Ashui.com

Monday
Sep 16th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Sân golf – lợi cảnh quan hay hại môi trường?

Sân golf – lợi cảnh quan hay hại môi trường?

Viết email In
Tôi là người không chơi golf. Tôi viết bài này sau những lần chứng kiến việc thu hồi đất của bà con nông dân tại Đông Anh (HN) Chương Mỹ (Hà Tây cũ) để giao cho các ông chủ đầu tư sân golf khá vất vả. Đồng thời báo đài đưa tin Long An cấp phép rất nhiều dự án sân golf…..


Sân golf Đồng Mô - Hà Nội

Vì sao các nước có nhiều sân golf?

Xuất phát từ những hoài nghi về các dự án loại này, tôi đã gặp gỡ một số bạn bè là KTS đã từng tham gia công việc giới thiệu địa điểm lập dự án sân golf, các bạn đã có thẻ CLB chơi golf và các bạn đã từng tham gia lập các dự án quy hoạch cho các tỉnh Bắc VN, xem xét đến nhiều khía cạnh, các bạn đều thống nhất là VN không cần nhiều sân golf đến vậy.

Để tìm hiểu thêm về số lượng các sân golf những nước quanh ta, trong khu vực Đông Nam Á: Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Philippines, Indonesia, mỗi nước đều có hơn 100 sân đi vào hoạt động. Nhưng thông tin cũng cho biết các sân này xây dựng vào nhiều năm trước đây, khi họ còn nghèo, nhiều quốc gia có chế độ chính trị độc tài gia đình trị, chỉ lo lợi ích của một nhóm nhỏ nên họ mới thế. Giờ đây, họ đã ý thức được tác hại của golf và không khuyến khích .

Đặc biệt, vừa qua khi lúa gạo khan hiếm thì Philippines càng thấm thía việc đổi đất trồng lúa lấy sân golf là sai lầm tai hại mà việc quay lại trồng lúa là chuyện không thể … Đài truyền hình VN cũng dẫn lời các nhà khoa học viện nghiên cứu giống lúa quốc tế có trụ sở tại Philippines như vậy.

Nêu ví dụ Mỹ có 18.000 sân golf cùng những phép tính so sánh, tôi có ý kiến là VN ta khác Mỹ rất nhiều, nhất là trong đối xử với ruộng đất. Nếu đất đai được mua bán, đấu giá sòng phẳng theo đúng thị trường thì ai đó mua 200 ha làm sân golf với giá hàng trăm triệu USD cũng không vấn đề gì..

Đằng này, tại VN họ trả đền bù vài chục nghìn/m2 đất ruộng (Hà Tây cũ) thì sân golf để làm gì nếu không phải đưa bà con đến chỗ bần cùng?

Đầu tư sân golf VN siêu lãi khi phát hành thẻ hội viên, thí dụ như Chí Linh, giá thẻ thành viên là 14.000 USD, sau vài tháng là 17.000 USD, còn hiện tại là 28.000 USD. Tại các nước lân cận giá gấp 5-10 lần. Mua bán thẻ như vậy cũng giống đầu tư chứng khoán vì đầu tư sân golf VN chỉ bằng vài chục phần trăm so với các nước quanh ta. Lợi nhuận hấp dẫn thế nên có KTS có vị trí quản lý luôn được các nhà đầu tư mời tặng thẻ miễn phí nếu giúp họ lập sân golf.

Tại Hàn Quốc, có hàng triệu người chơi golf nhưng chỉ có 30 sân golf  và sân golf chỉ được làm tại nơi đất đai không trồng trọt được.

Ở Nhật Bản, chính phủ nước này quy định rất nghiêm ngặt rằng sân golf phải làm trên sườn núi. Dù rất bất tiện nhưng ai muốn chơi thì phải lên đó. Vị KTS được gạ tặng thẻ cho biết ở Mỹ, sân golf họ cũng tập trung tại một vùng chứ không phân tán như ta.


Sân golf Chí Linh - Hải Dương

“Đất hoang” cũng là quý hiếm

Về so sánh thuế thu từ đất nông nghiệp với sân golf thì thật khập khiễng. Đất đai bao đời do người nông dân cần cù vun đắp, họ nuôi sống bản thân nhưng cũng duy trì sự ổn định xã hội, cân bằng sinh thái và tồn giữ một nền văn hóa nông nghiệp – lúa nứớc.

Nền văn hóa ấy đã giúp dân tộc ta vững vàng vượt qua nhiều biến cố lịch sử và những trào lưu nhất thời. Giá trị này không thể tính bằng tiền một cách thô thiển. Mặt khác, thuế nông nghiệp thu thấp là thể hiện chính sách khuyến nông của nhà nước không thể so với trò chơi “quý tộc” được.

