Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tin tức Việt Nam Đà Nẵng quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn

Đà Nẵng quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn

Viết email In

Thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị Phản biện xã hội đối với Đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Quy mô lập quy hoạch của đề án là 104,9 ha. Phạm vi ranh giới lập quy hoạch khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn được xác định: phía đông giáp đường Trường Sa và các khu vực ven biển Đông; phía tây giáp sông Cổ Cò; phía nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2, theo Cổng Thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng.


Một góc danh thắng Ngũ Hành Sơn nhìn từ trên cao.
(Ảnh: Lê Ngọc Nhật)

Cụ thể, phương án quy hoạch là bảo vệ nguyên trạng toàn bộ diện tích đất trong ranh giới khu vực bảo vệ di tích cùng với khu vực mới bổ sung (diện tích 189.821 m2), thiết lập vùng đệm cây xanh rộng 20 m xung quanh khu vực này. Khu vực dân cư kinh doanh đá mỹ nghệ trên tuyến đường Huyền Trân Công Chúa và đường Non Nước sẽ được giữ lại kết hợp chỉnh trang một phần; giải tỏa một phần để tạo lập trục cảnh quanh kết nối ngọn Thủy Sơn và Mộc Sơn. Các công trình di tích, cơ sở tôn giáo có diện tích 90.104 m2.

Khu vực bảo tồn hình thái của vùng dân cư sản xuất nông nghiệp cần bảo tồn 2 yếu tố: hình thái không gian của khu dân cư và yếu tố con người. Đề xuất phương án quy hoạch, giữ lại chỉnh trang, bảo tồn các vị trí nhà cổ hiện trạng (5 nhà cổ), thực hiện giải tỏa đi hẳn các thửa đất còn lại trên tinh thần sắp xếp, bố trí lại cho nhân dân trong khu vực thực hiện giải tỏa để quy hoạch đầu tư hình thành khu vực làng quê kết hợp du lịch sinh thái, hài hòa với kiến trúc tổng thể của công viên văn hóa.

Ưu tiên việc bố trí tái định cư cho các hộ dân có nguyện vọng ở lại, gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Trong quá trình thực hiện, kiến nghị tạo điều kiện cho người dân cũ tham gia các hoạt động khai thác này.

Các khu đất và dự án đã được cấp đất sẽ quản lý và xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Giải tỏa các khu vực dân cư còn lại, thiết lập các không gian phục vụ phát triển du lịch, phát huy giá trị di tích tùy theo từng khu vực cụ thể.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn hóa – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, vấn đề quan trọng là phải bảo tồn cư dân bản địa để giữ được hồn của Ngũ Hành Sơn, cùng với đó là giữ gìn làng nghề và chú ý bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Phúc, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, cho rằng đồ án cần nghiên cứu, dành nhiều diện tích để trồng cây xanh, khôi phục và phát triển các loại hình du lịch truyền thống hiện có. Đồng thời, nên có phương án quy hoạch để tạo không gian quang cảnh tự nhiên cho di tích; xem xét tạo không gian, lối đi thông thoáng cho di tích.

Đại diện Công ty cổ phần bảo tồn di sản văn hóa Kiến Trúc Việt cho biết, việc quy hoạch được thực hiện theo nguyên tắc: tuân thủ luật pháp về bảo tồn di sản và quy hoạch xây dựng, các công ước quốc tế về bảo tồn và trùng tu di tích; tôn trọng, bảo tồn tối đa các yếu cấu tố cấu thành đặc trưng của di tích; bổ sung các yếu tố mới nhận diện; khớp nối các quy hoạch liên quan và lân cận, đảm bảo đồng bộ về quy hoạch kiến trú và hạ tầng kỹ thuật; đề xuất phương án phát huy giá trị, quảng bá du lịch nhưng phải hạn chế tác động tiêu cực đến không gian cảnh quan, cấu trúc của khu danh thắng; đề xuất các giải pháp, cơ chế quản lý quy hoạch tạo điều kiện để người dân cùng tham gia vào các hoạt động phục vụ văn hóa, du lịch địa phương.

Sau hội nghị này, kết quả phản biện sẽ được gửi đến lãnh đạo thành phố, Sở Văn hóa – Thể thao thành phố, lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn cùng các ngành chức năng có liên quan của thành phố để xem xét.

Trước đó, tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn.

Nhân Tâm

(KTSG Online)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo