Đề án nhánh Định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP.HCM thuộc Đề án Đầu tư xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc thành phố, vừa được Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM báo cáo tại hội thảo về định hướng phát triển hạ tầng đô thị TP.HCM vừa qua...
TP.HCM được quy hoạch phát triển là thành phố đa trung tâm, với các trung tâm vành đai là các huyện ngoại thành.
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, các huyện ngoại thành TP.HCM (Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) đứng trước nhiều lựa chọn về mô hình phát triển để đáp ứng nhu cầu ngày phức tạp của một vùng đô thị lớn, tăng trưởng nhanh với nhiều trung tâm và hành lang phát triển mới.
Trong đó, Bình Chánh và Cần Giờ là các huyện được đặc biệt quan tâm.
Huyện Bình Chánh
Đây là địa phương đang phát triển nhanh chóng ở phía tây nam TP.HCM, có vị trí địa lý đặc biệt, tiềm năng phát triển, diện tích rộng và nền kinh tế đa dạng đã trở thành một trong những địa điểm thu hút sự quan tâm của dân cư cũng như các nhà đầu tư.
Huyện Bình Chánh có diện tích tự nhiên là 25.255,28 ha, trong đó chiếm 58,1% là đất nông nghiệp, chiếm 12% tổng diện tích của TP.HCM. Nhưng Bình Chánh chỉ đóng góp 1,9% vào GDP của Thành phố; điều này cho thấy cần có quy hoạch mới để tận dụng tiềm năng phát triển của huyện.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, TS. Nguyễn Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, trong giai đoạn 2010 - 2020, huyện Bình Chánh đã chứng kiến sự dịch chuyển cấu trúc kinh tế, dân cư, xã hội, xây dựng và chuyển đổi đất đai.
Nhóm nghiên cứu nói trên cũng phân tích về xu hướng dịch chuyển cấu trúc kinh tế - dân cư - xã hội - xây dựng. Cụ thể, trên địa bàn huyện Bình Chánh, khu vực dịch vụ mặc dù chiếm tỷ trọng thấp nhưng tăng trưởng nhanh và liên quan mật thiết đến quá trình đô thị hóa. Từ đó dẫn đến tăng nhanh quy mô dân số, xuất hiện nhiều khu đô thị mới và hoạt động thương mại phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Hiện trạng mặt phủ và mật độ xây dựng huyện Bình Chánh. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Giao thông kết nối là thế mạnh của Bình Chánh. Hiện tại, kết nối ngoại vi, hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng với các tuyến huyết mạch như quốc lộ 1, tỉnh lộ 10, quốc lộ 50, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận. Trong tương lai là các tuyến metro 3A, tuyến buýt nhanh BRT, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ tạo nên một tuyến giao thông công cộng liên hoàn.
Với mục tiêu trở thành một đầu mối kết nối trung tâm TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, huyện Bình Chánh đang tập trung vào việc phát triển hạ tầng giao thông, cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng, và xây dựng một môi trường sống bền vững.
Trong đó, phân kỳ phát triển, trước 2030:
- Cải thiện mạng lưới giao thông nội huyện theo mô hình đô thị đa trung tâm kết nối các khu chức năng đầu tư tập trung về y tế, logistics, làng đại học, và công nghiệp với các trung tâm dịch vụ và khu dân cư, kết nối với trục xuyên tâm kết nối nhanh vào TP.HCM.
- Định hướng và đầu tư các hạng mục bảo vệ hạ tầng xanh, khả năng thấm trữ, giúp duy trì mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp dịch vụ - giải trí.
- Định hướng và chọn lựa các dự án phát triển gắn với tăng mật độ dân số tốc độ chậm và trung bình theo hướng cải tạo tại chỗ mô hình nông thị ven đô, bảo vệ chức năng hạ tầng xanh tại các khu vực trũng thấp và có rủi ro cao về ngập lụt và ô nhiễm, kết hợp mục tiêu tăng trưởng và bảo vệ môi trường nước, giảm thiểu tác hại sụt lún và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn.
Mối quan hệ giữa huyện Bình Chánh trong liên kết vùng TP.HCM và các tỉnh lân cận. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Sau 2030:
- Đầu tư các trung tâm dịch vụ gắn với khu đô thị đại học, y tế chất lượng cao, logistics và đô thị dịch vụ nông nghiệp và công viên giải trí tập trung; xây dựng Khu công nghệ cao tại xã Phạm Văn Hai và liên kết đào tạo nhân lực.
- Đầu tư các khu vực nhà ở xã hội và lưu trú công nhân có tiện ích và một số hạ tầng xã hội đồng bộ.
- Đầu tư hạng mục để hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn cho các khu công nghiệp hiện có (Lê Minh Xuân, Phong Phú, Vĩnh Lộc).
