Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Cuộc vận động sáng tác “Ý tưởng kiến trúc với không gian đô thị”: Sân chơi bổ ích

Cuộc vận động sáng tác “Ý tưởng kiến trúc với không gian đô thị”: Sân chơi bổ ích

Viết email In

Cuộc vận động sáng tác “Ý tưởng kiến trúc với không gian đô thị” là một hoạt động thực hiện chủ trương và sử dụng quỹ hỗ trợ sáng tác về văn học nghệ thuật năm 2010 của Thành uỷ TP.HCM do hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức.

Ngày 15/12/2010, hội đồng đánh giá xếp hạng đã xét từ 22 phương án dự thi để chọn tám phương án vào vòng trong. Đồng thời, các phương án này cũng được góp ý hoàn thiện lại. Ngày 15/1/2011, hội đồng đánh giá xếp hạng đã chọn được năm phương án trao thưởng gồm: hai giải B là “Tìm chút yên tĩnh cho con phố xưa” và “Sự thay thế”; ba giải C là “Trạm xanh”, “Light dance” và “Đại lộ Đông Tây – con đường và những cây cầu”.

KT&ĐS đã trao đổi với KTS Hồ Văn Phúc, đại diện cho nhóm ACSD Group đạt hai giải B và KTS Trương Nam Thuận đạt giải C với phương án “Đại lộ Đông Tây – con đường và những cây cầu”.

KTS Hồ Văn Phúc: Hạnh phúc cho một sinh viên mới ra trường



Nhóm tham gia cuộc thi lần này là các thành viên nòng cốt của ACSD Group. Chúng tôi phần lớn là kiến trúc sư khoá 2005 của trường đại học Kiến trúc TP.HCM. Các thành viên này hiện nay đang công tác ở nhiều đơn vị khác nhau và nhóm cũng đang thực hiện một số công trình công cộng, nhà ở… Ngoài ra, ACSD còn có các bạn sinh viên các khoá sau (chưa ra trường), thường là nerge (người phụ giúp) khi chúng tôi còn đi học. Bên cạnh công việc thường nhật của kiến trúc sư, ACSD rất quan tâm tham gia các cuộc thi khác trong và ngoài ngành kiến trúc. Vì đây là cơ hội tốt để nhóm thể h iện những ý tưởng mới, những sáng tạo của kiến trúc sư trẻ đầy nhiệt huyết mà môi trường công việc hiện tại cũng như trong lúc ngồi trên ghế nhà trường không có được.

Việc các phương án được giải lần này đều rơi vào đại lộ Đông Tây là một sự trùng hợp nhưng không có gì bất ngờ. Chúng tôi quan tâm rất nhiều đến hiện trạng kiến trúc, quy hoạch của thành phố. Trong đó, đại lộ Đông Tây có nhiều vấn đề mà các thành viên băn khoăn từ lâu và nay mới có dịp thể hiện ý tưởng của mình. Bản thân tôi, lần đầu tiên đi dọc tuyến đường này đã rất ngạc nhiên vì con đường quá lớn như vậy nhưng lại được đặt quá gần khu dân cư… Vậy thì những hệ luỵ của nó như vấn đề an toàn giao thông, tiếng ồn, khói bụi nên được giải quyết ra sao đây? Hay trong một dịp may mắn được tham gia vào đề án cải tạo cảnh quan dòng kênh Tẻ và đại lộ Đông Tây, chúng tôi được biết rằng, việc trồng cây lớn dọc đường là không khả thi. Và các thành viên khác cũng có nhiều trăn trở riêng về tuyến đường này. Mặt khác, đây là tuyến đường giao thông quan trọng kéo dài hơn 20km, nối quốc lộ 1A và xa lộ Hà Nội. Việc xây dựng tuyến đường này sẽ giúp hạ nhiệt ùn tắc giao thông nội thị đồng thời cũng mang đến một diện mạo mới cho các khu dân cư với hàng chục ngàn hộ sống lân cận. Do đó, đại lộ có sự ảnh hưởng rất lớn và rất thực tế đến đời sống người dân thành phố mang tên Bác. Chúng tôi cho rằng, những vấn đề liên quan đến đại lộ cần được chú tâm giải quyết và đây là một dịp may cho nhóm ACSD.

Thực sự, ACSD quan tâm rất nhiều vấn đề liên quan đến khu vực đại lộ Đông Tây và cả trên phạm vi thành phố. Chúng tôi cũng đã triển khai khá nhiều ý tưởng liên quan đến đại lộ và những nơi khác trong thành phố. Chúng tôi hy vọng những ý kiến của mình được các cấp lãnh đạo quan tâm nhằm mang lại những không gian sống tốt hơn, thân thiện với thiên nhiên hơn, nhân bản hơn cho người dân trong khu vực, cho thành phố dưới góc nhìn của người dân sở tại hay các quan khách khắp nơi đến thăm TP.HCM dù chỉ một lần.



Do đó, hai đề xuất đạt giải B chỉ là một phần được đầu tư khá tốt trong các ý tưởng mà nhóm đưa ra mà thôi. Nhóm đã nhiều lần họp để phát triển các ý tưởng và chọn ra một số ý tưởng có sức hấp dẫn, sáng tạo và khả thi cao để phát triển. Những ý tưởng khác vẫn còn trong thời gian ấp ủ nên vẫn chưa đủ “chín” để tham gia lần này. Đành hẹn kỳ sau.

Cá nhân tôi hiểu rằng việc thực hiện một dự án phải trải qua nhiều thủ tục để đảm bảo tính hiện thực của nó. Chúng tôi sẵn sàng chờ đợi để những đứa con tinh thần của mình có cơ hội đóng góp cho cộng đồng. Nếu được phép, xin các cấp lãnh đạo thành phố tạo điều kiện để những đồ án dự thi được sớm đi vào thực tế, tạo ra lợi ích cho người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng mong các cơ quan truyền thông quan tâm thường xuyên và liên tục để ý tưởng này đến với cộng đồng dân cư càng sớm càng tốt, giúp người dân hiểu, đồng cảm với những ý tưởng khoa học hữu ích, gần gũi với thiên nhiên, để từ đó đồ án này nhanh đi vào thực tế. Ngược lại, chúng tôi cũng rất vui mừng khi nhận được đóng góp của đồng nghiệp, của cộng đồng về những ý tưởng đã nêu để chúng tôi tiếp thu, hoàn chỉnh những khiếm khuyết có thể có của đồ án. Những đóng góp này sẽ vô cùng quý giá đối với chúng tôi, để chúng tôi tự tin hơn trong công việc. 

Bản thân tôi là sinh viên mới ra trường với hành trang là những kiến thức vừa tiếp thu được từ nhà trường, với lòng nhiệt tình mong muốn sớm được đóng góp cho cộng đồng những công trình hữu ích... Tuy nhiên, với vị trí và kinh nghiệm của một tân kiến trúc sư thì cơ hội được đóng góp là rất hạn chế. Khi biết được hội Kiến trúc sư thành phố mở ra một sân chơi cho những kiến trúc sư trẻ với chủ trương kết nối chúng tôi với những cơ hội mong ước… đã mở ra một hy vọng rõ ràng cho chúng tôi. Tại đây, những ý tưởng của các kiến trúc sư trẻ được các thế hệ đi trước xem xét một cách tận tình, đã đánh giá, hỗ trợ phát triển để tăng tính thực tế cho đồ án. Qua một cuộc thi, tôi thấy mình có cơ hội tiếp thu kiến thức, tiệm cận với hiện thực hơn, giúp tôi chín hơn trong những đồ án sắp tới. Đó là hạnh phúc đối với một sinh viên mới ra trường!

KTS Trương Nam Thuận: Mong có nhiều sân chơi cho các kiến trúc sư trẻ

Tôi sinh năm 1983, sinh sống tại Phú Nhuận và tốt nghiệp đại học Kiến trúc năm 2006. Trong thời gian học đại học, tôi tích cực tham gia các cuộc thi, tìm cách tham gia các chương trình huấn luyện, giao lưu, tham quan… nên đã có cơ hội đi một số thành phố lớn ở nước ngoài. Đi và so sánh mới thấy cái hạn chế rất rõ của thành phố ta là thiếu không gian sinh hoạt công cộng. Người dân hầu như phải thưởng thức các chương trình lễ tết trong những điều kiện không gian có nhiều bất cập. Chẳng hạn như, hiện nay TP.HCM chỉ có một không gian gần như duy nhất là ngăn đường Nguyễn Huệ để làm đường hoa, biến thành không gian vui chơi trong thời gian vài ngày. Tôi nhớ đêm giao thừa, hai vợ chồng tôi phải cực nhọc tìm nơi gửi xe máy rồi chen chúc nhau mà không tìm được một chỗ đứng ngắm pháo hoa. Rất nhiều người xung quanh tôi cũng chen chúc như vậy trong thời khắc thiêng liêng đón năm mới!

Với đại lộ Đông Tây, cầu Khánh Hội không chỉ là kết nối giao thông quận 1 và quận 4 mà còn giữ vị trí quan trọng trong việc thiết lập hình ảnh của đại lộ, là vị trí giao cắt giữa đại lộ với sông Sài Gòn ngay ở khúc uốn quanh rất đẹp. Theo tôi, đây là nơi có góc nhìn ra sông đẹp nhất hiện tại ở thành phố này. Xung quanh cầu là nhiều công trình điểm nhấn có giá trị biểu tượng. Vì vậy, đây là nơi thích hợp cho không gian sinh hoạt văn hoá vào dịp lễ hội.

Từ đó, tôi đưa ra phương án tạo quảng trường kết hợp vỉa hè đi bộ tạo cho khu vực cầu Khánh Hội thành nơi sinh hoạt cộng đồng dịp tết, đặc biệt là vào lúc xem bắn pháo hoa đêm giao thừa. Giải pháp là tạo một hành lang cho khách bộ hành kết nối hiệu quả từ công viên bờ sông Sài Gòn cho đến bến Nhà Rồng và quảng trường gần bờ sông, tránh giao cắt với giao thông cơ giới. Tôi rất vui vì phương án đề xuất được đóng góp của các kiến trúc sư đàn anh và tôi cũng hiểu, từ ý tưởng đến thực tế còn rất nhiều điều phải chứng minh, xử lý.

Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi, các cuộc thi như vậy ở nước ngoài là rất thường xuyên. Ở nhiều thanh phố lớn trên thế giới, việc quy hoạch và kiến trúc đã có thể gọi là ổn định, người ta vẫn tổ chức những sân chơi như vậy để giúp kiến trúc sư nhìn ra những vấn đề về kiến trúc, về quy hoạch. Tôi mong ở TP.HCM ngày càng có nhiều sân chơi bổ ích như vậy cho các kiến trúc sư.

Hưng Long (lược ghi)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo