Bộ Xây dựng vừa có đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực chủ yếu của ngành xây dựng, đồng thời, thực hiện một loạt giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Trong quý II, thị trường bất động sản cơ bản giữ được sự ổn định, thậm chí đã có dấu hiệu phục hồi, phát triển trở lại. Tuy nhiên, dưới tác động kéo dài của dịch cùng việc phải thực hiện giãn cách xã hội, thị trường quý III gặp nhiều khó khăn.
Mức độ quan tâm đến các sản phẩm bất động sản trên cả nước sụt giảm mạnh. (Ảnh: Quỳnh Danh)
Về nguồn cung, nhiều địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tạm dừng hoạt động nên hầu như các dự án bị ngưng trệ, không có dự án được hoàn thành và mở bán; các bất động sản giao bán trên thị trường chủ yếu từ nguồn cung của các dự án mở bán trong giai đoạn trước.
Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán khoảng 20.000 căn, tương đương khoảng 60-70% so với quý II.
Bức tranh ảm đạm của ngành xây dựng
Lượng giao dịch bất động sản thành công trong quý III giảm mạnh, nhiều khu vực thị trường có hiện tượng "đóng băng tạm thời". Tỷ lệ hấp thụ các loại bất động sản nhà ở đều chỉ đạt khoảng 40% lượng chào bán trên thị trường; riêng loại hình đất nền lượng hấp thụ đạt cao hơn, khoảng 50%.
Tuy nhiên, giá chào bán, cho thuê bất động sản hầu như giữ ở mức đã chào bán từ cuối quý II: giá căn hộ chung cư (bình dân, trung cấp, cao cấp) đều vẫn giữ giá hoặc tăng nhẹ (khoảng 1- 2%); giá nhà ở riêng lẻ, đất nền giảm (khoảng 1-2%).
Giá mặt bằng thương mại cho thuê, căn hộ, nhà ở cho thuê mặt bằng giá giảm chung khoảng 2-3%. Bên cạnh đó, chủ cho thuê thực hiện hỗ trợ giảm giá trực tiếp 10-20% tùy điều kiện cụ thể.
“Diễn biến về giá giao dịch các loại bất động sản cho thấy rõ nét nhất về ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh lên thị trường bất động sản”, Bộ Xây dựng nhận định.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, qua tổng hợp cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2021 có gần 1,6 tỷ USD vốn đăng ký, chỉ đạt 56% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động xây dựng cũng chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Cụ thể, làm gián đoạn cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, cấu kiện xây dựng; thiếu nhân lực phục vụ thi công xây dựng công trình; chi phí đầu tư xây dựng tăng cao.
Những tác động trên có tác động lớn đến thực hiện các cam kết trong hợp đồng giữa các chủ thể, đặc biệt là các hợp đồng xây dựng sử dụng các nguồn vốn Nhà nước như: phá vỡ tiến độ thực hiện hợp đồng, phát sinh nhiều chi phí và chi phí để thực hiện hợp đồng tăng cao.
Đối với sản xuất vật liệu xây dựng, lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ đang giảm mạnh do các công trình xây dựng ngưng trệ; hệ thống các cửa hàng vật liệu xây dựng tại các địa phương áp dụng giãn cách xã hội buộc phải ngừng hoạt động.
Bộ Xây dựng đã làm gì?
Bộ Xây dựng khẳng định đã triển khai các giải pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, Bộ này đã thực hiện yêu cầu của Chính phủ về việc nghiên cứu và ban hành Quyết định số 212/QĐ-BXD ngày 1/3 hướng dẫn xây dựng bệnh viện dã chiến phòng, chống dịch Covid-19, hướng dẫn nêu trên có thể tham khảo và áp dụng cho các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Đến ngày 19/7, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã ký Quyết định số 869/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại TP.HCM nhằm kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ các địa phương phía Nam chuẩn bị phương án thực hiện xây dựng các bệnh viện dã chiến, thiết lập các khu cách ly để phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp để duy trì các hoạt động xây dựng trên địa bàn địa phương được liên tục; nghiên cứu tham mưu, đề xuất các giải pháp bảo đảm việc cung ứng dịch vụ công ích đô thị, tránh gián đoạn; tổ chức kiểm tra trực tiếp và thường xuyên họp trực tuyến với các cơ quan liên quan để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Trong tháng 10, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị nhằm rà soát tình hình tại các khu vực phía Nam, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, qua đó có các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.
Tiếp đó, Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp, trong đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn (khoảng 3.000 tỷ đồng) để phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp.
Văn Hưng
(Zing.vn)
- Thừa Thiên Huế cần 65.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở đến 2030
- Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tiếp Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio
- Trao giải cuộc thi thiết kế kiến trúc Trung tâm hành chính quận Hải Châu, TP Đà Nẵng
- Đà Nẵng quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn
- Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có không gian ngầm giữa trung tâm
- Bộ Xây dựng kiến nghị dành 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội
- TP.HCM dự chi 9.000 tỷ đồng xoá sổ "nhà ổ chuột" tại bờ Nam Kênh Đôi
- Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù gỡ điểm nghẽn hạ tầng, thí điểm đến năm 2025
- Hà Nội: Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận
- Chỉ số xếp hạng phát triển bền vững của Việt Nam tăng 5 bậc