Huyện Cần Giờ
Cần Giờ là huyện ven biển duy nhất của TP.HCM, nằm về phía đông nam và cách trung tâm Thành phố khoảng 50 km theo đừng chim bay, nằm giữa hai cửa sông chính là sông Lòng Tàu và sông Soài Rạp.
Cần Giờ có diện tích tự nhiên là 704,4533km2, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của TP.HCM. Diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ trên 33.000 ha, chiếm trên 45% diện tích tự nhiên của huyện, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tính đến tháng 12/2021, toàn huyện có 19.319 hộ dân với 76.485 nhân khẩu, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều. Ngoài ra, Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Thành phố về kinh tế, quốc phòng, là cửa ngõ ra Biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển và các loại hình dịch vụ.
Theo KTS. Bùi Đức Tú và nhóm nghiên cứu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, từ năm 2015 đến cuối năm 2021, cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng giá trị sản xuất ngành dịch vụ và ngành công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Trong đó, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng 18,4% (năm 2015 chiếm 11,3%) và dịch vụ 43,6% (năm 2015 chiếm 32,6%) tăng 18,1% so với tỷ trọng năm 2015.
Cũng theo nhóm nghiên cứu của KTS. Bùi Đức Tú, chủ trương quy hoạch, phát triển huyện Cần Giờ với định hướng trở thành khu đô thị biển, du lịch sinh thái nghỉ ngơi và giải trí đã được lựa chọn từ phương án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 huyện Cần Giờ theo Thông báo số 519/TB-VP ngày 23/8/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Đồng thời, Cần Giờ còn phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa với 40 tuyến và 32 bến. Trong đó, 12 bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, bốn bến khách ngang sông, hai bến thủy nội địa vận chuyển hàng hóa và 14 bến thủy nội địa bốc dỡ vật liệu xây dựng.
Bản đồ hiện trạng mặt phủ và mật độ xây dựng huyện Cần Giờ. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu, sử dụng giải đoán ảnh vệ tinh)
Trong đó, phân kỳ phát triển, trước 2030:
- Cần Giờ cần phân loại và làm rõ đặc điểm các dự án đầu tư kèm cơ hội khai thác giá trị gia tăng từ đất theo dự án đó; đồng thời ưu tiên khai thác quỹ đất với chi phí thấp, do nguồn lực địa phương và khả năng thu hút đầu tư luôn thấp hơn nhu cầu phát triển hạ tầng.
- Định hướng huyện Cần Giờ phát triển theo mô hình đô thị cảng – du lịch - dịch vụ cao cấp tại khu đô thị phía nam sẽ tập trung giải quyết các vấn đề về nâng cấp, chỉnh trang mạng lưới giao thông kết nối nội huyện.
- Các hệ thống hạ tầng khác cũng cần được củng cố và phát triển theo tiêu chuẩn đô thị loại II hướng đến tiêu chuẩn đô thị loại I để khai thác hệ sinh thái việc làm và dịch vụ tại chỗ cho các đối tượng cho thu nhập trung bình và thấp.
Sau 2030: Tận dụng điều kiện hệ sinh thái đặc biệt để chuyển đổi cấu trúc kinh tế theo hướng giữ được các khu vực cảnh quan gắn với hệ sinh thái nông nghiệp quy mô nhỏ và trung bình.
Việc nâng cao số lượng dân cư và mật độ dân cư, hệ thống hạ tầng giữ cần được phát triển sao cho các giá trị sinh thái cảnh quan nông nghiệp được bảo tồn. Nghĩa là, khi kết hợp nông nghiệp giải trí và sinh thái, định cư nông thôn, phát triển các ngành dịch vụ như du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch di sản,… gắn với hệ sinh thái nông nghiệp dịch vụ chuyển sang giá trị gia tăng cao.
Đề án định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành là một trong năm đề án nhánh thuộc Chương trình đột phá về đổi mới quản lý TP.HCM trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2015. |
Anh Khuê
(VnEconomy)
- Đa dạng hóa mục tiêu khai thác quỹ đất khi triển khai mô hình TOD
- Quy hoạch và mô hình phát triển đô thị vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi tự nhiên
- Mô hình "rừng trong thành phố" liệu có khả thi?
- “Không gian rừng trong trung tâm”: Cơ hội phát triển đô thị Hà Nội bản sắc - bền vững
- Một số suy nghĩ về quản lý và sử dụng hè phố tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ
- Tản mạn từ hồn đô thị đến các thành phố biển ở Việt Nam
- Đồng Nai: Quy hoạch là chìa khóa quyết định của sự phát triển bền vững
- Phát triển bền vững quá trình đô thị hóa
- Quy hoạch các tỉnh: Nhiều địa phương muốn trở thành trung tâm, “hạt nhân” của vùng, quốc gia
- Phát triển đô thị biển bền vững