Ashui.com

Thursday
Sep 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Các mô hình quy hoạch đô thị: “Đơn vị ở”

Các mô hình quy hoạch đô thị: “Đơn vị ở”

Viết email In

“Đơn vị ở” có một lịch sử lâu dài. Ngay từ trước Công Nguyên, triết gia Aristotle đã nhận định rằng mỗi thành-bang (polis) nên có số thành viên giới hạn (4000 người) để tiếng nói của mỗi cá nhân được lắng nghe bởi cả cộng đồng. Trong sơ đồ mô tả “Thành phố vườn” vào năm 1898, Ebenezer Howard cũng chia một thành phố thành những “phường” với dân số 5000 người và các dịch vụ công cộng cơ bản. Ý tưởng của Howard, dù còn ở dạng phôi thai, chính là sự khởi đầu của một quan niệm hiện xã hội đầy tính thực tế: một số dịch vụ xã hội căn bản, như trường học chẳng hạn, cần phải được cung cấp trong phạm vi đi bộ từ mọi căn nhà trong mỗi cộng đồng.


Bản vẽ minh họa mô hình “đơn vị ở” của Clarence Perry. Nguồn: Hall, P (1992)

Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại Hoa Kỳ, ý tưởng của Howard được phát triển xa hơn trong quá trình chuẩn bị cho bản quy hoạch Vùng New York vào những năm 1920. Một trong những người tham gia vào dự án, nhà quy hoạch Clarence Perry phát triển ý tưởng về “đơn vị ở”. Ông thực hiện một nghiên cứu xã hội học nhằm xác định các yếu tố quyết định thành công cho sự phát triển của các khu dân cư trong một thành phố. Vào thời bấy giờ, những nỗ lực của xã hội nhằm cải thiện chất lượng sống trong các thành phố công nghiệp không chỉ bao gồm việc xây dựng nhà ở cho người lao động nghèo mà có cả những cuộc đấu tranh của tầng lớp trung lưu nhằm đưa các dịch vụ công cộng về phạm vi các khu dân cư nơi họ sinh sống. Xa hơn nữa, Clarence Perry nhận thấy tầm quan trọng của việc chữa trị căn bệnh lãnh cảm của cư dân các thành phố lớn khi mà cuộc sống đô thị làm mỗi cá nhân trở nên vô danh (anonymity) và quan hệ cộng đồng nhạt nhẽo. Ông đề xuất 6 nguyên lý thiết kế nhằm tạo ra những khu dân cư an toàn, có ranh giới và đặc trưng rõ rệt, khuyến khích sự giao tiếp giữa các cư dân và tương tác giữa cư dân và địa danh nơi họ sinh sống:

   1. Quy mô dân số của một “đơn vị ở” phải đảm bảo tối thiểu cho một trường tiêu học hoạt động;
   2. Thương mại được phát triển tại rìa của cộng đồng, nơi giáp ranh với các khu dân cư kế cận và đường giao thông đối ngoại;
   3. Công viên và các không gian nghỉ dưỡng, thể dục – thể thao ngoài trời cần được bố trí;
   4. Ranh giới của cộng đồng được xác lập rõ ràng bằng đường giao thông đối ngoại bao bọc;
   5. Công trình công cộng như trường học, nhà trẻ cần được tập trung xung quanh một khu vực trung tâm của cộng đồng;
   6. Đường giao thông nội bộ cần được thiết kế tỉ lệ thuận với lưu lượng dự đoán và không khuyến khích giao thông xuyên cắt từ bên ngoài.


Các phiên bản của mô hình "đơn vị ở" được áp dụng tràn lan tại các thành phố Bắc Mỹ.

Là một trong số các mô hình thiết kế cộng đồng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, đặc biệt là tại Bắc Mĩ, “đơn vị ở” được đề xuất như là một công cụ xã hội đầy tinh tế nhằm giúp cho con người xác định được bản sắc và đặc trưng cá nhân trong mối liên hệ với cộng đồng và địa danh nơi họ sinh sống. Tuy nhiên, chính những ý tưởng xã hội của mô hình tạo ra thách thức cho bản thân nó. Các nghiên cứu cho thấy “đơn vị ở” thực tế không giúp gia tăng giao tiếp trong cộng đồng. Thêm nữa, do vị trí công trình công cộng đặt tại trung tâm và được thiết kế cho mô hình gia đình lý tưởng nên chỉ sau một thế hệ, khi mà trẻ em lớn lên thì những công trình này trở nên trống vắng và hoangg phí. Nhấn mạnh vào xây dựng tính cộng đồng nội tại, tách biệt với bên ngoài để kiểm soát giao thông, tách biệt các loại hình sử dụng đất, hạ tầng xã hội được thiết kế nhằm phục vụ một quy mô dân số và hình mẫu gia đình nhất định, mô hình không thể đáp ứng những biến đổi của xã hội luôn diễn ra không ngừng nghỉ đang trở thành một thách thức lớn cho việc tái thiết các thành phố tại Bắc Mỹ.

Tài liệu tham khảo:

  • Davis, W. & Herbert, D. (1993). Communities within Cities: an Urban Social Geography. London: Belhaven Press;
  • Hall, P. (1992). Urban & Regional Planning (3rd). New York, NY: Routledge.

Nguyễn Đỗ Dũng

>> Các mô hình quy hoạch đô thị: “Polis” 

>> Các mô hình quy hoạch đô thị: “Thành phố Vườn” 

>> Các mô hình quy hoạch đô thị: “Đơn vị ở” và phiên bản Redburn 

 

Lời bình  

 
+4 # Lực 14/02/2011 01:13
Rất cần để ý: ..."do vị trí công trình công cộng đặt tại trung tâm và được thiết kế cho mô hình gia đình lý tưởng nên chỉ sau một thế hệ khi mà trẻ em lớn lên thì những công trình này trở nên trống vắng và hoangg phí"...
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo