Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Tin tức Thế giới Hội nghị biến đổi khí hậu COP-16 có nguy cơ phá sản

Hội nghị biến đổi khí hậu COP-16 có nguy cơ phá sản

Viết email In

Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 16 (COP-16) ở Cancun, Mexico đang có nguy cơ rơi vào bế tắc khi xuất hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước giàu và các nước nghèo về việc gia hạn mức cắt giảm khí thải trong tương lai của nghị định thư Kyoto.

Ngày 4/12, Liên Hiệp Quốc đã có những tổng kết sơ bộ về diễn tiến hội nghị. AFP dẫn lời trưởng đoàn đàm phán Mỹ Todd Stern khẳng định “có những bất đồng sâu sắc” về nghị định thư Kyoto - văn kiện quy định mức cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, dự kiến hết hiệu lực vào năm 2012. “Sẽ sai lầm nếu để vấn đề giai đoạn hai của nghị định thư Kyoto gây ảnh hưởng tới những vấn đề khác của hội nghị, bao gồm sự hợp tác dài hạn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu” - ông Todd Stern nói.

Các nước đang phát triển, nhóm các quốc gia Mỹ Latin gồm Venezuela, Bolivia, Nicaragua, Ecuador, các nước châu Phi và Trung Quốc cảnh báo nếu các nước giàu không cam kết rõ ràng về mức cắt giảm khí thải thì hội nghị COP-16 sẽ thất bại. Nhóm các quốc gia trên kêu gọi các nước giàu hãy tránh vết xe đổ bế tắc của hội nghị COP-15 ở Copenhagen. Trong khi đó, nhóm các quốc gia phát triển bày tỏ lập trường ngược lại. AFP cho biết Nhật Bản, Nga và Canada đã không đồng tình việc ký gia hạn các tiêu chuẩn cắt giảm khí thải của nghị định thư Kyoto trong giai đoạn hai.

Reuters cho biết ngày 29/11, Nhật Bản đã thẳng thừng từ chối ký gia hạn những chỉ tiêu trên. Phía Nhật cho rằng họ không hứng thú tiếp tục với việc gia hạn nếu các chỉ tiêu cắt giảm trong nghị định thư chỉ áp dụng đối với các nước giàu mà lượng khí thải của các nước này chiếm không tới 30% toàn thế giới.

  • Ảnh bên : Các nhà hoạt động vì môi trường ở Cancun mặc áo có dán hình quốc kỳ các nước, đâm đầu vào cát để biểu thị việc các nước nhắm mắt làm ngơ trước hậu quả của biến đổi khí hậu (Ảnh: Reuters)

Đại diện của Nhật viện dẫn hai nước thải khí thải lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ dường như không bị ảnh hưởng gì từ các quy định của nghị định thư, bởi Trung Quốc là một nước đang phát triển, còn Mỹ là nước có lượng khí thải đứng hàng thứ hai thế giới lại phớt lờ nghị định thư Kyoto năm 2001. Nếu hai nước này không tuân thủ những định mức của nghị định thư Kyoto thì hội nghị Cancun xem như thất bại, phía Nhật khẳng định.

Reuters dẫn lời bà Christiana Figueres, thư ký điều hành công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, cho biết thách thức lớn nhất của hội nghị Cancun là tìm tiếng nói chung để dung hòa hai lập trường nêu trên. Điều này khó có thể đạt được tại Cancun, nhưng cũng không có nghĩa những thỏa thuận được giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển sẽ bị xóa đi.

Theo bà Figueres, khả năng đạt được sự nhất trí về giai đoạn hai nghị định thư Kyoto rất mong manh, tuy nhiên bà tin rằng các nước sẽ đưa ra sáng kiến mới về vấn đề trên. Nếu đạt được thỏa thuận, các nước giàu sẽ phải cam kết rõ ràng mức cắt giảm khí thải nhà kính và sự gia hạn các chỉ tiêu trong nghị định thư sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2013.

Tại hội nghị, các chuyên gia cảnh báo nếu các nước không phối hợp hành động kịp thời để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì thế giới sẽ phải đối mặt với các thảm họa như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng và các loại thiên tai thảm khốc khác đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người. Các chuyên gia ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm thiệt mạng khoảng 1 triệu người mỗi năm, thiệt hại trực tiếp lên đến 157 tỉ USD tính đến năm 2030. Hơn 50 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

(Tuổi Trẻ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo