Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Đánh giá thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Cần khách quan

Đánh giá thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Cần khách quan

Viết email In

Trước nhiều ý kiến còn gây tranh cãi về hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhất là báo cáo về đánh giá tác động môi trường, sáng 8/11 tại Hà Nội, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã tổ chức họp báo và khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước những thông tin được công bố.  

Lý của chủ đầu tư 

Theo ông Bùi Pháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai, thì chủ đầu tư đã tính toán kỹ, với quan điểm đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, hai dự án này đã giảm tối đa những tác động ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Cát Tiên và môi trường xung quanh. 

Cụ thể, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã mất một năm đi khảo sát, đánh giá, thu thập, phân tích thông tin, làm việc kỹ với lãnh đạo 3 tỉnh là Lâm Đồng, Đắc Nông và Bình Phước để có đủ cơ sở khoa học lập dự án xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A. 

  • Ảnh bên: Đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai báo cáo tóm tắt và đánh giá tác động môi trường của hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A (nguồn: PetroTimes) 

Theo đánh giá của chủ đầu tư, dự án với kiểu thủy điện đập dâng, hồ chứa nhỏ, nhà máy đặt ngay sau đập, sau khi phát điện nước được trả lại ngay dòng sông nên không gây ra đoạn sông chết và hầu như không có ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy hạ lưu cũng như không ảnh hưởng đến Bàu Sấu nằm ở Nam Cát Tiên. 

"Các biện pháp giảm thiểu tác động của các dự án có tính khả thi cao đã được đưa ra và được chủ đầu tư cam kết thực hiện với kinh phí dự án dự trù cho công tác giảm thiểu tác động, trồng rừng, phục hồi môi trường, hỗ trợ công tác bảo tồn..." ông Pháp nói.

Giải thích thêm điều này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Phước thuộc Viện Tài nguyên và môi trường (đơn vị lập báo cáo đánh giá tác động về môi trường của dự án Đồng Nai 6 và 6A) cho biết, đã tiến hành khảo sát thực địa, đo đạc, thu thập dữ liệu và mẫu vật, tính toán phân tích kỹ ảnh hưởng, tác động của công trình đến môi trường, tài nguyên rừng, tài nguyên nước, chế độ thủy văn ở sông Đồng Nai, đa dạng sinh học, công tác bảo tồn Vườn quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ… 

Bên cạnh đó, trong các giai đoạn: khai hoang, san lấp chuẩn bị mặt bằng; thi công xây dựng công trình và vận hành công trình, chủ đầu tư cũng có tính toán mô phỏng khả năng vỡ đập và phương án khi có tình huống xấu. 

Về động đất kích thích, đại diện tư vấn thiết kế cũng lập luận, qua khảo sát khu vực phạm vi lòng hồ và tuyến đập thì dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không có đứt gãy địa chất sinh chấn cắt qua, dung tích hồ chứa nhỏ và chiều cao cột nước thấp nên không có khả năng gây ra động đất kích ứng. 

Đánh giá cần khách quan 

Trao đổi với phóng viên chiều 8/11, ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng Cục năng lượng, Bộ Công Thương cho rằng, "lăn tăn" nhất là việc xây dựng thủy điện này vướng vào khu vực Rừng Quốc Gia Cát Tiên, còn diện tích rừng và diện tích đất bị mất so với những dự án thủy điện khác thì ít hơn nhiều.

Đơn cử là tổng diện tích chiếm đất của hai dự án này là 372,23 ha; trong đó diện tích chiếm đất thuộc khu Cát Lộc, Vườn quốc gia Cát Tiên là 136,98 ha, còn diện tích chiếm đất rừng phòng hộ là 235,25 ha.

Hơn nữa, ông Quân còn dẫn chứng, không phải cứ Vườn quốc gia là không đầu tư được, lấy ví dụ ở Nhật Bản ông Quân cho hay, quốc gia này cũng làm đập thủy điện cao hàng trăm mét giữa Vườn quốc gia, nhưng công tác môi trường được làm rất kỹ.

"Do vậy, việc đánh giá cần khách quan, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thì đều phải được xem xét cân bằng nhau, không có phân biệt," ông Quân nói.

Liên quan đến động đất, theo ông Quân ở vùng này cũng không cao như ở Tây Bắc, thậm chí, ngay bên trên dự án thủy điện này còn có Thủy điện Đồng Nai 2 và 3, đập cao hàng trăm mét cũng chưa có hiện tượng gì xảy ra, trong khi đập của Đồng Nai 6 và 6A chỉ ước chừng khoảng 30 mét.

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nằm trên địa bàn bà tỉnh Lâm Đồng, ĐăkNông và Bình Phước do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư. 

Trong quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình thủy điện Đồng Nai 6 đưa vào vận hành năm 2015 và thủy điện Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016. Tuy nhiên, hai dự án này đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị do còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc đánh giá tác động môi trường. 

"Tuy vậy, vấn đề Sông Tranh 2 là một trường hợp đặc biệt và cũng cần xem xét kỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh các Tập đoàn lớn như EVN, PVN còn khó khăn về vốn thì việc để cho các nhà đầu tư bên ngoài vào cuộc cũng cần được tính tới." ông Quân nói.

Trước đó, ngày 30/10/2012, bên lề phiên thảo luận của Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, chủ trương của Chính phủ từ lâu là các dự án thủy điện đều phải thực hiện theo đúng quy trình. Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đang ở bước thẩm tra, đánh giá tác động môi trường và phải qua bước đó mới được triển khai.

Vấn đề này đang có rất nhiều ý kiến và nó sẽ là thông tin "đầu vào" tốt cho các nhà khoa học trong hội đồng xem xét, đánh giá để có kết luận cuối cùng, từ đó Chính phủ sẽ quyết định, nếu không bảo đảm thì dứt khoát dừng./. 

Đức Duy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo