Ashui.com

Thursday
Oct 10th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Thiếu vốn và đồng bộ

Giảm ô nhiễm sông, kênh rạch ở TPHCM: Thiếu vốn và đồng bộ

Viết email In

TPHCM có 5 lưu vực kênh, rạch lớn, là Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hủ-Bến Nghé, Tân Hóa-Lò Gốm, Đôi-Tẻ, Tham Lương-Bến Cát. Hai trong 5 lưu vực này: Nhiêu Lộc-Thị Nghè và Tàu Hủ-Bến Nghé đã được cải tạo, nạo vét cho thông thoáng và xử lý ô nhiễm tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên hiệu quả thực tế của nó không được như mong muốn do việc cải tạo không đồng bộ các hệ thống kênh còn lại.

Khi các lưu vực đều thông với nhau 

Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Toàn kênh đã được nạo vét và kè bờ suốt dọc chiều dài chạy qua quận 1, 4, 5 và 6. Nước thải của các hộ dân sống trong lưu vực, hầu hết đã được thu gom và đưa đi xử lý tại Nhà máy Xử lý nước thải đặt tại huyện Bình Chánh thay vì xả thẳng ra kênh Tàu Hủ-Bến Nghé như trước đây. Màu xanh trong của nước đang dần trở lại với Tàu Hủ-Bến Nghé. Đoạn đầu kênh, phần tiếp giáp với sông Sài Gòn đã bắt đầu có tôm, cá sinh sống.

  • Ảnh bên: Các nhân viên vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè phải làm việc cật lực để dòng kênh được sạch (Ảnh: Cao Thăng)

Thế nhưng, khi được hỏi về tính ổn định của sự thay đổi này, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông đô thị - đơn vị chủ đầu tư dự án Cải thiện môi trường nước, cho biết, Tàu Hủ-Bến Nghé không phải là con kênh độc lập mà ngược lại Tàu Hủ-Bến Nghé nối thông với nhiều kênh, rạch khác của thành phố. Tàu Hủ-Bến Nghé thông với kênh Đôi-Tẻ ở khu vực cầu Chữ Y và khu vực cầu Ngang. Tàu Hủ-Bến Nghé thông với kênh Tân Hóa-Lò Gốm ở khu vực quận 6. Cả kênh Đôi-Tẻ và kênh Tân Hóa-Lò Gốm đang bị ô nhiễm nặng nề. Dự án cải thiện môi trường lưu vực kênh Tân Hóa-Lò Gốm đang được Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TPHCM triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, dự án này mới trong giai đoạn chỉnh trang đô thị, lắp đặt hệ thống cống thu nước thải… Phần quan trọng nhất của dự án là nạo vét kênh, xây nhà máy xử lý nước thải, để nước thải được xử lý sạch trước khi đổ ra kênh, chưa được triển khai xây dựng. Việc cải thiện môi trường, nạo vét kênh Đôi-Tẻ gần như chưa có gì. Tiếp xúc và liên thông với hai con kênh ô nhiễm nhất, nhì thành phố, kênh Tàu Hủ-Bến Nghé dù đã được cải tạo song cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt trong những ngày mưa lớn, lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm vốn nằm ở phía trên lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé sẽ có cơ hội “đẩy” chất thải xuống cho Tàu Hủ-Bến Nghé.

Theo TS Hồ Long Phi, Phó Giám đốc Ban Điều hành chương trình chống ngập thuộc Trung tâm Chống ngập TPHCM, thật ra cả 5 lưu vực nêu trên của TPHCM đều liên thông với nhau. Do vậy, chuyện xảy ra ở lưu vực Tàu Hủ-Bến Nghé không phải là cá biệt. Hiện nay kênh Tham Lương-Bến Cát, một trong những con kênh đang bị ô nhiễm trầm trọng của thành phố cũng có một nhánh đổ nước ra sông Sài Gòn, sông Sài Gòn tiếp xúc trực tiếp với kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dù đã được nạo vét, làm sạch song hòa với nước sông Sài Gòn đang ô nhiễm, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Vốn và vấn đề đồng bộ

UBND TPHCM biết rất rõ thực trạng của 5 lưu vực kênh, rạch chủ lực của TP. Chính vì vậy, TP đang nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ nạo vét, cải thiện môi trường cho 3 lưu vực còn lại. Ngoài lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm đã có dự án cải tạo, lưu vực Tham Lương-Bến Cát cũng đang được TPHCM giao cho một ban quản lý thuộc Sở NN-PTNT triển khai cải thiện môi trường, nạo vét kênh. Riêng lưu vực kênh Đôi-Tẻ, TPHCM đang giao cho Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình Giao thông đô thị nghiên cứu lập dự án khả thi.

Tuy nhiên, như băn khoăn của ông Lương Minh Phúc, vốn là vấn đề nan giải hiện nay của TP trong công tác này. Ban quản lý Đầu tư Xây dựng công trình giao thông đô thị đang được UBND TPHCM giao nghiên cứu lập dự án cải tạo môi trường lưu vực kênh Đôi-Tẻ, song mới chỉ tính sơ khởi đơn vị đã thấy phải di dời gần 10.000 hộ dân cùng hàng ngàn cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác. Kinh phí cho riêng công tác đền bù giải phóng mặt bằng ít nhất cũng lên tới vài ngàn tỷ đồng, chưa kể tiền thi công, nạo vét, đặt cống thu nước thải và xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Nếu tính hết, tổng mức đầu tư có thể lên tới cả tỷ USD. Đây là một thách thức rất lớn đối với thành phố trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn.

Hiện nay đang có một phương án khác được nhắc tới như là một trong những hướng khả thi nhất trong việc giải bài toán kinh phí đầu tư cho thành phố. Đó là chia nhỏ dự án và giao thực hiện từng dự án nhỏ cho chủ đầu tư các công trình chỉnh trang đô thị dọc các lưu vực. Ưu điểm của giải pháp này ngoài việc giải bài toán vốn cho thành phố còn tạo được sự quan tâm của người dân, của các chủ đầu tư đến công tác bảo vệ các lưu vực kênh, rạch. Thế nhưng, hạn chế của nó chính là khả năng đầu tư của các chủ dự án chỉnh trang đô thị.

Nguyễn Khoa

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo