Ashui.com

Sunday
Sep 08th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Thuỷ điện và bài toán biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thuỷ điện và bài toán biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Viết email In

Vấn đề thuỷ điện đã trở thành tâm điểm của dư luận trong nước sau rất nhiều xì-căng-đan như thuỷ điện sông Tranh 2, thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, thuỷ điện Dăkrông 3. Mới đây, báo Sài Gòn Tiếp Thị tiếp dẫn số liệu từ bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 31/10/2012 cho biết “Từ năm 2006 đến nay, thuỷ điện đã lấy gần 20.000ha rừng trên cả nước, trong đó có tới trên 7.500ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ”.

Những vấn đề xoay quanh chất lượng công trình thuỷ điện, trách nhiệm nhà đầu tư cùng công tác dự báo đã nhanh chóng được các chuyên gia đưa ra “mổ xẻ”. Khi những vấn nạn về an ninh con người trong ngắn hạn còn chưa được giải quyết, một vấn đề có vẻ “vĩ mô” hơn cần tiếp tục được đưa lên “bàn cân”: thuỷ điện và bài toán biến đổi khí hậu.


(ảnh minh họa: SGTT) 

Việt Nam bị đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất từ vấn nạn biến đổi khí hậu. Nghiên cứu “Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam” của nhóm tác giả thuộc viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và môi trường năm 2010, kịch bản biến đổi khí hậu Việt Nam 2009 (được xây dựng dựa trên các báo cáo của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế uy tín) chỉ ra rằng năm 2050 sẽ không còn những khu vực dưới 14oC, và sẽ xuất hiện những khu vực nhiệt độ năm trên 28oC. Năm 2100 khu vực dưới 16oC hầu như mất hẳn và khu vực trên 28oC chiếm hầu hết Nam bộ, đồng bằng duyên hải Nam Trung bộ và phần phía nam của Bắc Trung bộ. Kịch bản này cũng chỉ ra rằng tại Việt Nam, mực nước biển sẽ dâng lên 30cm năm 2050, và 75cm vào năm 2100. Như vậy, ứng với mực nước biển tương ứng, năm 2050 cả nước sẽ có trên 8.000km2 diện tích bị ngập chiếm khoảng 2,5%. Đến năm 2100, con số này lên đến trên 22.000km2, chiếm 6,7% diện tích tự nhiên.

Dựa theo báo cáo phát triển con người năm 2008 của UNDP tại Việt Nam với nhan đề “Cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu: đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách”, ông Bernard O’Callaghan, điều phối viên chương trình của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, cho biết ở Việt Nam, nước biển dâng sẽ khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà cửa với thiệt hại lên tới 10% GDP. Vấn đề an ninh lương thực cũng được cảnh báo bởi nếu nước biển dâng cao 1m, 67% diện tích các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 11,2% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ “biến mất”, đồng nghĩa với việc “chén cơm” của quốc gia theo đó vỡ tan tành.

Nhìn một cách tổng thể, biến đổi khí hậu tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các vấn đề an ninh, kinh tế – xã hội của Việt Nam. Đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm hạn chế tối đa những áp lực ngày càng nặng từ vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một cách khách quan mà nói thì Việt Nam vẫn còn khó thực thi. Điển hình là trong vấn đề cắt giảm lượng khí thải CO2 trong bối cảnh đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá. Quá trình này vẫn đang áp dụng những công nghệ còn lạc hậu, các giải pháp xử lý chất thải công nghiệp thô sơ, thiếu hiệu quả mà đằng sau nó là sự vô trách nhiệm của nhiều nhà đầu tư. Ông Andrew Head, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, đánh giá: “Trong những năm qua, Việt Nam phát triển tốt về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, lượng thải CO2 cũng gia tăng đáng báo động”. Theo ước tính của bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam, đến năm 2020, chỉ tính riêng trong ngành năng lượng, lượng khí thải CO2 là 224 triệu tấn. Đó là chưa kể các ngành công nghiệp chủ yếu khác cũng thải ra khoảng 10 triệu tấn/năm.

Trong bối cảnh này, vấn đề “hoàn thiện hoá lâm nghiệp” được chú trọng nhấn mạnh như một “cứu cánh” cho vấn đề giảm thiểu tác hại từ biến đổi khí hậu. Nghiên cứu “Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam” cho rằng Việt Nam cần phải:

  1. Thực hiện chương trình 5 triệu ha nhằm tăng cường độ che phủ rừng lên 43%;
  2. Hạn chế khai thác rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học;
  3. Ngăn chặn khai phá rừng ngoài kế hoạch, phục hồi rừng bằng các biện pháp tiên tiến, hiệu quả;
  4. Ổn định cơ cấu diện tích ba loại rừng: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất;
  5. Xây dựng chương trình quản lý rừng hiệu quả. Ngày 1/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định “Về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 – 2020”, trong đó chỉ rõ mục tiêu “Gắn trách nhiệm của người sử dụng lợi ích của rừng với đầu tư phát triển và bảo vệ phát triển rừng đặc dụng, tăng hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước”.

Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, “mất rừng” đã trở thành “vấn nạn” và trách nhiệm của người sử dụng lợi ích của rừng với đầu tư phát triển và bảo vệ phát triển rừng càng “chẳng” thấy đâu. Điển hình như khu vực Tây Nguyên, với trên 8.000ha bị khai thác làm thuỷ điện nhưng đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 8/29 tỉnh, thành thực hiện trồng lại 735ha rừng, chiếm khoảng 3,7% diện tích rừng đã chuyển đổi thành thuỷ điện. Tại Bình Định, tháng 3/2012 chi cục Lâm nghiệp Bình Định thống kê đã có đến 301.25ha diện tích các công trình thuỷ điện ở Bình Định ảnh hưởng đến rừng và đất rừng.

Nguồn lợi từ thuỷ điện là rất lớn, tuy nhiên người nhận được suy cho cùng là những “đại gia” mạnh tay đổ tiền đầu tư. Trong khi đó, người dân phải hứng chịu rất nhiều những thiệt hại về tài sản lẫn an ninh con người do những công trình được kỳ vọng là “phúc lợi” cho xã hội. Hơn nữa, xét xa hơn khi biến đổi khí hậu tại Việt Nam trở nên “nghiêm trọng” do rừng không còn “sức” về lượng lẫn về chất thì thảm hoạ sẽ diễn ra.

Báo cáo khoa học về quản lý ô nhiễm môi trường của sở Tài nguyên và môi trường Lâm Đồng năm 2010 cho thấy, để có 1MW điện từ các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ phải mất 16ha rừng. Sự đánh đổi này, hiện nay tại Việt Nam, dường như đang làm xấu hình ảnh thuỷ điện hơn là sự kỳ vọng của người dân. Và trong tương lai không quá xa, động thái “mua bán” này còn gây ra không ít những hệ luỵ về biến đổi khí hậu. Như vậy, mối quan hệ nhân quả giữa thuỷ điện và bài toán biến đổi khí hậu Việt Nam đang trở nên rất gần.

Đỗ Thiện


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo