Tiến độ quy hoạch của tỉnh Đồng Nai đang chậm nhưng không được vội vàng mà cần chú trọng vào chất lượng; không thể phát triển độc lập mà phải gắn với kết nối vùng để tạo nên đà phát triển chung; cũng cần thúc đẩy triển khai mô hình “thành phố sân bay”, khai thác tiềm năng từ thiên nhiên… đó là những ý kiến đóng góp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài của tỉnh.
“Phải thực tế, không vội vàng”
Phát biểu tại “Hội thảo khoa học góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã thẳng thắn nhận định: “Thực tế hiện nay, tiến độ quy hoạch của tỉnh Đồng Nai đang chậm nhưng không được vội vàng mà cần chú trọng vào chất lượng. Không để vì chạy đua thời gian mà làm cẩu thả. Các đơn vị cần bình tĩnh, phải có 1 đồ án quy hoạch chất lượng, tạo dựng được nền móng vững chắc để tỉnh Đồng Nai phát triển”.
Theo ông Lĩnh, quy hoạch phải thực tiễn và cần cân nhắc kỹ lưỡng các quyết định trong quy hoạch. Bởi lẽ một khi quy hoạch được thông qua sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tỉnh trong hàng trăm năm. Vì vậy cần phải có sự đột phá, biến đổi và mang tính thuyết phục về khoa học, đồng thời cần có những cơ hội mới để phát triển. Ngoài tầm nhìn mang tính địa phương ra, Đồng Nai cần có tầm nhìn về liên vùng, liên khu vực để phát triển bền vững lâu dài.
“Tỉnh Đồng Nai nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của quy hoạch lần này là một bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển của Đồng Nai, giúp cho tỉnh “cất cánh” không phải chỉ 10 năm tới mà với tầm nhìn xa hơn. Quy hoạch là chìa khóa quyết định của sự phát triển quy hoạch là câu chuyện quan trọng của sự phát triển bền vững, do đó các ý kiến đóng góp của các đơn vị tư vấn, các nhà khoa học là rất quan trọng để lãnh đạo Đồng Nai có những quyết sách quan trọng về quy hoạch của Đồng Nai trong thời gian tới”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh: “Tiến độ quy hoạch của tỉnh Đồng Nai đang chậm nhưng không được vội vàng mà cần chú trọng vào chất lượng”.
Nhìn nhận thế mạnh của Đồng Nai là công nghiệp cùng với vị trí đắc địa trong vùng Đông Nam Bộ, PGS.TS Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Với hơn 30 khu công nghiệp đang hoạt động, muốn công nghiệp trở thành một trong bốn trụ cột của nền kinh tế, Đồng Nai cần có chiến lược lâu dài, phát huy lợi thế từ hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng. Bên cạnh đó, cần xác định được 6 yếu tố hỗ trợ đi kèm như: Cơ sở hạ tầng kết nối đa phương thức; nguồn vốn đầu tư đa dạng, chất lượng; nguồn nhân lực chất lượng cao; chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; quản trị và điều hành đồng bộ, hiệu quả; thể chế, chính sách đột phá. Ngoài ra phải xây dựng nền công nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp hiện đại, đặt nền tảng cho các chuỗi giá trị công nghiệp chuyên sâu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Cũng nhìn nhận về thế mạnh của tỉnh Đồng Nai, ông Hồ Văn Hà - Giám đốc Sở Xây dựng khẳng định: Đồng Nai không thể phát triển độc lập mà phải gắn với kết nối vùng để tạo nên đà phát triển chung. Đồng Nai cần xác định trong cơ cấu kinh tế, công nghiệp và thương mại dịch vụ là những trụ cột kinh tế nhưng phải gắn với kết nối vùng.
“Thành phố sân bay” là mũi nhọn phát triển
Nhận thấy, Đồng Nai với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên mới chỉ liên kết giao thông, chưa có nhiều hoạt động giao thương, thiếu đồng bộ, chưa mang tính hiệu quả cao. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) cho rằng: Khi quy hoạch, tỉnh Đồng Nai cần tạo ra cơ hội kết nối liên kết vùng để cùng nhau phát triển. Đồng Nai cũng cần thúc đẩy triển khai mô hình “thành phố sân bay”, với lõi là Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng hệ thống trung tâm logistics thông minh, đồng bộ, kết hợp tối ưu các hạ tầng vận tải, kho bãi hiện hữu trên địa bàn. Thúc đẩy các nền tảng dịch vụ đô thị, lưu trú và mô hình du lịch MICE (hình thức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…) với các tiện ích, hạ tầng đa dạng, thông minh. Song song đó phải phát triển các tổ hợp giáo dục đào tạo chuyên sâu cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm: Hình thành hệ sinh thái nghiên cứu, đào tạo khoa học công nghệ, khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp mang tính đổi mới.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân: “Trong tương lai, khi quy hoạch, tỉnh cần tạo ra cơ hội kết nối liên kết vùng để cùng nhau phát triển”.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu quy hoạch phải mang tính khả thi, ứng dụng những tư duy hiện đại để đánh thức hết tiềm năng và lợi thế của Đồng Nai, khai thác được tiềm năng thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; định hướng để Đồng Nai phát triển bền vững.
Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định tầm nhìn đến 2050 sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, đầu mối giao thương quốc tế và là một trong 10 thành phố đáng sống nhất châu Á; nơi tập trung các trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm, hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "net-zero 2050".
Yphong
(Báo Xây dựng)
- Mô hình "rừng trong thành phố" liệu có khả thi?
- “Không gian rừng trong trung tâm”: Cơ hội phát triển đô thị Hà Nội bản sắc - bền vững
- Một số suy nghĩ về quản lý và sử dụng hè phố tạo thuận lợi hơn cho người đi bộ
- Định hướng phát triển hạ tầng các huyện ngoại thành TP.HCM: Đặc biệt quan tâm tới Bình Chánh và Cần Giờ
- Tản mạn từ hồn đô thị đến các thành phố biển ở Việt Nam
- Phát triển bền vững quá trình đô thị hóa
- Quy hoạch các tỉnh: Nhiều địa phương muốn trở thành trung tâm, “hạt nhân” của vùng, quốc gia
- Phát triển đô thị biển bền vững
- Thiếu mảng xanh trầm trọng, TP.HCM tăng cường các dự án công viên và cây xanh công cộng
- Nâng cao chất lượng đô thị để phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