đúc bậc nhất của nước mình và đang mang tiếng là đô thị kẹt xe, ngập nước, nhiều lô cốt, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn lại phù hợp cho lối sống chậm?

- Đúng là có những ấn tượng thường nhật của một cuộc sống xô bồ hàng ngày đang ám ảnh mọi người. Nhưng Sài Gòn – TP.HCM có cả một chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hoá cộng đồng, bề dày văn minh đô thị phù hợp, thích nghi cho cuộc sống tinh thần phong phú của người dân. Hơn nữa, sống nhanh – sống chậm không chỉ phụ thuộc vào môi trường sống và làm việc, vào một không gian sống cụ thể mà còn cả yếu tố cá nhân của mỗi người nữa. Sự năng động, quyết liệt không hề mâu thuẫn với việc làm chủ cuộc sống để có thể điều chỉnh nhịp điệu công việc, thích nghi với áp lực. 

Xin bắt đầu từ một không gian sống cụ thể, ngôi nhà của mỗi người, mỗi gia đình. 

Với tôi, quan trọng nhất trong một ngôi nhà là cái tình, là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Không khí ấm cúng, an hòa là cái có tính nền tảng. Mối quan hệ thân thiện với hàng xóm, láng giềng cũng là điều mang lại cho ngôi nhà của ta những giá trị khác với mọi ngôi nhà – vật thể kiến trúc khác. Đấy là nơi ta luôn mong muốn trở về. Có được gia đình yên ấm rồi thì việc tạo dựng ngôi nhà – một vật thể kiến trúc cụ thể, nơi để ta sinh sống sẽ dễ hơn rất nhiều. Ngôi nhà có thể chưa đẹp, chưa tiện nghi nhưng luôn cần có sự tổ chức không gian, sắp xếp hợp lý, phù hợp với mỗi cá nhân và cả gia đình. Tùy theo điều kiện của mỗi nhà, có thể tạo ra các góc làm đẹp đơn giản, tác động trực tiếp đến thị giác. Âm thanh cũng là thứ tác động trực tiếp đến tinh thần con người qua thính giác. Một giai điệu âm nhạc ưa thích, một tiếng cười đùa vừa đủ làm dịu không khí, những khoảng yên tĩnh cần thiết… đều là những thứ ta có thể chủ động làm một cách đơn giản để giúp tâm trí ổn định sau nhưng căng thẳng do sức ép công việc, do khó khăn của cuộc sống. 

Vâng, việc biến ngôi nhà thành tổ ấm thì quan trọng nhất là phụ thuộc vào mỗi gia đình và từng cá nhân trong gia đình đó. Nhưng còn ngôi nhà đặt trong khu phố – không gian sống chung của thành phố ta thì sao? Dường như vẫn có nhiều bất cập về hạ tầng, xô bồ về cuộc sống? Có người cho rằng dân nhập cư đổ về đây là chấp nhận gian khổ đề tìm cơ hội kiếm sống chứ không phải tìm một nơi đáng sống? Ông nghĩ gì về ý kiến đó? 

- Tôi không nghĩ thành phố chỉ là nơi kiếm sống như vậy. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi đáng sống. 

Mối quan hệ thân thiện với hàng xóm, láng giềng cũng là điều mang lại cho ngôi nhà của ta những giá trị khác với mọi ngôi nhà – vật thể kiến trúc khác. 

Bên cạnh các mặt tiêu cực như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm, thiếu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, giao thông còn thiếu thốn, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu… thì cái tích cực vẫn còn nhiều và là cái cơ bản. Dịch vụ công ích như giáo dục, y tế được triển khai, phát triển. Các công trình công ích vui chơi giải trí, mạng lưới cung ứng dịch vụ phục vụ cuộc sống phân bổ đồng đều khắp địa bàn. Điều quan trọng là nó vẫn trong tầm kiểm soát về chất lượng, giá cả. Cuộc sống vẫn đang vận hành, phát triển, các khu dân cư, đô thị mới hình thành với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khá hoàn chỉnh đã mang lại dấu ấn tốt cho thành phố. 

Tôi muốn nhấn mạnh đến một đặc điểm có tính lịch sử và cũng đang được cộng đồng cư dân lưu giữ, phát triển ở thành phố ta. Đó là nếp sống thị dân, ứng xử tôn trọng pháp luật, kỷ cương, tác phong công nghiệp; một lối sống văn hoá thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng khu dân cư. Điều đó đã giúp tạo ra một môi trường văn hoá đô thị lành mạnh, văn minh. 

Những biểu hiện tốt ở thành phố ta rất nhiều. Có thể kể như việc đội nón bảo hiểm, ý thức tuân thủ luật giao thông, ý thức giữ gìn trật tự đô thị, ý thức bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn và tôn trọng cộng đồng đều được từng người dân, từng cộng đồng tham gia xây dựng. Người từ nơi khác tới cũng nhanh chóng hoà nhập, góp phần xây dựng và gìn giữ, truyền lại ý thức này cho người đến sau. Đó là cái nền để mỗi gia đình, mỗi con người có thể hướng tới xây dựng cho riêng một đời sống an lạc trong không khí an lành với mối quan hệ an hòa của một môi trường sống an bình. 

Trở lại với vấn đề phát triển. Có ý kiến cho rằng khu trung tâm thành phố vốn chịu sức ép nặng nề của sự dồn nén đô thị trong quá trình phát triển từ sau khi mở cửa nên đã bị biến dạng, méo mó, quá tải. Công tác bảo tồn chưa được tiến hành tốt. Thành phố vẫn tiếp tục thiếu quá nhiều những tiện ích, hạ tầng tối thiếu như nhà hát, quảng trường, thiếu hệ thống giao thông hiện đại được kết nối hoàn chỉnh? 

- Đó là những ý kiến không sai. Đông đảo cư dân thành phố, giới lãnh đạo, giới kiến trúc sư đều bức xúc về vấn đề đó. Nhưng theo tôi, phải nhìn vấn đề ở mức toàn diện hơn. Có thể, ở mặt nào đó, thành phố là một đô thị chưa phát triển được như mong muốn nhưng chắc chắn là không tụt hậu. Vừa phát triển vừa bảo tồn, giữ gìn bản sắc là quá trình có nhiều yếu tố mâu thuẫn, đôi khi rất gay gắt. Cái mà ta đã làm được trong suốt những năm mở cửa vừa qua là tạo ra được vùng lõi ở khu trung tâm thành phố, có đầy đủ các công trình đáp ứng hạ tầng kinh tế, du lịch cho thời mở cửa và giữ được bản sắc đô thị. Đó là sự thành công cần được khẳng định. Các kế hoạch phát triển khác cũng đã hình thành và có kế hoạch. Đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh, đại lộ Võ Văn Kiệt, hệ thống đường vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi, các dự án metro, đường trên cao… đã bước đầu kết nối giao thông xuyên tâm với vành đai để phân bố mật độ. Hãy tưởng tượng nếu đến giờ này mà xe container còn phải qua đường Võ Thị Sáu xuyên tâm như nhiều năm trước thì điều gì sẽ xảy ra? 

Thành phố cũng đã thực hiện được bước đầu rất quan trọng trong việc cải tạo vệ sinh môi trường của cụm Nhiêu Lộc – Thị Nghè cùng Tân Hóa – Lò Gốm… Đây là những bước đi chắc chắn. Các khu dân cư mới như Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn… và vùng tây bắc được hình thành. Hiện nay, đô thị Thủ Thiêm cũng đã hình thành với ý tưởng quy hoạch được làm thận trọng, bài bản, cho phép ta tin tưởng vào tương lai một đô thị có tầm cỡ. 

Có thể nói, nhịp phát triển của thành phố không tụt hậu nhưng cũng không nóng vội mà có từng bước đi khá bài bản, chắc chắn. Đó là yếu tố quan trọng đầu tiên của việc phát triển bền vững. 

Trong suốt quá trình phát triển vừa qua, có những thời điểm thành phố ta phải chấn chỉnh việc đô thị hóa ào ạt, thiếu hạ tầng… ở một quy mô nào đó nhưng về tổng thể thì có thể thấy rõ là ta đã không phát triển nóng vội. 

 

Nhưng nhiều người vẫn cho rằng sống ở thành phố với áp lực cao về công việc, cạnh tranh, về nhịp điệu sống. Điều đó có nghĩa phố thị không phải là nơi ta có thể sống chậm? Dường như nói đến sống chậm, người ta nghĩ ngay đến việc lên rừng, xuống biển đế tiếp cận trực tiếp thiên nhiên hoang sơ, tách rời áp lực công việc? Ông có nghĩ như vậy không? Cá nhân ông gắn bó với thành phố như thế nào?

- Đi du lịch, tìm đến thiên nhiên hoang sơ để thoát khỏi nhịp điệu sống căng thẳng hàng ngày, để tạm tách rời áp lực công việc vừa là nhu cầu tự thân vừa là việc nên làm để tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống. Nhưng điều đó cũng chỉ có thể thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, ở tần suất vừa phải. 

Cái chính vẫn là phụ thuộc vào nhận thức, vào quyết tâm của từng người cá nhân, gia đình. Ở đây, có sự tương đồng giữa cá nhân và xã hội. Ai cũng đứng trước nhu cầu phải phát triển, phải theo kịp thời đại. Nhưng đừng tạo áp lực quá cao cho chính mình. Theo tôi, phương châm đúng trong cuộc sống hiện này là không để tụt hậu nhưng cũng đừng nóng vội. 

Công việc chính, cuộc sống chính là diễn ra ở ngay thành phố này, môi trường ta đang sống và làm việc. Làm chủ được công việc, biết tạo lập và xây dựng được môi trường sống, các mối quan hệ để có thể sống, làm việc ổn định, lâu dài, bền vững là đã "sống chậm" đúng nghĩa rồi. Ở đô thị như thành phố ta hiện nay, hoàn toàn có thể tạo dựng một cuộc sống an lành. 

Hy Hưng (thực hiện) / ảnh: Hồng Minh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2516 khách Trực tuyến

Quảng cáo