Siêu đô thị thế giới đang gia tăng số dân quy định theo quy hoạch (hơn 10 triệu dân/1 đơn vị đô thị) với thách thức về ô nhiễm môi trường; hạ tầng kỹ thuật quá tải, hạ tầng xã hội không theo kịp; khoảng cách giàu nghèo với tỉ lệ tội phạm gia tăng; cảnh quan đô thị, hình thái kiến trúc na ná nhàm chán... Bản sắc riêng tư bị xóa nhòa khi trào lưu toàn cầu hóa xâm nhập vào kiến trúc đô thị mỗi nước. Đặc trưng địa hình địa vật vốn được chú trọng trong các thành phố vừa và nhỏ nay đang bị các siêu đô thị lấn át, san phẳng từ núi đồi, sông ngòi, kênh rạch cho đến khí chất tinh thần, tín ngưỡng...
Trong làn sóng phát triển chung, đô thị mới nhiều nhưng đô thị đáng sống, có bản sắc riêng ngày càng ít đi; nhiều đô thị trên thế giới đang bị tầm thường hóa bởi quy hoạch nặng về tiền bạc, nặng về bất động sản mà bỏ quên các yếu tố tinh thần như di sản, cây xanh, đất quảng trường, đất thể dục thể thao, giáo dục và tín ngưỡng...
Xã hội loài người đã đi qua và đề ra hàng loạt định nghĩa, quy định về phát triển đô thị; từ thôn ấp làng xã đến cách mạng công nghiệp 1.0 thế kỷ 17-21 với đô thị công nghiệp, đô thị dịch vụ, thành phố thông minh, thành phố sinh thái, thành phố vườn, thành phố công nghệ cao. Và đi đến quy hoạch với những khái niệm quy hoạch nén, quy hoạch vùng, quy hoạch đa trung tâm; quy hoạch thành phố đối trọng, thành phố lan tỏa, thành phố vệ tinh… Dân số ngày một tăng, trong đó đô thị chiếm 15% (trên tổng dân số) từ đầu thế kỷ 20 đến nay đã tăng lên hơn 50% (trên tổng dân số - World Bank công bố). Từ quy hoạch đô thị vừa và nhỏ chỉ hơn 300.000 dân; sau tăng dần lên 1 triệu, 10 triệu và có những siêu đô thị 30-40 triệu dân sống trong nhà cao tầng chen chúc, phố ngoằn nghoèo, hẻm lớn hẻm nhỏ chằng chịt trong môi trường không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vệ sinh môi trường (nước thải, bụi, tiếng ồn)…
Khái niệm đô thị bền vững (suitainable cities) có xuất phát điểm từ thành phố vườn (garden city) có từ năm 1898 do ông Ebenezer Howard (Anh) khởi xướng với ý tưởng đô thị hoá trong vành đai xanh; cung cấp lương thực cho các khu công nghiệp, vùng nông nghiệp với tỷ lệ phù hợp; kết nối với nông thôn thông qua vành đai xanh… Đô thị bền vững được hiểu là vùng đô thị có khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của các thế hệ tương lai với 3 trụ cột gồm xã hội, kinh tế và môi trường với hệ thống quản lý cân bằng 3 trụ cột trên.
Và gần đây, làm thế nào xây dựng được đô thị bền vững chống chọi được dịch bệnh, virus phát tán trong không khí ở những môi trường chen chúc lộn xộn, ken đặc nhà cao tầng? Thế kỷ 20 có các sự kiện đột biến toàn thế giới, những sự kiện hiếm hoi tác động khắc nghiệt đến nhân loại - tác giả người Mỹ gốc Lebanon, Nasssim Nicholas Taleb gọi đây là hiện tượng “thiên nga đen”. Những cơn bão, lũ lụt, nước biển dâng, động đất, dịch bệnh lan tràn khiến điều kiện xã hội và sinh thái trong đô thị ngày càng phức tạp và ngày càng khó giải quyết. “Thiên nga đen” luôn đe dọa sức khoẻ, sự an toàn và sự tồn tại của loài người. Tương lai nhân loại nằm ở các thành phố bền vững.
Thành phố bền vững, sinh thái đang hướng đến sự phát triển dự án đường phố thông minh với giải pháp tiết kiệm năng lượng. Trong các tòa nhà, tuyến phố, thành phố bền vững khuyến khích đi lại bằng xe đạp, thuyền chèo, nói không với nhiên liệu hóa thạch. Dự án phát triển đô thị bền vững luôn gắn với sự phát triển các khu công nghiệp , khu kinh tế, công trình công cộng, chiến lược vườn trong phố, vườn tường vườn mái kết hợp nhà ở với kênh rạch sông ngòi… Đô thị bền vững thế kỷ 21 cần tính đến chuyện bảo vệ con người trước dịch bệnh, trước nạn virus lây lan qua đường tiếp xúc. Các công trình chung cư, cao ốc văn phòng, tàu điện ngầm… hiện nay đều thật sự cần phải xem lại, bởi những công trình này gắn liền với quan niệm quy hoạch thế kỷ 20 không còn phù hợp, đôi khi chúng đối chọi với thiên nhiên và đang bị thiên nhiên tạo phản ứng ngược.