Thu từ thiện hàng trăm tỷ đồng tại sân golf là việc đáng quý, nhưng có người VN lương thiện - có chí khí nào bằng lòng vói cuộc sống dựa vào tình thương của người khác? Người Việt kiêu hãnh chấp nhận cuộc sống đạm bạc tự chủ tự thân từ ngàn đời nay rồi.

Các DN thực sự yêu nước thương nòi thì giúp bà con ta cái cần câu chú đừng đưa con cá. Golf hay không golf cũng nên nghĩ vậy. Đằng này sân golf đang trực tiếp lấy ruộng của nông dân, triệt thoái cái cơ hội thoát nghèo của họ thì nhiều người không bận tâm trước tấm lòng trăm tỷ ấy cũng là lẽ thường.

Đất nước VN ta chỗ nào cũng thấm đẫm mô hôi tổ tiên và cả xương máu đấu tranh giữ gìn. Không có chỗ nào là đất hoang, sản lượng thấp, những nơi như vậy là của để dành vì sức người, sức của chưa đủ để khai thác hôm nay thì ngày mai con cháu ta cần tới.

Trong cái thế giới khai thác cạn kiệt thiên nhiên này, đất hoang là điểm đến quý giá hiếm hoi. Mấy cái đụn cát, sân golf phủ cỏ lên phải tưới bao nhiêu m3 nước một ngày để thảm cỏ xanh mướt. Nước sạch cho cuộc sống con người cho cây trái xanh tươi bền vững cần hơn hay mấy cái thảm cỏ bắt mắt kia cần hơn.


Sân golf  Văn Trị

Sân golf – lợi cảnh quan hay hại môi trường?

Còn theo ước tính của Liên Hiệp Quốc được đăng trên website worldwatch.org, các sân golf trên thế giới sử dụng gần 9,5 tỉ lít nước/ngày, đủ cung cấp nước uống trong một ngày cho 4,7 tỉ người….

Lợi ích du lịch thì xin ví dụ: Cửa Lò có sân golf dài hàng cây số ven biển – nơi có thể xây hàng trăm khách sạn bình dân, hàng ngàn ngươì dân VN có cơ hội nghỉ dưỡng trên quê hương của mình hơn hay đứng ngoài hàng rào để thi thoảng có người cầm gậy đi lại.

Còn sân golf Tam Đảo, thì gần đây, người dân thuộc xóm Gốc Đa, nơi liền kề với sân không ít lần kiến nghị vì cho rằng sân golf đã ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của họ. Mỗi lần sân golf được phun thuốc trừ sâu và thuốc giữ ẩm cho cỏ là bầu không khí nơi đây nồng nặc mùi hóa chất gây ngột ngạt, khó thở.

Nước thải của sân golf được chảy trực tiếp ra mương thủy lợi. Một lượng lớn hóa chất từ sân golf có nguy cơ ngày càng ngấm sâu vào nguồn nước đe dọa sức khỏe của người dân. Nguồn nước sinh hoạt ở đây đang có biểu hiện nhiễm hóa chất. Nước xuất hiện mùi khét khó chịu, dù được đun sôi nhưng ít ai dám uống.

Nếu hiện tượng này kéo dài và không có biện pháp khắc phục thì trong tương lai, ai dám chắc rằng sẽ không có một Gốc Đa tiếp tục được gọi tên là “làng ung thư”... Ai đó bảo vệ golf xin trả lời đi: Nơi nào có sân Golf mà bà con mất ruộng vì golf có cuộc sống khá lên vui vẻ, hân hoan hạnh phúc, kêu mời sân golf tới?
 

Lời bình  

 
0 # Nguyen Thi Mai Hoa 20/07/2016 15:19
Đúng là nhìn thấy những tác hại ngay trước mắt, chưa cần xây dựng xong sân gôn đối với bà con, làng xóm, môi trường,đặc biệt là môi trường đất,nước, hệ sinh thái khu vực...
Nhưng vẫn có nhà đầu tư, vẫn được thông qua chủ chương, điều chỉnh quy hoạch, vẫn được xây dựng, vận hành...

Người dân là những người phải gánh chịu
Vai trò của cấp quản lý, cơ quan giám sát, thanh kiểm tra ở đâu khi người dân liên tiếp phản hồi những tác động xấu đến cuộc sống của gia đình họ và môi trường???
...........
Bài toán này biết tìm lời giải nơi nao!!!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo