Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Đối thoại Đề nghị dừng cấp phép tất cả dự án khu đô thị mới

Đề nghị dừng cấp phép tất cả dự án khu đô thị mới

Viết email In

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải bằng những hành động cụ thể và quyết liệt, đó là quan điểm của ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn của PV về những vấn đề liên quan đến thị trường bất động sản hiện nay.  

Phóng viên: Trong khi Bộ Xây dựng mới chỉ rà soát lại các dự án trên cả nước và phân loại thành các dự án dừng, tạm dừng, điều chỉnh và cho đầu tư tiếp thì Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại quyết liệt đề nghị cần rà soát và thu hồi một số dự án bất động sản. Ông có thể giải thích rõ hơn về ý kiến này? 

Ông Trần Ngọc Hùng (ảnh bên): - Phải thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đóng băng thị trường bất động sản trong thời gian qua do sự phân cấp quá lớn cho các địa phương. Tại nhiều địa phương, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan nhiều dự án không phù hợp dẫn đến cung vượt cầu cả tổng số lẫn loại hình dự án. Vì vậy, việc rà soát các dự án rất cần thiết nhưng chúng tôi cho rằng trong số hàng ngàn dự án còn đang ngổn ngang đó có không ít dự án phải thu hồi. Đó là những dự án không còn phù hợp với thực tế cả về quy hoạch, quy mô, năng lực chủ đầu tư cũng như nhu cầu thị trường, trong số 744 dự án được cấp phép thời kỳ trước khi sáp nhập vào Hà Nội đến nay vẫn còn 500 dự án đang tiếp tục tạm dừng và rà soát, nhiều dự án ở các tỉnh, thành phố đang để hoang hóa không triển khai được theo quy định, nhiều chủ đầu tư không có khả năng kinh tế để triển khai dự án... 

Vậy ông có cho rằng việc xác định để thu hồi các dự án này dễ dàng hay không? 

- Chúng tôi rất phân vân cách làm thế nào. Hiện Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nhưng theo tôi, nếu để địa phương tự rà soát sẽ rất khó, dẫn đến kéo dài và dễ thỏa hiệp vì chính quyền địa phương cấp các dự án này và các chủ đầu tư đã tốn rất nhiều công sức, tiền của để có được dự án.

Chúng tôi đề xuất trong quá trình rà soát, thứ nhất phải quy định trong một thời gian nhất định (30 đến 60 ngày tùy số lượng dự án của từng địa phương), các tỉnh, thành phố phải công khai minh bạch tất cả các dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng (điều này phù hợp với quy định luật xây dựng, luật quy hoạch đô thị), trong đó nêu rõ quy mô dự án, vốn thực hiện dự án, tiến trình thực hiện, khó khăn của dự án và hướng giải quyết của cơ quan quản lý và kiến nghị của chủ đầu tư.

Thứ hai, phải thành lập các đoàn kiểm tra tại các thành phố lớn, ngoài thành phần Bộ Xây dựng còn có đại diện Hội đồng nhân dân các địa phương, đại diện các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan như Hiệp hội Bất động sản, Hội Xây dựng tỉnh, thành phố. Thứ ba, đưa ra các tiêu chí rà soát và hướng giải quyết. Trên cơ sở đó sẽ xác định được các dự án cần thu hồi, tạm dừng, chuyển đổi chức năng hoặc tập trung hoàn thành tùy theo dự báo phát triển kinh tế xã hội của địa phương, dự báo phát triển quy mô dân số, nhu cầu của thị trường, khả năng kinh tế của các đối tượng có nhu cầu…

Cùng với việc thu hồi các dự án, theo ông việc quản lý cấp phép các dự án cần phải được siết chặt như thế nào?

- Trong khi chờ sửa đổi Luật Đất đai, từ năm 2013, chúng tôi kiến nghị Nhà nước dừng cấp phép tất cả dự án khu đô thị mới, phải thu hồi đất để cấp trực tiếp cho chủ đầu tư. Từ 2013 tất cả các dự án sẽ do Nhà nước đứng ra lập quy hoạch, quy hoạch chi tiết, thành lập ban quản lý dự án, xây dựng hạ tầng sau đó bán đấu giá cho các doanh nghiệp. Nếu làm như thế Nhà nước sẽ thu được khoản tiền chênh lệch địa tô rất lớn, trước đây hầu hết rơi vào túi của chủ đầu tư, chủ đầu tư thứ cấp. Việc này cũng góp phần chống thất thoát lãng phí, tham nhũng. 

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cần có thêm những công cụ pháp lý khác để hỗ trợ, ví dụ: Chính phủ cần sớm ban hành nghị định về nhà ở cho thuê, thuê mua, đặc biệt nhà cho thuê, bởi nước ta còn nghèo, đối tượng cần thuê nhà lớn. Đồng thời, cần bổ sung luật thuế nhà, theo hướng diện tích tối thiểu thì thuế suất bằng 0, diện tích lớn hơn thì thuế lũy tiến để đảm bảo công bằng xã hội và Nhà nước vẫn thu được một khoản tiền không nhỏ để giải quyết chỗ ở cho người nghèo… 

Tại các tỉnh, thành phố dự án nhà ở đã phát triển rất đa dạng. Cần chấm dứt đầu tư vốn nhà nước để làm nhà tái định cư (chất lượng kém, không đồng bộ, không phù hợp yêu cầu của nhân dân) chuyển sang hình thức đền bù trực tiếp cho dân để họ tự quyết định: thuê nhà, mua nhà theo khả năng và nhu cầu... Những biện pháp cụ thể như vậy sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay và góp phần đưa thị trường phát triển lành mạnh hơn.

Bích Quyên (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3256 khách Trực tuyến

Quảng cáo