Ashui.com

Monday
Sep 16th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Ảnh hưởng của công trình xây dựng đến môi trường

Ảnh hưởng của công trình xây dựng đến môi trường

Viết email In

Việc đấu tranh chống lại sự biến đổi khí hậu trên trái đất đang là một chủ đề nóng bỏng. Con người là yếu tố chủ đạo trong cuộc đấu tranh đó, và một trong những mục tiêu hàng đầu là giảm thiểu sự tiêu hao năng lượng trong các công trình xây dựng.

Tăng hiệu ứng khí thải nhà kính, tăng sự kết tụ khí CO2 trong bầu khí quyển... từ đó góp phần làm trái đất ngày một nóng lên, công trình xây dựng có những ảnh hưởng to lớn đến môi trường mà không phải bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể hiểu rõ.

Các nhà nghiên cứu môi trường đã chỉ ra, trong vòng 15 năm trở lại đây, các công trình xây dựng góp phần làm tăng 20% hiệu ứng khí thải nhà kính trên toàn cầu. Trên thực tế, trong khi các ngành công nghiệp và nông nghiệp đã cho thấy sự cải thiện bằng cách giảm 22% và 10% khí thải thì khí thải từ các công trình xây dựng lại tăng thêm 22%, chỉ kém ngành giao thông vận tải với chỉ số 23%. Đó quả thực là một con số đáng lo ngại.

  • Ảnh bên: Sử dụng nước thuỷ cục một cách lãng phí cũng là một hành động không phù hợp với kiến trúc xanh (ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

Công trình xây dựng tạo ra hiệu ứng khí thải nhà kính như thế nào?

Chỉ xét riêng trong lĩnh vực xây dựng thì các công trình nhà ở chịu trách nhiệm về khoảng 2/3 khí thải nhà kính được tạo ra. Trong đó, 80% năng lượng tiêu hao đến từ việc sử dụng nước nóng cũng như việc sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà. Bên cạnh đó, còn có những yếu tố “giấu mặt” làm tăng thêm hiệu ứng khí thải nhà kính:

• Năng lượng cần thiết cho việc sản xuất các vật liệu xây dựng.

• Các khí thải ra trong quá trình xây dựng, nhất là khi vận chuyển vật liệu xây dựng từ nơi khác đến trên một chặng đường dài.

• Các khí thải từ việc sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà với hiệu ứng nhà kính cao hơn khí CO2 từ 1.000 – 8.000 lần.

Những việc cần thiết để giảm thiểu tác động của công trình xây dựng đến môi trường

Những năm gần đây, chúng ta đã bắt đầu quen thuộc với khái niệm “ngôi nhà thụ động” và “ngôi nhà chủ động”. Ngôi nhà thụ động tiêu hao rất ít năng lượng. Đó phải là một ngôi nhà có một nhiệt độ dễ chịu quanh năm mà không cần nhiều sự trợ giúp của các hệ thống sưởi hay làm mát.

Ở một tầng cao hơn là ngôi nhà thụ động, ngôi nhà chủ động không những không tiêu hao năng lượng mà còn sản xuất ra nó. Với việc sử dụng các thiết bị tạo ra năng lượng (pin mặt trời, quạt gió tạo điện năng...), ngôi nhà chủ động phải có thống kê năng lượng tiêu hao và năng lượng sinh ra bằng 0, hay tốt hơn nữa là nó tạo được ra nhiều năng lượng hơn là mức phải tiêu hao.


(ảnh: Nadege Simar)

Nhưng dù là thụ động hay chủ động, chúng ta cũng có thể giảm thiểu tác động của công trình xây dựng đến môi trường bằng các việc sau:

Thực hiện việc cách nhiệt cho ngôi nhà

Việc cách nhiệt mái bằng một lớp cách nhiệt dày khoảng 20cm giúp giảm thiểu 30% năng lượng dùng để sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà. Đây là một biện pháp khá tiết kiệm nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Việc sử dụng lớp cách nhiệt dày khoảng 8cm giúp giảm thiểu 25% năng lượng tiêu hao. Việc đặt lớp cách nhiệt bên ngoài tường bao che sẽ giúp tăng hiệu quả cách nhiệt hơn là đặt bên trong.

Sử dụng các loại kính hai lớp, kính có lớp phim cách nhiệt... giúp giảm thiểu 13% năng lượng tiêu hao.

Sử dụng hệ thống sưởi hay làm mát một cách hiệu quả

Sử dụng các thiết bị thế hệ mới sẽ giúp tiết kiệm năng lượng tiêu hao.

Không thiết lập nhiệt độ quá thấp hay quá cao. Nhiệt độ lý tưởng cho con người sinh hoạt là từ 24 – 26°C. Đối với phòng ngủ, nhiệt độ này cần được đo tại mặt nệm giường ngủ.

Tránh việc sưởi ấm hay làm mát ngôi nhà một cách nhanh chóng vì việc này sẽ làm tiêu hao rất nhiều năng lượng.

Sử dụng và bảo trì hệ thống nước nóng

Hãy thiết lập nhiệt độ 50°C cho hệ thống nước nóng của ngôi nhà. Nhiệt độ cao hơn sẽ làm hệ thống ống dẫn mau bị hư hại và còn có thể làm cho bạn bị bỏng.

Các đường ống dẫn nước nóng thường bị đóng cặn mau hơn đường ống dẫn nước lạnh. Việc vệ sinh định kỳ các đường ống này có thể giúp tiết kiệm 20% năng lượng tiêu hao.


(ảnh: Nadege Simar)

Chiếu sáng

Sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện. Loại bóng này tiêu hao năng lượng ít hơn bóng truyền thống bốn lần, trong khi tuổi thọ cao hơn sáu lần.

Sử dụng máy giặt và máy sấy quần áo

Hãy luôn ưu tiên chế độ “eco” trên máy giặt. Nếu bạn sử dụng nước nóng để giặt quần áo, hãy thiết lập nhiệt độ nước dưới 60°C.

Việc sấy quần áo bằng máy tiêu hao năng lượng gấp đôi so với việc giặt quần áo. Vì vậy, hãy hạn chế sử dụng máy sấy, mà để quần áo tự khô.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

Có những việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng lại giúp ích rất nhiều cho việc tiết kiệm năng lượng như: luôn đậy vung nồi khi nấu, không sử dụng nồi có đáy nhỏ hơn mặt lò nấu, không đặt các thiết bị tivi, đầu máy ở chế độ chờ mà hãy tắt nguồn hẳn khi không sử dụng, dùng ly hứng nước khi đánh răng, sử dụng bồn tắm đứng thay bồn tắm nằm...

Ths.KTS Đỗ Đăng Khoa

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo