Ashui.com

Friday
Sep 20th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Hợp tác công - tư, "chiếc phao" cho năng lượng tái tạo

Hợp tác công - tư, "chiếc phao" cho năng lượng tái tạo

Viết email In

Cứu cánh được cho là hiệu quả nhất hiện nay chính là áp dụng hình thức "đối tác công tư" vào các dự án năng lượng tái tạo - mà hai đối tác này ở Việt Nam hiện vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. 

Với những khó khăn từ việc quản lý và bù lỗ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian qua bắt nguồn từ cơ chế quốc doanh không còn phù hợp đã đặt ra bài toán nan giải cho ngành năng lượng Việt Nam. Thêm vào đó, những dự án hàng tỷ USD về nguồn năng lượng tái tạo lần lượt chào thua khi đầu tư vào Việt Nam càng khiến bài toán đi vào bế tắc. Cứu cánh được cho là hiệu quả nhất hiện nay trong dài hạn chính là áp dụng hình thức "đối tác công tư" (Public - Private Partnership, viết tắt là PPP) vào các dự án năng lượng tái tạo - nguồn năng lượng của thế giới trong tương lai.  

Đối tác hai bên chưa thuyết phục 

Quyết định 71/2010/QĐ-TTg chính thức mở màn cho phong trào đầu tư hình thức đối tác công - tư tại Việt Nam, trong đó năng lượng là một vấn đề được chú trọng đẩy mạnh như một yếu tố thí điểm chiến lược. Tuy nhiên, PPP Việt Nam gặp quá nhiều thách thức, mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc triển khai dự án PPP năng lượng tái tạo thiếu thuyết phục đối phương từ cả hai phía: nhà nước lẫn nhà đầu tư tư nhân. 

  • Ảnh bên: Dự án điện mặt trời của tập đoàn Mỹ First Solar tại Củ Chi (TP.HCM) đến nay vẫn gặp khó. 

Thứ nhất, phía chủ đầu tư tư nhân hay các yếu tố đầu tư ngoài nhà nước chưa được thuyết phục về những lợi ích sẽ được đảm bảo từ dự án. Cụ thể, với số vốn rót vào cùng với công nghệ và nguồn lực quản lý tư nhân, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa tìm thấy khả năng thu hồi vốn, lợi nhuận... do chính sách khuyến khích cùng các quy định pháp lý từ phía Chính phủ chưa hấp dẫn, chưa hợp lí và tồn tại nhiều vấn đề chưa minh bạch. 

Điển hình, Tờ trình số 57/TTr-CP ngày 03/04/2012 của Chính phủ trình Quốc hội cùng với Dự thảo Luật điện lực sửa đổi vẫn "lờ đi" vấn đề năng lượng tái tạo. Theo đó, các nhà đầu tư phải chịu các khoản phí cho hoạt động sản xuất điện tái tạo không cần thiết, cơ sở vật chất chưa được hỗ trợ, thiếu mặt bằng, chưa được ưu đãi lãi suất... Bên cạnh đó, chính EVN vẫn chưa xếp năng lượng điện tái tạo vào khung sản xuất phân phối khiến giá điện tái tạo "đội" cao ngất ngưởng, từ đó mất đi khả năng cạnh tranh so với điện hóa thạch cũng như điện tái tạo "siêu rẻ" từ Trung Quốc nhập vào.

Như vậy, thay vì cố gắng chào mời và tăng cường niềm tin đầu tư cho tư nhân, nhà nước lại hướng tư nhân nghĩ đến hoạt động "từ thiện" vì lợi ích cộng đồng. Vì thế, với nguồn vốn khổng lồ đổ vào nhưng các yếu tố về chính sách không đảm bảo khiến đầu ra và sức cạnh tranh của điện tái tạo do các công ty tư nhân sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đi vào ngõ cụt khiến nhà đầu tưu tư nhân... từ bỏ.

Thứ hai, chính các nhà đầu tư tư nhân chưa thuyết phục được nhà nước có thể "an tâm" giao phó một phần vai trò quản lý của các doanh nghiệp quốc doanh đến với các doanh nghiệp tư nhân. Những dự án đổ vào năng lượng tái tạo thường chứa đựng những "tham vọng" kiếm lời và thu hồi vốn nhanh, với khối lượng tiền ban đầu đổ ra quá "khủng". 

Ví dụ, tập đoàn điện mặt trời của Mỹ First Solar đến Việt Nam với dự án 1,2 tỷ USD ở Củ Chi, TP.HCM. Với dự án này, First Solar có thể cung cấp đến hơn 250MW điện mặt trời cho khu vực TP.HCM, "tham vọng" cả ở thị trường miền Nam hay toàn quốc. Tuy nhiên, hầu như chưa có những báo cáo cụ thể về một dự án nhỏ thí điểm nào. Những con số tiềm năng của nhà máy đưa ra đa phần dựa trên các nghiên cứu tính toán trên giấy chứ chưa triển khai tại Việt Nam trước đó, điều này không khỏi gây lo ngại cho Chính phủ về các yếu tố: giá điện đầu ra, vấn đề môi trường trong quá trình xây dựng nhà máy, hiệu quả đảm bảo cho người dân khu vực Sài thành. 

Hơn thế nữa, khi tham gia xây dựng, First Solar chưa công bố một công trình nghiên cứu nào về khả năng vận dụng các yếu tố tự nhiên, cũng như mục đích phục vụ có phù hợp với tình hình và đặc thù kinh tế khu vực hay không. Bên cạnh đó, chưa có một mô hình "mẫu mực" nào từ các quốc gia khác được đưa ra nhằm tham mưu cho Chính phủ từ việc xây dựng, vận hành đến quy trình sản xuất, quá trình đưa điện tái tạo vào mạng lưới điện chung của quốc gia... Thay vào đó, lại là các tính toán dự trù cho việc hoàn vốn, có lời và yêu cầu chính sách. 

Như vậy, ngay từ khâu thuyết phục Nhà nước, ngoài việc bỏ tiền đầu tư thì công ty tư nhân vẫn chưa làm rõ lợi ích mà họ mang lại cho quốc gia. Hệ quả tất yếu là các chính sách đưa ra khiến đầu tư tư nhân chưa cảm thấy "mặn mà". 

Như vậy, thay vì chỉ cho đối tác thấy được lợi ích họ nhận được thì cả yếu tố nhà nước lẫn tư nhân đang chạy theo những lợi ích của mình. Hơn thế nữa, những rủi ro từ dự án vẫn chưa được hai bên làm rõ để củng cố tinh thần cho nhau. Thế nên việc đi đến tiếng nói chung cho PPP năng lượng tái tạo Việt Nam gặp khó là điều tất yếu. 

Bài học Indonesia 

Với 35% người dân chưa có khả năng tiếp cận nguồn năng lượng điện, Indonesia đã và đang đẩy mạnh công tác triển khai sử dụng nguồn năng lượng điện tái tạo. Để thuyết phục Chính phủ cho phép xây dựng và khai thác nguồn năng lượng tái tạo, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân Indonesia tiến hành mô hình thí điểm nhỏ, từ đó nghiên cứu thành dự án lớn với các phương pháp định lượng rõ ràng cùng lộ trình thay thế điện hóa thạch bằng điện tái tạo một cách bài bản.

Trước hết, họ tiến hành nghiên cứu thực hiện mô hình hữu cơ E3i. Đó là: Energy (năng lượng) - Economy (kinh tế) - Environment (môi trường), nghĩa là mô hình này đảm bảo được việc cung cấp lượng năng lượng cho xã hội trên nền kinh tế phù hợp, đồng thời đảm bảo được yếu tố môi trường. Theo đó, họ tiến hành nghiên cứu 4 yếu tố chính để cho ra giải pháp. Đó là: chính sách khu vực (Policy), kinh tế khu vực yêu cầu gì (Economy), nhận thức người dân về năng lượng tái tạo (Social Awareness), công nghệ đáp ứng phục vụ sản xuất (Technology). 

Từ đó, các chuyên gia cho một ra công thức chung về lợi ích khi đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Tổng kết dự án thí điểm, các nhà nghiên cứu sẽ cho ra những mô hình tham mưu với các nội dung chính như: sản lượng điện sản xuất, nguồn lợi mang lại, khả năng áp dụng tài nguyên tại chỗ, khả năng đảm bảo sản lượng đầu ra, đề xuất giá bán ra hợp lý, phản hồi từ người dân, bộ mặt hạ tầng khu vực... rồi kiến nghị mở rộng dự án đầu tư ra khu vực, tiến đến toàn quốc. Như vậy, những rủi ro mà nhà nước phải đối mặt sẽ phải đối mặt sẽ được tối thiểu hóa, thay vào đó là lợi ích được tối đa. 

Cơ hội cho các nhà đầu tư ở Việt Nam 

Trong khi các nhà đầu tư tư nhân cố gắng thuyết phục Chính phủ từ những mô hình thật với những con số thật và lợi ích "nhìn thấy sờ được" thì Chính phủ cũng có những phản hồi vô cùng tích cực. Ngoài các giải pháp chính sách thu hút đầu tư như giải phóng mặt bằng ưu tiên, chỉ điểm các khu vực thuận lợi tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp thì Chính phủ Indonesia tăng cường đảm bảo đầu ra cho sản phẩm điện tái tạo này. 

Đầu tiên, Indonesia đưa ra một lộ trình trong dài hạn nhằm thay thế dần diện hóa thạch bằng điện tái tạo. Song song đó, với tính toán từ các dự án thí điểm, Chính phủ áp dụng mức khung giá cho điện tái tạo nhằm đảm bảo cho người dân được xài, nhà cung hàng bán được. Cuối cùng, nghiên cứu chính sách "bán điện theo thời giá", nghĩa là khi nhu cầu điện tăng cao thì chính phủ tạo điều kiện cho năng lượng điện tái tạo đi vào thị trường nhanh hơn, nhiều hơn nhằm giúp người dân "tập làm quen" với năng lượng điện tái tạo. 

Mô hình từ Indonesia là một trong rất nhiều giải pháp mà quốc gia tiến hành mô hình PPP trong năng lượng tái tạo. Với Việt Nam, ngoài những bài học quý giá đó, cần đưa ra các giải pháp mang tính ngắn hạn lẫn dài hơi. Trong đó không thể kể đến việc hỗ trợ người dân sử dụng lẫn nhà sản xuất điện tái tạo trong thời gian dài hạn. 

Tại Cộng hòa liên bang Đức, người dân khi sử dụng pin năng lượng mặt trời trong vòng 20 năm sẽ nhận được giá cả ưu đãi. Điều này đồng nghĩa tất cả các nhà sản xuất điện mặt trời có thể được đảm bảo về đầu ra khi có thể bán điện với giá cao hơn giá điện thị trường 50cent/kWh. 

Như vậy, sở dĩ PPP năng lượng tái tạo chưa tiến hành "ngọt ngào" ở Việt Nam bởi cả hai đối tác "công" lẫn "tư" chưa thuyết phục được nhau trong việc tìm đến tiếng nói chung. Nguyên nhân bởi cả hai còn quá chạy theo lợi ích và "đùn đẩy" hoặc chưa làm giảm tối thiểu rủi ro cho đối tác. Bài học từ Indonesia cùng các quốc gia phát triển châu Âu như Đức, Tây Ban Nha... về một lộ trình dài hạn cho năng lượng tái tạo cần được Việt Nam chú ý và áp dụng một cách hiệu quả nhất./. 

Đỗ Thiện 

(Bài viết có tham khảo tài liệu từ Hội thảo Năng lượng tái tạo khu vực châu Á, diễn ra ngày 24/7/2012, do TS. Kamaruddin Abudullah - Đại học Darma Persada của quốc gia Indonesia - trình bày) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo