Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Đối thoại Bảo tồn kiến trúc đô thị: Bản sắc mới chưa có, di sản đã mất đi

Bảo tồn kiến trúc đô thị: Bản sắc mới chưa có, di sản đã mất đi

Viết email In

Từ năm 1990, TP.HCM đã có chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Thế nhưng tại hội thảo Di sản kiến trúc đô thị TP.HCM mới đây, các chuyên gia đã cảnh báo tình trạng di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc tiêu biểu bị phá hủy trầm trọng. 

"Tiếp xúc với nhiều bạn đồng nghiệp quốc tế, tôi thấy rất xấu hổ vì tiền nhân đã tạo ra di sản nhưng phần lớn trong đó đang dần mất đi, trong khi bản sắc mới của thế kỷ 21 thì chưa kịp hình thành” - TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định.  

Lợi ích nhóm đe dọa di sản 

Phóng viên: Ông từng chia sẻ việc bảo tồn di sản là trong tầm tay, vậy tại sao chúng ta lại… bó tay? 

KTS Ngô Viết Nam Sơn: - Việc bảo tồn hiện nay mới chỉ làm được mỗi một việc là… lên danh mục. Một trong những khó khăn của công tác bảo tồn là bị lợi ích nhóm cản trở. Nhiều khu đất bảo tồn chủ yếu là đất của Nhà nước, vì lợi ích nhóm nên đã có những khu phải đánh đổi bằng sự thay thế của nhà cao tầng. Ví dụ, khu nhà biệt thự xưa tuyệt đẹp tại số 1 Lý Thái Tổ, quận 10, là nhà khách Chính phủ, hiện đang nằm trong danh sách đấu giá để xây nhà cao tầng. Tác động của các nhóm lợi ích cũng là nguyên nhân khiến di sản biến mất. 

  • Ảnh bên: Khu nhà biệt thự xưa tuyệt đẹp với nhiều cây cổ thụ tại số 1 Lý Thái Tổ, quận 10 là nhà khách Chính phủ, hiện đang nằm trong danh sách đấu giá để xây nhà cao tầng. (Ảnh: Người Lao Động) 

Điều quan trọng nhất hiện nay là chưa có một đầu mối có tầm ảnh hưởng để quán xuyến việc này. Người đó phải là “tổng tư lệnh” có vai trò quyết định đến sự sống còn của di sản. Các sở, ngành hiện nay cũng mạnh ai nấy làm, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan này nên tình trạng di sản bị “ủi” đi cũng là điều không tránh khỏi. 

Có thể lấy ví dụ điển hình là việc xây dựng tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt. Để hình thành được tuyến đường này đã phải phế bỏ hàng loạt ngôi nhà cổ có giá trị lịch sử cùng với bến Bình Đông mà đáng ra vẫn có thể giữ lại nếu như có cơ chế phối hợp, đặt vấn đề bảo tồn ngay từ đầu. 

Trong danh mục bảo tồn có khá nhiều hạng mục là nhà dân nhưng xem ra việc thuyết phục người dân tham gia cũng không dễ?

- TP chưa thành lập được hội đồng bảo vệ di sản và ngân sách để thực hiện, thậm chí kinh phí để nghiên cứu cũng chưa có. Do đó, chúng ta đang bảo tồn theo kiểu lẻ tẻ, đối phó với từng công trình. Điều này rất khó thuyết phục các chủ sở hữu công trình cùng tham gia, vì họ chưa hiểu và hình dung được những ích lợi to lớn, cả cho xã hội lẫn nhà đầu tư, khi bảo tồn cải tạo di sản cả một khu vực, một không gian lớn theo một chiến lược xuyên suốt. 

Khó khăn nằm ở sự cản trở của chủ các ngôi nhà nằm trong khu vực bảo tồn. Những người có khả năng mua nhà trong khu vực này thường là những người có vai vế. Họ có khả năng tác động đến Nhà nước khi công trình của họ nằm trong khu vực bảo tồn.

Nếu có được các điều kiện như mong đợi thì theo ông việc bảo tồn nên bắt đầu từ đâu? 

- Vẫn cứ nên từ bước khởi đầu: Nghiên cứu kỹ lưỡng và sớm hoàn thành khoanh vùng khu vực di sản. Phải “cứu” cái lớn trước vì những công trình này thường chiếm nhiều diện tích, dễ bị đập bỏ để thay thế bằng nhà cao tầng. Đối với những công trình nhỏ lẻ thì ghi nhận và khoanh vùng để không bị xâm hại. Những công trình nhỏ, diện tích chỉ đủ để xây nhà cao 4-5 tầng nên mức độ đe dọa không cao bằng công trình hoặc cụm công trình lớn. Song song đó, TP nên mạnh dạn vươn tới việc xây dựng cao tầng ở những vùng đất mới như Thủ Thiêm, các đô thị vệ tinh để tạo lập bản sắc mới cho TP trong tương lai. 

Làm giàu cho nhà đầu tư 

Từ năm 1990, TP.HCM bắt đầu có chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị. Ông nhận định thế nào về diện mạo TP sau 20 năm? 

- Diện mạo TP.HCM từ trước tới nay vốn phát triển một cách tự phát. Mặc dù mới đây cũng có cả một số nghiên cứu của nước ngoài tham gia quy hoạch bờ đông, bờ tây Sài Gòn nhưng cũng chưa có tính kết nối không gian và cũng chưa nói được định hướng chính cho sự phát triển của khu trung tâm TP. 

Có bốn câu hỏi mà những quy hoạch hiện nay, kể cả quy hoạch do nước ngoài thực hiện cũng chưa có câu trả lời rõ ràng. Đầu tiên, khu bảo tồn là khu nào? Hiện nay quy hoạch khu trung tâm hiện hữu TP (930 ha) do Nikken Sekkei là đơn vị tư vấn có vạch ra khu văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, không rõ họ dựa vào đâu để vẽ ranh giới văn hóa lịch sử này, vì trong giới hạn được khoanh vùng có gần một nửa là có rất ít công trình văn hóa lịch sử phải bảo tồn trong đó. 

Thứ hai là giải quyết thế nào đối với nhà cao tầng, chỗ nào được phép xây, chỗ nào thì không? Tình trạng của TP hiện nay là có miếng đất nào rộng là xin phép xây lên, đất càng rộng thì xây càng cao. Làm quy hoạch xây dựng theo cảm tính như vậy thì chỉ đem lại lợi ích cho nhà đầu tư nhưng có hại cho TP. 

Thứ ba, khi đưa ra một quy hoạch thì làm sao để thực hiện quy hoạch đó? Làm sao để thu hút nhà đầu tư chứ không phải vẽ ra rồi chờ Nhà nước đổ tiền vào xây dựng với ngân sách hạn hẹp. Bản quy hoạch đó phải thể hiện được các giai đoạn phát triển, trong đó giải thích rõ giai đoạn 1 làm gì để kích thích các giai đoạn sau đó phát triển và phát triển như thế nào. Trong đó, Nhà nước chỉ đóng vai trò kích cầu thôi, còn lại là phải tạo ra chính sách để thu hút nhà đầu tư tiếp tục thực hiện. 

Cuối cùng là vấn đề quản lý quy hoạch, làm sao để quy hoạch phát triển theo bản vẽ đã được duyệt. Thực tế, các quy hoạch vẽ ra xong rồi để đó, người dân vẫn không theo. Mà dân không thuận thì quy hoạch không có ý nghĩa gì hết. Cả bốn câu hỏi này, hiện nay ít có đồ án quy hoạch nào trả lời được. 

“Con voi đứng cạnh con kiến làm cho con kiến bị giảm giá trị” 

Ông nhắc nhiều đến nhà cao tầng, có vẻ như đây là “thủ phạm nguy hiểm” đe dọa sự tồn tại của di tích?

- Cho xây nhà cao tầng trong khu vực có di sản là phá hại di sản kinh khủng. Chẳng khác nào con voi đứng cạnh con kiến làm cho con kiến bị giảm giá trị. Tại TP không thiếu những ví dụ về trường hợp này, điển hình là tòa nhà khách sạn Caravelle cao chót vót, làm giảm giá trị công trình di tích Nhà hát TP vốn là một điểm nhấn đô thị. 

Vậy có nghĩa là phải cấm tiệt nhà cao tầng ở trung tâm?

- Vấn đề là phải khoanh vùng khu vực bảo tồn để xác định chỗ nào được xây cao tầng, chỗ nào không. Vì với thực tế của TP hiện nay, nhiều khu đất trống hoặc lụp xụp không nằm trong khu vực bảo tồn thì xây cao tầng là rất phù hợp.

Đối với những con đường có nhiều di sản chẳng hạn như Tú Xương, Phùng Khắc Khoan, Ngô Thời Nhiệm… thì nên có những đề xuất xử lý phù hợp để vừa bảo tồn hoặc cải tạo cái cũ, vừa phát triển cái mới theo phong cách phù hợp. 

Các nước quy hoạch như thế nào? 

Sau thế chiến, các nước đều làm một chuyện là phát triển ở vùng ngoại ô để cho dân có nhà ở đã và tránh đụng chạm nhiều vào khu trung tâm. Họ bắt đầu từ bên ngoài trước, sau đó tiến hành xây dựng các khu nhà cao tầng gần trung tâm. Khi tốc độ phát triển ở vùng ngoại ô đã bão hòa rồi mới quay trở lại phát triển khu trung tâm. Thông thường, họ sẽ không cho xây dựng nhà cao tầng ở khu vực trung tâm, trừ khi đó là các khu đất trống. 

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn 

Theo ông thì chỗ nào nên xây và chỗ nào không? 

- Hiện nay, giá trị của bảo tồn nằm ở hai khu vực là trung tâm quận 1 và trung tâm Chợ Lớn. Tại trung tâm TP có thể khoanh vùng từ đường Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng và Hàm Nghi qua hai cầu để nối với đường dọc bờ Thủ Thiêm để hình thành một tam giác, nơi có thể tập trung xây dựng nhà cao tầng cho khu trung tâm trong thế kỷ 21. 

Không có nước nào bùng nổ xây dựng theo kiểu đập bỏ nhà cổ để xây nhà cao tầng, vừa tốn tiền vừa không hiệu quả. Nguyên nhân chính là quá nhượng bộ lợi ích của nhà đầu tư. Vì thông thường, nhà đầu tư nào cũng muốn chen chân vào khu vực có vị trí đắc địa, lại có sẵn hạ tầng, chẳng mất tiền làm hạ tầng mà có khả năng sinh lợi lớn nhưng chính người dân và TP lại chịu thiệt thòi nhiều nhất. 

Việt Hoa (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2025 khách Trực tuyến

Quảng cáo