Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Thiếu mảng xanh trầm trọng, TP.HCM tăng cường các dự án công viên và cây xanh công cộng

Thiếu mảng xanh trầm trọng, TP.HCM tăng cường các dự án công viên và cây xanh công cộng

Viết email In

Theo ước tính mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m2 cây xanh để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống. Thực tế hiện nay, mỗi người dân tại TP.HCM chỉ có 2 m2/người, rất thấp so với chuẩn…

TP.HCM đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người…


Đường Tôn Đức Thắng (quận 1) sau khi cây xanh bị đốn hạ để phục vụ cho việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, TP.HCM.

Rà soát đất cho công viên

UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố (giai đoạn 2020-2025) trong năm 2023.

Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 2198 của UBND TP.HCM về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2020 - 2025.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai thực hiện chương trình này; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất trình UBND thành phố giải quyết kịp thời.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chuẩn, cơ cấu sử dụng đất đối với các loại hình công viên công cộng trên địa bàn thành phố, làm cơ sở cho việc xem xét, đề xuất xây dựng mới và chỉnh trang các công viên hiện hữu. Hướng dẫn lập, lập và phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên công cộng hiện hữu.

Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cân đối, tham mưu bổ sung hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 để Sở Xây dựng tổ chức thực hiện các dự án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố theo quy định, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65 m2/người.

Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát cơ sở pháp lý, xem xét nội dung kiến nghị của Sở Xây dựng tại Công văn số 3339 (ngày 19/3/2021) liên đến quan việc thu hồi khu đất đang sử dụng làm vườn ươm của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM tại phường Hiệp Thành, quận 12 và xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn; đề xuất hướng giải quyết, trình UBND thành phố trong tháng 6/2023.

Đồng thời, đôn đốc UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức, Ban Quản lý Khu Nam rà soát các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch đất cây xanh nhưng đang sử dụng vào mục đích khác, để thực hiện việc thu hồi, đầu tư xây dựng công viên công cộng theo đúng quy hoạch...

Sẽ có thêm 10 ha công viên

Theo đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020-2030 đã được UBND TP.HCM thông qua, trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) TP.HCM tăng tối thiểu 150 ha đất công viên. Diện tích công viên tăng 0,65 m2/người.

Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1 m2/người, tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4 m2/người, qua đó, bước đầu cải thiện cơ bản tình trạng thiếu mảng xanh của thành phố.

Những tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên được trồng cây xanh. Thành phố sẽ trồng mới và cải tạo hơn 30.000 cây xanh, trồng thêm 20 loại cây phù hợp điều kiện thổ nhưỡng. Đến năm 2030, đất công viên ở thành phố đạt 1 m2/người, tăng 450 ha so với năm 2020.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ rà soát các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án 1/5000, 1/2000. Tùy tính chất từng khu đất, chính quyền sẽ lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư.

Theo các đồ án quy hoạch của TPHCM, diện tích công viên công cộng sẽ lên tới 11.400 ha với chỉ tiêu bình quân 7 m2/người dân. Tuy nhiên, tính đến giữa năm 2022, tại TP.HCM có khoảng 369 công viên công cộng và các công viên trong khu dân cư, với diện tích khoảng 500 ha. Tính diện tích đất công viên trên số dân thường trực là khoảng 9 triệu người thì tỷ lệ rất thấp, chỉ bình quân 0,55m2/người.

Mật độ cây xanh tại TP.HCM không đạt quy chuẩn của đô thị, vì theo ước tính mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10 m2 cây xanh để bảo đảm không khí trong lành cho cuộc sống. Cụ thể, tại TPHCM, chỉ tiêu này mới ở mức 2 m2/người, chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới (khoảng 20 m2-25 m2 cây xanh/người) và bằng 2/7 tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008.

Theo tiến sỹ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị, nguyên nhân TP.HCM thiếu cây xanh trầm trọng chính là ở nguồn ngân sách dành cho hạ tầng của thành phố đang ngày càng hạn hẹp, phải ưu tiên đầu tư các dự án cấp bách hơn như đường giao thông, công trình chống ngập, trường học, bệnh viện...

Do đó, nhiều dự án xây dựng công viên dù đã được quy hoạch nhưng phải gác lại, điển hình như các dự án công viên 123 ha (quận 12), dự án công viên 120 ha (quận 7), dự án công viên Sài Gòn Safari 456 ha (huyện Củ Chi)… đều chưa được xây dựng dù đã có quyết định từ nhiều năm nay. Một số quận trung tâm như quận 3 thì lại không có một công viên cây xanh nào.

Theo kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM năm 2021 và năm 2022, thành phố ưu tiên đầu tư 26 công viên tại TP. Thủ Đức. Xây dựng sớm 07 công viên, gồm: Công viên Phú Hữu (TP. Thủ Đức), Công viên Cây Sộp (quận 12), Công viên Rạch Tra (huyện Hóc Môn), công viên tại đường Bùi Thị Điệt (huyện Củ Chi), công viên ở dự án hạ tầng giao thông cụm đại học Quốc gia (quận Tân Bình), Công viên Cả Cấm, công viên nằm dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7).

Đồng thời, TP.HCM cũng sẽ phát triển thêm 2 ha mảng xanh tại nhiều khu đất trống như khu đất giao lộ Trần Văn Giàu – Võ Trần Chí (quận Bình Tân); khu đất trước bệnh viện Nhi Đồng (huyện Bình Chánh); khu đất trống dưới gầm cầu Phú Mỹ (quận 7)...

Ngoài ra, 6.000 cây xanh sẽ được trồng tại nhiều nơi ở TP.HCM nhằm từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường.

Cây xanh, mặt nước trong đô thị giúp giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C

Theo các kết quả nghiên cứu khoa học, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,3-3,9 độ C khi diện tích đất cây xanh đạt 20-50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17-57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời.

Đặc biệt, cây xanh hai bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30-60%. Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000 kg CO2 và thải ra 730 kg O2 mỗi ngày. Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m² cây xanh hoặc 25m² thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.

Đối với các dự án chung cư, hệ thống cây xanh giúp giảm tới 20-25% chi phí sử dụng năng lượng hằng năm cho một gia đình sống ở căn hộ chung cư qua việc điều hòa không khí; chắn gió, giảm tiếng ồn và tăng chất lượng không khí…

Ban Mai

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo