Ashui.com

Monday
Oct 07th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề

Khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề

Viết email In

Do công nghệ sản xuất ở các làng nghề trên địa bàn cả nước còn rất lạc hậu, quy mô theo hộ cá thể nên không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để đầu tư các công trình bảo vệ môi trường và xử lý ô nhiễm; đồng thời hệ thống các văn bản về quản lý môi trường làng nghề chưa cụ thể và phù hợp với đặc điểm sản xuất, nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở những khu vực này vẫn diễn ra nghiêm trọng kéo dài, nên cần phải có những giải pháp đồng bộ khả thi khắc phục và cải thiện hiệu quả.

Gây áp lực tới môi trường

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Môi trường, cả nước có khoảng 2.500 làng nghề, có hơn 1.200 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Trong đó làng nghề thuộc Đồng bằng Bắc Bộ chiếm tới 67,3%, chủ yếu là các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định...; khu vực Miền Trung chiếm 20,5%, số còn lại nằm trên địa bàn các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ...

Hoạt động của các làng nghề đã và đang gây áp lực to lớn đến chất lượng môi trường tại các khu vực làng nghề. Bởi phần lớn các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ, mặt bằng chật hẹp xen kẽ với khu dân cư; quy trình sản xuất thô sơ, lạc hậu, chủ yếu tận dụng sức lao động trình độ thấp, ít áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gây lãng phí tài nguyên và phát sinh nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, tác động trực tiếp đến môi trường sống, điều kiện sinh hoạt và sức khỏe của người dân.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng nông thôn như đường xá, cống, rãnh thoát nước thải không đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất, chất thải không được thu gom và xử lý, dẫn đến nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ để nhường chỗ cho mặt bằng sản xuất và các khu tập kết chất thải. Do đó, chất lượng môi trường tại hầu hết các khu vực sản xuất trong các làng nghề đều không đạt tiêu chuẩn. Có tới 95% người lao động có nguy cơ tiếp xúc với bụi, 86,9% tiếp xúc với nhiệt, 59,6% tiếp xúc với hóa chất.

Đặc trưng chất gây ô nhiễm trong nước thải của từng loại hình sản xuất của làng nghề bao gồm ô nhiễm chất thải hữu cơ do chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm.

Riêng tại làng nghề tinh bột Dưỡng Liễu, để mỗi năm sản xuất ra 52.000 tấn sản phẩm sẽ phải thải ra 3.050 tấn COD, 934,4 tấn BOD và 2.133 tấn SS.

Còn ô nhiễm chất vô cơ chủ yếu tập trung tại tại các làng nghề dệt nhuộm, thủ công mỹ nghệ và mây tre đan, tái chế giấy tạo ra nước thải có hàm lượng cặn lớn và chứa nhiều chất ô nhiễm như dung môi, dư lượng các hóa chất trong quá trình nhuộm, đánh bóng và tại các làng nghề tái chế, trong nước thải mạ và tái chế kim loại có hàm lượng kim loại nặng độc hại vượt quy định hàng chục lần.

Nỗ lực khắc phục

Thực hiện Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cho đến nay đã có 3 trên tổng số 15 làng nghề thuộc Quyết định 64 đã thoát khỏi danh sách không còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 12 làng nghề còn lại đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để.

Song để khắc phục và cải thiện môi trường làng nghề theo hướng bền vững và lâu dài, theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến thì “Không phải là công việc một sớm một chiều”.

Nguyên nhân trước hết là do hệ thống văn bản pháp luật về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường còn thiếu và chưa đồng bộ. Mặt khác, hệ thống quản lý nhà nước về môi trường cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cơ cấu tổ chức của hầu hết các Chi cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ bao gồm nội dung kiểm soát ô nhiễm, thẩm định và đánh giá tác động môi trường.

Trong khi đó, kiểm soát ô nhiễm mới chỉ tập trung kiểm tra, thanh tra, chưa thể hiện được nội dung khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Đặc biệt, nhận thức không đầy đủ của các cấp, các ngành và nhất là của người dân làng nghề về ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường.

Từ đó dẫn tới những việc làm chỉ coi trọng lợi ích cục bộ, lợi ích trước mắt về kinh tế mà thiếu chú ý đến lợi ích lâu dài. Chính vì vậy, ô nhiễm và suy thoái môi trường trong các làng nghề vẫn tiếp tục gia tăng.

Do đó, trong Dự thảo nội dung Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu những mục tiêu cụ thể như đến năm 2015 phải khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đối với 8 loại hình làng nghề điển hình đang gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

Bao gồm sản xuất và tái chế giấy, giết mổ gia súc, tái chế kim loại, dệt nhuộm, chế biến lương thực thực phẩm, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi, làng nghề chế biến đồ mỹ nghệ từ da, xương trâu bò.

Theo đó, Chương trình sẽ tiến hành xây dựng Dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho 6 loại hình làng nghề bao gồm 12 làng nghề thuộc Quyết định 64; đồng thời xây dựng thêm dự án thí điểm 2 loại hình làng nghề khác cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sau khi tiến hành kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các nội dung xử lý, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường, sẽ bàn giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quản lý và nhân rộng.

Theo tính toán của Tổng cục Môi trường, dự án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng, giai đoạn 2011-2015 được thực hiện trên địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế và thành phố Hà Nội, với tổng mức đầu tư lên 1.400 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương 600 tỷ đồng, vốn ODA 500 tỷ đồng, vốn từ tỉnh, thành phố 200 tỷ đồng và huy động từ doanh nghiệp và cá nhân 100 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản đóng góp thực hiện theo đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”./.

Văn Hào


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo