Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tin tức Thế giới Bất động sản rớt giá khắp châu Á

Bất động sản rớt giá khắp châu Á

Viết email In

Giá bất động sản đang giảm khắp châu Á khi các biện pháp kìm cơn sốt bất động sản của nhiều chính phủ bắt đầu phát huy công hiệu và sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu tác động mạnh đến các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Chấm dứt ba năm tăng nóng

Cơn lắng nguội bất động sản chấm dứt cơn sốt liên tục trong nhiều năm. Trước đó, giá bất động sản tăng hơn 70% kể từ năm 2009 ở nhiều thị trường nóng nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự đổ xô đầu tư của các nhà đầu tư, trong đó nhiều nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng bất động sản châu Á miễn nhiễm với sự biến động tài chính toàn cầu.

  • Ảnh bên: Thị trường bất động sản ở Singapore được các chuyên gia dự báo là sẽ giảm 30% trong ba năm tới (Ảnh: Getty)

Thị trường bất động sản từ Bắc Kinh, Hồng Kông đến Singapore, Sydney đều chứng kiến sự rớt giá. Duy chỉ có giá bất động sản ở Seoul (Hàn Quốc) và các thị trường nhỏ hơn ở Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia) đi ngang. Tại Nhật Bản, giá nhà đất giảm năm thứ 20 liên tục.

Tại Trung Quốc, chính phủ đang dẹp nạn đầu cơ thị trường nhà đất, khiến giá bất động sản ở 70 thành phố lớn lần đầu tiên giảm trong tháng 10/2011.

Tuy nhiên, ít người cho rằng sẽ có một vụ sụp đổ thị trường bất động sản ở Trung Quốc giống như ở Mỹ khiến các công ty phát triển bất động sản bị tác động nặng nề và không có khả năng trả tiền vay vì doanh số bán giảm mạnh. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, doanh số bán nhà ở tại Trung Quốc đã giảm 3,3% trong tháng 11/2011 so với cùng kỳ năm ngoái sau khi đã giảm 11,6% trong tháng 10/2011.

Nhu cầu vững mạnh ở nhiều thị trường bất động sản, chẳng hạn như Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ giá bất động sản không rớt quá sâu. Tuy nhiên, thị trường bất động sản ở Singapore được các chuyên gia dự báo sẽ giảm 30% trong ba năm tới.

Hơn 100.000 căn nhà ở mới ở Singapore dự kiến sẽ hoàn thành trong ba năm tới. Tại Singapore, tốc độ xây dựng nhà ở bùng nổ khi giá bất sản tăng 70% trong năm qua, khiến chính phủ phải áp thuế bán bất động sản đối với người mua nước ngoài và nhà đầu tư trong nước mua nhiều nhà ở.

Công ty tư vấn bất động sản CBRE Group Inc cho biết giá nhà ở cao cấp ở Singapore trong quí 3-2011 đã giảm 2% so với quí trước đó. Số liệu từ Cơ quan tái phát triển đô thị Singapore cũng cho thấy số căn hộ chưa bán được đang tăng.

Giá bất động sản ở Úc giảm liên tục trong năm nay, cắt đứt mạch tăng giá kéo dài nhiều thập kỷ. Theo các số liệu thống kê, giá nhà ở trong tháng 10/2011 giảm 0,5% so với tháng 9/2011. Giá nhà ở cũng sụt giảm khá mạnh ở thành phố Brisbane, nơi bị lũ lụt tàn phá hồi đầu năm.

Ở Đông Nam Á, giá bất động sản ở Kuala Lumpur (Malaysia) đang được dự báo sẽ giảm tiếp sau khi đã giảm vào tháng 9/2011. Trong khi đó, thị trường bất động sản ở Thái Lan đang yếu ớt sau khi trải trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua. Hai thị trường bất động sản được xem còn khỏe mạnh là Jakarta (Indonesia), nơi nhu cầu mua nhà của người dân vẫn còn mạnh, và Manila (Philippines) nhờ có lượng kiều hối chảy về mạnh.

Nhiều chính phủ tiếp tục ghìm sốt nhà đất

Sự sụt giá thường bị đổ lỗi do các chính phủ tìm cách làm nguội thị trường bất động sản, một phần nhằm xoa dịu sự bực tức của của người dân không thể mua nhà vì giá quá cao. Trong khi một số công ty phát triển nhà đất và một số nhà đầu tư hy vọng các chính phủ có thể rút lại các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia khác cho rằng lo ngại về bong bóng bất động sản buộc các chính phủ phải tiếp tục ghìm cơn sốt nhà đất.

Chuyên gia phân tích Jinsong Du của Credit Suisse nói: “Bây giờ, nhiều chính phủ, bao gồm Trung Quốc và Singapore, thấy nguy cơ hình thành bong bóng nhà đất hơn là sự lao dốc mạnh.”

Ông Li Ka-shing, Giám đốc điều hành của tập đoàn bất động sản hàng đầu Hồng Kông Cheung Kong Holdings Ltd., nói: “Chúng tôi vẫn thấy nhu cầu phát triển nhà mạnh mẽ trong trung hạn và dài hạn ở Trung Quốc vì người dân luôn muốn nâng cấp chất lượng sống của họ”. Tập đoàn Cheung Kong Holdings Ltd. đang mở rộng đầu tư ở Trung Quốc trong những năm gần đây.

Hồng Kông, nơi giá nhà đất tăng gần 75% kể từ năm 2009, đã chứng kiến sự giảm giá lần đầu tiên trong ba năm vào tháng 7/2011. Từ tháng 7 đến tháng 10, giá nhà đất giảm thêm 4%. Trong tháng 11/2011, các giao dịch nhà ở tại Hồng Kông giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu mua nhà đang sụt giảm, một phần vì người mua nhà kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm, một phần vì các chủ đầu tư giữ hàng chờ qua giai đoạn khó khăn.

Bà Nicole Wong, giám đốc vùng của bộ phận nghiên cứu bất động sản ở công ty môi giới CLSA (Hồng Kông), nói: “Sự sụt giảm giá nhà đất tại Trung Quốc và Hồng Kông chỉ ở mức nhẹ, một phần vì không có nhiều giao dịch được thực hiện. Các chủ bất động sản đang giữ hàng và từ chối bán giá thấp trong thời điểm khó khăn”.

Ngày 16/12, Đặc khu trưởng Hồng Kông Donald Tsang khẳng định sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp khống chế hoạt động đầu cơ, bao gồm đánh thuế đối với những người mua nhà bán nhà sau hai năm. Trong khi đó, ngày 13/12, Hội nghị kinh tế trung ương hàng năm ở Trung Quốc cũng ra tuyên bố sẽ kiên quyết duy trì các chính sách kìm giá bất động sản bao gồm hạn chế số lượng nhà được sở hữu, áp dụng thuế bất động sản ở một số thành phố và tăng cường xây dựng nhà ở giá thấp.

(Theo Wall Street Journal, Xinhua)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo