Ashui.com

Saturday
Apr 27th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quy hoạch TP.HCM: Phải tạo được liên kết vùng

Quy hoạch TP.HCM: Phải tạo được liên kết vùng

Viết email In

Cùng với việc phát triển các đô thị vệ tinh, các ý kiến đề xuất đều mong muốn quy hoạch TP.HCM phải tạo được liên kết vùng để khai thác hết tiềm năng của cả khu vực…

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thời gian qua đã có trên 50 chuyên đề và báo cáo tổng quát về quy hoạch TP.HCM. Thành phố muốn nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, địa phương và các đơn vị, đặc biệt là các ý kiến đóng về liên kết vùng TP.HCM.


(Ảnh minh họa)

Phát triển 3 đô thị vệ tinh

Tại hội thảo khoa học góp ý dự thảo “Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, được tổ chức ngày 31/01/2024, tổ tư vấn quy hoạch đề xuất định hướng phát triển hệ thống đô thị TP.HCM trong tương lai theo 02 kịch bản phát triển không gian.

Kịch bản 01: phát triển TP.HCM gồm 01 đô thị trung tâm (16 quận), 01 đô thị song hành là TP. Thủ Đức và 05 đô thị vệ tinh.

Kịch bản 02 (là kịch bản được chọn) gồm: 01 đô thị trung tâm (15 quận), 01 đô thị song hành (đô thị loại 1 là TP. Thủ Đức) và 03 đô thị vệ tinh (các đô thị vệ tinh gồm: Hóc Môn - Củ Chi, Bình Chánh và Nhà Bè - Cần Giờ - quận 7).

Tổ tư vấn cho rằng đô thị trung tâm sẽ là đô thị đặc biệt gồm 15 quận. Đây là đô thị hạt nhân của hệ thống đô thị thành phố. Kịch bản 02 sẽ hình thành và phát triển 03 thành phố vệ tinh kiểu mới – đô thị đáng sống; có vai trò là các đô thị cửa ngõ của TP.HCM.


Kịch bản phát triển không gian đô thị TP.HCM theo đề xuất trong dự thảo "Đồ án Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050"
(Nguồn: UBND TP.HCM)

Đóng góp ý kiến, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn thiên về kịch bản số 02, nhưng băn khoăn về việc quy hoạch 03 đô thị vệ tinh.

Ông Sơn cho rằng TP.HCM nên tổ chức không gian đô thị theo hướng có 01 đô thị trung tâm và 01 “thành phố trong thành phố: là TP. Thủ Đức. Nếu tổ chức thêm các thành phố khác thì tiềm lực đóng góp của các thành phố này phải tương đương TP. Thủ Đức.

Vì vị thế của TP. Thủ Đức rất đặc biệt, nó có thể đại diện cho TP.HCM hợp tác với 03 tỉnh thành khác trở thành 04 tỉnh thành (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) có đóng góp nhiều nhất cho ngân sách hiện nay. Các trục liên kết tứ giác này rất quan trọng, đặc biệt là trục nối từ Bình Dương ngang TP. Thủ Đức, phía Đồng Nai xuống Bà Rịa – Vũng Tàu.

“Nếu làm 03 đô thị vệ tinh thì nên xác định làm 02 “thành phố trong thành phố” trong tương lai”, ông Sơn nói.

Về mặt chiến lược, nên cắt huyện Bình Chánh ra 02 phần. Theo đó, “thành phố trong thành phố” thứ 02 của TP.HCM ở phía Nam sẽ là: Nhà Bè - quận 7 và một phần phía Nam Bình Chánh. Còn thành phố phía Bắc sẽ là: Hóc Môn - Củ Chi và một phần phía Bắc Bình Chánh.

Như vậy, TP.HCM sẽ có 03 đô thị vệ tinh là: TP. Thủ Đức, thành phố phía Nam (phát triển kinh tế biển) và thành phố phía Bắc (phát triển kết nối với Campuchia, Đồng bằng sông Cửu Long).

“Để TP.HCM đạt được tăng trưởng 02 con số liên tục trong nhiều năm thì những đô thị thành phần cũng phải đạt được tăng trưởng 02 con số. Nếu 03 đô thị vệ tinh tách ra sẽ không đủ tiềm lực để đạt tăng trưởng 02 con số, nên chỉ có cách làm 02 thành phố. Việc chia các thành phố không đơn thuần là chia diện tích, chia quản lý đô thị mà tác động đến kinh tế, xã hội”, ông Sơn nhận định.


Đơn vị tư vấn báo cáo dự thảo quy hoạch TP.HCM.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Tổ trưởng Tổ tư vấn phản biện quy hoạch TP.HCM, TP.HCM nên tổ chức hội thảo để bàn về không gian cần bao nhiêu đô thị và tiêu chí gì để xác định các đô thị trong tương lai. Đến thời điểm này, dự thảo đã có nhiều thay đổi rõ nét. Tuy nhiên, trong báo cáo còn nhiều nội dung thiếu sự kỹ lưỡng, thống nhất, hoàn thiện.

Đóng góp ý kiến, các chuyên gia cũng cho rằng đề án còn mang tính chung chung, số liệu một số lĩnh vực lạc hậu, không sát thực tế. Đơn cử như về dân số, cần tính toán dựa trên cơ sở đang sinh sống và làm việc hiện tại chứ không phải tính dựa trên hộ khẩu như hiện nay. Tổ tư vấn cần đánh giá phân tích làm rõ mô hình tăng trưởng của TP.HCM tập trung vào vấn đề gì?...

Cần có Vành đai 5 để liên kết vùng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Rành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đề xuất TP.HCM đưa vào quy hoạch Vùng làm đường Vành đai 5 kết nối Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Vì hành lang Đông Nam bộ là trục kinh tế chính của Vùng, nối từ Tây Nguyên, qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải.

TP.HCM đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Do đó, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia và của Vùng.

“Hiện nay, Chính phủ cũng đã có quyết định đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa, cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, Quốc lộ 13C nên cần phải tính toán dần đường Vành đai 5. Nếu không có hướng đầu tư Vành đai 5 TP.HCM từ sớm, từ xa thì Bình Dương sẽ trở thành điểm nghẽn lớn khi các trục giao thông lớn đổ về đây”, ông Dành cho biết thêm.


Sơ đồ 4 tuyến vành đai của TP.HCM (Nguồn: Ban Giao thông)

Về phía tỉnh Tây Ninh, ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, nhìn nhận hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng nói chung chưa được liền mạch. Đặc biệt, việc kết nối với Tây Ninh đã rất cấp thiết.

Ông Thắng dẫn chứng, để dự cuộc họp tại TP.HCM vào lúc 8h, đoàn Tây Ninh phải chuẩn bị từ lúc 4h để kịp ăn sáng, di chuyển.Quãng đường chỉ khoảng 100 km nhưng tốn rất nhiều thời gian. Do đó, vấn đề quy hoạch hạ tầng giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng là hết sức cấp thiết. Tây Ninh đề nghị TP.HCM dành nguồn lực tập trung để phát triển hành lang quan trọng như Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, đường Xuyên Á, các hạ tầng đường thủy, đường sắt đảm bảo đồng bộ.

Về phía tỉnh Bình Phước, bà Phan Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Phước, đề nghị TP.HCM quan tâm bổ sung cập nhật các tuyến Quốc lộ 13b, 13c và 14c trong báo cáo tổng thể quy hoạch…

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị đơn vị tư vấn cần khơi dậy các tiềm năng, thế mạnh của TP.HCM. Định hướng phát triển kinh tế TP là “xanh và số”.

Công nghiệp của TP.HCM phát triển những ngành mới như vi mạch, điện tử, chíp, bán dẫn, ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghệ cao, loại bỏ toàn bộ những ngành nghề có thâm hụt lao động của 20 năm về trước.

Liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh là giải pháp định hướng cho quy hoạch lần này. Cụ thể, ưu tiên ngành phát triển để phân chia quy mô của từng loại để thực hiện; phát triển thương hiệu có tính định hướng cho cả vùng…

Thời gian tới, TP.HCM sẽ họp 02 nhóm hội đồng cùng 02 nhóm tư vấn và hai tổ phản biện về quy hoạch chung TP.HCM. Văn phòng UBND TP.HCM thông báo cho các đơn vị tư vấn chỉ tập trung 02 điểm định hướng không gian phát triển hạ tầng và định hướng không gian phát triển các ngành kinh tế.

Ban Mai

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo