Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Đối thoại Đã đến lúc “cởi trói” cho đô thị đặc biệt

Đã đến lúc “cởi trói” cho đô thị đặc biệt

Viết email In

Với mô hình tổ chức quận - huyện, phường - xã cũng là một cấp chính quyền như hiện nay sẽ kéo theo các tổ chức Đảng, đoàn thể cùng cấp, khiến bộ máy càng tăng. Nếu được thí điểm mô hình chính quyền đô thị với quận - huyện, phường - xã chỉ là cấp hành chính, quản lý điều hành theo ngành dọc thì số lượng tổ chức Đảng, mặt trận, đoàn thể sẽ giảm mạnh và “cởi trói” để TPHCM phát triển nhanh hơn. Đó là một trong những nội dung mà PGS.TS Bùi Đức Kháng (Học viện Hành chính, cơ sở TPHCM) - một trong những “kiến trúc sư” thiết kế, xây dựng Chương trình 600 trí thức trẻ về làm lãnh đạo xã ở 62 huyện nghèo cả nước - trao đổi với phóng viên xung quanh những bất cập về bộ máy hành chính của TPHCM.  

Hiện đội ngũ cán bộ hành chính của TPHCM có trên 11.000 người nhưng TP vẫn đang xin được tăng thêm khoảng 2% tổng biên chế khối Đảng, đoàn thể trên tổng số biên chế hiện tại (4.147 người). Việc TP xin tăng biên chế theo hàng năm này liệu có mâu thuẫn với chủ trương tinh giản biên chế không? 

PGS.TS Bùi Đức Kháng (ảnh bên): - Tôi cho rằng, với hơn 10 triệu dân sinh sống và số thu ngân sách có quy mô gấp gần chục lần một số tỉnh khác mỗi năm thì việc tăng biên chế này là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của một đô thị đặc biệt như TPHCM. Con số biên chế tăng đó còn để thay thế cho số người về hưu, thay cho những công chức di chuyển ra ngoài làm, bổ sung nhân sự cho một số lĩnh vực mới phát sinh cần quản lý… 

Việc tăng biên chế này không mâu thuẫn nhiều với chủ trương tinh giản biên chế bởi việc tinh giản biên chế không nên hiểu máy móc là giảm số lượng người, mà quan trọng hơn là phải giảm đi những công chức không đáp ứng được công việc hoặc làm việc không hiệu quả. 

Theo ông, những người làm việc không hiệu quả ấy trong bộ máy 11.000 cán bộ hành chính ở TPHCM có nhiều không? 

Chúng ta có tâm lý đã vào rồi thì khó ra, đã lên rồi thì khó xuống. Chính cái khó này mang đến những hệ lụy. Ví dụ một người bị coi là không làm được việc nhưng tiêu chí nào để đánh giá không làm được việc? Công tác thi đua của chúng ta hiện còn khá hình thức. Thi đua thì cơ quan nào cũng vậy, thử hỏi một năm có mấy người không đạt danh hiệu thi đua? 

PGS.TS Bùi Đức Kháng 

- Tôi chưa thấy có đơn vị nào thống kê rõ được chất lượng đội ngũ cán bộ hành chính của TPHCM. Tuy nhiên, đã từng có lãnh đạo một tỉnh thừa nhận cả tỉnh ông có khoảng 30% công chức làm tốt, hơn 30% là tạm được còn lại hơn 30% thì không làm được việc. Chắc chắn, TPHCM cũng không ngoại lệ. Có thể dễ dàng nhìn thấy thực trạng đó ở nhiều cơ quan, đơn vị, biểu hiện qua tình trạng công chức ngồi “lổm ngổm” dư thừa trong các văn phòng, làm việc cầm chừng, chưa hết giờ đã ra về, làm việc không hiệu quả, bị dân ta thán…

Và ngân sách đang phải “cõng” cả hệ thống nặng nề đó?

Đương nhiên, với chính sách tiền lương như hiện nay, có 2 hậu quả phát sinh: Một là sẽ rất khó có người sống chết với công việc như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một buổi làm việc với TPHCM mới đây đã phát biểu kỳ vọng và hai là rất khó thu hút được người giỏi. Bất cứ quốc gia nào cũng vậy, trong bộ máy hành chính nếu như không có nhiều người giỏi và sống chết với công việc thì chắc chắn đất nước đó sẽ rất khó phát triển. Cho nên, tinh gọn nhân sự là cách để tăng lương và tăng chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước.  

Bằng cách nào, bởi theo phân tích của ông, tinh giản biên chế nghĩa là phải giảm đi số người làm việc không hiệu quả nhưng trên thực tế càng giảm càng phình thêm? 

- Theo tôi, đây cũng là một điểm yếu trong công tác đánh giá cán bộ công chức hiện nay. Tiêu chí đánh giá không rõ ràng, rất cảm tính. 

Cơ chế để kiểm soát việc đánh giá ấy cũng không chặt chẽ. Theo tôi, để tinh giản hiệu quả phải tiến hành đồng bộ các khâu đổi mới nền công vụ, cải cách hành chính và chính sách tiền lương; đồng thời phải trao thực quyền cho người lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị bởi hiện nay thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lại không có toàn quyền quyết định nhân sự là công chức. Quan trọng hơn nữa là đã đến lúc “cởi trói” cho đô thị đặc biệt để TPHCM có thể triển khai mô hình chính quyền đô thị, có như vậy mới giải quyết được gốc rễ vấn đề. 

  • Ảnh bên: Thay vì tăng biên chế, cần có biện pháp làm tăng hiệu quả làm việc của bộ máy nhà nước (Ảnh: Cao Thăng) 

Theo mô hình chính quyền đô thị ở một số nước, bộ máy quản lý quy tụ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, ưu tú. Thủ tục hành chính cũng như đội ngũ công chức được tinh giản triệt để. Ngân sách được tập trung cho những công chức xứng đáng được tuyển chọn minh bạch. Sự tinh giản thủ tục hành chính, tinh giản công chức dựa trên sự tinh giản các cấp trung gian quản lý, mà công nghệ thông tin là phương tiện của việc này.

Với TPHCM, để có chính quyền đô thị, phải điều chỉnh về thể chế và cần những giải pháp mạnh. Trong đó, phải xây dựng tiêu chí tuyển dụng, đề bạt và đề án cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp gắn với tinh giản biên chế, thay thế những người không đáp ứng được yêu cầu của nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại. Tăng thẩm quyền để lãnh đạo các cấp, người trực tiếp sử dụng công chức, viên chức có quyền quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng trong lĩnh vực mình phụ trách đồng thời phải mô tả rõ công việc, trách nhiệm của từng cán bộ, từng cấp chính quyền.

Hồng Hiệp (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2387 khách Trực tuyến

Quảng cáo