Thành phố bền vững cần có bản sắc riêng để tạo ra sự khác biệt trong thời đại toàn cầu hóa. Hồn đô thị chính là giá trị của người sử dụng cảm nhận được, khi cộng đồng chạm tới một cảm xúc, một ý nghĩa nào đó. Có người nói: “Đời sống tinh thần phong phú và vẻ đẹp của mỗi vùng đất sẽ tạo nên sự gắn bó bằng tình yêu trái tim và sự bao dung”. Thành phố tạo nên những con người, con người với nhân cách và tâm hồn sẽ tạo dựng lại thành phố đó. Thành phố tạo ra bản sắc: phóng khoáng, trầm tư, nhộn nhịp, phát triển nhân bản… sẽ thu hút mọi người đến, đem lại sự thịnh vượng và tạo ra cốt cách thành phố. Đó là cốt cách tạo ra hồn đô thị với chiều sâu nhân cách sẽ còn mãi với thời gian. Một đô thị bền vững cần hàng trăm năm để có một thực thể đúng nghĩa cơ sở hạ tầng và tinh thần cốt cách. Nhưng nó sẽ bị mai một dần đi, bị mất dần bản sắc đi, nếu một ngày nào đó, vì các loại “phát triển nóng” mà đốn hạ những hàng cây trăm tuổi, phá những ngôi nhà cổ để làm trung tâm thương mại… nói chung là những di sản đã tồn tại hàng thế kỷ.
Việt Nam có một nền văn minh lúa nước lâu đời, trọng “tam nông” thời gian dài nên lịch sử của dân tộc không phải là lịch sử chinh phục đại dương, không có những đội thương thuyền lớn, không có những nhà thám hiểm đại dương mênh mông. Tổ tiên người Việt mở cõi về phương Nam trên đường thuỷ, giỏi thủy chiến trên sông nhưng không thấy những trận hải chiến trên biển. Có lẽ vì vậy mà ngày xưa, dọc bờ biển Việt Nam hơn ba ngàn cây số, thành và thị chỉ có vài đô thị cảng tự phát, chưa kết nối được cả một chuỗi đô thị biển có chiều dày về sự đa dạng đa năng. Thời nhà Nguyễn có pháo đài Diên Khánh (1793) gần cửa biển Nha Trang, pháo đài Điện Hải (Đà Nẵng 1813), pháo đài Hà Tiên (1831), pháo đài Phước Thắng (Vũng Tàu 1788)… những thành này đều hướng biển, nhưng chưa hình thành nên phố thị đã lụi tàn và rơi dần vào quên lãng.
Thời cận đại, những thành phố ven sông ven biển bắt đầu được chăm chút xây dựng như Cần Thơ bên sông Hậu, Sài Gòn bên sông Sài Gòn, Huế bên sông Hương, Đà Nẵng bên sông Hàn, Hà Nội bên sông Hồng, Thanh Hóa bên sông Mã… Tuyến đường ven biển liền mạch dọc đất nước đã được triển khai thời gian gần đây đang thúc đẩy hàng loạt đô thị ven biển phát triển, hình thành nên thành thị mặt tiền của đất nước. Dòng chảy của kinh tế biển sẽ kết thành một chuỗi hỗ trợ đô thị biển, làng nghề, công viên biển, du lịch… Theo đó là sự phát triển một loạt cảng biển: Hội An, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Khánh Hòa… Phát huy thế mạnh từ những nền tảng đã được xây dựng này, hiện nhà nước đã đề ra chiến lược “kinh tế biển xanh” đến năm 2045 nhằm trở thành quốc gia biển phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.
Các thành phố biển trên thế giới hấp dẫn khách muôn phương thường nhờ vào vị trí chiến lược; công cuộc phát triển thành phố thường bắt đầu từ một làng chài nhỏ bé, một thị cảng lịch sử hay vài điểm đến du lịch. Đặc biệt là con đường giao thương trên biển dẫn đến sự ra đời các cảng biển. Cảng không chỉ gói gọn trong việc quản lý luồng hàng, thu hút tàu lớn mà cần dịch vụ hỗ trợ đa dạng với chất lượng tốt. Kết hợp cảng cửa ngõ và công nghiệp sau cảng sẽ hình thành các siêu đô thị phát triển đồng bộ, đương nhiên sẽ kéo theo các ngành công nghiệp khác phát triển. Mỗi đô thị có đặc thù khác nhau, quy hoạch khác nhau và đích đến khác nhau. Đô thị biển dành cho cảng phải ưu tiên bờ và mặt biển cho tàu bè, cầu cảng… Với các đô thị ven biển, tài nguyên lớn nhất là mặt biển, đường bờ biển, công viên bờ biển… Quy hoạch đô thị ven biển phải bảo vệ, giữ gìn các không gian này.
Thực tế, phát triển đô thị biển hiện nay ở Việt Nam hầu hết đều dựa vào quỹ đất như các đô thị trên đất liền, thiếu sót nhận diện quy mô kinh tế biển, nên nhớ giá trị cốt lõi của đô thị biển còn bao hàm cả “đô thị đảo”. Suy rộng ra, Việt Nam chỉ mới “đang đứng ở ven biển”, chứ chưa phải là “quốc gia biển” khi chưa hoàn thành được chuỗi đô thị hàng hải để tiến ra biển lớn. Sự hoang sơ của biển vẫn chưa đánh giá hết chân giá trị “biển bạc”, chỉ là “đất vàng”. Với chính sách và quy hoạch lấn biển bằng mọi giá để có quỹ đất “mặt tiền biển” như hiện nay, giá trị thực chất của biển bị xem nhẹ, giá trị kinh tế đô thị biển đâu chỉ là đất “mặt tiền biển”! Quy hoạch đô thị biển theo “tư duy đồng bằng miền núi” chưa chính danh trong luật, chưa được công nhận tính chuyên ngành (đô thị công nghiệp, đô thị du lịch), tính chuyên biệt (đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sáng tạo), đô thị có danh hiệu (đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc, đô thị hòa bình)… Việt Nam phân chia đô thị cào bằng theo hạng (đặc biệt và từ hạng 1 xuống hạng 5); chỉ dựa vào dân số, kinh tế, mật độ các kiểu; không có quy chuẩn hay khái niệm rõ ràng về các loại đô thị với tính chất khác nhau, nhất là đô thị biển. Từ đó dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền đất ven biển đảo tràn lan theo kiểu đồng bằng, bóp chết giá trị thành phố ven biển. Ở Pháp, “bờ biển luôn là không gian chính trị nổi bật, không thể trở thành sở hữu tư nhân dưới tác động của thị trường hay kẻ chiếm hữu đầu tiên”. Nhờ vậy, Pháp đã bảo vệ thành công 170.000 ha hệ sinh thái đới bờ và xây dựng 4.600km đường ven biển, sông, hồ…
Theo Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu. Việt Nam có 76 thành phố lớn nhỏ, trong đó nhiều thành phố ven biển với 60% dân số, đóng góp hơn 70% GDP. Trong số các tỉnh thành ven biển, Khánh Hòa là tỉnh đầy tiềm năng hướng biển với quy mô tầm cỡ. Đường ven biển Khánh Hoà xuyên suốt hình thành mặt tiền biển với tổ hợp kinh tế, xã hội, quốc phòng. Phát triển chuỗi đô thị ven biển của Khánh Hòa là hoạt động nổi bật với thiên thời địa lợi nhân hoà. Hoạt động này đã dựa vào khung Hiệp định thành phố môi trường của Liên hiệp quốc năm 2005 với 7 chương trình hành động gồm: năng lượng (tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu); giám sát chất thải; thiết kế thành phố với công trình xanh, quy hoạch đô thị xanh, giải quyết nhà ổ chuột; thiên nhiên của thành phố với công viên, vườn hoa; phục hồi nơi sinh cư động vật hoang dã; giao thông công cộng, năng lượng sạch, giảm tắc nghẽn; nước với bảo tồn nguồn nước, giảm thiểu chất thải. Đây được xem như một quy hoạch tổng thể với tích hợp kinh tế, xã hội, văn hoá… của tỉnh Khánh Hòa. Từ đó sẽ giải được bài toán chung cho các thành phố ven biển ở Việt Nam có thiết kế đô thị hợp lý, tạo điều kiện cho người dân sở tại được thưởng ngoạn biển và đất biển. Mong sao Khánh Hòa đi trước sẽ thành công để có được thành phố hàng hải đúng nghĩa song song với thành phố du lịch Nha Trang đã rất hoành tráng hiện nay!
KTS Nguyễn Ngọc Dũng (bài & tranh minh họa)
(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 188)
- Quy hoạch và mô hình phát triển đô thị vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi tự nhiên
- Mô hình "rừng trong thành phố" liệu có khả thi?
- “Không gian rừng trong trung tâm”: Cơ hội phát triển đô thị Hà Nội bản sắc - bền vững
- Một số suy nghĩ về quản lý và sử dụng hè phố tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ
- Định hướng phát triển hạ tầng các huyện ngoại thành TP.HCM: Đặc biệt quan tâm tới Bình Chánh và Cần Giờ
- Đồng Nai: Quy hoạch là chìa khóa quyết định của sự phát triển bền vững
- Phát triển bền vững quá trình đô thị hóa
- Quy hoạch các tỉnh: Nhiều địa phương muốn trở thành trung tâm, “hạt nhân” của vùng, quốc gia
- Phát triển đô thị biển bền vững
- Thiếu mảng xanh trầm trọng, TP.HCM tăng cường các dự án công viên và cây xanh công cộng